Mướp đắng
Chắc hẳn ai cũng biết đến công dụng kì diệu của mướp đắng trong việc làm đẹp vì hàm lượng phong phú các chất như kẽm, sắt, vitamin B… Có nhiều công dụng tốt là vậy nhưng không phải ai cũng có thể ăn loại quả này. Bà mẹ mang thai ăn mướp đắng với số lượng nhiều có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non. Vị đắng của loại quả này có thể làm co bóp dạ dày và tử cung. Đặc biệt là những thai phụ có tử cung ngả sau, tử cung có sẹo, nạo phá thai nhiều lần thì càng không nên ăn mướp đắng. Ngoài ra, bà mẹ mang thai ăn nhiều mướp đắng cũng gặp phải một số vấn đề như:
- Ảnh hưởng đến tiêu hóa: Vì mướp đắng có tính hàn, ăn nhiều có thể gây lạnh bụng, đầy bụng. Đặc biệt là những mẹ mắc bệnh đường tiêu hóa, hệ tiêu hóa vốn yếu ăn nhiều mướp đắng dễ bị tiêu chảy, lỵ, gây các bệnh ở dạ dày.
- Hạ đường huyết đột ngột: Thai phụ có thể bị chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, hốt hoảng, thậm chí bị choáng và ngất do mướp đắng chứa p-insulin (chất mang lại hiệu quả hạ đường huyết tương tự insulin). Nhưng cũng chính vì điều này mà khi dùng quá nhiều, mướp đắng có thể gây ra tụt đường huyết đột ngột.
- Gây ngộ độc: Mướp đắng có chứa những chất như Quinine, Morodicine và hạt mướp đắng có một chất là Vicine, đây là những chất có thể gây ngộ độc ở một số người. Vì vậy, phụ nữ mang thai muốn ăn mướp đắng cũng cần cân nhắc kỹ nếu không muốn ảnh hưởng tới cả thai nhi trong bụng.
- Làm tăng men gan: Ăn quá nhiều mướp đắng sẽ khiến các enzyme gan tăng cao, làm thay đổi hình dáng của tế bào gan. Đặc biệt là ăn mướp đắng được trồng ở những vùng nhiễm kim loại nặng thì có thể gây ngộ độc, tổn thương gan.
- Những bà bầu bị thiếu máu cũng không nên ăn mướp đắng vì hàm lượng chất vicine trong mướp đắng có khả năng ức chế hoạt động truyền dẫn máu ở mẹ sang thai nhi.