Top 9 Lưu ý quan trọng nhất về suy hô hấp
Suy hô hấp nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây ra các tổn thương ở não, thậm chí đe dọa tính ... xem thêm...mạng người bệnh. Chuyên gia khuyến cáo người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở đường hô hấp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy cùng Toplist tìm hiểu những lưu ý quan trọng nhất về căn bệnh này nhé!
-
Suy hô hấp là gì?
Suy hô hấp (tiếng Anh là Respiratory Failure) là tình trạng phổi không nhận đủ lượng oxy, hoặc sự tích tụ quá nhiều carbon dioxide làm hỏng các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này làm suy giảm oxy máu động mạch, kết quả làm chậm quá trình phân phối oxy đến các mô.
Hội chứng này được chia ra làm 2 loại cấp tính và mãn tính. Thông thường khi nhắc tới tình trạng suy phổi này, tức là người ta muốn nhắc tới tình trạng cấp tính. Suy hô hấp cấp được định nghĩa là sự rối loạn nặng nề của quá trình trao đổi oxy trong máu; áp lực riêng phần khí oxy trong động mạch giảm (PaO2) < 60 mmHg, áp lực riêng phần khí CO2 trong động mạch (PaCO2) có thể bình thường, giảm hoặc tăng.
-
Phân loại suy hô hấp cấp
GS.TS.BS Ngô Quý Châu cho biết, có rất nhiều cách phân loại hội chứng suy hô hấp cấp (Acute Respiratory Failure), gồm:
Theo vị trí
- Suy đường hô hấp trên
- Suy đường hô hấp dưới
Theo PaCO2
- Thiếu oxy máu
- Thừa carbon dioxide
Theo cơ chế gây bệnh
- Do hệ tuần hoàn như suy tim trái, thuyên tắc mạch phổi…
- Do hệ hô hấp như viêm phổi, phù phổi, xơ hóa phổi…
Theo thời gian
- Cấp tính
- Mãn tính
- Cấp trên nền mãn
Về cơ bản, 2 dạng của hội chứng suy hô hấp cấp và mãn tính là Hypoxemic và Hypercapnic. Cả 2 đều có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng và các triệu chứng thường xuất hiện đồng thời.
- Hypoxemic (loại 1): Khi cơ thể không thể nào nhận đủ lượng oxy vào máu và có thể gọi đây là tình trạng thiếu hụt oxy.
- Hypercapnic (loại 2): Khi cơ thể nhận quá mức lượng CO2.
- Suy hô hấp cấp tính: Đây là tình trạng khẩn cấp và cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
- Suy hô hấp mãn tính: Đây là tình trạng lâu dài, khó chữa và cần được theo dõi thường xuyên.
-
Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này gồm nguyên nhân ở phổi và nguyên nhân ngoài phổi.
Nguyên nhân ở phổi
- Sự mất bù cấp của suy hô hấp mạn: Một số yếu tố thuận lợi gây suy hô hấp cấp như nhiễm trùng phế quản-phổi, tắc nghẽn động mạch phổi, tràn khí màng phổi.
- Bệnh phổi nhiễm trùng: Xảy ra trên phổi của người khỏe mạnh thì chỉ gây suy hô hấp cấp khi nhiễm trùng phổi lan rộng ra nhiều thùy hoặc phế quản phế viêm do vi khuẩn, lao kê, nhiễm virus ác tính.
- Phù phổi cấp:
- Phù phổi cấp do tim: tăng huyết áp liên tục hay cơn tăng huyết áp, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, hẹp hở van động mạch chủ, hở van hai lá, bệnh cơ tim, hẹp van hai lá, tắc nghẽn động mạch phổi
- Phù phổi cấp trên tim lành: truyền dịch quá nhiều gây tăng áp lực mao mạch. Nguyên nhân thần kinh: chấn thương sọ não, u hay phẫu thuật tổn thương thân não, viêm não
- Phù phổi tổn thương: trước hết phải kể đến cúm ác tính do nhiều yếu tố: virus, yếu tố cơ địa, vì những thể nặng gặp chủ yếu ở người đã bị bệnh tim trái, hẹp hai lá, nhất là ở người già, phụ nữ có thai; ở trẻ em bị nhiễm virus nặng dưới dạng viêm tiểu phế quản-phế nang. Ít gặp hơn là do chất độc (heroin, oxyd carbon, nọc rắn độc), sốc nhiễm trùng, tắc mạch do mỡ, đuối nước, hội chứng Mendelson (hít phải dịch vị do ợ).
- Hen phế quản nặng: Đây là bệnh thường gặp, thường là do điều trị không đúng cách hoặc không kịp thời. Có thể do cơ địa bệnh nhân dễ bị hen phế quản nặng.
- Tắc nghẽn phế quản cấp: Bệnh này ít gặp, ở trẻ em có thể do dị vật, ở người lớn có thể do u, xẹp phổi cấp có thể do đặt nội khí quản.
Nguyên nhân ngoài phổi
- Thần kinh trung ương:
- Do tác dụng phụ một số thuốc: an thần, gây ngủ, gây mê;
- Trung tâm điều hoà hô hấp ở hành não bị tổn thương: chấn thương, bệnh lý mạch não, nhược giáp;
- Rối loạn hô hấp liên quan tới giấc ngủ: ngừng thở khi ngủ trung ương, hội chứng giảm thông khí do béo bệu;
- Tăng áp lực nội sọ;
- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương;
- Hội chứng giảm thông khí vô căn.
- Tắc nghẽn thanh - khí quản: Do u thanh quản, bướu giáp chìm, u thực quản , do nhiễm trùng như viêm thanh quản, uốn ván; do dị vật lớn;
- Tràn dịch màng phổi: gây suy hô hấp cấp khi tràn dịch cấp, lượng dịch tăng nhanh.
- Tràn khí màng phổi thể tự do: do lao phổi, vỡ bóng khí phế thũng, vỡ kén khí bẩm sinh, tự phát, vỡ áp xe phổi.
- Chấn thương lồng ngực: Gây gãy xương sườn từ đó gây tổn thương màng phổi và phổi
- Tổn thương cơ hô hấp: Nguyên nhân thường gặp là viêm sừng trước tủy sống, hội chứng Guillain Barré kèm liệt lên cấp Landry, uốn ván, rắn cắn, ngộ độc thuốc trừ sâu gốc phospho hữu cơ, bệnh nhược cơ nặng, viêm đa cơ.
-
Triệu chứng suy hô hấp thường gặp
Triệu chứng của suy phổi sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh; nồng độ oxy, carbon dioxide trong máu và quá trình tiến triển bệnh. Người bệnh có thể gặp các dấu hiệu bệnh ban đầu như khó thở hoặc thở nhanh, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Thông thường, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng sau:
- Nhịp thở: Thiếu oxy và/ hoặc tăng CO2 máu khiến bệnh nhân thở nhanh, tần số thở khoảng 40 lần/phút phối hợp với sự co kéo các cơ hô hấp, thấy rõ ở hõm trên xương ức và các khoảng gian sườn; ở trẻ em có thể kèm theo cánh mũi phập phồng. Trong những trường hợp có tổn thương do liệt (viêm đa rễ thần kinh, liệt tứ chi do tổn thương tủy sống, bệnh nhược cơ nặng...), tần số thở thường giảm, biên độ hô hấp yếu, bệnh nhân không ho được, do đó gây nên ứ đọng đờm dãi trong phế quản.
- Tím tái: đây là triệu chứng chủ yếu, xuất hiện ở môi, đầu ngón tay, chân, mặt hay toàn thân. Tím rõ hơn khi hemoglobin máu cao (trong suy hô hấp mạn); không thấy rõ tím khi thiếu máu nặng. Tím thường phối hợp với tăng khí carbonic máu, tím đi kèm giãn mạch ở đầu chi, đôi khi có vã mồ hôi.
- Triệu chứng tuần hoàn: mạch nhanh, có cơn tăng huyết áp và tăng cung lượng tim, có thể có loạn nhịp trên thất, giai đoạn sau huyết áp có thể hạ.
- Triệu chứng suy tim phải cấp tính: Đặc biệt thường gặp trong đợt cấp của suy hô hấp mạn. Triệu chứng chính là: gan to, phản hồi gan tĩnh mạch cổ (+), nặng hơn là tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên (ở tư thế 45), những triệu chứng này giảm khi suy hô hấp cấp giảm.
- Triệu chứng thần kinh tâm thần: Triệu chứng này chỉ gặp trong suy hô hấp cấp nặng; đó là trạng thái kích thích, vật vã, rối loạn tri giác như lơ mơ hay hôn mê .
-
Đối tượng có nguy cơ bị suy hô hấp
Hiện tượng suy phổi có nguy cơ cao xảy ra ở các nhóm đối tượng sau:
- Trẻ sinh non: Trẻ sinh non có nguy cơ bị suy phổi cao hơn những trẻ khác, nguyên nhân là do phổi trẻ chưa phát triển hoàn thiện, có nguy cơ tăng áp phổi và các dị tật bẩm sinh khác ở phổi.
- Người lớn tuổi: Người lớn tuổi cũng là đối tượng có nguy cơ vì sức đề kháng giảm sút, dễ bị cảm lạnh dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương ở ngực và phổi.
- Người thường tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại: Một vài công việc phải tiếp xúc với các chất kích thích như khói bụi, hóa chất, amiăng, thuốc nhuộm,… lâu ngày có thể gây tổn thương phổi, người bệnh dễ gặp các biến chứng nguy hiểm ở phổi, trong đó có hội chứng suy phổi cấp tính.
- Người hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích
- Người thường xuyên hút thuốc lá, hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) có nguy cơ mắc các bệnh lý ở phổi, làm tăng khả năng mắc chứng suy giảm chức năng hô hấp.
- Người sử dụng các chất kích thích, uống rượu bia quá nhiều có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh – cơ quan có vai trò kiểm soát hơi thở. Lúc này, người bệnh có thể thở chậm, hơi thở nông, dễ gặp các cơn suy hô hấp đợt cấp COPD.
- Người có tiền sử chấn thương ở đường hô hấp: Tình trạng suy giảm chức năng hô hấp có nguy cơ xảy ra ở những người từng gặp các chấn thương ở đường hô hấp như:
- Tình trạng khó thở, thiếu không khí đi vào phổi sau suy nhược do đột quỵ, hoặc do đường thở bị xẹp, thức ăn mắc kẹt làm tắc khí quản của người bệnh.
- Người bệnh mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến phổi như xơ phổi, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…
- Người bệnh mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ có nhiệm vụ kiểm soát hơi thở như bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), chấn thương tủy sống, đột quỵ…
- Người bệnh gặp các vấn đề ở cột sống, có thể ảnh hưởng đến xương và cơ dùng để thở như cong vẹo cột sống.
- Người bệnh gặp các chấn thương ở ngực và phổi, gây ra các tổn thương ở mô và xương sườn xung quanh phổi hoặc tổn thương trực tiếp lên phổi.
- Sử dụng quá liều các chất kích thích, rượu bia.
- Người bệnh hít phải những khí độc, chất thải độc hại.
-
Biến chứng của suy hô hấp
Suy hô hấp cấp tính có thể gây tử vong. Theo một bài thuyết trình Hiệp hội lồng ngực Hoa Kỳ, khoảng 360.000 người bị suy hô hấp cấp tính mỗi năm tại nước này. Khoảng 36% những trường hợp này tử vong trong thời gian nằm viện. Con số này có thể cao hơn tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Các tác giả của một nghiên cứu trong Đánh giá hô hấp ở châu Âu rằng những người có dạng suy hô hấp nặng nhất có tỷ lệ tử vong đến 42%.
Phần lớn người bệnh mắc suy hô hấp do đang điều trị các bệnh khác nên suy hô hấp làm nặng hơn các bệnh hiện tại và làm tăng các nguy cơ:
- Tạo cục máu đông: Khi người bệnh nằm lâu trong bệnh viện do đang thở máy có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt là ở các tĩnh mạch sâu ở chân. Nếu một cục máu đông hình thành ở chân, một phần của nó có thể vỡ ra và di chuyển đến một hoặc cả hai phổi và chặn dòng máu tới các mô ở phía sau của mạch máu, được gọi là thuyên tắc phổi
- Tràn khí màng phổi: Trong hầu hết các trường hợp suy hô hấp, người bệnh sẽ được sử dụng máy thở để tăng oxy trong cơ thể và đẩy chất lỏng ra khỏi phổi. Tuy nhiên, áp suất và thể tích không khí trong máy thở tạo ra có thể đẩy khí đi qua lỗ nhỏ ở bên ngoài phổi và khiến phổi bị tràn khí
- Nhiễm trùng: Do người bệnh thở máy được đặt trực tiếp ống thở vào trong khí quản, điều này cũng tạo điều kiện cho vi trùng dễ dàng xâm nhập hơn và làm tổn thương thêm cho phổi
- Trong xơ phổi: Mô ở giữa các túi khí bị sẹo và dày lên có thể xảy ra trong vòng một vài tuần kể từ khi bắt đầu bị suy hô hấp. Bệnh này làm cứng phổi và khiến oxy càng khó di chuyển từ túi khí vào máu.
Nhờ sự tiến bộ của các phương pháp điều trị đã tăng khả năng sống của người bệnh mắc suy hô hấp. Tuy nhiên, nhiều người còn sống có thể để lại những di chứng nghiêm trọng như:
- Vấn đề về thở: Nhiều người bị suy hô hấp phục hồi hầu hết chức năng phổi trong vòng vài tháng đến hai năm, nhưng cũng có những trường hợp thì không hồi phục hoàn toàn nên có thể bị khó thở trong suốt quãng đời còn lại. Ngay cả những người đã khỏe hoàn toàn nhưng vẫn có thể bị khó thở và mệt mỏi và có thể cần thở oxy ở nhà
- Rất nhiều người bệnh đã điều trị suy hô hấp cấp tính thành công và họ đã từng trải qua giai đoạn trầm cảm nhưng có thể điều trị được
- Vấn đề với trí nhớ và suy nghĩ: Thuốc an thần và lượng oxy trong máu thấp có thể dẫn đến mất trí nhớ và ảnh hưởng đến khả năng nhận thức sau khi mắc suy hô hấp. Trong một số trường hợp, các tác dụng phụ hoặc biến chứng này giảm dần theo thời gian, nhưng trong những trường hợp khác, có thể là mất trí nhớ vĩnh viễn.
-
Chẩn đoán suy hô hấp
Để chẩn đoán suy hô hấp cấp, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi thăm tình trạng bệnh sử của bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp. Dựa vào những triệu chứng bất thường ban đầu để cảnh báo nguy cơ hô hấp có thể xảy ra.
Các bước thăm khám, chẩn đoán sơ bộ bệnh suy hô hấp cấp:
- Kiểm tra màu da môi, ngón tay và ngón chân có xanh xao, nhợt nhạt hay không;
- Lắng nghe nhịp tim, kiểm tra nhịp tim bình thường hay bị rối loạn;
- Nghe phổi và kiểm tra những âm thanh bất thường khi thở; đồng thời kiểm tra ngực có di chuyển khi thở hay không;
- Đo oxy xung: Dùng một chiếc kẹp trên ngón tay để đo nồng độ oxy trong máu;
- Đo huyết áp, kiểm tra huyết áp người bệnh bình thường hay quá cao, quá thấp;
- Đo nhiệt độ cơ thể người bệnh để kiểm tra các dấu hiệu sốt nếu có.
Sau các bước thăm khám sơ bộ, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác nhất:
- Xét nghiệm khí máu động mạch: Thực hiện lấy mẫu máu từ động mạch của người bệnh, kiểm tra nồng độ oxy, carbon dioxide, pH, bicarbonate để xác định các vấn đề hô hấp nếu có.
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện nguyên nhân gây suy giảm chức năng phổi, cũng như tình trạng hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể.
- Kiểm tra mẫu máu, nước tiểu hoặc đờm của người bệnh, xác định có nhiễm vi khuẩn hay không.
- Nội soi phế quản: Kiểm tra tắc nghẽn phế quản, các khối u và những nguyên nhân khác gây suy phổi.
- Chụp X-quang ngực: Xác định các tác nhân ở phổi hoặc tim gây suy hô hấp.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Kiểm tra phổi và các hiện tượng viêm nhiễm, tổn thương nếu có.
- Điện tâm đồ (EKG hoặc ECG): Kiểm tra nhịp tim và hoạt động của tim.
- Siêu âm phổi: Kiểm tra tình trạng hoạt động của phổi.
- Sinh thiết phổi: Thu thập các mẫu mô phổi của người bệnh.
-
Điều trị suy hô hấp
Tùy theo tình trạng bệnh của từng bệnh nhân cụ thể mà phương pháp điều trị có thể là một hoặc nhiều biện pháp cùng một lúc. Các biện pháp điều trị suy hô hấp gồm có:
- Liệu pháp oxy: Bệnh nhân được cung cấp oxy thông qua một cái mặt nạ hoặc một ống với hai nhánh được đặt ngay hai bên mũi. Bệnh nhân có thể có một bình oxy di động để có thể đi ra ngoài cùng với nó.
- Máy thở: Bệnh nhân có thể cần sử dụng đến máy thở nếu liệu pháp oxy không cung cấp đủ oxy hoặc bệnh nhân không thể tự thở được. Chiếc máy thở sẽ giúp đẩy không khí vào phổi của bệnh nhân, để họ có được lượng oxy cần thiết mà không cần phải làm việc hít thở như bình thường. Chiếc máy cũng giúp làm giảm lượng carbon dioxide.
- Một số bệnh nhân có thể được đeo mặt nạ qua mũi hoặc miệng cùng với một cái máy CPAP (Continuous Positive Airway Pressure - máy áp lực dương liên tục) được sử dụng cho chứng ngưng thở khi ngủ.
- Mở khí quản: đây là một phẫu thuật, trong đó bác sĩ sẽ mở một đường vào ở cổ và khí quản để đặt một ống thông nhỏ, giúp cho việc thở dễ dàng hơn. Ống thông này có thể được kết nối trực tiếp với máy thở nếu như bệnh nhân cần đến máy thở trong hơn một hoặc hai tuần.
- Điều trị nguyên nhân: Khi đã xác định được nguyên nhân gây suy hô hấp, cần phải kết hợp điều trị cả tình trạng suy hô hấp và nguyên nhân gây ra nó. Tùy theo từng nguyên nhân mà sẽ có biện pháp điều trị thích hợp, như: sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, sử dụng thuốc làm tan cục máu đông, sử dụng thuốc giãn đường thở. Ống dẫn lưu lồng ngực để dẫn lưu máu hoặc không khí trong trường hợp bệnh nhân bị chấn thương gây tràn khí/ tràn dịch màng phổi.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng suy hô hấp là cấp tính hay mãn tính. Các trường hợp khác nhau không thể điều trị theo cùng một cách được.
Điều trị suy hô hấp cấp tính như sau:
- Đây là trường hợp bệnh nhân cần được đưa đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Nếu vấn đề được giải quyết, bệnh nhân có thể được ra viện sớm.
- Với các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt.
- Bệnh nhân có thể được điều trị bằng oxy, có thể cần tới một máy thở cho đến khi có thể tự thở được.
- Cùng với đó, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc và dịch để giảm bớt các triệu chứng và nguyên nhân gây ra suy hô hấp.
Điều trị suy hô hấp mãn tính như sau:
- Bệnh nhân có thể được chăm sóc liên tục tại nhà.
- Phương pháp điều trị thường là sử dụng các loại thuốc mỗi ngày.
- Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể cần đến điều trị bằng oxy.
Tình trạng suy hô hấp có thể khiến cho bệnh nhân khó ngủ, do đó họ có thể cần thêm sự trợ giúp vào ban đêm. Có nghĩa bạn có thể cần thêm một trong những máy thở nhỏ hơn như máy CPAP, nếu nghiêm trọng hơn sẽ cần dùng đến máy thở vào ban đêm.
-
Phòng ngừa suy hô hấp
Trên thực tế, không có cách nào để ngăn ngừa suy hô hấp. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ bị suy hô hấp bằng cách thực hiện một số điều sau đây:
- Tìm kiếm sự hỗ trợ y tế nhanh chóng cho bất kỳ chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh tật nào. Đồng thời phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Bỏ hút thuốc lá không chỉ bảo vệ hệ hô hấp của bản thân mà còn cho gia đình và những người xung quanh.
- Bỏ rượu. Uống rượu mãn tính có thể làm tăng nguy cơ tử vong và hạn chế chức năng hoạt động của phổi.
- Không nên tiếp xúc với những chất có nguy cơ gây dị ứng và hạn chế tiếp xúc với môi trường độc hại.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường chức năng phổi.
- Thiết lập thực đơn ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, kiểm soát cân nặng, cân bằng cảm xúc, hạn chế căng thẳng để có giấc ngủ chất lượng.
- Hãy chủng ngừa cúm hàng năm và chủng ngừa viêm phổi mỗi 5 năm. Điều này làm giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi.