Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể
Ngày 29/11/2022 giờ địa phương tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.
Theo Uỷ ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử của Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chí để được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Các tiêu chí đó bao gồm di sản liên quan đến nghề thủ công truyền thống làm gốm Chăm bằng tay và sử dụng các công cụ đơn giản. Chủ thể văn hóa và người thực hành chủ yếu là phụ nữ Chăm. Tri thức và kỹ năng làm nghề được truyền đạt trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thông qua việc kể chuyện và thực hành hằng ngày.
Di sản này thu hút sự trao đổi và tương tác giữa những người thực hành nghề, các hoạt động xã hội và nâng cao vai trò của người phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại. Nó còn liên quan đến nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm của người Chăm đóng góp vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.