Viêm loét dạ dày - tá tràng là gì?
Loét dạ dày - tá tràng (phần đầu của ruột non) là tình trạng tổn thương mất tổ chức cấp hay mạn tính, tạo nên lỗ khuyết, ăn sâu qua lớp cơ niêm và tới lớp hạ niêm mạc hoặc sâu hơn nữa. Tùy theo vị trí của ổ loét mà bệnh có các tên gọi khác nhau, như: loét tâm vị, loét thân vị, loét hang vị, loét bờ cong lớn, loét bờ cong nhỏ, loét môn vị...
Loét dạ dày - tá tràng thường là loét mạn tính. Loét cấp tính chỉ xảy ra trong những điều kiện đặc biệt: uống nhầm acid, uống rượu quá mạnh... Nhưng đợt tiến triển cấp trên loét mạn tính là một biểu hiện thường gặp của bệnh.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, thường gặp ở tuổi thanh niên và trung niên. Nam bị nhiều hơn nữ. Loét hành tá tràng gặp nhiều hơn loét dạ dày. Xu hướng chung là các ổ loét vẫn tiếp tục tiến triển, do vậy một bệnh nhân đã một lần bị loét dạ dày - tá tràng sẽ rất dễ tái phát và trở thành loét mạn tính.
Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh lý tiến triển dần theo thời gian. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, ổ loét sẽ ăn mòn hoàn toàn lớp niêm mạc, cơ và thanh mạc. Khi thanh mạc dạ dày bị phá hủy, bệnh nhân có thể bị thủng dạ dày và xuất huyết tiêu hóa.