Hoành thánh
Văn hoá Hội An là sự giao thoa và kết hợp từ nhiều nền văn hoá khác nhau, trong đó văn hoá Đại Việt vẫn giữ vai trò chủ đạo. Ngoài thể hiện qua các phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, tín ngưỡng - tôn giáo… nét đặc sắc và đa dạng trong văn hoá Hội An còn thể hiện qua ẩm thực. Hội An có nhiều món ăn nổi tiếng lâu đời, có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó nổi bật có thể kể đến hoành thánh. Hoành thánh hay còn gọi là vằn thắn, mằn thắn là một món ăn có xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và hiện khá phổ biến tại nhiều nước Á Đông. Cách gọi “hoành thánh” hay “vằn thắn” bắt nguồn từ âm Quảng Đông. Khi dịch ra âm Hán Việt, “hoành thánh” là “vân thôn”, có nghĩa là “nuốt mây”. Một viên hoành thánh gồm hai phần: phần vỏ và phần nhân. Phần vỏ được làm từ bột mì. Phần nhân thường làm từ thịt heo, tôm, mộc nhĩ, hành lá… Tất cả thái nhuyễn và trộn đều với nhau. Khi trộn, người ta sẽ ướp thêm gia vị gồm tiêu, muối, đường…
Để có được viên hoành thánh, người ta trải miếng vỏ ra, cho một ít nhân vào giữa rồi gói lại. Hoành thánh có hai cách chế biến phổ biến là hoành thánh nước (có thể ăn cùng với mì) và hoành thánh chiên. Mỗi cách chế biến mang đến hương vị thơm ngon riêng. Hoành thánh Hội An được biết đến là một món ăn nổi tiếng tại Hội An. Món ăn này thường được bán vào đầu giờ chiều, là món ăn lót dạ cho du khách trước khi họ có thời gian thưởng thức món chính vì vậy hoành thánh có hương vị rất thanh nhẹ. Cái tên hoành thánh có vẻ đã quen thuộc với rất nhiều người tuy nhiên hoành thánh ở Hội An lại mang những nét riêng mà không nơi nào có được. Hoành thánh ở Hội An được làm từ bột mì, tôm cùng với trứng gà, khi ăn thì sẽ được cho thêm nước dùng có thơm mùi dứa, cà chua và nấm rơm rất là hấp dẫn. Nhìn thôi, chỉ ngửi mùi hương thanh nhẹ của nó thoáng qua thôi là đã không thể kiềm chế được bản thân mình rồi. Đừng bỏ lỡ món hoành thánh này khi tới Hội An nhé.