Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar
Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar hay còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu, là một lễ hội của dân tộc Chăm ở Khánh Hòa (từ 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm). Lễ hội gắn liền với tục thờ Mẫu, là một trong ba vị nữ thần cai quản ba miền của Việt Nam: Miền Bắc với sự nổi trội của mẫu Liễu Hạnh, miền Trung với Thiên Y A Na Thánh Mẫu và miền Nam là Linh sơn Thánh Mẫu (Bà Đen). Đây là lễ hội nhằm tôn vinh tưởng nhớ vị nữ thần Thiên Y A Na Thánh Mẫu - người có công dạy người dân trồng lúa, chăn nuôi, dệt vải và đưa người Chămpa đến cuộc sống ấm no.
Lễ hội này được tổ chức tại quần thể di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang, Khánh Hòa. Các nghi lễ chính của ngày hội gồm có:
- Lễ tắm tượng (hay còn gọi là lễ mục dục), lễ thay y (còn gọi là lễ tế gia quan), diễn ra vào đúng giờ Ngọ của ngày 20/3 âm lịch.
- Lễ thả hoa đăng diễn ra vào tối ngày 20 tháng 3 âm lịch, người dân thả những chiếc đèn lồng lấp lánh xuống sông để cầu cho những điều ước thành hiện thực.
- Lễ cầu Quốc thái dân an: diễn ra sáng ngày 21 tháng 3 Âm lịch được tổ chức trang nghiêm và hướng đến những điều nhân văn, cao cả.
- Tiếp đến là Lễ tế sanh (Dâng lễ Mẫu) sẽ diễn ra vào giờ Tý ngày 22 tháng 3 Âm lịch để dâng hương lễ Mẫu.
- Tế lễ cổ truyền, lễ Khai Diên và lễ Tôn vương: diễn ra ngày 23 tháng 3 Âm lịch, đoàn tế lễ gồm các hào lão và người dân Cù Lao (Xóm Bóng) dâng lễ theo nghi thức cổ truyền; Đoàn Tuồng biểu diễn lễ Khai Diên và Tôn vương ở sân khấu.
Bên cạnh các nghi lễ thiêng liêng, các sự kiện văn hóa cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn của lễ hội Tháp Bà Pô Nagar đặc biệt này. Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách được xem các điệu múa bóng và hát văn, diễn xướng văn nghệ trên sân khấu trước tháp chính của quần thể Tháp Bà Ponagar.