Pẻng năng (bánh nẳng)
Mỗi khi Tết đến xuân về, người Mường ở Thanh Sơn lại cùng nhau sửa soạn nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết để đón một cái tết ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh Bánh chưng, bánh mật, cành đào, cây mía, mâm ngũ quả thì bánh nẳng là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong Tết Nguyên đán của người Mường nơi đây. Đồng bào cũng thường bày những chiếc bánh nẳng lên bàn thờ tổ tiên trong dịp Tết để thể hiện lòng tôn kính, sự biết ơn cha ông mình.
Người Mường Thanh Sơn còn gọi Bánh nẳng là Bánh tro, bánh gio, là loại bánh khá phổ biến và dân dã được lưu truyền từ bao đời nay trong đời sống của đồng bào. Tuy nhiên, để tạo ra những chiếc bánh nẳng thơm, ngon cũng đòi hỏi nhiều công đoạn rất cầu kỳ, ti mỉ. Bánh nẳng được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và nước nẳng. Khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh là chế nước nẳng. Nước nẳng có lên màu, đủ độ thì bánh mới mềm, dẻo và đẹp. Ở mỗi vùng miền khác nhau, cách thức chế nước nẳng có sự khác nhau.
Với đồng bào Mường Thanh Sơn thường làm nước nẳng từ cây đa, cây mọm, cây ò é (cây đỏ ngọn), cây thầu dầu. Nếu không đủ các loại cây trên có thể dùng cây đậu tương và cây vừng. Cùng với măng khô, vôi tạo nên hương vị rất riêng chỉ mảnh đất Thanh Sơn mới có được. Các loại cây đem phơi khô rồi đốt thành tro (than) hòa với nước vôi gạn thật trong thì thành nước nẳng. Muốn biết nước nẳng có đạt yêu cầu hay không bà con ta thường lấy một miếng cau với một miếng, nhá qua rồi nhúng vào khoảng 15 - 20 giây, vớt ra một lúc mà thấy nước có màu đỏ là được. Gạo để làm bánh nẳng phải là thứ nếp mới sau đãi sạch rồi đem vo, để ráo. Sau đó, đổ gạo vào nước nẳng đã chế ngâm từ 2-3 ngày rồi vớt ra đem gói. Bánh được gói bằng lá chít, lá dong, hoặc dùng lá chuối. Nhưng lá chít gói bánh nẳng vẫn là ngon nhất.
Bánh nẳng còn là một phương thuốc quý. Bánh nẳng có tác dụng như một vị thuốc giúp tiêu cơm, giải say. Thưởng thức bánh nẳng ta cảm nhận được hương vị thơm mát của đất trời ẩn trong bánh, hòa tan cùng vị ngọt ngào của hương mật. Thực khách có dịp đến với Thanh Sơn được thưởng thức món bánh nẳng sẽ còn lưu luyến chẳng muốn về, bởi trong đó còn chứa đựng cả tình người, hồn quê hết sức giản dị của đồng bào Mường.