Top 10 Loài côn trùng độc nhất Việt Nam bạn cần biết
Tại Việt Nam, cũng giống như ở nhiều nơi trên thế giới, lớp côn trùng phát triển rất phong phú và đa dạng. Có những loài có ích cho con người, tuy nhiên cũng ... xem thêm...có nhiều loài gây hại và thậm chí có chứa chất độc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Hãy cùng Toplist tìm hiểu một số loài côn trùng độc nhất Việt Nam bạn nhé.
-
Rết
Rết là loài động vật thuộc lớp nhiều chân, thon dài, mỗi đốt có một đôi chân. Số lượng chân của mỗi loài rết rất đa dạng, từ dưới 20 cho đến trên 300 chân. Nơi sinh sống chủ yếu của chúng là những nơi tối tăm, ẩm thấp như nền nhà, cống rãnh, đường ống nước, thậm chí có thể là trong quần áo. Rết trưởng thành có màu nâu đỏ hoặc đen. Đây là loài côn trùng khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Khi rết cắn sẽ tiết chất độc qua hai răng phía trước, nọc độc rết làm vết cắn bị sưng tấy và đau nhức. Nếu bị nhẹ thì có một mẹo dân gian là dùng nước dãi gà để bôi lên vết thương. Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng sẽ kèm theo triệu chứng nôn mửa và sốt. Nguy hiểm hơn, nếu bị rết to với lượng chất độc lớn cắn, nạn nhân sẽ có các biểu hiện nghiêm trọng như chóng mặt, nôn, ù tai, co giật, trường hợp này cần khẩn cấp đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không xoa bóp vùng xung quanh vết thương vì việc này có thể khiến chất độc phát tán nhanh hơn. Nọc độc của rết gây tác động lên hệ thần kinh. Tuy nhiên, nọc độc của nó chỉ có tác dụng làm tê liệt hệ thần kinh đối với những loài côn trùng nhỏ, không đủ mạnh để gây chết người.
Hiện nay có 8.000 loài rết được biết đến trên thế giới, trong đó 3.000 loài đã được mô tả và được biết đến là một trong những loài săn mồi không xương sống to lớn nhất trên cạn và đóng góp đáng kể trong sinh khối của các loài săn mồi trong các hệ sinh thái trên cạn.
-
Bọ cạp
Bọ cạp là loài côn trùng chân đốt ăn thịt. Ước tính có khoảng 2000 loài bọ cạp trong tự nhiên đã được phát hiện và công bố trên toàn thế giới. Hiện tại, có hai loài bọ cạp phổ biến ở Việt Nam là loài bọ cạp đen và bọ cạp nâu. Thân bọ cạp được chia làm hai phần: phần đầu ngực (đốt thân trước), phần bụng (vùng thân sau). Phần bụng của bọ cạp gồm phần bụng dưới và đuôi. Phần đuôi của bọ cạp chính là bộ phận tấn công tiêm nọc độc của bọ cạp.
Nọc độc của đa số loài bọ cạp không có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng con người, tuy nhiên nó gây ra các phản ứng nguy hiểm như đau, sưng nề. tê cứng, hoại tử tế bào. Độc tố mà tất cả các loài bọ cạp đều có là độc tố thần kinh Chlorotoxin. Tùy vào lượng chất độc bị nhiễm vào cơ thể mà thời gian bị tê liệt của nạn nhân có thể khác nhau. Để hạn chế phản ứng nguy hiểm khi bọ cạp đốt, nạn nhân cần được chườm nước đá và phun thuốc chống đau lên vết đốt hay uống thuốc giảm đau có chứa Paracetamol. Đặc biệt đối với trẻ em và người dễ có phản ứng với vết đốt, nhất là ở mặt, cần phải đi cấp cứu ngay để được tiêm thuốc giải độc.
Bọ cạp có khả năng tự tái tạo, mỗi loài bọ cạp đều có con đực và cái riêng biệt. Bọ cạp sinh sản bằng cách chuyển bào tinh trùng từ con đực qua con cái. Bọ cạp được sinh ra từng con một và bám trên lưng mẹ cho tới khi chúng trải qua ít nhất một kỳ lột xác. Trước kỳ lột xác đầu tiên, bọ cạp con không thể sống sót nếu không phụ thuộc vào mẹ chúng. Tuổi thọ tối đa của bọ cạp vẫn chưa được xác định. Chúng có thể sống tối thiểu 4 năm và tối đa là 25 năm.
-
Ong vò vẽ
Ong vò vẽ có tập tính làm tổ lộ thiên, trên các cành cây, bụi cây, thậm chí làm tổ trong mái nhà. Khi bị ong vò vẽ đốt thì tùy thuộc vào số lượng vết chích mà nạn nhân có thể bị sốc phản vệ, suy gan, rối loạn đông máu, suy thận,… thậm chí tử vong. Nọc độc của ong vò vẽ chứa trong 2 tuyến nọc dẫn đến kim chích nằm ở cuối phần thân sau của ong. Khi chích, nọc này cắm sâu vào vết chích và truyền nọc nhanh chóng vào cơ thể nạn nhân. Vì vậy, sau khi bị ong chích, nạn nhân cần được rửa sạch những chỗ có vết chích với xà phòng hay dung dịch sát trùng và nếu có thể, dùng tay hoặc công cụ y tế để rút hết các vòi chích của ong ra. Để làm giảm đau và sưng, có thể đắp thêm khăn lạnh, chườm nước đá lên vùng sưng nề trong khoảng 15-20 phút.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng độc tính của ong vò vẽ vô cùng nguy hiểm, có thể dễ dàng gây tổn thương da, để lại vết thương sẹo ở vùng bị đốt, thậm chí gây tử vong. Vì thế, nạn nhân bị ong vò vẽ đốt cần được chú ý cho uống đủ nước và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất sau khi sơ cứu. Đặc biệt, không nên tự dùng thuốc dù là cổ truyền, dân gian hay tân dược, không dùng vôi để bôi vì không tốt nếu vết đốt nhiều, nhất là khi vết đốt ở mặt, cổ, miệng.
Ngoài nọc độc đáng sợ, ong vò vẽ còn nhiều điều thú vị, chẳng hạn như nghiên cứu cho thấy ong vò vẽ có thể ước lượng khoảng thời gian rất chính xác. Chuyên gia côn trùng đã quan sát thấy chúng thè lưỡi với nhịp điệu gần như hoàn hảo – một kỹ năng hữu ích trong tự nhiên khi thu thập mật hoa.
-
Kiến ba khoang
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm, có hai màu đỏ và đen. Về mặt khoa học thì kiến ba khoang không thuộc họ kiến, nhưng vì nhìn giống con kiến nên người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong.
Kiến ba khoang là một trong những loài côn trùng phổ biến ở Việt Nam, cả ở thành thị và nông thôn. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp chúng vào ban ngày, khi chúng bò quanh và giấu cánh tương tự như kiến thường. Khi gặp nguy hiểm, nó sẽ phản ứng bằng cách tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như bọ cạp. Bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên đất và cả mặt nước.
Ngoài độc từ vết cắn của kiến ba khoang có thể gây bỏng, gây vết thâm lâu dài trên da, chúng thường tiết chất dịch có thể làm tổn thương da nếu tiếp xúc. Trong cơ thể của loài côn trùng này cũng chứa chất cực độc Pederin, độc tính gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, may mắn là tuy độc tính cực cao, nhưng với lượng nhỏ và tiếp xúc ngoài da nên không đủ để gây nguy hiểm đến tính mạng người như nọc rắn. Chúng thường cư trú ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, công trình đang xây dựng, bãi rác thải. Loài này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, hay vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa với mật độ nhiều hơn so với các tháng khác trong năm. Đặc biệt, vì ưa ánh sáng đèn ban đêm, chúng sẽ bay vào nhà dân sau những cơn mưa vào ban đêm. Khi bị kiến ba khoang bám trên da, không nên dùng tay giết kiến mà khuyến cáo nên chỉ thổi kiến đi.
-
Nhện độc
Nhện danh pháp khoa học là Araneae, là một bộ động vật săn mồi, không xương sống thuộc ngành chân khớp, lớp hình nhện. Cơ thể của chúng chỉ có hai phần: phần đầu ngực và phần bụng, chúng có tám chân, đôi kìm có tuyến độc, miệng không hàm nhai, không cánh. Ngoài 150 loài nhện thuộc họ Uloboridae, Holarchaeidae và Mesothelae, tất cả các loài khác đều có khả năng tiêm nọc độc khi cắn hoặc do tự vệ hoặc để giết mồi. Tuy nhiên, chỉ có 200 loài có nọc độc gây hại cho con người.
Đa số nọc của các loài nhện độc trên thế giới là rất nguy hiểm và có thể gây tử vong cho nạn nhân. May mắn là các loài nhện ở Việt Nam không độc như nhiều loài nhện khác trên thế giới. Nạn nhân bị nhện độc cắn thường bị sưng viêm, đau nhức.
Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể có dị ứng, triệu chứng phát ban, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng,…nhưng không gây nguy hiểm tính mạng nạn nhân. Khi bị nhện cắn, bạn cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng, chườm lạnh và băng sạch vết cắn. Có thể dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
-
Bọ xít hút máu
Bọ xít hút máu có chiều dài từ khoảng 1-3,5 cm tùy thuộc vào còn non hay trưởng thành, phần bụng rộng và dẹp, đầu, thân và các phần phụ khác nhẵn hoặc có lông ngắn. Ở rìa thân có sọc màu vàng, thân có màu nâu đặc trưng, khác với các loại bọ xít khác có đủ màu xanh, đen, nâu... Loại bọ xít này thường đẻ trứng trên thành của giường, tủ hoặc dưới các đống gỗ ngoài nhà, trứng có kích thước khoảng 1-1,5 mm và màu trắng ngà.
Bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc các loài động vật, khi không có động vật để hút máu, chúng sẽ tìm đến người. Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu từ các khu nhà ẩm thấp, tối tăm đến những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Chúng thường sống ở giường, đệm, tủ, trên trần nhà, các khe nứt, dưới đống củi,… và có thể làm ổ cả ở trong hoặc bên ngoài nhà. Ban ngày chúng sẽ trốn vào các khe tối và chờ đến đêm mới hoạt động, nên đa số mọi người đều không biết rằng chúng tồn tại trong nhà mình.
Bị bọ xít hút máu người đốt rất nguy hiểm bởi những vết đốt của chúng có thể truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi vào cơ thể người, gây nên bệnh ngủ chaga. Căn bệnh này sẽ khiến nạn nhân rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ, mất khả năng miễn dịch. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây nghẽn mạch máu và dẫn đến tử vong khi đã trở thành mãn tính.
-
Ruồi trâu
Ấu trùng Ruồi trâu đặc biệt nguy hiểm với cơ thể người bởi khi xâm nhập và ký sinh trong cơ thể người chúng có thể di chuyển đến bất cứ đâu, từ những bộ phận quan trọng như mắt, tai người, thậm chí vượt qua hàng rào máu não và ký sinh trong não và giết chết vật chủ. Phần cơ thể bị ấu trùng ruồi trâu làm tổ sẽ bị sưng tấy, chảy mủ và đau nhức. Sau khoảng 8 tuần ký sinh ăn các chất dinh dưỡng, ấu trùng phát triển thành nhộng và đục một lỗ trên da người rồi bò ra ngoài. Nếu như bị ký sinh ở những cơ quan quan trọng, có thể phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Để xâm nhập vào cơ thể người, ấu trùng ruồi trâu có thể thông qua con đường gián tiếp nhờ vào các loài côn trùng. Đầu tiên, ruồi trâu cái đẻ trứng lên mình các loài côn trùng chân đốt chuyên hút máu (muỗi, bọ chét, bọ xít,...). Khi những loài trung gian này hút máu gia súc và con người, trứng ruồi trâu sẽ được đưa sang vật chủ.
Ngoài ra, ruồi trâu còn có thể đẻ trứng trực tiếp lên cơ thể vật chủ. Ấu trùng sẽ nở ra từ trứng ruồi, phát triển bên dưới lớp da vật chủ thông qua việc ăn chất dinh dưỡng trong cơ thể vật chủ.
-
Sâu róm
Các loài sâu róm vốn dĩ là ấu trùng của bướm. Không chỉ là một loài có hại đối với nông dân, chúng còn khá nguy hiểm nếu vô tình tiếp xúc phải. Chúng không có nọc độc, không hút máu hay đốt người nhưng lông gai của hầu hết các loài sâu róm sẽ tiết ra chất làm ngứa rát da người khi vô tình chạm phải.
Lông gai sâu róm có khả năng gây đau nhức dữ dội ở vùng da tiếp xúc, kèm theo triệu chứng nổi mề đay mẩn ngứa do dị ứng. Nghiêm trọng hơn là các nốt xuất huyết có thể xuất hiện trong vòng 2-3 giờ, thậm chí trong nhiều ngày. Ngoài ra, có thể có những triệu chứng khác bao gồm sưng hạch, sốt, đau nhức đầu, hạ huyết áp, co giật. Nguy hiểm hơn, nếu nạn nhân bị dị ứng nặng có thể dẫn đến tử vong.
Khi vô tình chạm phải hoặc bị sâu róm bám vào da, bạn cần cẩn thận dùng que lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai nếu có thể, rồi rửa sạch da bằng nước xà phòng hay dung dịch sát trùng, cuối cùng là đắp lạnh để giảm sưng và đau. Tuyệt đối không cào gãi nhiều lên vết ngứa bởi có thể làm lông và gai sâu róm đâm sâu vào trong da gây triệu chứng kéo dài và nguy hiểm hơn.
-
Muỗi vằn
Muỗi vằn với tên khoa học Ades aegypty là loài trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết chính ở nước ta. Tuy nhiên, vì nhiều người chưa hiểu biết rõ những nguy cơ, đặc điểm sinh sống, hoạt động của loài muỗi này có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, nên chưa tích cực phòng chống hoặc phòng chống chưa triệt để, hiệu quả.
Từ đó dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết hàng năm vẫn luôn thường trực và khó lòng ngăn chặn. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh vô cùng nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể phát triển thành dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc khiến cho công tác điều trị hết sức khó khăn, dễ dàng gây tử vong nhất là với trẻ em.
Muỗi vằn sống trong nhà, chủ yếu hút máu người để sống, mọi hoạt động trong vòng đời của chúng gắn liền với con người. Chúng tìm mồi liên tục, nhưng đặc biệt hoạt động nhiều vào sáng sớm và chiều mát, chúng chỉ đậu nghỉ khi no máu. Muỗi vằn thường đốt chích người cư trú trong nhà ở và chỉ trú đậu trong nhà, rất ít thấy muỗi tìm đốt người hay trú đậu bên ngoài nhà dân, trừ những khu rừng rậm ẩm thấp. Chúng đặc biệt thích đậu trên các loại vải màu tối đậm, nhiều lông tơ mịn như áo len, quần jean,... và những quần áo bẩn chưa giặt giũ.
-
Kiến lửa
Kiến lửa là những con kiến nhỏ màu vàng đỏ như lửa, hay đốt và đốt đau. Nếu bị gây hấn, chúng phản ứng rất dữ dội và có thể chích rất đau, tạo mụn mủ sau khoảng 48 giờ. Loài kiến này là loài dịch hại chính trong nông nghiệp và ở các khu đô thị, phá hoại mùa màng và tấn công các khu dân cư cả trong nhà và ngoài trời.
Kiến lửa không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn là nguyên nhân gây ra khoảng 80 cái chết trên toàn nước Mỹ, làm tiêu tốn khoảng 5 tỉ USD mỗi năm để chi trả cho các dịch vụ chăm sóc y tế, phục hồi hư hỏng, và kiểm soát sức tàn phá của loài côn trùng này. Kiến lửa đốt không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng sẽ gây cảm giác nhói buốt dai dẳng đối với người bị đốt và đây thật sự là một điều rất kinh khủng. Ngoài ra, nọc của một số loài kiến lửa có thể gây chóng mặt, thở gấp, hoa mắt hay sốc,… phụ thuộc vào hệ miễn dịch của người bị đốt.
Khi bị kiến lửa đốt, bạn cần làm dịu vết cắn bằng xà phòng và nước lạnh, sau đó dùng một cục nước đá chườm trong vòng 10 phút. Nếu vết đốt bị phồng rộp thì không được chọc vỡ, bạn cần lấy miếng gạc đặt nhẹ lên vì vết rộp vỡ có thể dẫn tới nhiễm trùng.