Top 10 Phương pháp sai lầm của cha mẹ khi nuôi dạy con trẻ

Khánh Bình Đinh Xuân 452 0 Báo lỗi

Làm ba mẹ, ai cũng sẽ thương yêu con cái hết mình và có khi nuông chiều con quá mức. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là những thiên thần nhỏ cần được sự quan tâm chăm ... xem thêm...

  1. Top 1

    Ép con ăn

    Nhiều bậc cha mẹ phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong việc ăn uống của con khi cho rằng điều quan trọng nhất là hôm nay con ăn được mấy bát thay vì quan tâm đến việc bữa ăn của con đã hợp lý hay chưa, có gây nguy hại gì về sức khỏe không. Ngoài ra, tâm lý truyền thống của các bậc cha mẹ là con phải béo, phải nặng cân mới là khỏe mạnh. Suy nghĩ này là vô cùng nguy hiểm bởi từ đó sẽ dẫn đến việc cha mẹ ép con ăn một cách thái quá, hệ quả là nhiều tác hại khác nhau từ việc con nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý, ám ảnh, sợ hãi về bữa ăn, thậm chí ảnh hưởng xấu tâm lý về sau. Ngoài ra, ép con ăn khiến trẻ ngày càng biếng ăn hơn, không phân biệt được lúc đói - no, tạo thói quen xấu cho trẻ khi ăn, chưa kể nguy cơ mắc nhiều bệnh do thừa chất, béo phì.


    Những sai lầm của người lớn khi cho trẻ ăn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ, kéo theo các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, trí tuệ. Một số hình thức “ép con ăn” phổ biến của các bậc cha mẹ là dụ dỗ bằng đồ chơi, điện thoại rồi chuyển sang dọa nạt hoặc thậm chí bóp miệng đút trẻ ăn... Những hành động này của người lớn chủ yếu nhằm giải tỏa tâm lý lo lắng, khó chịu của cha mẹ chứ không thực sự cải thiện được vấn đề ăn uống và dinh dưỡng của trẻ về lâu dài. Hậu quả nghiêm trọng hơn là trẻ sẽ dần ghét và sợ việc ăn uống. Vậy là cha mẹ đã vô tình ngày qua ngày tạo nên phản xạ tiêu cực đối với việc ăn uống ở trẻ - sợ hãi, từ chối và phản kháng. Một bữa ăn được nhiều không quan trọng bằng một nếp ăn lành mạnh lâu dài. Cha mẹ hãy giúp tạo cho trẻ thói quen ăn uống tập trung, tự lập, vui vẻ, theo nhu cầu và nỗ lực duy trì thói quen ấy...

    Ép con ăn
    Ép con ăn
    Ép con ăn
    Ép con ăn

  2. Top 2

    Thương cho roi cho vọt

    Nhiều bậc cha mẹ với suy nghĩ lạc hậu thường cho rằng “thương cho roi cho vọt” hoặc vì quá tức giận mà đánh con nhỏ không thương tiếc trong quá trình giáo dục con. Nhưng việc này sẽ có tác hại khôn lường, khiến trẻ vô cùng sợ hãi từ đó có suy nghĩ rằng cha mẹ không yêu thương mình và từ đó dần trở nên xa cách với cha mẹ. Nguy hiểm hơn, đã có không ít trường hợp trẻ nhỏ trở nên nhút nhát, tự kỷ, hay giật mình, gặp khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh vì bị đòn roi thường xuyên. Đó là lý do việc đánh đòn con là điều thật sự tối kỵ và cũng là một trong những sai lầm nghiêm trọng mà rất phổ biến khi nuôi dạy con mà bạn cần tránh bởi hậu quả của nó khó có thể lường trước được.


    Bao lâu nay, cha mẹ và thầy cô thỉnh thoảng vẫn dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ nhỏ. Họ nghĩ rằng chỉ có những biện pháp mạnh như vậy mới có thể răn đe con trẻ. Có người còn dẫn chứng rằng, những đứa trẻ bị đánh sau này lớn lên đều rất ngoan ngoãn và giỏi giang. Tuy nhiên, một báo cáo được công bố năm 2016, dựa trên 250 công trình nghiên cứu khác nhau, đã cho thấy các tác hại khôn lường mà việc trừng phạt thân thể đem lại cho trẻ. Trẻ em bị đánh thường sẽ trở nên cục súc hơn với bạn bè đồng trang lứa, bạo lực hơn trong các mối quan hệ, sẵn sàng bắt nạt người khác, thậm chí là chống đối lại cha mẹ. Roi vọt còn gợi tính “độc ác” trong con người bé khiến trẻ có thể ứng xử với những người xung quanh bằng hành vi bạo lực hoặc có xu hướng “nói dối” để tránh mắc lỗi và bị đòn. Nếu trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng bạo lực là cách tốt nhất để đạt được điều mình muốn, chúng sẽ bắt chước hành vi này... Bị phạt bằng đòn roi không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả nỗi đau tinh thần cho con. Thậm chí, điều này còn có thể dẫn tới các rối loạn hành vi, rối loạn lo âu, trầm cảm, ý nghĩ tự tử, nghiện rượu và thuốc, tự ti và sự bất ổn về cảm xúc...

    Thương cho roi cho vọt
    Thương cho roi cho vọt
    Thương cho roi cho vọt
    Thương cho roi cho vọt
  3. Top 3

    Khoe ảnh con lên mạng xã hội

    Các bậc cha mẹ đương nhiên luôn luôn tự hào về những thiên thần bé bỏng của họ và sẽ luôn muốn lưu giữ từng khoảnh khắc trong quá trình khôn lớn của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bạn nên thận trọng trong việc đăng những bức ảnh này lên mạng xã hội bởi việc này tiềm ẩn những nguy cơ không nhỏ mà các bậc phụ huynh không thể lường trước được. Với mỗi bức ảnh con mà bạn đăng lên mạng xã hội bạn đã vô tình cung cấp thông tin của con cho vô số các đối tượng trên mạng. Rất nhiều bậc cha mẹ không hề biết điều này và cũng không ngờ rằng mình có thể đang tiếp tay cho kẻ xấu làm hại con mình. Khi bạn đăng hình ảnh của con mình lên các trang như Facebook, bất kỳ ai trong danh sách bạn bè của bạn đều có thể dễ dàng tải những hình ảnh đó về máy tính hoặc thiết bị thông minh của họ. Những hình ảnh này có thể dễ dàng được chia sẻ và thay đổi bởi bất kỳ ai có chút kiến thức về máy tính.


    Đưa bản thân và con cái của bạn ra lên các trang mạng xã hội này khiến bạn trở thành mục tiêu mở. Khi nói đến những kẻ săn mồi, họ thích sử dụng một số mạng xã hội phổ biến, trong đó có Facebook, vì họ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mới. Sai lầm tệ hại nhất là bạn thường nghĩ rằng mình không thể nào là đối tượng của chúng. Những kẻ săn mồi săn lùng mọi tầng lớp, giới tính hoặc quốc tịch và mục tiêu dễ dàng là những người chúng theo dõi, theo Power Of Positivity. Các chuyên gia cho rằng rất nhiều bậc cha mẹ đang khoe ảnh con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ các thiết lập riêng tư, có nghĩa là cơ hội những tấm ảnh này rơi vào tay kẻ xấu là cao hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Và khi những bức ảnh này rơi vào tay không đúng người, hậu quả có thể rất khó lường.

    Khoe ảnh con lên mạng xã hội
    Khoe ảnh con lên mạng xã hội
    Khoe ảnh con lên mạng xã hội
    Khoe ảnh con lên mạng xã hội
  4. Top 4

    Áp đặt suy nghĩ của con

    Các bậc cha mẹ đôi khi có suy nghĩ rằng họ có nhiều kinh nghiệm sống và trong mắt họ thì con cái mãi mãi là những đứa bé. Vì thế, họ cho rằng những gì họ dạy bảo con trẻ là luôn luôn đúng và họ ép buộc trẻ phải làm theo ý mình mọi lúc, mọi nơi. Họ cho rằng như vậy là tốt cho con trẻ. Sự thật thì đây là một sai lầm phổ biến khác của các bậc cha mẹ, chính sai lầm này của bạn sẽ khiến trẻ trở nên căng thẳng, không thể vui vẻ, thoải mái để phát triển tốt khả năng của bản thân chúng và hòa nhập với thế giới xung quanh. Thêm vào đó, khi những áp đặt và ép buộc của bạn đạt đến “giới hạn" chịu đựng của các con, hậu quả sẽ rất khôn lường, trẻ có thể sẽ có hành vi chống đối và làm ngược lại với bất kỳ lời dạy bảo nào của bạn.


    Để trẻ có thể phát triển một cách bình thường, hãy luôn tôn trọng ý kiến của các bé, thường xuyên tâm sự, trao đổi với con trẻ về những vấn đề trong đời sống, hỗ trợ, tư vấn thay vì ép con lựa chọn, đưa ra quyết định đúng đắn, điều này sẽ giúp các bé phát triển tốt về thể chất và tinh thần, tăng cường tính tự lập, khả năng chịu trách nhiệm về những gì liên quan đến bản thân chúng. Đối với con cái, cha mẹ chính là những vị thầy đầu tiên, cũng là những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ. Cũng vì lẽ đó, biết bao người trẻ đang bị “mắc kẹt” trong chính tư tưởng của cha mẹ mình. Nhiều người làm cha làm mẹ thường cho rằng con cái và cha mẹ không thể “cá mè một lứa” và “trên bảo dưới phải nghe”.

    Áp đặt suy nghĩ của con
    Áp đặt suy nghĩ của con
    Áp đặt suy nghĩ của con
    Áp đặt suy nghĩ của con
  5. Top 5

    Nuông chiều con thái quá

    Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ rằng yêu thương con là phải chiều chuộng con, không để con động tay vào bất cứ việc gì, làm hết mọi việc cho con, chúng muốn gì được nấy… Ba mẹ nuông chiều con thường sẽ đáp ứng lại mọi yêu cầu, luôn khen ngợi sự tài năng và tốt đẹp ở bé. Thế nhưng, họ lại ít khi yêu cầu con làm gì cũng như không có tính kỷ luật và thiếu đi việc rèn luyện thói quen tự điều chỉnh của bé khi còn nhỏ. Hậu quả của việc này là trẻ lớn lên mà không thể tự lập, không biết làm việc gì từ việc lớn đến việc nhỏ bởi cha mẹ đã làm thay hết tất cả. Nguy hiểm hơn là việc trẻ có thói quen đòi hỏi điều gì mà không được đáp ứng thì có thái độ hờn dỗi, khóc lóc, tức giận, không nghe lời cha mẹ. Chính vì vậy, các bậc làm cha làm mẹ cần xác định yêu thương con không phải là nuông chiều con quá mức bởi đây là sai lầm tai hại sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng đối với trẻ.


    Bất cứ thứ gì quá nhiều cũng có tác động ngược lại. Cho con sự cưng chiều quá mức sẽ gây hại cho con. Khi lớn dần lên, trẻ sẽ yêu cầu nhiều hơn. Là ba mẹ, bạn cần quyết định thứ gì là đúng và phù hợp với con. Ba mẹ khoan dung sẽ không muốn con phải buồn nên thường sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của con, như thế sẽ khó xác định thứ gì cần và không cần thiết với con. Khi không có những quy định và nguyên tắc tại nhà, con cái sẽ không học được giá trị của thời gian. Chúng sẽ lười biếng và dành thời gian để xem phim hay chơi game trong thời gian dài. Khi ba mẹ quá dễ dãi, con cái sẽ là ba mẹ của bản thân chúng vì chúng có thể tự quyết định mọi việc cho mình. Con sẽ nhận ra rằng ba mẹ không muốn chúng buồn nên sẽ yêu cầu quá độ với ba mẹ...

    Nuông chiều con thái quá
    Nuông chiều con thái quá
    Nuông chiều con thái quá
    Nuông chiều con thái quá
  6. Top 6

    Bệnh thành tích - Áp lực học tập

    Nhiều bậc phụ huynh vẫn giữ tâm lý nặng về thành tích của con cái với thói quen “tra khảo” con hàng ngày về điểm số. Với những câu hỏi thường trực, “Hôm nay con được mấy điểm?”, “Bài kiểm tra con được bao nhiêu?” vô tình đã tạo nên áp lực không hề nhỏ đối với con trẻ. Không phải ai cũng biết cách xử lý, giáo dục phù hợp với tâm lý lứa tuổi, cá tính của con. Họ đơn giản quan tâm đến điểm số, thành tích. Và khi con không thể đáp ứng được, họ tạo áp lực nhiều hơn, ép con học nhiều hơn, với cường độ nặng nề hơn. Thậm chí, nhiều bậc cha mẹ không hề biết rằng, những câu hỏi về điểm số vô tình đã trở thành gánh nặng đối với con mình. Chương trình học nặng nề, phải đối mặt với bệnh thành tích ở trường học cũng không thể so sánh với nỗi sợ về kỳ vọng của chính cha mẹ.


    Tâm lý của bố mẹ luôn muốn con có một cuộc sống tốt đẹp, và luôn nói với con “bố mẹ làm tất cả là vì con”. Khi ước mơ của ba mẹ luôn muốn con mình thực hiện, dù không thành thì cũng ép để thành. Nhưng bố mẹ có biết rằng khi con thực hiện hóa ước mơ thì đó lại là những áp lực học tập và áp lực sống nặng nề cho độ tuổi teen? Hiện nay, tại Việt Nam bố mẹ luôn đầu tư cho con theo học tại các trường hàng đầu mà trước đây bản thân không có khả năng theo học. Luôn mong muốn con có thể đỗ vào các trường đại học danh giá, hàng đầu để sau này ra trường có công việc ổn định lương cao. Đó là mong muốn của bố mẹ chứ không phải của con. Có thể nói, áp lực học tập gây quá tải cho cơ thể đang phát triển của con bạn. Bên cạnh đó con bạn cũng có thể mắc nhiều bệnh như: đau dại dày, tiêu chảy, đau đầu,… Nhiều bạn trẻ còn ghét đến trường, ghét học tập khi bạn càng cố ép trẻ chúng sẽ nảy sinh suy nghĩ ghét luôn cả bố mẹ của mình...

    Bệnh thành tích - Áp lực học tập
    Bệnh thành tích - Áp lực học tập
    Bệnh thành tích - Áp lực học tập
    Bệnh thành tích - Áp lực học tập
  7. Top 7

    Dành quá ít thời gian cho con

    Áp lực cuộc sống, cơm áo gạo tiền là lý do khiến đa phần các bậc cha mẹ ngày nay khó dành thời gian quan tâm, chia sẻ đời sống với con cái mình. Có những người thậm chí không biết con mình đang học lớp mấy, thường làm gì, đi đâu. Thế nhưng mỗi khi có chuyện bất trắc ngoài ý muốn, họ thường khắt khe, tệ hơn là quy chụp mọi tội lỗi lên con trẻ, điều này là một trong những nguyên nhân khiến các bé dễ bị tổn thương tâm lý, rơi vào trạng thái trầm cảm. Cuộc sống hiện đại tất bật, trong gia đình, cha mẹ thường đi làm từ sáng đến tối trong khi con cái thì đi học đủ các buổi. Vì thế, mỗi bậc cha mẹ luôn phải tranh thủ bất cứ khoảng thời gian rảnh rỗi nào để dành cho việc quan tâm, chăm sóc hỏi han con, đặc biệt mỗi khi thấy trẻ có sự thay đổi về tâm lý, thể trạng. Bằng cách này, cha mẹ sẽ luôn là người có mặt kịp thời để can thiệp, giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong khi trưởng thành.


    Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, đây là mối quan hệ cha mẹ và con cái dựa trên sự cách biệt. Khi trẻ sống cách biệt với bố mẹ, như sống với ông bà, người giúp việc nhiều hơn với cha mẹ, tất sẽ hình thành nên khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái. Trẻ sẽ có xu hướng thu mình, ngại tiếp xúc với người khác, con cái trở nên xa lạ với bố mẹ hoặc nghe lời người giúp việc, ông bà hơn bố mẹ. Khi đó cha mẹ muốn áp đặt sự “chỉ huy” của mình sẽ vô hiệu. Các nghiên cứu quốc tế đã cho thấy rằng sự phát triển về tâm thần, thể chất và xã hội của trẻ em có liên hệ chặt chẽ với thời gian mà cha mẹ và những người chăm sóc trực tiếp khác dành cho chúng. Điều này có nghĩa là trẻ em là những người chịu nhiều mất mát nhất khi cha mẹ không dành đủ thời gian cho các em”- bà Maniza Zaman nói.

    Dành quá ít thời gian cho con
    Dành quá ít thời gian cho con
    Dành quá ít thời gian cho con
    Dành quá ít thời gian cho con
  8. Top 8

    Quát mắng con

    Khi con mắc lỗi, nhiều bố mẹ quát mắng để trấn áp, đe nẹt. Biện pháp này hoàn toàn sai lầm và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Tâm hồn trẻ thơ vốn dĩ rất mỏng manh, nhạy cảm và dễ dàng bị tổn thương, đặc biệt dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cha mẹ. Những câu nói khó nghe, lời chê bai, sự thờ ơ, lạnh nhạt của cha mẹ đối với các bé, chúng đều có thể cảm nhận và ghi nhớ rất lâu trong tiềm thức. Và đó khởi điểm suy nghĩ của chúng về hình ảnh của cha mẹ với những nét lệch lạc nhất định. Chính vì vậy, để trẻ lớn lên ngoan ngoãn, phát triển đúng cách, bạn tuyệt đối đừng bao giờ quát mắng, nói với trẻ những câu khó nghe như “Con thật ngu ngốc”, “Con chẳng được tích sự gì” “ Đừng làm phiền mẹ nữa”, “Con là đứa trẻ hư”,... Bởi đây là một sai lầm nghiêm trọng khi nuôi dạy con mà rất nhiều người đã gặp phải và khiến các bé trở nên gan lì, ít nghe lời và xa cách cha mẹ.


    Nhiều bố mẹ nghĩ rằng quát mắng có thể khiến con sợ, giúp giải quyết được vấn đề ngay lập tức cũng như ngăn chặn việc tái phạm lỗi. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu tâm lý, việc quát mắng chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể khiến con cư xử tồi tệ hơn, gây hệ lụy về lâu dài. Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái cho thấy, ở nhiều gia đình có con trên 13 tuổi, khi bị bố mẹ quát mắng, chúng thường phản ứng chống đối bằng cách gia tăng hành vi xấu. Việc bố mẹ thường xuyên quát mắng hay đưa ra các hình phạt khắc nghiệt có thể làm thay đổi cách phát triển não bộ của con. Đó là bởi con người xử lý thông tin và sự kiện tiêu cực nhanh chóng, triệt để hơn thông tin tốt... Ngoài việc cảm thấy bị tổn thương, sợ hãi hoặc buồn bã khi bị bố mẹ quát mắng, con trẻ có thể gặp phải các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành...

    Quát mắng con
    Quát mắng con
    Quát mắng con
    Quát mắng con
  9. Top 9

    Dọa nạt con

    Người lớn đôi khi dọa nạt trẻ nhằm mục đích buộc các bé phải ngoan ngoãn. Tuy nhiên, đôi khi sự dọa nạt này trở nên “quá đà” và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn non nớt của trẻ, khiến trẻ sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí bị ám ảnh. Ví dụ trẻ nhỏ chạy vào phòng tối không có ai thì ngay lập tức sẽ bị dọa: “có con ma trong đó”, “vào đấy con ngáo ộp bắt”... Người lớn đôi khi không hề biết rằng chỉ vì những câu nói thoáng qua của họ đã vô tình ảnh hưởng xấu đến tâm trí con trẻ. Khi nói xong người lớn sẽ quên đi, nhưng trẻ nhỏ thì sẽ ghi nhớ nó như một nỗi ám ảnh. Từ đó, trẻ luôn sợ hãi, bất an, không dám khám phá và vui chơi. Nếu cha mẹ lạm dụng việc dọa nạt trẻ quá nhiều, trẻ sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh, dẫn đến tự kỷ.


    Dọa nạt trẻ một cách vô thưởng vô phạt thực sự là một điều tồi tệ chứ không đơn giản là chuyện vụn vặt đời thường. Việc dặn dò, cảnh báo để trẻ tự bảo vệ tránh những nguy hiểm là điều cần thiết. Nhưng, nhiều bố mẹ đã lạm dụng việc hù dọa con thông qua các nhân vật không có thật hoặc các clip rùng rợn phát tán trên mạng xã hội đã làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hạn chế khả năng chủ động trong cuộc sống của một đứa trẻ sau này. Bản tính nhút nhát, luôn lo lắng, hồi hộp khi tiếp xúc với người lạ cũng là hệ quả của môi trường sống trong bảo bọc và những lời hù dọa của bố mẹ. Việc dọa nạt trẻ em không phải mới. Xưa cha mẹ vẫn dọa ma, dọa bị ông "ba bị" bắt khi con trẻ lười ăn hay khóc để dỗ trẻ. Nhưng giờ đây, việc hù dọa vô căn cứ để buộc trẻ nghe theo lời bố mẹ không chỉ dừng lại ở những câu chuyện như vậy mà còn nảy sinh nhiều câu chuyện rùng rợn hơn thông qua các phương tiện điện tử.

    Dọa nạt con
    Dọa nạt con
    Dọa nạt con
    Dọa nạt con
  10. Top 10

    Không làm một người chồng/ vợ tốt

    Cách thức mà cha mẹ đối xử với nhau là vô cùng quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ ở một đứa trẻ, đặc biệt là trong độ tuổi trẻ đang lớn. Nếu cha mẹ đối xử không tốt với nhau, chọn cách giải quyết mọi việc bằng cách gào thét vào mặt nhau hay sử dụng bạo lực, đồng nghĩa với việc các bạn đang dạy con mình cách giải quyết tương tự. Con trẻ thường học bằng cách quan sát bố mẹ làm hơn là nghe lời nói suông. Vậy nên những người làm cha mẹ cần phải biết cách đối xử với nhau bằng tình yêu và sự tôn trọng, để đứa trẻ cảm nhận được giá trị và tình cảm gia đình, giúp bé cảm thấy gia đình là một tổ ấm an toàn cho bé. Trên thực tế, con cái không phải cứ cho học trường tốt, đắt tiền thì sẽ được giáo dục tốt nhất mà nền tảng giáo dục tốt nhất để dành cho con cái chính là "chồng yêu vợ". Sự tu dưỡng phẩm hạnh của cha mẹ sẽ quyết định họ sẽ nuôi dạy con thành người như thế nào; và biểu hiện của con trẻ sẽ phản ánh lời nói và hành động của cha mẹ.


    Trong một gia đình, sự quan tâm của người chồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng và suy nghĩ của trẻ trong tương lai. Con trẻ giống như một tờ giấy trắng, hành vi vô ý thức giống như vết bẩn, một khi bị vấy bẩn sẽ rất khó xóa bỏ. Giáo dục bằng tình yêu mới là hình mẫu lý tưởng nhất. Bởi lẽ, cha mẹ cãi nhau, con cái ở giữa sẽ rất khó khăn, con cái phát triển trong một gia đình cha mẹ luôn cãi vã lạnh nhạt với nhau sẽ trở nên mềm yếu, không có niềm tin vào tình yêu thương của gia đình. Gia đình hòa hợp sẽ đem lại niềm vui và sự an tâm cho con trẻ, cha mẹ yêu thương nhau là một sự giáo dục giúp con trẻ phát triển lành mạnh. Vì vậy khi người chồng yêu vợ, chở che lẫn nhau, gia đình hòa thuận, thì con cái mới được trưởng thành trong môi trường có tình yêu lành mạnh. Mai này lớn lên các con cũng sẽ gieo trồng tình yêu trong gia đình mới của mình.

    Không làm một người chồng/ vợ tốt
    Không làm một người chồng/ vợ tốt
    Không làm một người chồng/ vợ tốt
    Không làm một người chồng/ vợ tốt




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy