Lúa mùa
Làm ruộng là một nghề nghiệp lâu đời và trở thành nét đặc trưng của miền sông nước Nam bộ. Khi điều kiện khoa học kĩ thuật và giống chưa được như bây giờ, người nông dân miền Tây chỉ trồng một vụ lúa trong năm. Và cũng do mỗi năm, lúa chỉ được cấy một mùa như thế nên được gọi là lúa mùa. Lúa mùa gợi nhớ trong tâm thức những người miền Tây về buổi đầu khai hoang, mở đất thiếu thốn trăm bề.
Khi những cơn mưa già đổ xuống là thời điểm bắt đầu một vụ lúa mùa. Người nông dân luôn cố gắng chọn những giống lúa phù hợp với địa bàn mình ở để mạ đạt chất lượng tốt nhất. Những giống Nàng Tây, Đuôi Trâu, Tàu Binh chịu đựng với vùng An Giang, Châu Đốc, Đồng Tháp Mười nước ngập lút đầu, lút cổ. Còn giống Nàng Hương, Ba Bụi, Trắng Lùn, Trắng Lựa, Nàng Keo, Móng Chim sống hòa nhập nơi những vùng đất gò, đất cạn ở Rạch Giá, Sóc Trăng, Vĩnh Long.
Hạt gạo từ lúa mùa thường nhỏ, màu trắng đục do còn khoác bên ngoài một lớp cám lụa, hơi sần sùi chứ không bóng bẩy như hạt gạo bây giờ. Tuy nhiên chính vì những đặc điểm đó mà hạt gạo lúa mùa rất tốt cho sức khỏe, vì trong lớp vỏ cám có nhiều chất dinh dưỡng. Khi vo gạo, các bà mẹ thường chắt lại nước dùng để rửa chén, tưới rau hoặc cho trẻ nhỏ uống thay sữa, vô cùng bổ dưỡng.
Kiếp sống của lúa mùa tự nhiên đến độ gió thì lượt ngọn, mưa thì tắm mát, ngậm sữa làm gạo, nắng thì vàng bông, vàng hạt cho mùa màng bội thu. Đời lúa giản dị tựa như nếp sống của những người nông dân. Một nồi cơm lúa mùa dù đạm bạc cũng đủ mang lại sự yên vui, no ấm cho biết bao người.