Điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng có sử dụng thuốc
Top 6 trong Top 10 Triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng
Các thuốc sử dụng trong điều trị loét dạ dày - tá tràng làm có khả năng làm giảm yếu tố gây loét, bảo vệ và làm liền ổ loét. Trong trường hợp dương tính với H.pylori, thuốc còn có tác dụng diệt trừ xoắn khuẩn.
Các thuốc sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh loét dạ dày - tá tràng gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): gồm Omeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole... Đây là nhóm thuốc hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, ức chế đặc hiệu và không hồi phục bơm proton nên làm giảm bài tiết acid do bất kỳ nguyên nhân gì. Thuốc tác dụng nhanh và hiệu quả hơn các loại thuốc khác. Chỉ cần dùng 1 liều, bài tiết acid ở dạ dày sẽ bị ức chế trong khoảng 24 giờ. Tỷ lệ liền ổ loét có thể đạt tới 95% sau 8 tuần điều trị
- Thuốc kháng receptor H2 - histamine ở dạ dày: gồm Cimetidine, Ranitidine, Famotidine... Thuốc có cấu trúc hóa học gần giống với histamine nên xảy ra cạnh tranh chiếm chỗ với histamine tại receptor H2 ở dạ dày, gián tiếp làm giảm bài tiết cả số lượng và nồng độ HCl của dịch vị. Thuốc ngăn cản bài tiết acid do bất kì nguyên nhân nào làm tăng tiết histamine tại dạ dày (căng thẳng kéo dài, thức ăn chứa acid mạnh...)
- Thuốc kháng acid: gồm Maalox, Gastropulgite, Phosphalugel... Thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị dạ dày, tạo điều kiện cho ổ loét liền sẹo và giảm nhanh cơn đau cùng các triệu chứng kèm theo
- Thuốc bao che niêm mạc dạ dày: gồm Teprenone, Sucralfate, Misoprostol... Nhóm thuốc này có khả năng kết hợp với chất nhầy của dạ dày tạo thành một lớp bảo vệ ổ loét vững chắc, ngăn không cho dịch vị ăn mòn niêm mạc. Đồng thời, thuốc cũng kích thích các tế bào của dạ dày sản xuất chất nhầy
- Thuốc kích thích sự tái tạo tế bào biểu mô phủ của niêm mạc dạ dày: nhóm thuốc này gồm các loại vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B12) và vitamin U. Các vitamin có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, điều hòa độ acid giúp cơ thể hấp thu nhanh các chất dinh dưỡng
- Kháng sinh diệt xoắn khuẩn H.pylori: khi đã xác định sự có mặt của H.pylori trong loét dạ dày - tá tràng, phải sử dụng các phác đồ diệt H.pylori để vết loét nhanh liền và tránh tái phát. Tùy theo từng phác đồ điều trị mà có thể sử dụng kết hợp nhiều loại kháng sinh với nhau. Đặc biệt, kháng sinh thường hoạt động kém ở môi trường acid, vì vậy cần phối hợp thuốc kháng sinh với thuốc ức chế bài tiết acid dịch vị, hiệu quả đạt tới 85 - 90%. Các kháng sinh diệt H.pylori phổ biến hiện nay gồm Amoxicilin, Clarithromycin, Tinidazole...
- Chất diệt khuẩn: sử dụng trong trường hợp loét dạ dày - tá tràng do nhiễm xoắn khuẩn H.pylori. Nhóm thuốc này gồm các muối Bismuth dùng dưới dạng keo (Colloidal Souscotrate Bismuth, Sous Salicylate Bismuth...). Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc đạ dày do tăng tiết dịch nhầy và ức chế hoạt tính của pepsin, kích thích tổng hợp prostaglandin, diệt xoắn khuẩn H.pylori. Đặc biệt, khi phối hợp với kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton, có thể đạt tới 95% diệt trừ được H.pylori
Điều trị bằng thuốc là phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất trong bệnh loét dạ dày - tá tràng. Tuy nhiên, để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng thuốc hay điều chỉnh liều, ngừng thuốc khi chưa hết đợt điều trị.