Top 10 Đặc sản không thể bỏ qua khi đến Hải Dương
Hải Dương vốn nổi tiếng là vùng đất ”địa linh nhân kiệt”, nhiều di tích lịch sử gắn với tên tuổi các danh nhân như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo... Tuy nhiên, đến ... xem thêm...với Hải Dương, du khách cũng khó có thể quên được những món đặc sản nơi đây như bánh đậu xanh, bánh gai... Không cần những nguyên liệu quý hiếm hay khó tìm, đặc sản Hải Dương đem lại cảm giác bình dị, thanh tao như chính con người nơi đây vậy. Hôm nay hãy cùng Toplist điểm qua danh sách các loại đặc sản nổi tiếng tại Hải Dương nhé!
-
Vải thiều Thanh Hà
Nổi tiếng nhất và gắn với mảnh đất Hải Dương có lẽ là vải thiều Thanh Hà. Vải thiều Thanh Hà là một trong số ít sản phẩm nổi tiếng như cà phê Buôn Mê Thuật, nước mắm Phú Quốc, chè xanh Mộc Châu. Có lẽ vùng đất Thanh Hà, Hải Dương được thiên nhiên ưu ái cho khí hậu và chất đất màu mỡ đặc biệt thích hợp để trồng vải. Chính vì thế mà vải Thanh Hà tuy nhỏ hơn các loại vải khác nhưng vỏ mỏng, cùi dày, trắng, hạt rất nhỏ hoặc có quả không hạt, vị ngọt thanh mát. Vải Thanh Hà hơi tròn, vỏ sần, khi chín có màu đỏ mọng. Đây còn là loại quả mà trước đây là lễ vật cống nạp cho Trung Quốc vì Dương Quý Phi đặc biệt thích ăn. Vải Thanh Hà được phân phối đi khắp cả nước nên không khó khăn để thưởng thức loại quả này, tuy nhiên thì vải Thanh Hà đúng mùa sẽ chỉ vào khoảng tháng 6, tháng 7 trong năm.
Đặc sản vải thiều Hải Dương có vào dịp đầu hè, khi nắng bắt đầu gay gắt. Nơi trồng vải thiều nổi tiếng nhất đã làm nên thương hiệu phải kể đến xã Thanh Hà, huyện Hải Dương. Đặc sản này mỗi năm cho thu về sản lượng hàng chục nghìn tấn, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Lên thuyền trôi theo dòng sông Hương thơ mộng, thuộc địa phận các xã khu Hà Bắc người ta cảm thấy như lạc vào vùng miệt vườn với cơ man là cây xanh và quả đỏ. Vải Thiều Thanh Hà chín rộ, trên con đường dài 30km băng qua các xã là bạt ngàn cây vải thiều ở trong vườn nhà, bên cánh đồng rộng. Trông từ xa cây vải đỏ rực như mâm xôi, với sắc quả vàng tươi, đỏ hồng pha trên tán lá xanh. Đây chính là vẻ đẹp mà thiên nhiên và những người lao động cần mẫn đã tạo nên cho vùng đất này.
-
Bánh đậu xanh
Có lẽ đây là loại bánh mà khi nhắc đến đa phần người Việt đều nghĩ ngay đến Hải Dương. Bánh đậu xanh được làm từ đậu xanh và từng được dùng để dâng lên vua Bảo Đại khi người đi qua thị trấn Hải Dương. Nếu bạn không ăn được đồ ngọt thì có thể thưởng thức bánh đậu xanh với một tách trà, vị ngọt đậm đà của bánh cùng với vị chát chát của trà sẽ tạo nên hương vị thanh tao khiến bạn đã thưởng thức thì khó lòng quên được. Một số hãng bánh đậu xanh nổi tiếng của Hải Dương: Nguyên Hương, Hòa An, Bảo Hiên... Bánh đậu xanh Hải Dương được làm từ bột đậu xanh, đường, dầu ăn và tinh dầu hoa bưởi. Các nguyên liệu này đều được chọn lọc cẩn thận và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Giúp đảm bảo hương vị nguyên chất của bánh. Bánh đậu thường được thưởng thức khi dùng với nước chè. Sẽ tạo nên hương vị đậm đà, thanh ngọt, khiến cho người ăn có cảm giác thư thái.
Để tạo nên những chiếc bánh đậu xanh thơm ngon, người làm phải chọn được loại đậu xanh chất lượng, hạt mẩy, đều, bên trong vỏ có màu vàng. Ngày nay, khi sản xuất với số lượng lớn, người làm bánh phải chọn mua đậu xanh từ vùng Chí Linh, Hải Dương hoặc từ các tỉnh ngoài như Bắc Ninh, đôi khi tận Gia Lai, Kon Tum. Trước đây, đậu xanh phải rửa ít nhất 3 lần nước sạch, đổ vào nồi đun sôi kỹ, để nguội rồi mới cho vào chảo rang chín. Ngày nay, những công đoạn này đều được làm bằng máy móc công nghiệp, giúp rút ngắn thời gian sản xuất. Bánh đậu xuất hiện chính xác từ bao giờ thì không mấy người biết được nhưng thói quen mua bánh đậu xanh về làm quà mỗi khi có dịp đến Hải Dương thì đã tồn tại từ lâu. Những người con xa xứ đều nhớ mãi, khó có thể quên được hương vị đặc trưng của bánh đậu xanh. Chính vì thế nên nếu dịp ghé qua Hải Dương, bất kỳ ai cũng phải nếm thử chút hương vị này hay mua về làm quà.
-
Bánh gai Ninh Giang
Bánh gai Ninh Giang là loại bánh gia truyền của huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Bột bánh được làm từ bột nếp và bột lá gai, nhân bánh làm từ đậu xanh, dừa nạo, mứt sen, mỡ phần. Lá gai tươi phải vài lần phơi nắng, vài lần luộc rồi mới nghiền thành bột. Lá gai có tính mát nên mặc dù phần nhân đỗ xanh ngọt có thể gây cảm giác ngán cho những người không ăn được đồ ngọt hay đồ nếp. Phần bột và nhân bánh là sự kết hợp hoàn hảo để tạo nên một hương vị dân dã, có cái bùi bùi béo ngậy của dừa, của đỗ xanh, có cái thanh mát của bột lá gai. Đây cũng là một thức bánh rất hợp để làm quà nếu bạn ghé thăm Hải Dương. Bánh gai Ninh Giang- một thứ quà thấm đượm hương quê nghĩa tình. Ai đã một lần thưởng thức chúng thì sẽ không bao giờ quên được hương vị tuyệt vời của nó.
Bánh ngon còn tùy thuộc vào cách thưởng thức nó. Bánh gai Ninh Giang đã ngon nhưng hương vị của bánh có thể tăng lên gấp bội khi ta biết thưởng thức và đó cũng là một nghệ thuật. Bạn có thể dùng chúng cùng với một tách trà. Hương vị của trà quyện với vị ngọt thơm của bánh sẽ tạo cho bạn một cảm giác tuyệt vời. Bạn có thể dùng loại bánh này làm quà cho người thân. Hương vị của bánh sẽ như thay lời nói lên tình cảm của bạn với họ. Bên cạnh đó bánh gai cũng có thể dùng trong bữa tráng miệng của mỗi gia đình. Độ dẻo và vị ngọt thơm của bánh như thể hiện sự gắn kế yêu thương của mỗi gia đình. Nếu bạn muốn tìm một thức quà ngon và ý nghĩa tới thế thì hãy tìm tới vùng đất Hải Dương và lựa chọn những chiếc bánh gai tuyệt vời này. Chắc bạn đã nhiều lần ăn bánh gai? Nhưng bạn đã từng thưởng thức bánh gai Ninh Giang - Hải Dương chưa? Nếu bạn đã từng thưởng thức chúng thì chắc hẳn hương vị của bánh sẽ kéo chân bạn tới vùng đất nổi tiếng này. Bánh gai là một loại bánh nổi tiếng ở miền bắc nước ta.
-
Bánh đa gấc Kẻ Sặt
Bánh đa gấc Kẻ Sặt là một đặc sản của vùng Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương. Loại bánh đa này không đơn giản chỉ có bột và vừng, cũng là các nguyên liệu dân dã nhưng cầu kỳ và công phu hơn nhiều. Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo, đường, vừng, lạc, dừa, gừng tươi và gấc. Gạo phải là loại gạo ngọt, xay ra bột có độ tơi, xốp, vừng phải là vừng tấm, lạc phải chắc mẩy để dễ thái lát, cùi dừa già, dày, thái mỏng, gấc phải chín đỏ... Vị bùi, béo của lạc, của dừa, hòa với vị ngậy và mùi thơm của gấc, tất cả những hương vị ấy được kích thích hoàn hảo bởi vị cay cay của nước gừng tươi. Bánh đa gấc Kẻ Sặt được làm thành các cuộn tròn, có màu đỏ của gấc trông rất hấp dẫn, đặc biệt là vào những ngày mưa lạnh.
Nghề làm bánh đa ở Kẻ Sặt đã có từ lâu, được truyền từ đời này sang đời khác và dần trở thành nguồn thu nhập chính đối với nhiều hộ gia đình ở xã Tráng Liệt - thị trấn Kẻ Sặt. Hải Dương có nhiều nơi làm bánh đa, nhưng chỉ có Kẻ Sặt mới có thể làm ra những chiếc bánh đa gấc trứ danh, trở thành đặc sản độc đáo giống như món bánh đậu xanh của vùng đất này. Chế biến từ gạo, cách làm tưởng chừng như đơn giản, nhưng để có được một chiếc bánh đa nướng giòn ngon, người thợ làm bánh đa Kẻ Sặt (Bình Giang, Hải Dương) phải trải qua cả quá trình vất vả và kỳ công. Bánh đa nướng là đồ ăn chơi bình dị, quen thuộc trong đời sống từ xa xưa. Bánh đa Kẻ Sặt nức tiếng một vùng vì độ ngon, giòn, bùi và thường được người dân nơi đây dùng biếu bạn bè như món quà thắm đượm tình quê hương.
-
Bánh lòng Kinh Môn
Bánh Lòng Kinh Môn được làm từ những nông sản bình dị, bánh lòng là loại bánh truyền thống của người dân Kinh Môn, Hải Dương, chủ yếu được làm vào dịp tết Nguyên Đán để dâng lên tổ tiên. Mặc dù nguyên liệu làm bánh thì bình dị gần gũi nhưng cách chế biến thì rất cầu kỳ, tinh tế, tốn nhiều thời gian. Nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng, đường, lạc, vừng, thịt ba chỉ quay kỹ, mứt, gừng, hương liệu. Gạo phải được rang hoặc nổ thành bỏng rồi mới đem giã mịn chứ không phải xay gạo thành bột, đường cô thành mật, ba chỉ quay kỹ thái nhỏ, lạc, vừng rang, gừng giã lấy nước. Các công đoạn này rất tốn thời gian và công sức. Món bánh lòng khi thưởng thức có độ dẻo, vị ngọt của đường, vị thơm bùi của lạc vừng, bỏng gạo, vị ngậy của thịt quay kỹ, và tất cả được cân bằng bởi vị cay cay thơm thơm của gừng.
Cũng bởi vị thơm ngon đặc trưng mà bánh lòng Kinh Môn dần được nhiều người biết đến. Rất nhiều du khách thập phương khi về trẩy hội, du xuân tại quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) đều chọn mua bánh lòng làm quà biếu người thân. Những năm gần đây, tại lễ hội mùa xuân và lễ hội truyền thống khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, huyện Kinh Môn đều tổ chức hội thi làm bánh lòng. Những chiếc bánh lòng thơm ngon được ban tổ chức dâng lên làm lễ để cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời cũng là dịp để quảng bá đến du khách gần xa về đặc sản truyền thống của quê hương.
-
Chả rươi Tứ Kỳ
Rươi là một loài thủy sinh hiếm và chỉ xuất hiện ở một số con sông vùng nước lợ. Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 âm lịch đến khoảng tháng 11 âm lịch. Món chả rươi là món thơm ngon và dễ chế biến. Nguyên liệu đi kèm để chế biến chả rươi là trứng gà, thịt băm, thì là, gia vị và đặc biệt là vỏ quýt. Chả rươi có vị béo ngậy của rươi, thơm thơm của thì là và vỏ quýt, chấm cùng nước mắm tỏi ớt pha vừa miệng sẽ khiến bạn ấn tượng ngay khi thưởng thức miếng đầu tiên. Người ta thường gọi rươi là thứ lộc trời cho bởi sự xuất hiện của sản vật này là một điều kỳ diệu. Cái cách chúng đến mỗi năm cũng thật khác biệt so với các loại đặc sản thường thấy. Mỗi năm chỉ đúng vào một khoảng thời gian nhất định rươi mới xuất hiện, không hơn không kém. Đặc biệt hơn nữa, đây không phải là sản vật mà con người có thể nuôi trồng, mà chỉ có thể là chúng tự đến. Chính vì vậy, rươi vẫn luôn được người dân Tứ Kỳ coi là lộc trời, thứ sản vật được trân trọng và luôn khiến người ta tự hào.
Rươi là một loại nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng và có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là chả rươi Tứ Kỳ. Món ăn này có thể làm hài lòng cả những vị thực khách khó chiều nhất. Khi đã lựa được một mẻ rươi béo múp và tươi rói người ta sẽ mang về để chế biến. Công đoạn quan trọng nhất là lúc làm lông, rươi sẽ được rửa trong nước nóng già, quấy thật nhẹ tay để lông rụng và nhặt đi hết những cọng rác còn lẫn, thực hiện rửa đi rửa lại nhiều lần để sạch hết bùn đất rồi để cho thật ráo nước. Đến công đoạn chế biến chả rươi Tứ Kỳ, người ta sẽ cho rươi đã làm sạch trộn với thịt băm, trứng thêm ít thì là thái mịn, gia vị và đặc biệt là vỏ quýt băm nhỏ, vị thơm và hăng của vỏ quýt sẽ làm món ăn có hương vị đặc biệt nhất. Miếng chả rươi ngon đúng điệu khi có lớp áo bên ngoài vàng ươm, bên trong mềm và ngọt đậm vị rươi. Để thưởng thức trọn vẹn hương vị của đặc sản Tứ Kỳ này thì khi thưởng thức bạn cùng cần ăn đúng cách. Theo đó, chả rươi phải ăn nóng kèm với rau mùi, húng thơm với nước chấm chua ngọt pha chanh ớt và hạt tiêu bắc thơm lừng.
-
Bánh cuốn
Về thành phố Hải Dương, bạn hãy tìm đến con phố Bắc Sơn và thưởng thức món bánh cuốn nơi đây. Bánh cuốn Hải Dương không có nhân thịt mộc nhĩ như bánh cuốn các vùng miền khác. Bánh cuốn ở đây là những tấm bánh mỏng mướt, trắng trong, béo ngậy mà vẫn thanh mát. Bánh được ăn kèm với hành khô phi giòn, bùi, thơm. Bạn có thể gọi thêm chả thịt hoặc chả lá lốt. Điểm nhấn của bánh cuốn chính là nước mắm. Nước mắm được pha vừa ăn, có vị ngọt của đường, chua của dấm, cay cay của vài lát ớt. Đừng quên thưởng thức món ăn này khi đến thành phố Hải Dương nhé.
Cái làm nên thương hiệu bánh cuốn Hải Dương bao nhiêu năm trước đến bây giờ vẫn không thay đổi: bát nước chấm vàng sóng sánh, thơm dìu dịu mùi nước mắm ngon, chua thanh thanh vị giấm, loáng thoáng những chấm ớt đỏ tươi và bột hạt tiêu đen nhánh. Gỡ lá bánh mỏng tang, nhúng vào bát nước để thấm đẫm vị mặn, ngọt, chua, cay, mới thấy tiếc vì bánh cuốn Hải Dương không được nhiều người biết đến. Bây giờ, những hàng bánh cuốn ở Bắc Sơn đã vãn. Nhưng miếng ngon nhớ lâu, nhiều vị khách ở nơi xa, dù chỉ một lần nếm thử bánh cuốn nơi đây, mỗi lần đến đây vẫn phải cố công tìm ăn bằng được.
-
Bánh dày Gia Lộc
Giữa vô vàn những thứ quà ăn sáng như phở, bún, cháo…nhưng những chiếc bánh dày vẫn được nhiều du khách lựa chọn như một món ăn đậm tình quê. Dừng chân tại thị trấn Gia Lộc - Hải Dương ăn chiếc bánh dày, uống chén trà hoặc mua vài gói bánh về làm quà cho người thân, chắc chắn chỉ một lần bạn sẽ nhớ mãi. Bánh được làm hoàn toàn từ gạo nếp cái hoa vàng nên có thể giữ được độ dẻo đến 48 tiếng, bảo quản bằng cách cho bánh vào túi ni-lông, buộc chặt. Khi bánh bị khô, có thể chế biến bằng cách thái thành các miếng mỏng, rán giòn và chấm với nước mắm ăn cũng rất ngon. Làm bánh dày có ít công đoạn nhưng đòi hỏi tay nghề cao. Gạo làm bánh phải là gạo nếp cái hoa vàng thì mới bảo đảm được độ dẻo, mềm, thơm của bánh. Gạo vo và đãi sạch đến khi nước trong veo thì ngâm trong nước mưa hoặc nước sạch 6 tiếng mùa hè, 8 - 10 tiếng mùa đông, nếu ngâm quá lâu, gạo sẽ bị chua. Sau đó để gạo róc nước và nấu cách thủy từ 50 - 60 phút. Người đứng bếp phải có kinh nghiệm khi sử dụng lượng nước ở nồi đáy cho phù hợp với số lượng gạo
Trước đây, bánh dày được giã thủ công và tốn rất nhiều sức. Những gia đình làm nghề này phải thức dậy từ 3 giờ sáng để nấu cơm nếp, giã và vắt bánh. Ngày nay, tuy đã có máy xay nhưng cơm nếp xay xong vẫn được giã lại bằng chày để bảo đảm độ dẻo và dính của bánh. Cơm nếp phải được giã nhuyễn đến khi không còn nổi những mụn nhỏ li ti. Lá chuối rửa sạch, lau khô dùng để đựng bánh. Trước khi vắt bánh, nên thoa dầu ăn vào tay để không bị dính. Với 1kg gạo nếp sẽ làm được 1,3kg bánh dày. Đến nay, thứ bánh dân giã ấy đã trở thành một trong những đặc sản ẩm thực của thị trấn Gia Lộc. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương. Họ quen gọi ngắn gọn là "bánh dày giò, xôi nén chả". Chiếc bánh dày trắng mịn, chỉ mới đưa lên miệng đã cảm nhận được mùi vị béo ngậy của giò, thoang thoảng hương thơm của gạo nếp và lá chuối xanh. Bánh đượm vị ngọt tự nhiên, đưa lên mũi thì thơm nức mùi nếp, khi nhai thì dẻo dai khiến người ta yêu thích.
-
Bún cá rô đồng
Nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc trưng của món bún Hải Dương quan trọng nhất là cá rô đồng tươi. Những trận mưa rào xối xả kéo tới, ấy là lúc mùa cá rô đồng vào mùa sinh sản. Chúng từ kênh rạch, ao, hồ, sông ngòi… tìm tới các vùng nước sâu hơn, ấy vậy mà lũ trẻ con thôn quê cứ trông chờ mùa mưa để đi lượm cá. Ngày nay không cần chờ đến chính mùa cá thực khách mới có thể thưởng thức món bún này, cá rô đồng đã được nuôi khá nhiều tại các ao, đầm của các hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên để thưởng thức món ăn một cách trọn vị, đúng hiệu đặc sản Hải Dương thì hãy ghé qua vùng đất này vào mùa mưa nhé. Cá rô đồng tươi sau khi được chọn lựa kỹ, được đưa về làm sạch, luộc gỡ thịt và xương riêng. Công đoạn làm nước dùng cũng rất kỳ công, xương sau khi được gỡ cùng với đầu cá đem giã lọc lấy nước cốt để nước dùng được trong, ngọt tự nhiên.
Thêm nhiều công đoạn chế biến kỳ công cùng những bí quyết gia truyền mới có được thành quả tô bún cá rô đồng hài hòa hương vị, mãn nhãn về màu sắc. Sắc xanh của rau thì là, dọc mùng, rau cải… hòa quyện với màu vàng rộm của miếng cá chiên, chút đỏ thắm của cà chua cùng sợi bún trắng giòn dai tạo nên một món ăn dân dã, gợi nhớ về một thức quà nơi chợ quê giản dị. Bát bún nóng hổi, vị thanh ngọt đậm đà tự nhiên của nước dùng, thơm bùi của miếng cá chiên giòn tan, se cay của chút tiêu bắc hay tương ớt, ăn kèm với rau hoa chuối sống thái nhỏ đúng là “ngon hết chỗ nói”, hương vị không thể nào chê được. Đi khắp các huyện trên mảnh đất Hải Dương đâu đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp quán bún cá rô đồng, nhưng để thưởng thức ngon trọn vị thì hãy tìm đến những quán nổi tiếng có thương hiệu từ lâu đời.
-
Ổi Thanh Hà
Cùng với cây vải thiều, ổi là một loại trái cây đặc sản của vùng đất Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, ổi Thanh Hà đã trở thành đặc sản hiếm có, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thanh Hà cũng là địa phương có diện tích trồng ổi lớn nhất ở Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu là quả trái vụ, chiếm gần 70% sản lượng ổi quả của cả năm. Các giống ổi ngon chủ yếu là ổi Bo xù, ổi Thái, ổi Bo trắng được các hộ dân trồng khá nhiều. Ổi Thanh Hà quả to đều, thịt chắc, ăn rất giòn và ngọt, có hương vị thơm ngon, giúp bạn có những trải nghiệm tuyệt vời về vị giác là đặc sản của vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng. Giống ổi Bo Thanh Hà đã đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân nơi đây, sản lượng thu hoạch cũng rất đáng kể. Trọng lượng quả ổi bo trung bình đạt 500g/quả, thường khoảng 2 quả/kg, cá biệt có quả nặng hơn 1kg.
Rất nhiều diện tích vườn ổi Thanh Hà được trồng theo quy trình VietGAP cho năng suất và chất lượng vượt trội so với trồng thông thường, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngay khi thu hái và có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, tuân thủ nghiêm ngặt việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh, áp dụng đúng kỹ thuật nên ổi Thanh Hà có mẫu mã đẹp, giá bán cao, đầu ra thuận lợi và được người tiêu dùng đặc biệt ưa thích. Thương hiệu “Ổi Thanh Hà” những năm qua đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và ngày càng nổi tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể” và được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc sản ổi Thanh Hà đang được tiêu thụ mạnh ở rất nhiều tỉnh thành của nước ta, trong thời gian tới ổi Thanh Hà sẽ có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho thương hiệu cây ăn quả chủ lực thứ hai của đất Thanh Hà.