Google +FacebookTwitterTumblrPinterestInstagramLinkedInFlickrEmailWhatsAppPrint

Top 10 Làng nghề mang đậm màu sắc và hương vị Tết nhất tại Hà Nội

Bình An 1338 0 Báo lỗi

Tết đến cũng là dịp các làng nghề hoạt động mạnh mẽ nhất trong năm nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và chơi tết của người dân. Bạn có biết ở Hà Nội có những làng ... xem thêm...

  1. Top 1

    Làng đào Nhật Tân

    Hoa đào là thú chơi tao nhã và không thể thiếu của người Việt Nam trong Tết cổ truyền. Những cành đào tươi thắm xuất hiện trong mỗi gia đình vào dịp Tết đến, xuân về mang lại sự ấm cúng, gieo vào lòng người niềm vui, niềm tin yêu, hi vọng vào một năm mới an khang thịnh vượng. Không ai không biết đến làng đào Nhật Tân. Sở dĩ đào Nhật Tân nổi tiếng bởi vì nơi đây cho ra đời những cây bích đào có bông đỏ thắm, nụ to, cánh dày, vô cùng đẹp mắt.


    Nằm ở quận Tây Hồ, làng đào Nhật Tân là một trong những vựa hoa nổi tiếng và lớn nhất miền Bắc. Cứ đến gần Tết, các vườn đào trong làng lại tấp nập khách đến xem hoa, chọn hoa và rất nhiều cô gái mặc áo dài đã đến đây để chụp ảnh. Đào Nhật Tân dưới bàn tay khéo léo của người dân đã được tạo đủ thế, đáp ứng nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Ở đây cho ra đời những cành đào giá bình dân cho đến những gốc đào cổ có giá cả trăm triệu đồng.


    Đến với làng đào Nhật Tân, chắc chắn bạn sẽ phải choáng ngợp trước khung ảnh đào nở rộ nơi đây. Những người chủ vườn sẽ dẫn bạn đi tham quan, tư vấn cho bạn mẫu cây ưng ý nhất.


    Địa chỉ: Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội

    Những cánh đào Nhật Tân khoe sắc chào đón mùa xuân về
    Những cánh đào Nhật Tân khoe sắc chào đón mùa xuân về
    Cận cảnh làng đào Nhật Tân lớn nhất cả nước
    Cận cảnh làng đào Nhật Tân lớn nhất cả nước

  2. Top 2

    Làng hương Yên Phụ

    Tết về không chỉ qua những cành đào, cây quất, nồi bánh chưng thơm phức. Tết còn về khi ta ngửi thấy mùi hương thơm ấm áp. Làng hương Yên Phụ quận Tây Hồ (Hà Nội) là một trong những làng nghề làm hương lâu đời. Theo các cụ già trong làng kể lại thì làng nghề này có từ thế kỉ 13 và phát triển cho đến tận bây giờ.


    Những ngày tháng giáp Tết, đi trên đê Yên Phụ, nhìn xuống thấy những cánh đồng hương trải dài thật thích mắt. Những bó hương sau khi được đóng gói sẽ được chuyển đến các chợ và cửa hàng để phục vụ cho người dân thắp Tết.


    Quy trình làm hương Yên Phụ rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ngày trước thì đều phải làm bằng tay, phải túc trực từng nén hương một. Nhưng bây giờ, làng nghề cũng đã có thêm máy móc để hỗ trợ các quá trình tạo nên hương. Điều đó cũng giúp người làm hương đỡ vất vả hơn và năng suất cũng cao hơn nữa.


    Điều quan trọng là chọn được nguyên liệu tốt để làm hương. Hầu hết đều lấy từ gỗ tùng, có mùi thơm tự nhiên. Sau đó, trải qua quá trình pha chế thì mỗi nhà sẽ có tạo ra một mùi hương riêng biệt, đặc trưng. Hương Yên Phụ khi xuất ra thị trường đều được đông đảo người dân mua về dùng trong các dịp lễ, tết. Tết này, thắp nén hương thơm cúng ông bà tổ tiên thì thật là ấm cúng, thể hiện sự thành kính của con cháu hướng đến cội nguồn.


    Địa chỉ: Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội

    Sân phơi hương của làng hương Yên Phụ
    Sân phơi hương của làng hương Yên Phụ
    Làng hương Yên Phụ
    Làng hương Yên Phụ
  3. Top 3

    Làng gốm Bát Tràng

    Tại làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), cách trung tâm thành phố khoảng 14km, nơi đây nổi tiếng với nghề làm gốm, đã có thương hiệu từ 500 năm nay. Đến mảnh đất gốm này, chúng ta cảm thấy vô cùng thú vị khi bắt gặp những bình hoa, chậu gốm được trưng bày khắp ngõ ngách trong làng, hay những bức tường phơi than thật thú vị. Ghé thăm xưởng gốm trong làng, chúng ta được tìm hiểu các công đoạn sản xuất ra bình hoa, ấm chén hay các bức tượng sặc sỡ sắc màu.


    Chợ gốm là điểm đến ấn tượng nhất, ở đây tập trung hàng trăm cửa hàng san sát, bày biện vô số những món đồ gốm khác nhau, tha hồ được sờ, được ngắm từ đồ gia dụng như chén bát, bình vại, lọ hoa cho đến các bức tranh treo tường, chuông gió và vòng cổ… Hay những sản phẩm với chủ đề dân gian như lão nông, con trâu, Thị Nở – Chí Phèo từ tượng to cho đến tượng nhỏ, sống động như thật.


    Làng gốm Bát Tràng được mở họp trong khu vực sân kho của xã từ nhiều năm nay và khu chợ mở cửa đón khách tham quan, mua sắm đủ cả các ngày trong tháng. Khu vực chợ lúc nào cũng tấp nập người ra vào, điều đó cho thấy được sự hấp dẫn của làng nghề này đối với du khách. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết, lượng khách đổ về chợ lại đông hơn không chỉ để tham quan, mà còn mong muốn có thể chọn cho mình những món đồ ưng ý để chơi Tết.


    Địa chỉ: Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội

    Làng gốm Bát Tràng
    Làng gốm Bát Tràng
    Làng gốm Bát Tràng
    Làng gốm Bát Tràng
  4. Top 4

    Làng hoa Tây Tựu

    Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây, làng hoa Tây Tựu từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận. Những ngày cận Tết Nguyên đán, cả một làng hoa rực rỡ muôn màu với đa dạng những loại hoa khác nhau. Mỗi loại đều mang một vẻ đẹp khác nhau, tạo nên một không gian lộng lẫy đón tết về.


    Nhiều năm nay, làng hoa Tây Tựu luôn là nguồn cung cấp các loại hoa tươi cho thị trường hoa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mỗi dịp Tết đến xuân về luôn là dịp làm ăn phát đạt của nhiều gia đình tại đây.


    Chỉ còn gần 1 tháng nữa là bước sang năm mới, nên các gia đình tại đây đang rất hối hả chăm sóc cho các loài hoa để có thể đưa ra thị trường những loài hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất. Các loại hoa chủ yếu phục vụ Tết gồm: hoa ly, hoa đồng tiền, hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược, hoa lay ơn,...Hoa được trồng quanh năm, nhưng để phục vụ hoa cho thị trường Tết, có những loài hoa được trồng từ tháng 9, và được người dân chăm sóc rất cẩn thận.


    Địa chỉ: Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

    Làng hoa Tây tự tất bật trước Tết
    Làng hoa Tây tự tất bật trước Tết
    Làng hoa Tây Tựu hối hả đón xuân
    Làng hoa Tây Tựu hối hả đón xuân
  5. Top 5

    Làng mứt Xuân Đỉnh

    Bánh kẹo, mứt là những món quà vặt không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền ở Việt Nam. Tại Hà Nội, làng nghề Xuân Đỉnh thuộc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được nhiều người biết đến với truyền thống sản xuất kẹo mứt phục vụ cho Tết Nguyên Đán từ bao đời nay. Mỗi năm, chỉ riêng tại đây đã cung cấp hơn 600 tấn mứt kẹo cho thị trường. Điều đặc biệt ở đây chỉ làm mứt kẹo vào khoảng tháng 1 dương lịch, gần sát Tết cổ truyền. Vào những ngày này, chỉ cần đứng ở đầu cổng làng thôi cũng có thể ngửi thấy mùi thơm phức của mứt kẹo mới ra lò. Mứt Xuân Đỉnh luôn đem đến hương vị Tết cổ truyền quen thuộc trong từng nếp nhà.


    Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là những loại mứt truyền thống như: mứt bí, mứt dừa, mứt gừng,... Nhưng để phù hợp với sự đa dạng về sở thích của người tiêu dùng nên tại đây cũng sản xuất thêm các loại mứt trái cây như: quất, cà chua, lê, sầu riêng,...


    Tại làng mứt Xuân Đỉnh, quá trình sản xuất hầu như được làm thủ công nên vẫn giữ được hương vị tự nhiên của các nguyên liệu. Tùy vào công thức gia truyền của từng nhà mà các loại mứt sẽ có những hương vị khác nhau nhưng nhìn chung mứt Xuân Đỉnh có vị đặc trưng rất riêng so với nhiều loại mứt công nghiệp trên thị trường. Tuy bao bì đơn giản nhưng mỗi sản phẩm luôn đem đến hương vị truyền thống, nếu đã thưởng thức thì khó có thể mua mứt kẹo ở nơi khác.


    Địa chỉ: Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội

    Mứt dừa dai giòn, thơm ngon
    Mứt dừa dai giòn, thơm ngon
    Mứt cà rốt ngọt ngào, đẹp  như một bông hoa xinh xắn
    Mứt cà rốt ngọt ngào, đẹp như một bông hoa xinh xắn
  6. Top 6

    Làng lụa Vạn Phúc

    Một làng nghề không thể không nhắc tới khi đến với Hà Nội đó là làng lụa Hà Đông hay còn gọi là làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Thời gian trở lại đây, khi đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước khung cảnh chưa từng có nơi đây. Phố Lụa - con đường trục chính dẫn vào làng rực rỡ sắc màu với hơn 1.000 chiếc ô được treo rợp trời. Đây chính là điểm nhấn những người dân nơi đây muốn gửi tới du khách, như một cách quảng bá hình ảnh của làng nghề lụa Vạn Phúc.


    Từ đầu làng đi vào, dọc hai bên đường là những gian hàng lụa san sát với đủ các thể loại quần áo, túi xách, vải kiện bằng tơ tằm như vân, sa, quế, lụa sa tanh hoa, đũi… đủ màu sắc, hoa văn bắt mắt. Tại đây chúng ta có thể tham quan xưởng dệt, được tìm hiểu quy trình để tạo ra những tấm lụa mềm mịn, từ công đoạn như khâu tơ, hồ sợi, khâu dệt đến khâu nhuộm… Mỗi khâu đều phải tiến hành theo những quy định khá nghiêm ngặt. Hơn thế nữa đến đây, chúng ta không chỉ được xem, chọn mua những tấm lụa óng ả, mát lạnh mà còn được thăm chùa làng và đình làng, nơi thờ phường cửi và thờ Đức Thành Hoàng Làng.


    Tết đến, xuân về, du khách đến thăm làng lụa Vạn Phúc sẽ không khó để tìm kiếm cho mình một tà áo dài xuân, hay những chiếc khăn lụa rực rỡ.


    Địa chỉ: Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội

    Làng lụa Vạn Phúc
    Làng lụa Vạn Phúc
    Làng lụa Vạn Phúc
    Làng lụa Vạn Phúc
  7. Top 7

    Làng bưởi Phú Diễn

    Trong mâm ngũ quả ngày Tết, bưởi là thứ quả được đặt ở chính giữa mâm trên nải chuối xanh với ý nghĩa tượng trưng cho sự an khang thịnh vượng, niềm vui đủ đầy ngọt ngào, tròn trĩnh như trái bưởi. Loại bưởi thơm ngon và được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất chính là bưởi Diễn. So với các giống được trồng ở nhiều nơi khác thì bưởi được trồng ở Phú Diễn (Hà Nội) có màu vàng tươi, da căng bóng, hương thơm đặc trưng tỏa khắp không gian, múi mọng nước, tép bưởi ráo, giòn, thanh thanh dịu ngọt.


    Thêm vào đó, bưởi Diễn có thể để được rất lâu. Chỉ cần bôi chút vôi vào cuống rồi bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát là có thể để được 3 - 6 tháng mà bên trong vẫn mọng nước, tươi ngon. Chính vì hương vị ngon lại có thể để được lâu nên bưởi Diễn rất được săn đón và trở thành đặc sản được mong đợi nhất trong dịp Tết để cả nhà cùng ngồi quây quần bên nhau thưởng thức. Đây cũng là một thức quà của những người đi xa muốn mang về để biếu tặng cho người thân của mình nhân dịp về quê ăn Tết.


    Địa chỉ: Phúc Diễn, Từ Liêm, Hà Nội

    Làng bưởi Phú Diễn
    Làng bưởi Phú Diễn
    Làng bưởi Phú Diễn
    Làng bưởi Phú Diễn
  8. Top 8

    Làng quất Quảng Bá

    Từ xa xưa, cây quất cảnh đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong ngày Tết Nguyên Đán. Theo quan niệm của người Việt ta, cây quất (hoặc quýt) tượng trưng cho sự thu hoạch bội thu và cũng là khởi đầu cho một năm mới tốt đẹp. Vì thế vào đầu năm mới, ta thường thấy mỗi gia đình có một cây quất quả vàng xum xuê, lá xanh tươi tốt nói lên mong muốn của gia chủ, giúp gia tăng tiền tài và vận may cho các thành viên trong gia đình. Là hàng xóm với làng đào Nhật Tân, làng quất Quảng Bá (Hà Nội) nhộn nhịp không kém mỗi dịp Tết về.


    Dạo một vòng qua làng quất Quảng Bá ngày sát Tết, bạn như ngập chìm trong một màu vàng tươi đẹp mắt của những vườn quất đã đến kì thu hoạch. Nhờ đất đai màu mỡ, nên những cây quất Quảng Bá trĩu cành, vàng tươi, vỏ căng bóng, cành lá xum xuê. Những cây quất được người dân cắt tỉa thành nhiều dáng quất, thế quất phong phú, đáp ứng được nhu cầu chơi Tết đa dạng của người dân. Mỗi dịp Tết là người dân lại đổ xô về tận vườn để tận mắt ngắm và tự chọn những cây quất ưng ý.


    Địa chỉ: Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội

    Làng quất Quảng Bá
    Làng quất Quảng Bá
    Làng quất Quảng Bá những ngày cận Tết
    Làng quất Quảng Bá những ngày cận Tết
  9. Top 9

    Làng bánh chưng Tranh Khúc

    Mỗi dịp cuối năm, khi làng bánh chưng Tranh Khúc huyện Thanh Trì (Hà Nội) tất bật với những lá dong, những thúng gạo nếp trắng thơm, những nắm đỗ vàng ươm cũng là lúc Tết đang về bên ngưỡng cửa của mỗi gia đình. Nếu đến thăm làng Tranh Khúc vào thời điểm này thì cảnh tượng dễ gặp nhất là những nồi bánh chưng đang sôi trên bếp lửa bập bùng, tỏa ra một mùi thơm phức. Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc trưng, bánh dền, nếp dẻo, đỗ bùi kết hợp với vị ngậy của thịt ba chỉ ướp hạt tiêu và mùi thơm của lá dong.


    Vì là làng nghề nên mỗi dịp Tết về, cả làng ai cũng bận rộn, luôn chân luôn tay. Người lớn thì gói bánh, trông bánh, trẻ con thì phụ giúp gia đình lau lá, rửa lá. Từ đây những chiếc bánh chưng vuông vắn ra đời và được mang đi tiêu thụ rộng rãi trên thị trường phía Bắc. Điều làm nên sự khác biệt của bánh chưng Tranh Khúc thơm ngon nổi tiếng chính là sự kĩ lưỡng chọn lọc từng nắm đỗ, miếng thịt. Gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh ngọt ngậy và thịt nửa nạc nửa mỡ khiến bánh đậm đà mà không bị ngấy.


    Địa chỉ: Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội

    Làng bánh chưng Tranh Khúc
    Làng bánh chưng Tranh Khúc
    Bánh chưng Tranh Khúc
    Bánh chưng Tranh Khúc
  10. Top 10

    Làng miến Cự Đà

    Miến là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Canh miến ngon chủ yếu là nhờ sợi miến ngon, nấu lên không bị bở, khi ăn sợi miến phải cảm nhận được vị giòn, dai. Ở miền Bắc, có một làng miến nổi tiếng chuyên cung cấp các loại miến ngon đúng chuẩn như thế đó chính là làng miến Cự Đà ở huyện Thanh Oai, nằm cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 20 km. Đây là một trong những làng nghề sản xuất miến lớn nhất và lâu đời nhất tại miền Bắc.


    Đặc điểm của miến Cự Đà là sợi nhỏ đều, bó miến có màu vàng óng hoặc trắng tinh. Miến được làm từ bột dong nên khi ăn miến có vị dai, giòn, vừa miệng, đặc biệt không bị nát nếu các bà nội trợ có lỡ tay nấu quá lửa một chút. Để có những bó miến vàng óng ả cung cấp cho thị trường vào dịp Tết thì đầu thu, khi cái nắng vẫn còn oi ả, khắp làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng thấy những phên miến được phơi. Từ đây, những bó miến thành phẩm theo những xe hàng chở tỏa đi khắp các chợ lớn, chợ nhỏ của Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Nam đất nước.


    Địa chỉ: Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội

    Vàng ươm sắc miến Cự Đà
    Vàng ươm sắc miến Cự Đà
    Thăm làng miến Cự Đà
    Thăm làng miến Cự Đà



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy