Cu đơ cầu Phủ
Không phải là nơi xuất xứ, nhưng phường Đại Nài (thị xã Hà Tĩnh) là nơi giữ được cái tinh túy của kẹo cu đơ. Phường này nằm gần cầu Phủ nên đã hình thành một thương hiệu: "Cu đơ cầu Phủ".
- Chỉ có 154 hộ dân nhưng mỗi hộ dân là một lò nấu kẹo nên người ta gọi phường này là "Làng cu đơ". Đây là làng duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh được cấp giấy chứng nhận hành nghề thông qua "Chương trình phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ở miền Trung Việt Nam giai đoạn II". Vì thế ở làng này đã có một thư viện lớn trưng bày kẹo cu đơ qua các thời kỲ.
- Trước kia, kẹo cu đơ chỉ đơn thuần chỉ là mật mía và lạc thì giờ nguyên liệu vô cùng phong phú. Người làng này đã biết kết hợp một cách hoàn hảo giữa mật mía, đường, mạch nha, gừng, lạc và bánh tráng. Chính những thứ gần gũi đó đã tạo nên một hương vị độc đáo cho kẹo cu đơ. Kẹo cu đơ có một số làng chỉ nấu đường hoặc mật, còn lạc thì rang lên. Nhưng như thế thì không ngon. Lạc không cần rang mà phải phơi cho thật giòn. Theo quy trình, mật mía, đường, mạch nha trộn chung nấu trước, khi sôi mới đổ lạc vào. Đây là lúc khó khăn nhất vì cần phải khuấy đều liền tay, nếu không sẽ bị cháy dưới đáy nồi. Sau cùng mới bỏ gừng vào. Vào mùa nắng phải nấu đến 1 tiếng đồng hồ, gọi là nấu già, còn mùa mưa thì nấu non, chỉ cần 45 phút.
- Làng Đại Nài phất lên nhờ có thêm nghề tay trái, nghề nấu kẹo cu đơ. Dì Quế năm nay 53 tuổi. Dì mới nấu kẹo cu đơ được 4 năm, một ngày dì phải nấu tới 3 nồi. Mía, lạc, gừng đều tự trồng. Còn mạch nha và bánh tráng thì phải mua. Với nguyên liệu sẵn có như thế, số tiền lời dì kiếm được rất khá. Thấy dì kiếm tiền nhanh và đơn giản, anh em của dì trả bớt ruộng đất để đầu tư vào lò cu đơ. Và bây giờ, gia đình dì ai cũng được cấp giấy chứng nhận.
- "Làng cu đơ" trải dài từ bến xe Hà Tĩnh cho tới cầu Phủ. Những chuyến xe khách Bắc - Nam mỗi lần qua đây đều dừng lại để khách mua quà. Vào buổi sáng, ở làng này nhộn nhịp bán hàng cho khách vào Nam, ra Bắc. Thế nhưng vào buổi chiều thì khá im ắng. Vì thế, mỗi buổi chiều tàn, khi những đụn khói bắt đầu len qua những nóc nhà tranh thì ở phía tây cầu Phủ, người đi đường như bị níu kéo bởi mùi thơm của mật mía, đường, mạch nha, gừng hòa quyện vào nhau. Mùi dẻo quẹo của mật mía nguyên chất, mùi cay cay của gừng, mùi ngọt lịm của mạch nha khiến cho mọi người chỉ cần ngửi đã "say".
Người Hà Tĩnh xem kẹo cu đơ như như linh hồn của quê hương. Những gia đình có con đi làm ăn xa, cứ mỗi lần có người cùng quê vào thăm, nhất định họ phải gửi theo vài bịch kẹo. Nếu như lâu lâu không có ai về, họ sẽ gửi qua đường bưu điện. Ông Hùng, có 5 người con đều đi làm ăn ở trong Nam, cứ vài tháng ông lại gửi kẹo cu đơ cho các con. Ông bảo rằng, chúng nó đi gần 5 năm mà chưa về thăm quê, cứ sợ chúng quên. Ông phải gửi để nhắc nhở con cái.
Ban đầu nhìn thấy miếng cu đơ sần sùi, chẳng bắt mắt tí nào, ai cũng ngại ăn. Nhưng ai có "dũng cảm" nếm một lần sẽ không bao giờ quên. Lúc miếng kẹo hòa tan trong miệng, ta không thể phân biệt được có bao nhiêu thứ cấu thành. Tất cả là một cảm giác ngọt lịm trên đầu lưỡi, vị cay cay của gừng và chất bùi bùi của hạt lạc đọng lại mãi trong cảm giác. Kẹo cu đơ mang đậm dấu ấn của con người Hà Tĩnh, bên ngoài thì sần sùi chất phác, tên gọi thì dân dã, đơn sơ nghe đến nực cười nhưng bên trong là cả một nội lực tiềm tàng. Có phải đó là thứ để mà "Ai đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh!"