Lau sậy
Ở miền sông nước Nam bộ, đi đâu cũng gặp lau sậy. Sậy mọc hoang đã từng gây rất nhiều khó khăn cho quá trình tìm đất cấy lúa, trồng khoai của người xưa. Thế nhưng với bàn tay và khối óc thông minh, người miền Tây đã biến sậy từ loại cây cỏ hoang dại trở nên hữu ích cho đời sống. Sậy gắn bó với cuộc sống người miền quê, đi cùng những tên làng, tên xã thân thương như: Tắc Sậy, Bãi Sậy, Đồng Sậy.
Cha ông ta từ ngày trước đã biết dùng sậy lợp nhà, dừng vách để che nắng che mưa. Trong những năm tháng kháng chiến, đặc biệt là trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước, những bờ lau sậy để từng che chở cho các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Theo thời gian, những mái sậy được thay bằng mái lá dừa nước, mái tôn nhưng sậy vẫn hiện diện trong mỗi ngôi nhà quê. Những thân sậy rắn rỏi, rám nắng kết lại thành những dãy hàng rào vững chắc, những viền cây uốn lượn duyên dáng nơi miền thôn dã.
Ở miền sông nước Nam bộ có rất nhiều dụng cụ để đánh bắt cá tôm ngoài tự nhiên, đăng sậy là một trong số đó. Người miền quê tay lấm chân bùn cần lắm những thân sậy rắn rỏi qua bao mưa nắng để đan thành những tấm đăng bắt cá.
Nội tôi nói dưới tán rừng U Minh này, cây nào dây nào cũng quý, nhưng chỉ cây sậy và dây choại mới có duyên với nhau. Vì chỉ có cây này mới bện với dây kia thành những tấm đăng để đặt đó xây nò. Dây choại mà ngâm xuống nước thì bện đăng bền chắc vô cùng.
Người miền Tây không xem sậy như một cỏ dại mọc hoang mà trân trọng, nâng niu như một loài cây đặc trưng của đất phương Nam. Sậy được con người quan tâm đến từng mùa, gắn bó thân thiết như một phần máu thịt quê hương. Sậy cũng ân tình, cũng thương người dân quê nhọc nhằn nên hiến dâng hết những tinh túy đời sậy. Biết bao mùa bầu, mùa bí, mùa mướp đắng đã bung củ trái ngọt dưới những dàn sậy mang theo niềm vui được mùa trên quê hương mình.