Top 10 Sai lầm khi nuôi con nhỏ các bà mẹ hay mắc phải nhất
Nuôi con là một hành trình yêu thương với nhiều cung bậc cảm xúc và cũng là một hành trình gian nan, vất vả. Các mẹ cứ loay hoay với vô vàn kinh nghiệm nuôi ... xem thêm...con được truyền đạt từ ông, bà, cha, mẹ và những người đi trước. Hoặc tham khảo cách chăm con trong sách, vở, trên internet...Thế nhưng có những điều rất đỗi bình thường lại là những sai lầm mà các mẹ không thể tưởng. Bài viết này sẽ chỉ ra 10 sai lầm khi nuôi con nhỏ để các mẹ cùng biết.
-
Nghe lời thiên hạ
Chăm sóc, giáo dục con cháu trong gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, mỗi thế hệ lại có quan điểm và cách thức khác nhau trong việc nuôi, dạy trẻ. Chăm sóc, giáo dục theo phương pháp truyền thống hay hiện đại luôn là câu hỏi khó trong mỗi gia đình. Xã hội vẫn luôn xem trọng những gia đình nhiều thế hệ. Trong đó, kinh nghiệm sống của ông bà là điều quý giá để duy trì các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Tuy nhiên, để lựa chọn được những kinh nghiệm quý báu, kết hợp với kiến thức khoa học mới, đúng đắn thì cần có sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên. Bởi mục tiêu chung vẫn là xây dựng gia đình đầm ấm, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho con trẻ.
Với những ai lần đầu làm mẹ thì thật sự lời khuyên của những bậc tiền bối là vô cùng hữu ích. Khi các mẹ suốt ngày phân vân không biết làm như thế này đã đúng chưa? Hay xử lý thế nào khi con biếng ăn, hay quấy khóc? Và các mẹ hồ hởi khi thiên hạ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng hết cách này đến cách khác mà đâu vẫn hoàn đấy. Điều tốt nhất là các mẹ hãy làm theo trực giác của chính mình, lời khuyên thì hữu ích thật nhưng quyết định của mẹ là quan trọng nhất và chỉ có mẹ mới thật sự hiểu bé muốn gì và cần gì.
-
Không dành thời gian làm điều mình muốn
Khi con ra đời, bố mẹ nào cũng sẽ thấy mình bắt đầu mất kiểm soát cuộc sống. Ví dụ, mẹ muốn đi tắm cho khuây, nhưng con lại thức giấc và khóc ré lên. Đó không phải là điều gì tồi tệ như thể đến ngày tận thế, nhưng nếu nó cứ liên tục xảy ra và kéo dài trong một thời gian không biết chừng nào chấm dứt thì từ mệt mỏi, nó sẽ tích tụ và làm cho mẹ cảm thấy như bị vắt kiệt sức. Điều đó rất khó chịu. Trong khi đó, người mẹ cũng có những nhu cầu của riêng mình. Thế nhưng, khi nghĩ một chút cho bản thân, các mẹ lại bắt đầu thấy cảm giác tội lỗi và những người khác cũng nghĩ rằng mẹ ấy đang phóng đại vấn đề của mình. Họ có thể lập luận rằng, xưa các bà còn không có máy giặt, vẫn phải nuôi con, chăm con đấy thôi.
Sinh con xong, nghỉ thai sản hoặc ở nhà nuôi con, nhiều mẹ nghĩ sẽ còn rất nhiều thời gian nên cứ tranh thủ nghỉ ngơi cho đã. Đừng lầm tưởng nhé các mẹ, thời gian sẽ qua rất nhanh và việc chăm sóc một đứa trẻ thật sự rất bận rộn với trăm công việc không tên và mẹ sẽ không có nhiều thời gian làm điều mình muốn hay chẳng có lúc nào ngó ngàng đến chính bản thân.
Chăm con khiến bạn bận rộn, “quên” chăm sóc bản thân mình. Và có lẽ nó còn kéo dài đến khi đứa trẻ 4-5 tuổi. Quả thật, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bên cạnh việc chăm lo gia đình nhiều phụ nữ tài năng còn phải lo cho sự nghiệp, kinh doanh và phát triển thương hiệu cá nhân. Không những thế, với những bà mẹ sau sinh việc suốt ngày ở nhà chăm con cùng núi công việc dường như chẳng bao giờ xong, các mẹ quên luôn việc bản thân mình cũng cần được nghỉ ngơi và chăm sóc. Thế nhưng việc quản lí thời gian sao cho hiệu quả cũng là một trong những điều bất cứ ai cũng phải học hỏi. Bí quyết là: Hãy xem việc chăm sóc bản thân hay dành thời gian yêu thương bản thân, là điều ưu tiên phải thực hiện mỗi ngày.
Đừng bao giờ ngược đãi bản thân và biến mình thành một bà mẹ bỉm sữa chính hiệu lúc nào cũng đầu bù tóc rối. Mỗi ngày dành chút ít thời gian khi bé yêu ngủ để thư giãn và làm việc mình thích như nghe nhạc, đọc sách chính là điều khôn ngoan. “Cam kết” dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, chăm sóc da, nghe một bản nhạc yêu thích… và duy trì nó mỗi ngày bạn sẽ dần nhận ra việc dành thời gian cho bản thân không hề khó và tốn nhiều thời gian như bạn nghĩ! -
Không chia sẻ với bạn đời
Kết hôn là xác định sống với nhau cả đời. Vậy tại sao không cùng nhau tạo nên một cuộc sống thoải mái, bình yên? Chứ nếu cứ kiểu tra tấn tinh thần nhau, không sớm thì muộn hai người cũng không chịu nổi mà ly hôn. Duy trì, vun đắp sở thích chung là một bí kíp dành riêng cho các cặp đôi hạnh phúc. Khi vợ chồng có thể chia sẻ cùng nhau những thú vui, đam mê và không ngừng khám phá ra thêm điều mới mẻ thì chắc chắn cuộc hôn nhân của họ sẽ mãi bền vững theo thời gian. Không phải cặp đôi nào cũng có những đam mê, hứng thú như nhau, nhưng điều quan trọng là các bạn phải biết tôn trọng lẫn nhau.
Áp lực, lo lắng khi nuôi con khiến nhiều mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi và bận rộn nên chẳng còn thời gian nghĩ tới đức lang quân. Như thế thì thật bất công với các ông bố đấy các mẹ. Thật ra khi lên chức bố, đàn ông cũng có nhiều suy nghĩ và lo lắng về vai trò mới của mình. Hãy sắp xếp thời gian rảnh rỗi hoặc cuối tuần để cùng chồng hâm nóng tình cảm. Không cần đến những thú vui xa xỉ, chỉ cần được ở bên nhau và cùng nhau thưởng thức một bộ phim lãng mạn cũng đủ làm cho hai người thêm gần gũi.
Hiện nay không ít cặp vợ chồng vì quá bận rộn với công việc hay các mối quan hệ riêng mà quên đi những điểm hấp dẫn của người bạn đời. Cuộc sống vợ chồng sẽ nhanh chóng tẻ nhạt nếu chúng ta không biết vun đắp và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Hãy cùng nhau trao đổi và tìm ra các sở thích chung để hai người luôn có nhiều khoảng thời gian hạnh phúc bên nhau. Và bên cạnh tảng băng nổi về sự hòa hợp về cảm xúc, bạn hãy chia sẻ với bạn đời những khó khăn vất vả trong chặng đường làm mẹ, để cần thiết cần có sự hiện diện của anh ấy trong đoạn đường này.
-
Ôm đồm quá nhiều công việc
Trong những mỹ từ được cho là đẹp đẽ thường dùng để nói về người phụ nữ, tôi sợ nhất là từ “hy sinh”. Trong văn thơ từ trước tới nay, đức hy sinh được ca ngợi như một phẩm chất quý giá cần có của người phụ nữ đúng chuẩn theo quan niệm truyền thống và dĩ nhiên vẫn vắt sang xã hội hiện đại. Trong những cơ quan nhà nước danh hiệu cao quý nhất được trao cho chị em phụ nữ: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nếu xét duyệt một cách nghiêm túc tôi thấy những người phụ nữ nhận được danh hiệu này quả thực đúng là… siêu nhân. Gánh nặng việc công họ mang nặng nề chẳng kém đàn ông và lại còn phải gánh thêm phần “đảm việc nhà”, quả thực phải có ba đầu, sáu tay mới đủ.
Nhưng họ không biết rằng một gia đình hạnh phúc, một xã hội văn minh không bao giờ nên được xây dựng trên sự hy sinh của bất kỳ ai, huống gì là sự hy sinh của một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Những gì cả hai làm cho nhau khi yêu, khi xây dựng một gia đình nên là sự đồng tình từ hai phía. Đừng tạo áp lực cho đối phương bởi sự hy sinh của bạn và cũng đừng khiến ai phải vì mình mà hy sinh. Yêu thương nên là điều nhẹ nhõm nhất trong đời, đừng khoác lên nó bài tính khổng lồ giữa cho và nhận. Tôi rất thích một câu nói đã được đọc ở đâu đó từ rất lâu: Trong một gia đình, người mẹ hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc. Sự yên ấm của một mái nhà nên do mọi thành viên cùng vun đắp, chứ không phải dựng nên từ sự hy sinh của người vợ, người mẹ.
Các mẹ hãy luôn nhớ rằng bên cạnh mình còn có ông xã hoặc người thân. Đừng ôm đồm quá nhiều việc. Hãy làm những việc bạn ưu tiên trước và cảm thấy cần thiết như chăm con, dậy con học... sau đó hãy nghĩ tới những việc khác như nhà cửa, quần áo, dọn dẹp cái bàn, chăm con gà con chim. Cảm thấy quá vất vả, thì đừng ôm đồm bạn nhé. Nó sẽ làm bạn đi vào mớ hỗn độn không thể giải thoát.
-
Quá bao bọc con
Cha mẹ bảo vệ con lúc còn nhỏ nhưng không thể bao bọc con cả đời. Khi con lớn lên, cha mẹ già đi các con cần tự đi trên đôi chân của mình. Nhưng không để con tự lập có thể dẫn đến việc con quá phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng thậm chí không biết làm việc nhà, không thể chăm sóc bản thân, không thể tự học tập hay đưa ra chính kiến của mình. Cho nên cha mẹ hãy để cho con tự quyết định mọi thứ, để con tự lập tránh phụ thuộc cha mẹ khi lớn lên. Việc cha mẹ bao bọc con quá mức có thể khiến các con mất cân bằng về các hành vi khi lớn lên. Một là các con có xu hướng sợ hãi mọi thứ. Chúng sợ đi một mình, sợ những rủi ro mình có thể gặp phải khi làm một việc gì đó. Thứ hai là các con cũng có thể sẽ nổi loạn làm những việc mà mình chưa từng làm để chứng tỏ bản thân, trong đó có những việc nguy hiểm hoặc bị cấm.
Thông thường những cha mẹ nào hay bảo vệ con quá mức thì con sẽ thiếu những kỹ năng để bảo vệ bản thân. Chúng dường như chỉ phụ thuộc vào bố mẹ về mọi thứ, kể cả khi bị bắt nạt. Ví dụ như ở lớp hay ở trường có bạn lấy bút hay lấy đồ dùng của con nhưng con không thể phản ứng lại và chỉ biết về mách cha mẹ. Hơn nữa, các nhà khoa học đã phát hiện ra những đứa trẻ lớn lên từ gia đình có bố mẹ che chở thái quá thường thiếu tự tin và cũng thiếu tự trọng. Chúng dường như không tự tin để làm bất cứ điều gì và khái niệm tự trọng cũng không có. Trẻ thiếu đi khả năng bảo vệ cái tôi, bảo vệ bản thân mình dẫn đến việc ai cũng có thể bắt nạt được.
-
So sánh con mình với con người khác
Nhiều ba mẹ muốn con thay đổi tốt hơn nên đã so sánh con với người khác. Nhưng dù đó là anh chị em của bé hay con của người bạn. Việc so sánh sẽ khiến bé thấy bị tổn thương lòng tự trọng và cảm thấy mình thật kém cỏi. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhiều hơn là tích cực. Một trong những lý do bạn không nên so sánh con mình với những người khác là sẽ chạm vào lòng tự trọng của bé. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi liên tục bị so sánh với người khác? Lòng tự ti ở trẻ xuất phát từ thời thơ ấu. Vì vậy đừng làm cho trẻ cảm thấy chúng đang thua kém người khác. Bạn không muốn làm trẻ tự cao và kiêu ngạo, nhưng cũng đừng làm trẻ cảm thấy vô dụng và vô giá trị.
Mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có tài năng và sở thích riêng. Điều này dễ dàng lý giải khi một đứa trẻ có năng khiếu âm nhạc, còn đứa khác thì không. Đứa trẻ không có năng khiếu âm nhạc có thể giỏi thể thao hoặc ham đọc sách. Chẳng có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện. Hãy để trẻ phát triển sở thích và khả năng của mình. Hãy để trẻ cảm thấy rằng chúng không cần phải giống với người anh chị em, hoặc con của một người bạn của cha mẹ chúng. Việc so sánh con với những người khác có nguy cơ khiến trẻ tự thấy mình kém cỏi. Theo thời gian, con bạn sẽ nghĩ rằng nó thật sự kém cỏi và sẽ tin vào điều đó. Trẻ sẽ nghĩ rằng tại sao phải cố gắng khi mình sẽ không thành công? Như vậy trẻ sẽ luôn tin rằng mình kém cỏi và thất bại.
-
Không ngủ đủ giấc
Ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Ngủ chiếm 1/3 thời gian của cuộc đời mỗi người. Trong khi ngủ cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày và quá trình tăng trưởng cơ thể. Nó giúp não bộ sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ dài hạn của não bộ. Điều này cực kỳ cần thiết để cho cơ thể phát triển và thích nghi với môi trường sống.
Những hậu quả lâu dài về sức khỏe sẽ vượt xa những lý do làm bạn ngủ ít đi. Ngủ thêm 2 tiếng mỗi đêm không chỉ cải thiện sức khỏe nói chung mà còn có thể thấy những thay đổi đáng kể về sức khỏe tinh thần nói riêng. Tối ưu hóa thời gian đốt cháy chất béo, thời gian để nạp năng lượng và tự sửa chữa là 2 trong số rất nhiều lợi ích của việc ngủ đủ giấc. Cơ thể bạn sẽ cảm thấy rất biết ơn bạn nếu bạn ngủ đủ mỗi ngày. Mặc dù bận rộn, nhưng mẹ hãy tranh thủ ngủ bất cứ lúc nào có thể để lấy lại năng lượng chăm sóc bé yêu. Cũng để đảm bảo sức khỏe cho bản thân để tinh thần luôn thoải mái không bị mệt mỏi hay cáu gắt. -
Vung tay quá trán
Lần đầu tiên làm mẹ, bạn rất có thể sẽ choáng ngợp khi nhìn thấy đồ sơ sinh cho bé bởi đồ dùng dành cho trẻ sơ sinh có rất nhiều, kể cả về kích cỡ, màu sắc. Chúng trông rất đáng yêu và khó có thể cưỡng lại để không mua cho bé yêu của mình. Tuy nhiên, mục đích của bạn là mua sắm những đồ sơ sinh cần thiết cho bé và tránh các đồ dùng có thể gây cho bé sự khó chịu hoặc mua phải những đồ bé không dùng tới. Vì thế bạn phải xem xét đến tất cả các yếu tố như sự mềm mại, an toàn cho bé, độ bền… sau cùng mới là sự dễ thương, đáng yêu của những đồ dùng đó.
Việc mua sắm cho bé yêu cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Vì lòng thương con, vì thói quen mua sắm hay vì sự mê hoặc khó cưỡng của các sản phẩm quần, áo, giày, dép... thì các mẹ hãy tiết chế lại. Mẹ nên lập danh sách những thứ thật sự cần thiết, và cũng mua vừa đủ thôi vì bé yêu sẽ lớn rất nhanh đấy. Khi chọn mua quần áo cho bé bạn nên mua quần áo kích cỡ gấp 1,5 đến 2 lần so với số tháng tuổi của bé, ít nhất là đến khi bé được 2 tuổi. Nếu bạn nhìn thấy đồ cho bé dễ thương mà mua quá nhiều các size 0 - 3 tháng thì quả thực sẽ rất lãng phí với nhu cầu của bé. Bé sẽ không thích như vậy đâu!
-
Không lưu giữ khoảnh khắc cho con
Chụp ảnh không còn là việc xa lạ trong những chuyến du lịch và đời thường, để một ngày nhìn lại ta thấy một khoảng đời thanh xuân. Ròng rã trên những nẻo đường, hình ảnh sống động và đẹp nhất được ghi lại bằng đôi mắt và cất giữ tại kho tàng ký ức. Nhưng cuộc sống lẫn cuộc đời có vô vàn ký ức bắt con người phải ghi nhớ và đón nhận. Đôi mắt trong vô thức suốt hàng chục năm xuân xanh ghi nhớ biết bao thước phim đời, để rồi khi chững lại con người không biết giữa vô vàn ngăn tủ ký ức phải mở ngăn nào để nhớ lại điều cần nhớ, thương lại điều đã từng say mê.
Bé yêu sẽ lớn rất nhanh mà mẹ thì không thể nhớ hết những khoảnh khắc ngộ nghĩnh, đáng yêu của con cũng như từng cột mốc phát triển của con. Lưu giữ hình ảnh của con, viết nhật ký... là điều mẹ nên làm để có kỷ niệm cho bé yêu khi bé trưởng thành. Không cần phải đến lúc bé mặc quần áo đẹp hay tạo dáng bạn mới nên chụp ảnh. Những pose ảnh tự nhiên, đời thường được chụp ngẫu nhiên sẽ có thể trở thành khoảnh khắc ấn tượng nhất về thời thơ ấu của con yêu. Bé của bạn sẽ rất muốn biết món đồ chơi yêu thích lúc nhỏ của mình trông ra sao. Hãy giúp bé không lãng quên bạn gấu bông hay cô búp bê đáng yêu bằng cách chụp ảnh khoảnh khắc con đang vui sướng bên cạnh món đồ chơi bé yêu thích.
-
Quát mắng và cấm con thể hiện cảm xúc
Người lớn thường ghét nhìn thấy con mình khóc lóc, tức giận, ném đồ chơi. Vì vậy, cha mẹ thường không kiềm chế được cảm xúc mà la hét hay quát mắng trẻ. Nếu bạn quát mắng con với mong muốn làm thay đổi hành vi của con thì bạn nên dừng lại ngay vì không hiệu quả đâu. Khi con người cảm thấy tức giận, áp lực, não sẽ tiết ra hoocmon cortisol, kích hoạt phản ứng “chiến hay chạy” (fight or flight). Đây là phản ứng sinh lý tự nhiên khi trung tâm nhận thức của não đóng cửa và trung tâm cảm xúc chiếm lĩnh hoàn toàn. Đó là lý do khi chúng ta quát mắng trẻ, có 2 khả năng xảy ra, 1 là chúng đóng băng luôn và không làm gì, phớt lờ lời nói của bố mẹ, 2 là chúng sẽ phản ứng lại bằng cách hét lên, nổi cơn tam bành. Và cả 2 cách này đều không phải cách tốt để kiểm soát cảm xúc tiêu cực.
Nhưng việc nhận thức sự thiếu hiệu quả của việc quát mắng thường ko giải quyết được vấn đề. Vì hiếm bố mẹ nào lấy việc quát mắng con làm phương pháp giáo dục cả. Đa phần chúng ta mắng con không phải để dạy, mà là để được giải tỏa cơn tức giận, là phản ứng của chúng ta với những gì không như ý. Do vậy, thay vì quát và bắt con ngừng khóc, bạn nên cố gắng tìm ra vấn đề nằm ở đâu.Việc quát mắng trẻ khi trẻ khóc hoặc bực tức là một điều không tốt bởi cảm xúc tiêu cực cần phải được giải tỏa. Đây là nền tảng của sức khỏe tâm lý. Khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực là một điều cần thiết đối với người trưởng thành. Trẻ sẽ cần điều này trong tương lai. Vì thế, hãy để chúng phát triển đúng hướng ngay từ khi còn nhỏ.