Top 10 Ngọn núi cao nhất Việt Nam
Việt Nam - đất nước xinh đẹp khi có rừng vàng biển bạc, phong cảnh hữu tình. Một đất nước tuy bé nhỏ nhưng ẩn chứa vô số những kì bí, ... xem thêm...sự hùng vĩ và cả những bí mật cho ai muốn khám phá. Hôm nay Toplist sẽ sẽ đem đến cho bạn những khám phá mới, đó chính là những ngọn núi cao nhất Việt Nam nhé.
-
Pu Si Lung
Pu Si Lung cao 3.076 m, là ngọn núi nằm giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Phần núi nằm Việt Nam thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Mặc dù Pu Si Lung không nhiều cảnh đẹp như các ngọn núi khác nhưng đoạn lên đỉnh có ít đỗ quyên vàng cũng tô thêm màu sắc cho ngọn núi. Tuy nhiên, do ngọn núi này nằm ở vị trí đặc biệt, đó là nằm ở khu vực biên giới (bị cấm săn bắn) nên các loại động vật hoang dã được bảo vệ và có số lượng nhiều như hổ, gấu, khỉ, rắn... đoạn đường lên núi với chim muông ríu rít cùng mây trời trong xanh càng làm bức tranh nơi đây thêm thú vị.
Đường thật dài, hết lên lại xuống nhưng leo mãi rồi cũng tới đích. Bạn sẽ reo lên sung sướng khi thấy cột mốc đứng đó, sừng sững trên nền bê tông được gia cố chắc chắn. Thật tuyệt vời khi bạn đã vượt qua để chạm tay tới được nơi cuối trời Tây Bắc. Đó là cuộc hành trình tìm kiếm và khám phá. Khung cảnh núi rừng tuyệt đẹp, không khí trong lành với những đám mây sương lảng bảng thật kỳ ảo. Đôi khi, chúng tôi ngỡ mình lạc bước lúc vào những khu đồi hoa dại trắng muốt từ thân tới bông. Bước chân lại dẫm lên những thảm lá khô hay bông hoa nhỏ xinh. Ngước mắt lên là một bầu trời đỏ rực màu hoa hồng quang.
-
Phan Xi Păng
Phan Xi Păng - ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Với độ cao 3.143 m thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Phan Xi Păng cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía Tây Nam, và nằm giáp giữa hai tỉnh là Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Phan Xi Păng được hình thành cách đây khoảng 250 triệu năm và mỗi năm đỉnh núi Phan Xi Păng cao thêm 0,032 m. Hệ thực vật khá phong phú. Khi có tới 1.680 và được chia ra thành 679 chi thuộc 7 nhóm trong đó có một số loại thuộc nhóm quý hiếm. Đỉnh Phan Xi Păng hiện là điểm hẹn của nhiều nhà leo núi. Việc chinh phục đỉnh núi này có thể được thực hiện qua các tour của các công ty du lịch lữ hành chuyên nghiệp hoặc tự túc với sự dẫn đường của người bản xứ. Lộ trình leo núi có thể bắt đầu từ Hà Nội đến Lào Cai bằng tàu hỏa trên quãng đường dài 333 km; rồi từ Lào Cai lên Sa Pa bằng ô tô qua 38 km; sau đó từ Sa Pa đến đỉnh đèo Trạm Tôn hoặc ít phổ biến hơn là khu du lịch Cát Cát bằng ô tô hoặc xe ôm. Tại đây có số người dân tộc Mông, Dao làm nghề gùi hàng phục vụ khách leo núi đông nhất.
Trước kia từ Sa Pa lên đỉnh Phan Xi Păng và quay trở về mất khoảng chừng 5 - 6 ngày. Hiện nay thời gian tổng cộng của chuyến leo núi chỉ còn 3 ngày, thậm chí 2 ngày hoặc với những người thành thạo và sức khỏe tốt thì có thể thực hiện trong một ngày. Thời điểm thích hợp để leo núi vào khoảng tháng 9 năm trước cho đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên đẹp nhất vẫn là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa núi bắt đầu khoe sắc. Ngày 2/ 2/ 2016, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Sun Group cùng nhau khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới và cũng là lần đầu tiên có mặt tại châu Á. Và được trao chứng nhận 2 kỉ lục Guinness là cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.325 m, và cáp treo ba dây có độ chênh lệch giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới.
-
Putaleng
Với chiều cao so với mặt nước biển 3.049 m, chỉ đứng sau đỉnh Phan Xi Păng, và được mệnh danh là "nóc nhà thứ hai của Đông Dương". Putaleng cũng nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.Đây cũng là ngọn núi cho những dân phượt thích sự mạo hiểm. Để chinh phục được đỉnh núi, bạn đến địa phận xã Hồ Thầu của Lai Châu, cùng người dẫn đường địa phương ở bản Phô bắt đầu hành trình. Những đoạn đường đầu tiên dọc theo con kênh dẫn nước của bản Phô, đường bằng phẳng, khá dễ đi với những triền hoa dại bên đường. Putaleng còn khá nguyên sinh. Đặc biệt rất nhiều hoa đỗ quyên.
Cảnh khá đẹp và thơ mộng. Trên đỉnh bạt ngàn đỗ quyên, leo núi vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 là thời điểm tuyệt vời nhất. Putaleng có địa hình hỗn hợp, nhưng phần lớn là địa hình đi xuyên rừng, đường mòn trơn và rất dốc (dốc hơn cả địa hình leo Pha Luông) thường xuyên phải bám rễ và thân cây để leo. Trên đường leo tới điểm dựng lều có suối và mạch nước nên khi leo không cần mang theo nhiều nước, chỉ cần một chai lớn để hứng nước suối uống là đủ. Sau khoảng hơn 8 tiếng vừa leo vừa nghỉ cả bọn cũng tới được điểm dựng lều, nằm cạnh một con suối lớn được bao phủ xung quanh là rừng già cổ thụ.
-
Bạch Mộc Lương Tử
Tên chính thức của ngọn núi này là Ki Quan San, nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn hay gọi là Bạch Mộc Lương Tử. Với độ cao 3.044 m là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Bạch Mộc Lương Tử là một trong 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Dãy núi Bạch Mộc Lương Tử có địa hình khá hiểm trở, là địa điểm phượt Tây Bắc hấp dẫn được dân phượt khai phá từ 2012. Ngọn cao nhất của dãy núi này cao khoảng 3046m so với mực nước biển. Quãng đường từ chân núi lên tới đỉnh dài khoảng 30km, qua nhiều địa hình khác nhau như đồi trọc, rừng tre nứa, rừng gỗ lớn, rừng trúc lùn cho đến những vách đá cheo leo toàn rêu phủ.
Ngọn núi này là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đỉnh cao nhất của dãy chính là tên Ki Quan San. Là một ngọn núi không hề dễ leo do đó tính đến 2015 thì số người chinh phục được ngọn núi này là không nhiều. Ít nhất có 2 con đường để lên núi, một là đường từ Lai Châu và hai là đường kia từ Lào Cai. Ngay từ những đoạn đầu tiên đã vô cùng khó leo. Đường đất lên núi khá dốc và lại trơn nếu chẳng may gặp trời mưa thì vô cùng gian khó. Đặc biệt đoạn lên đỉnh phải vượt qua một vách đá cheo leo hiểm trở. Thế nhưng ngọn núi này lại là địa điểm lý tưởng để có những bức hình lung linh. Góc view rộng, có thể nhìn thấy những đám mây bồng bềnh như trên đầu. Tuy nhiên rừng ở đây bị tàn phá khá nhiều cần được bảo vệ hơn.
-
Hoàng Liên San
Đây là đỉnh núi và nó vẫn chưa có tên trên bản đồ vì vậy cũng rất ít người biết đến. Đỉnh cao 3.012 m. Cái tên tạm được đặt là Khang Su Văn. Và người dân trong bản thường gọi đây là Hoàng Liên San. Đỉnh núi nằm giữa hai cột mốc Việt Nam là 79 và 80. Rừng ở đây rất đẹp và có khá nhiều hoa Đỗ Quyên trắng vàng. Xung quanh núi cũng có rất nhiều đỉnh cao khá hoành tráng và đẹp. Khang Su Văn là đỉnh núi thuộc xã Dào San - Phong Thổ - tỉnh Lai châu. Ngọn núi nằm trên ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc. Người dân nơi đây coi Khang Su Văn là bức tường thành tự nhiên bảo vệ biên giới phía Bắc.
Khoảng tháng 2 đến hết tháng 4 là lúc sắc Đào, Mận, Ban chiếm lĩnh khắp các sườn núi của Khang Su Văn. Con đường chinh phục đỉnh núi cao mạo hiểm trở nên thơ mộng, nhẹ nhàng, cảm giác nặng nhọc, khó khăn cũng giảm đi. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là lúc Đỗ Quyên rừng tại Khung Su Văn rộn ràng khoe sắc nhất. Màu hoa Đỗ Quyên ở đây dịu dàng và nhẹ nhàng với sắc vàng và trắng khác hẳn những vùng núi còn lại của Tây Bắc. Thời điểm tháng 9 tháng 10 là lúc Khang Su Văn vào mùa Thu. Không khí trong lành, trời trong xanh, nắng vàng dịu nhẹ. Cái lạnh se se đầu mùa đủ để khiến những tầng mây trắng ngưng tụ, tập trung và dày hơn. Nếu bạn có niềm đam mê với những biển mây, đến Khang Su Văn vào thời gian này cũng là một lựa chọn lý tưởng.
-
Tả Liên
Núi Tả Liên hay còn được gọi với tên khác là núi Cổ Trâm thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Với độ cao 2.993 m và ngọn núi này thuộc một trong những đỉnh cao có cảnh đẹp nhất. Tả Liên hiện lên đẹp như một bức tranh với núi non hùng vĩ, thảm thiên nhiên xanh mát, không khí trong lành cuốn hút biết bao người đặc biệt là dân phượt ưa khám phá. Từ trên núi nhìn xuống toàn bộ Lai Châu hiện lên sinh động. Chiều chiều cùng nhau nhắm hoàng hôn ngay phía chân trời. Nơi đây có rất nhiều cổ thụ, mỗi cây một dáng và còn có một khu phong toàn là phong cũng vô cùng bắt mắt. Nơi bức tranh ấy còn điểm mấy cành đỗ quyên xinh đẹp. Tả Liên ngọn núi của những điều tuyệt vời.
Để lên được với đỉnh Tả Liên thì du khách phải đi qua khu rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ hay còn được gọi là “khu rừng cổ tích”. Thảm thực vật ở đây vô cùng đa dạng với những cây cổ thụ to lớn, những rêu phong mốc thếch. Du khách đi qua đoạn đường lối mòn dài 1km để vào rừng. Con đường này là nơi mà người dân nơi đây vẫn đi vào rừng để lấy củi. Từ con đường này, nhìn xuống dưới bạn sẽ thấy những ruộng bậc thang trải dài bất tận.Vào rừng sẽ có rất nhiều cây cối. Đặc biệt nơi đây còn có những cây phong. Nếu đến vào tầm tháng 10 hay tháng 11 thì du khách sẽ được chiêm ngưỡng cả một vùng rộng lớn được bao phủ bởi sắc vàng. Sắc đỏ mộng mơ đầy huyền ảo trong lớp sương giăng lãng đãng.
-
Tà chì Nhù
Tà Chì Nhù đỉnh núi cao 2.979 m, theo cách gọi của người dân tộc Thái là Phu Song Sung còn người dân tộc Mông thì hay gọi là Chung Chua Nhà, nằm trên địa bàn huyện Trạm Tấu, thuộc tỉnh Yên Bái. Được biết đến với nhiều tên gọi nhưng được biết đến nhiều nhất với cái tên Tà Chì Nhù. Ngọn núi này cũng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, được biết đến là ngọn núi cao thứ 6 Việt Nam, con đường để chinh phục ngọn núi này được cũng chẳng mấy dễ dàng bởi khí hậu khắc nghiệt, đòi hỏi tay leo núi phải có sức bền. Nhưng cũng bởi sự khó khăn ấy khiến nhiều người lại muốn chinh phục cho bằng được, mặt khác vẻ đẹp mây gió núi cây nơi đây lại làm người khác khó mà cưỡng được. View cực đẹp cho ai thích phong cảnh, cảm giác khó tả cho dân phượt khi đạt tới đỉnh quả là điều thú vị.
Thời điểm tuyệt nhất để ngắm mây, có những bức hình đẹp là vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 khi khí trời trở nên se lạnh mây bắt đầu tụ về, quanh quẩn bên núi như một đôi tình nhân bấy lâu không gặp. Điểm nhấn đặc biệt nhất tại đây có lẽ là cánh đồng hoa tím rạng rỡ dưới màn mây vào cuối thu. Không khí để thấy những dãy núi hùng vĩ được phủ một sắc tím tinh tú. Bao quanh bởi hương hoa thơm dịu, những đàn dê, đàn ngựa của các hộ dân bản địa người Mông chăn thả. Tất cả đều khiến bạn ngỡ ngàng như bước ra từ một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, đầy tính cổ tích. Những ngày nắng nhẹ đầu tháng 11 là thời gian thích hợp để bạn chinh phục Tà Chì Nhù. Lúc này, gió cũng chưa quá lạnh bạn có thể tổ chức một buổi cắm trại qua đêm cùng bạn bè, thỏa sức ngắm những đồi hoa khoe sắc tím bạt ngàn.
-
Nhìu Cồ San
Nhìu Cồ San vùng núi thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với độ cao 2.965 m. Khối núi nơi đây có địa hình phức tạp, đặc biệt trong những đợt gió mùa lạnh giá thường chìm trong băng giá.Nhiều người nhận xét đây là một ngọn núi khó leo, có thể dễ bị lạc mất nhiều ngày mới có thể chinh phục được. Dù đường lên núi không quá dài, nhưng có nhiều gốc đá cheo leo và có nhiều bụi cây gai khó vượt qua. Đặc biệt có thú dữ, cả dân địa phương nơi đây còn phải e dè, do đó nếu muốn chinh phục ngọn núi này bạn nên cẩn thận và trang bị những thiết bị cần thiết nhất.
Địa hình ở đây có sự thay đổi rõ rệt từ chân núi lên đến đỉnh. Phía dưới là cây bụi, đồng cỏ và vách đá, lên cao một chút là rừng thảo quả, rừng nguyên sinh, thân gỗ cao lớn... Trên đỉnh là các loại cây lá kim, rừng hỗn hợp thấp tầng. Đường đến Nhìu Cồ San khó đi, nguy hiểm. Đường leo núi tuy không dài nhưng rất dốc và mất nhiều sức lực, thời gian chinh phục. Đặc sản của Nhìu Cồ San là những khu rừng Thủy Tinh lộng lẫy. Sắc hoa dại ven đường, những loài hoa rực rỡ sắc màu được bọc trong băng đá như những bông hoa Thủy Tinh đầy phép thuật. Bạn sẽ như lạc vào xứ sở thần tiên nơi có nàng công chúa ngủ trong rừng khi tới Nhìu Cồ San. Vẻ đẹp hút hồn, nguyên sơ và trong trẻo của cái đẹp thiên nhiên.
-
Lùng Cúng
Đỉnh Lùng Cúng cao 2.925 m được đặt theo tên một bản làng nằm tại xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Lùng Cúng nằm cách Tú Lệ khoảng 25 km. Rừng nguyên sinh nơi đây có cảnh tuyệt đẹp, thực vật độc đáo đặc biệt với những tán phong đẹp. Có những thời điểm khác nhau để chinh phục Lùng Cúng, mỗi thời điểm sẽ có một khung cảnh riêng, đặc biệt là thời tiết se lạnh lúc này cảnh đẹp nhất nhưng cũng khó khăn nhất. Đôi lứa cùng nhau đến đây chiêm ngưỡng cảnh sắc, trao nhau những nụ hôn, cùng nhau làm nên những điều tuyệt nhất.
Nếu đi săn ảnh mùa vàng hoặc mùa nước đổ, hành trình của bạn sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Nhưng nếu muốn trekking đỉnh Lùng Cúng Yên Bái, hãy chuẩn bị tinh thần cho một chuyến đi thực sự vất vả để có thể đặt chân lên đỉnh núi cao và đẹp nhất nhì nước ta. Cuộc hành trình của bạn sẽ là một lần trải nghiệm nhớ đời với nhiều hoạt động thú vị. Trước khi leo núi, bạn sẽ đến với bản Tu San - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Thái và cả dân tộc Kinh sinh sống. Bản làng này sở hữu nét văn hóa đa dạng, nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc, ẩm thực và thói quen sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên có một điều rất tuyệt vời chính là cư dân vô cùng thân thiện và hiếu khách.
-
Nam Kang Ho Tao
Nam Kang Ho Tao thuộc bản Thào, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, Lai Châu. Với độ cao 2881 m. Mặc dù thảm thực vật không mấy bắt mắt nhưng những vách đá dựng cheo leo khó vượt qua, những con suối và những ngọn thác rêu phủ kín mới thực sự là điểm nhấn làm thu hút nhiều người. Điều gì tuyệt vời hơn khi sáng sớm thức dậy khi thiên nhiên bắt đầu trở mình, sương còn đang vặn mình trên lá, cây cối càng se lá với sương. Rồi vội vàng cùng nhau ăn vội ổ bánh mì rồi tiếp tục cuộc hành trình phía trước, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng tráng dưới ánh nắng Mặt Trời thì thích vô cùng phải không nào.
Không phải ngẫu nhiên mà Nam Kang Ho Tao được mệnh danh là cung đường trekking khó nhất Tây Bắc Việt Nam. Vì thế Nam Kang Ho Tao còn được gọi là “cung đường hành xác”. Nhiều chỗ nếu không có dây bảo hiểm, trườn cả người, bám bằng cả chân và tay thì không thể vượt qua. Đoạn đường mất sức nhất chính là lúc băng rừng. Đường rừng tại Nam Kang Ho Tao giống như mê cung không lối ra. Các dấu vết đường mòn không rõ rệt, đoạn nào cũng giống nhau. Người đi phải vừa đi vừa tìm đường. Thác và suối nguy hiểm như chính vẻ đẹp của nó, do địa hình nhiều vách đá, suối ở đây dòng chảy mạnh và khá trơn trượt, bạn nên lưu ý khi băng qua suối tránh gặp tai nạn.