Top 20 Món ngon ngày Tết ở Việt Nam
Khi nói về món ăn, bên cạnh những món thông dụng, ngày thường, thì ngày Tết ở Việt Nam còn có những món ăn vô cùng đặc trưng. Trong bài viết này, hãy cùng ... xem thêm...Toplist điểm qua những món ngon ngày Tết Việt nhé!
-
Bánh chưng, bánh tét
Chắc hẳn khi đã sinh ra là người Việt Nam, thì không ai không biết đến món ăn này. Bánh chưng ngày thường cũng được bày bán rất nhiều, nhưng sẽ chỉ có ý nghĩa đặc biệt trong những ngày lễ Tết đối với người miền Bắc. Bánh hình vuông, được gói bằng lá rong hoặc lá chuối. Nguyên liệu gồm gạo nếp bọc bên ngoài, nhân là đậu xanh kèm với thịt mỡ ướp tiêu. Bánh phải luộc gần một ngày một đêm mới đủ lửa. Sau khi bánh chín và được ép chặt bởi hai thanh gỗ hoặc tre, vị gạo trộn lẫn vị đậu xanh và thịt mỡ đã nhuyễn tạo nên một mùi vị hài hòa, đậm đà, thơm ngon. Bên cạnh mâm ngũ quả thì bánh chưng cũng là một vật không thể thiếu trên bàn thờ ngờ ngày Tết. Một chiếc bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu từ động vật đến thực vật như thịt mỡ, đậu xanh, gạo nếp, lá dong thể hiện sự sung túc, ấm no.
Khác vói miền Bắc, người dân miền Nam không thể thiếu món bánh tét trong mâm cơm ngày Tết. Với hình dáng trụ tròn cao khoảng 20 - 25cm, bánh tét còn được gọi là bánh đòn vì vẻ bề ngoài của nó. Bánh được gói bằng lá chuối còn tươi, nguyên vẹn và xanh mướt, quấn chặt xung quanh bằng gân lá. Thông thường, hai đòn bánh tét sẽ được nối với nhau bằng gân lá chuối thành một cặp. Có điểm tương đồng với bánh chưng về phần nhân bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, chỉ khác với lớp lá chuối bên ngoài. Ngoài ra, bánh tét còn được gói chay với nhân đậu xanh, đậu đen hay chuối với đủ mọi kích cỡ khác nhau, vô cùng đa dạng. Vào những ngày giáp Tết, hình ảnh bà và mẹ tỉ mẩn gói đừng đòn bánh tét, đặt trọn tình yêu thương vào những chiếc bánh mà mình làm ra. Từng lớp bánh bao bọc lấy nhau, đậu bọc lấy nhân, nếp bọc lấy đậu và lớp lá chuối thơm lừng bao lấy cả đòn bánh một cách nhẹ nhàng, nâng niu như tình cảm của người mẹ bao bọc lấy đàn con của mình. Bánh tét có thể được làm và được ăn suốt năm, nhưng chiếc bánh tét ngày Tết mới thật ý nghĩa. Cũng giống như người mẹ nào cũng mong con về nhà, nhất là những dịp Tết đến Xuân sang.
-
Dưa hành
Ứng với câu ca của ông bà ta từ xa xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, thì trong những đặc trưng của ngày Tết, dưa hành là một món ăn không thể thiếu. Dưa hành không chỉ mang đậm giá trị truyền thống, mà trong mâm cơm ngày Tết, có thêm một đĩa dưa hành, thỉnh thoảng ăn một miếng sẽ giúp chúng ta bớt ngán khi ăn quá nhiều các món ăn đậm chất dinh dưỡng khác. Dưa hành, hay hành muối, là một loại dưa muối dùng nguyên liệu chính là hành củ muối chua theo phương thức lên men vi sinh. Cùng với thịt mỡ và bánh chưng, dưa hành thịnh hành như một đồ ăn không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của cộng đồng người Việt khắp cả nước. Không chỉ vậy, dưa hành còn có tác dụng trong việc điều tiết hệ tiêu hóa của chúng ta, giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa trong trường hợp chúng ta ăn lung tung nhiều thứ. Do vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn một vại dưa hành cho cả gia đình trong dịp Tết này nhé!
Nguyên liệu để muối dưa hành rất đơn giản bao gồm: củ của một loại hành (tên khoa học: Allium chinense - người Việt Nam quen gọi là "củ kiệu") đã được phơi khô chưa bóc vỏ ngoài già màu vàng sậm, củ nhỏ cỡ khoảng bằng đầu ngón tay người lớn hay hơn một chút, và muối ăn. Hành củ chọn loại đều, chắc củ, không bị thối hỏng, bóc bỏ lớp vỏ già bên ngoài sẽ lộ ra thân củ màu trắng hoặc trắng hơi ngả tím. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ cho rằng sử dụng củ hành trắng hay hành hương ăn ngon và thơm hơn hành tía. Hành tía hăng, cay hơn khiến cho vại dưa lâu chín hơn. Một số nguyên liệu khác có thể đi kèm: cải bẹ (dùng để xếp lớp bổ sung vào vại muối hành); mía lót đáy vại, đường, rượu trắng, dấm bỗng (khiến dưa hành chóng chua hơn, có thể không cần). Tro bếp, phèn chua hoặc nước vo gạo như một dạng thức phụ gia để ngâm hành trước khi muối. Dưa hành thường được sử dụng như một đồ ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều mỡ để chống ngấy trong những ngày Tết.
-
Giò lụa, giò xào
Giò lụa - món ăn ngon phổ biến trong ngày Tết. Những ngày cuối năm, càng nhiều người có ý định học cách làm giò lụa tại nhà hơn là phải mua ngoài tiệm để chuẩn bị món ngon cho mâm cỗ cúng Tết. Tự tay làm giò lụa không chỉ ăn ngon mà còn khỏi lo ngại các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, loại trừ các sản phẩm giò lụa phẩm màu, hóa chất bảo quản... Nếu như ngày thường, giò lụa chúng ta hay ăn là được mua ở ngoài chợ, thì giò ngày Tết đa phần được các gia đình tự gói, song song với việc gói bánh Tét, bánh Chưng. Mỗi bữa cơm cắt giò ra ăn, không chỉ vừa đỡ tốn tiền, lại vừa vệ sinh an toàn hơn khi mua ở ngoài chợ. Đặc biệt là giúp chúng ta ngon miệng nữa.
Bên cạnh món giò lụa, mâm cỗ ngày Tết của người Việt còn có món giò xào. Giò xào là một trong những món giò truyền thống của người Việt với thành phần chính là thịt thủ xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt. Bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam và hiện nay đã phổ biến khắp nước, nhưng những dạng thức chế biến ít nhiều tương đồng như món ăn này cũng tồn tại tại rất nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới. Quy trình chế biến tương đối dễ, nguyên liệu dễ kiếm, thành phẩm lại thơm ngon và hơi giòn dai lạ miệng khiến giò thủ là món ăn quen thuộc của người dân khắp các vùng miền. Giò thường được các gia đình làm trong dịp lễ Tết cổ truyền và được bán tại các cửa hàng giò chả nem chạo ở hầu hết các chợ trong toàn quốc.
-
Chả cuốn (nem rán)
Chả cuốn hay còn gọi là ném rán là một trong những món ăn mặn ngày Tết, mà chắc hẳn không nhà ai ngày Tết lại không làm món này. Không những dễ làm, mà chả cuốn lại vô cùng ngon miệng, dễ ăn. Nguyên liệu làm nhân tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi gia đình có thể thêm thứ này, bớt thứ nọ, nhưng căn bản có thịt heo nạc xay nhuyễn, nấm mèo xắt sợi mảnh nhỏ, trứng, miến đã ngâm nước và một số loại rau thơm. Chả cuốn có vị giòn rụm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn, kết hợp cùng nước mắm chua ngọt sẽ trở thành một món ăn tuyệt vời.
Thịt được sử dụng làm chả cuốn phổ biến nhất là thịt lợn, nhưng người ta cũng có thể sử dụng cua, tôm, gà và đôi khi là ốc (ở miền Bắc Việt Nam) và đậu phụ (đối với chả giò chay - "chả cuốn chay"). Nếu dùng cà rốt và củ đậu thái hạt lựu thì nhân hơi giòn, hợp với bánh tráng chiên giòn, nhưng nước từ các loại rau củ này có thể khiến bánh tráng mềm sau một thời gian ngắn. Nếu muốn bảo quản chả cuốn trong thời gian dài, có thể dùng khoai lang nghiền hoặc đậu xanh nghiền để chả cuốn được giòn. Người ta cũng có thể bao gồm giá đỗ và bún gạo. Trứng và các loại gia vị khác nhau có thể được thêm vào sở thích của một người.
-
Bánh giầy
Theo truyền thuyết Bánh Chưng Bánh Giầy, thì bánh giầy cũng là một món ăn truyền thống của những ngày lễ Tết. Bánh giầy là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên và đất trời xứ sở. Bánh thường được làm bằng gạo nếp giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh thường được làm vào dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày Giỗ tổ Hùng Vương). Cùng với bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Nó có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Bánh giầy gắn với truyền thuyết về hoàng tử Lang Liêu, tương truyền xảy ra vào đời vua Hùng thứ 6 của nước Văn Lang. Theo đó, Lang Liêu đã được báo mộng để làm ra chiếc bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho trời, còn bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất; hai thứ này được dùng để dâng lên vua cha trong ngày đầu xuân. Ngoài việc lý giải nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy, sự tích trên nhắc nhở con cháu về truyền thống của dân tộc và tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn minh lúa nước.
Các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, như Tày, Mường cũng làm bánh giầy nhưng không gói bánh chưng. Sử gia Trần Quốc Vượng nêu quan điểm rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam. Một số vùng miền gói bánh ú hay bánh tét, loại bánh hình tròn dài, để thay cho bánh chưng, mà theo giải thích của Trần Quốc Vượng là phù hợp với quan niệm tín ngưỡng phồn thực. Người ta thường chọn loại gạo nếp ngon, đồ kỹ (có thể đồ hai lượt), rồi giã trong cối tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, thường chỉ nam thanh niên làm vì bột nếp chín đặc biệt dính và quánh, việc nhấc chày lên cũng không đơn giản. Nếu giã không nhuyễn hẳn ăn còn hạt gạo sẽ mất ngon, dễ bị "lại" bánh. Thường thường người ta có thể dùng chút mỡ lau vào đầu chày giã cho đỡ bị bết dính, nhưng óc lợn hấp chín được sử dụng cho mục đích này nhiều hơn. Bánh giầy không chỉ có trong ngày Tết mà những ngày thường cũng rất dễ để mua loại bánh này. -
Nem chua
Nem chua là một món ăn truyền thống ngày Tết và rất phổ biến ở miền Bắc, vì miền Bắc có khí hậu ôn hòa, tiết trời se lạnh khi Xuân về nên có thể làm nem mà không sợ bị hư hỏng, ôi thiu. Trong khi đó tiết trời miền Nam có phần nóng nực, nên nem chua không phổ biến bằng vì chúng rất khó bảo quản. Nem chua là một món ăn sử dụng thịt lợn, lợi dụng men của lá chuối (hoặc lá ổi, lá vông, lá sung) và thính gạo để ủ chín, có vị chua ngậy. Nổi tiếng ở Việt Nam như một sản vật phổ biến tại nhiều địa phương, tuy không rõ nem chua được người dân vùng nào làm ra đầu tiên. Cách chế biến nem có thể chia thành hai kiểu: Nem Miền Bắc có thể chế biến ăn sống cùng các loại lá đặc biệt; còn Nem Miền Trung (đặc biệt Thanh Hoá và Huế) được đóng gói và lên men trong một số loại lá, trong đó có lá chuối, lá ổi.
Ngày nay, ở một số khu vực thuộc Hà Nội như phố Hàng Bông (đoạn ngõ Tạm Thương), Hàng Bồ người ta còn chế biến nem chua thành một món nhậu mới là nem chua rán, nướng. Món này đặc biệt hấp dẫn bởi mùi đặc trưng của nó. Đi ngang qua, không cần nhìn biển hiệu, chưa cần nhìn cảnh người ta hì hụp ăn, đã ngửi thấy mùi rồi. Mùi món này có đặc tính kích thích vị giác rất mạnh. Tất cả các loại nem hiện đang bán trên thị trường Hà Nội đều được cung cấp bởi các hiệu nem chua nổi tiếng nhất Hà Nội hiện nay như Hồng Chiến (phố Lê Đại Hành), Công Châu (đường Trần Xuân Soạn), Đình Dũng (phố Đội Cung) trong đó cửa hàng Hồng Chiến là có nguồn gốc chân truyền xuất xứ từ làng làm giò chả nổi tiếng trước đây là làng Ước Lễ thuộc phủ Hà Đông và các món nem chua này cũng là một trong những món ngon ngày Tết của người Việt.
-
Canh măng khô
Mâm cơm truyền thống ngày Tết của người Việt Nam không thể thiếu món canh măng khô. Măng là loại thực phẩm chứa chất xơ nên tốt cho tiêu hoá, không gây thừa cân nếu ăn nhiều và có tác dụng chống ngán cho ngày Tết. Măng khô thường sử dụng loại măng nứa hoặc măng mai, măng lưỡi lợn. Tuy nhiên, măng nứa khô là phổ biến và ngon nhất. Măng khô thường được kết hợp cùng sườn lợn, móng giò lợn để nấu canh hầm và món canh măng khô nấu sườn đã trở thành món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Việt Nam. Măng khô nấu với móng giò là món canh rất được ưa chuộng trong ngày Tết cổ truyền ở miền Bắc. Khi ăn măng có độ giòn vừa tới cùng móng giò mềm, béo ngậy thơm ngon rất đưa cơm. Nên chọn mua những loại măng có màu vàng hơi nâu, được cắt thành miếng nhỏ và chưa tẩm muối gì lên măng. Nếu mua măng miếng to, thời gian ngâm măng và luộc măng sẽ lâu hơn. Măng nguyên chất phải còn lưu giữ mùi hương đặc trưng là măng mới.
Măng khô rửa sạch với nước sau đó ngâm qua đêm cho măng nở hết. Có thể ngâm từ 2 - 3 đêm, thay nước hàng ngày. Ngày đầu tiên ngâm có thể dùng nước vo gạo để giúp măng trắng và ngon hơn, những ngày còn lại dùng nước thường. Sau khi ngâm, thì cho măng vào nồi nước đun sôi luộc vài lần cho đến khi măng mềm hoàn toàn và nước luộc măng màu trắng thì dừng lại. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất một giờ với lửa trung bình. Luộc măng xong vớt ra ngâm với nước lạnh để tăng độ giòn. Sau đó xé nhỏ hoặc thái miếng tùy ý với măng. Xào sơ măng với một ít muối và nước mắm cho măng ngấm gia vị. Móng giò, xương cần xát muối rửa sạch và cho vào nồi, chần qua để khi nấu nước dùng sẽ được trong. Sau đó đem rửa lại với nước cho sạch sẽ. Đổ móng và xương vào nồi, thêm nước lạnh và ninh trong khoảng 30 phút, nếu có bọt thì hớt hết bọt để nước dùng được trong. Tiếp tục cho măng đã xào vào nồi xương đang ninh, sau đó đun cho đến khi măng chín mềm, móng chín nhừ là được. Nếm lại một lần nữa xem nước dùng đã đậm đà chưa. Thả hành lá vào nồi rồi tắt bếp và múc canh ra bát và cùng gia đình thưởng thức cùng mâm cỗ ngày Tết thôi nào.
-
Thịt nấu đông
Thịt nấu đông cũng là một món ăn truyền thống trong thực đơn ngày Tết của mọi gia đình Việt. Thịt đông là một món ăn quen thuộc, đặc trưng của miền Bắc Việt Nam trong những ngày mùa đông. Thịt đông có nguyên liệu chủ yếu là thịt lợn, nhưng chủ yếu người ta dùng thịt chân giò, các gia vị cần chú ý là mộc nhĩ và hạt tiêu ngoài ra còn có bì lợn (da heo), và có thể có sương đông (rau câu). Đây là món ăn nguội, lạnh, ăn với cơm nóng, khi ăn sẽ có cảm giác mát ở đầu lưỡi. Da heo có ảnh hưởng đến mức độ dai của sương đông. Tùy theo khẩu vị mà cho lượng da heo vào thịt. Phần keo phải trong, không vữa ra ở nhiệt độ thường. Độ dai của phần keo tùy thuộc vào lượng bì cho vào ninh, càng cho nhiều da thì món thịt đông càng dễ đông, keo chắc.
Khi ăn người chế biến sẽ úp ngược khuôn vào đĩa, lớp rau câu phía dưới khuôn sẽ trở thành bề mặt. Thịt đông dùng lạnh sẽ ngon hơn. Thịt đông có thể ăn chung với dưa muối chua. Thịt đông có màu hơi hồng, miếng thịt mềm, béo, có mùi thơm đặc trưng của thịt, hồ tiêu, mộc nhĩ giòn, thêm vị man mát của rau câu (sương đông). Để có được món thịt nấu đông, bạn cần chuẩn bị thịt chân giò lợn, bì lợn cùng các gia vị như mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt và ít măng khô cùng muối, mắm, hồ tiêu...nấu tầm hai giờ, đảm bảo thịt và các loại nấm, măng khô chín mềm, nước săm sắp, trong suốt, nêm gia vị vừa vặn, trang trí thêm rau gia vị và ớt tỉa hoa, đảm bảo mọi người sẽ rất thích thưởng thức món ăn này trong bữa ăn ngày Tết. -
Gà luộc
Các món ăn từ gà khá phổ biến trong bữa cơm thường nhật của mỗi gia đình. Gà là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, có thể thay thế lượng protein được cung cấp từ thịt đỏ. Hơn thế, thịt gà rất ít chất béo nên có thể giảm thiểu tối đa lượng cholestoron nạp vào cơ thể. Thịt gà có thể chế biến thành nhiều món ăn mang hương vị khác nhau, đem lại những bữa ăn phong phú cho cả gia đình. Trong đó, gà luộc là món đơn giản nhất, tuy nhiên cách luộc gà ngon chưa chắc bà nội trợ nào cũng nắm được. Gà luộc đạt yêu cầu là sau khi luộc, da gà phải có độ bóng, màu vàng hấp dẫn, mịn mướt và không bị khô. Thịt gà bên trong phải chín nhưng vẫn giữ được độ dai ngon tự nhiên.
Gà luộc là một món ăn không thể không kể đến trong các dịp lễ Tết. Từ trước đến nay thì mọi người luôn tin tưởng rằng gà mang đến niềm may mắn, sự khởi đầu thuận lợi cho một năm mới. Người ta lựa chọn những con tươi ngon, làm sạch rồi sau đó cho vào nồi luộc cùng với 1 số gia vị như hoa tiêu, hoa hồi, gừng. Gà luộc chín tới sẽ có màu vàng, không bị rách da và được dùng chấm kèm với muối chanh ớt. Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên. Trong mọi mâm cỗ từ đám cưới, đám hỏi, mừng thọ, tân gia thì không thể không có món thịt gà luộc. Và trong những ngày tết thì cũng không phải là ngoại lệ. Một món ăn đơn giản nhưng lại không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc.
-
Thịt kho tàu
Ngày xưa mỗi khi Tết đến thì gia đình nào cũng có một nồi thịt kho tàu đây cũng là một trong những món ăn truyền thống của người Việt Nam. Từ những miếng thịt lợn tươi ngon và những quả trứng cút qua bàn tay nấu nướng khéo léo đã tạo ra một nồi thịt kho tàu thơm ngon và hấp dẫn mọi người cùng ăn trong ngày Tết. Nhất là trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam lại càng không thể thiếu món thịt kho hột vịt. Với ý nghĩa trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý nếu thiếu món thịt thú vị này thì mâm cơm ngày Tết của người miền Nam sẽ mất đi phong vị. Nước dùng để kho thịt lợn và trứng vịt là nước dừa. Thịt lợn thường là thịt ba chỉ, hoặc thịt có cả nạc lẫn mỡ. Thịt được thái thành miếng vuông, to, trứng vịt được luộc, bóc vỏ và bỏ chung vào kho cùng thịt. Gia vị sử dụng gồm có: tiêu, nước mắm, ớt, đường, nước màu và một số gia vị khác. Hỗn hợp thịt, trứng, nước dừa ngập vừa này được kho bằng lửa nhỏ cho đến khi thịt mềm. Món thịt kho hột vịt có thể dùng chung với cơm trắng và dưa chua. Thay vì trứng vịt thì trứng gà, trứng cút cũng được dùng kho tàu. Món ăn này cũng thường được thấy trong các quán cơm tiệm bình dân vì cách làm dễ, giá thành rẻ và hương vị thơm ngon.
Món thịt kho tàu ngon phải đảm bảo tiêu chuẩn có màu vàng bắt mắt, thịt đủ mềm, vị béo ngậy, thơm ngon, đậm đà… ăn cùng cơm trắng rất tuyệt. Nên chọn loại thịt có da mỏng để món ăn ngon, mềm và không bị ngấy. Để thịt bớt mùi hôi, khi mua về bạn cần ngâm với nước muối loãng, sau đó rửa qua nước lã rồi thái. Cho 500g thịt vào tô, lần lượt cho 1 thìa hành tím băm, 1 thìa tỏi băm, 3 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 1/3 thìa hạt nêm và 1 thìa hạt tiêu vào trộn đều. Sau đó, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín bát thịt, ướp khoảng 15 - 20 phút. Trong lúc đợi thịt thấm gia vị, bạn cho trứng vào nồi luộc. Để trứng đậm và dễ bóc, cho vào nồi luộc 1 ít muối hạt. Để nhiệt độ bếp ở mức vừa phải, không nên quá lớn trứng dễ bị vỡ vỏ. Sau khi nước sôi, hạ bớt nhiệt độ xuống, để sôi liu riu trong 7 - 8 phút là trứng chín tới. Tiếp đó, cho đường vào nồi, nấu đến khi đường sôi chuyển màu cánh gián thì cho một lượng nước vừa đủ vào. Cho thịt đã ướp vào chảo, xào đến khi thịt săn lại thì đổ 400 ml nước dừa vào. Đậy nắp nồi, sau đó giảm lửa và đun thịt trong 30 phút. Sau 30 phút, nước cạn đã vơi thì đổ thêm nước vào, đậy vung đun thêm 30 phút nữa rồi tắt bếp.
-
Canh bóng nấu thả
Canh bóng nấu thả là một món thường xuyên có mặt trong cỗ Tết miền Bắc xưa. Món ăn này vừa thanh tao, vừa bổ dưỡng, phù hợp với thời tiết giá lạnh ngày Tết. Da lợn (da heo) có tác dụng bổ huyết và mịn da, bởi vậy, mâm cỗ truyền thống phía Bắc đã hình thành nên món canh bóng độc đáo này. Mùa lạnh miền Bắc da thường khô nứt nẻ, bởi vậy những món như thịt đông hay canh bóng sử dụng nhiều da lợn như một biện pháp cân bằng tự nhiên. Ăn nóng canh sẽ rất thơm ngon. Bóng bì ngọt nhờ thấm nước dùng. Khi múc để các loại rau củ đẹp mắt lên trên và bóng bì trên cùng để phân biệt với các món canh khác trong một mâm cỗ có nhiều món.
Không chỉ là món ăn ngon ngày Tết, canh bóng nấu thả còn là món ăn giúp đẹp da cho chị em. Bì heo cung cấp nhiều collagen, có tác dụng làm đẹp da, giúp gân xương chắc khỏe, bổ sung vitamin và cải thiện miễn dịch. Bì heo thúc đẩy các tế bào da hấp thu và lưu trữ nước để ngăn ngừa nếp nhăn gây da khô. Nên ăn một lượng vừa phải sẽ giúp da căng mịn và trơn bóng. Như vậy, canh bóng thả cung cấp nhiều thành phần tạo ra collagen, giúp da bóng mịn và săn chắc. Trong thực đơn còn có thịt lợn nạc, tôm và trứng chim cút bổ sung các protein, lipid, glucid làm cho canh bóng thả cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể con người. Chỉ cần một bát canh bóng thả đã đủ chất dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình, vừa là thực đơn làm đẹp và kéo dài tuổi thọ.
-
Chè kho
Chè kho là món ăn cổ truyền thường thấy trong ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam. Chè kho có vị ngọt, thơm và bổ dưỡng, ăn kèm trà nóng thích hợp với tiết trời se lạnh của những ngày Tết. Món chè kho với hương vị thơm nồng, ngọt dịu cùng với hương vị đặc trưng khiến người ăn không cảm thấy ngán ngẩm mà còn khó cưỡng trước món ăn hấp dẫn này. Nhiều người cho rằng món chè kho mang lại sự may mắn và sung túc cho năm mới. Chính vì vậy đầu năm người ta thường nấu chè kho để thưởng thức vào ngày Tết nhằm cầu mong một năm mới luôn gặp nhiều may mắn, sung túc no đủ và mọi chuyện đều như ý muốn.
Chè kho là một món ăn thân thuộc không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người dân miền Bắc bộ. Chỉ với 2 nguyên liệu chính đơn giản là đậu xanh và đường nhưng để nấu được món chè kho hoàn hảo thì đòi hỏi người nấu phải có sự kiên nhẫn và tỉ mỉ nhất định trong từng bước thực hiện. Với hương vị thơm nồng ngọt dịu, sự hòa quyện của đậu xanh và đường mang đến nét đặc trưng cho món chè kho khiến người ăn không thấy ngán ngẩm mà còn khó cưỡng lại trước sự hấp dẫn của nó. Miếng đậu xanh mềm mịn tan ngay khi đưa vào miệng mang theo vị ngọt và béo béo của dầu ăn và mùi thơm nhè nhè của vani sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại được. Món chè kho đậu xanh càng ngon hơn khi kết hợp với tách trà nóng thơm ngon trung hòa được vị ngọt của đậu xanh mang lại.
-
Thịt ngâm mắm
Mỗi dịp Tết đến Xuân về thì món thịt ngâm mắm là cách muối thịt phổ biến nhất ở nhiều tỉnh miền Trung. Nguyên liệu có thể là thịt heo hoặc thịt bò đều được, sơ chế xong được ngâm vào nước mắm đường đã pha nấu theo một tỉ lệ nhất định. Món thịt này ăn có vị mặn, ngọt và thường ăn kèm với dưa món, củ kiệu chua ngọt và rau sống, rau thơm thì ngon tuyệt. Để làm được món thịt ngâm mắm, bạn cần chuẩn bị thịt ba chỉ rửa sạch rồi cắt thành từng khúc, tùy theo kích thước lọ thủy tinh bạn chuẩn bị mà bạn ước lượng cắt khúc cho phù hợp. Bắc nồi lên bếp, cho thịt vào, thêm một ít tiêu và 3 củ hành tím cắt lát, rồi cho nước vào luộc cho thịt vừa chín tới. Trong quá trình luộc thịt, bạn lưu ý hớt bớt bọt trong nồi. Thịt chín, lấy ra xả lại bằng nước sạch, để ráo. Cho 300g đường vàng vào nồi cùng với 500ml nước mắm, nấu và khuấy đều tới khi nước mắm sôi. Nhớ hớt bọt trong quá trình nấu.
Sau đó, để nước mắm thật nguội mới cho vào ngâm thịt. Lọ thủy tinh bạn chần qua nước sôi rồi lau thật khô. Sau đó, cho thịt đã luộc vào. Thêm 1 ít tỏi, ớt rồi đổ nước mắm vào lọ, bạn nên dùng một ít que tre để chặn thịt lại không cho nổi lên trên mặt nước mắm, dễ bị hư. Để nơi thoáng mát trong khoảng 3 ngày. Sau 3 ngày, gắp thịt ra và cắt thành miếng vừa ăn. Thịt ngâm nước mắm thơm ngon đậm đà có thể dùng để ăn với cơm nóng hoặc cuốn bánh tráng kèm rau sống thì trên cả tuyệt vời. Thịt heo sau khi ngâm nước mắm sẽ săn lại, thấm bị hơi mằn mặn của nước mắm, rất ngon khi dùng với cơm nóng. Món thịt heo ngâm mắm này sẽ là món ăn ngon khó cưỡng trong mâm com ngày Tết của mỗi gia đình Việt.
-
Lạp xưởng
Một trong những món phổ biến ở miền Nam mà bất kì ai cũng biết đến đó là món lạp xưởng. Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, nhu cầu tìm mua lạp xưởng không thể thiếu trong mâm cơm người dân Nam bộ. Lạp xưởng là một món ăn có xuất xứ từ Trung Quốc. Nguyên liệu chính của món ăn này là thịt nạc và mỡ heo. Để làm được lạp xưởng, người ta xay nhuyễn thịt heo và mỡ rồi trộn với rượu, đường. Sau đó, nhồi hỗn hợp này vào ruột lợn khô để làm chín bằng cách lên men tự nhiên. Có hai loại lạp xưởng trên thị trường, lạp xưởng khô (được đem phơi ngoài trời) và lạp xưởng tươi (không phơi). Lạp xưởng có màu hồng hoặc nâu sậm, khi ăn có vị ngọt tự nhiên hòa lẫn với một chút béo ngậy từ mỡ heo. Món này thường được dùng kèm với cơm trắng, xôi, bánh mì hoặc bánh tráng.
Nhắc đến các loại lạp xưởng thơm ngon, người ta liền nhớ ngay đến lạp xưởng heo được chế biến kỳ công từ bước chọn nguyên liệu cho đến khi thành phẩm. Nguyên liệu là những miếng thịt vai, thịt mông hoặc thịt thăn của những con heo vừa mới giết mổ. Thịt phải đỏ, lớp mỡ sáng, tươi thì lạp xưởng khi thành phẩm mới ngon. Sau khi chọn xong thịt, người ta đem về rửa sạch rồi băm nhỏ, ướp cùng các loại gia vị. Mỗi nơi có một công thức ướp riêng để cho ra được hương vị đặc trưng. Nhiều nơi còn cho thêm 1 ít rượu trắng hay mai quế lộ để thịt lên men tự nhiên hơn. Sau đó, họ nhồi hỗn hợp vào ruột heo rồi đem phơi khoảng 3 đợt nắng. Phơi xong thì đem vào treo ở gác bếp để dùng dần. Lạp xưởng heo là đặc sản của các tỉnh miền Tây hay là thức quà của vùng Tây bắc với phiên bản lạp xưởng gác bếp nhé.
-
Canh khổ qua nhồi thịt
Với mỗi gia đình miền Nam thì món canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn thường ngày quen thuộc. Canh khổ qua nhồi thịt là một món ăn của người dân miền Nam Việt Nam nhưng hầu như vẫn được thưởng thức rộng rãi ở cả hai miền còn lại của nước này. Đây là một món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người Nam Bộ, với ý nghĩa những điều xui xẻo, khổ cực trong năm cũ sẽ qua và những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới sẽ đến. Khổ qua có rất nhiều công dụng khác nhau nhờ vào lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Trong đó, lượng vitamin C dồi dào cùng với protein sẽ giúp cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh, từ đó nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Không chỉ vậy, khổ qua còn có công dụng chống lại virut, ngăn chặn sự lây lan, phát triển của chúng trong cơ thể, nhờ đó mà nó có thể tiêu diệt các tế bào gây ung thư. Khổ qua còn được dùng cho những người bị bệnh tiểu đường nhờ tác dụng làm giảm lượng glucose trong máu và ngăn chặn sự hấp thu chất đó vào tế bào.
Canh khổ qua là món ăn thơm ngon, thanh mát và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe chẳng hạn như giảm cân, tăng cường thị giác và làm đẹp da. Theo quan niệm của người miền nam, khi ăn món canh này thì mọi cái "khổ" của năm cũ sẽ đều "qua" đi, cũng vì thế món này hay được xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết. Khi bày biện ra mâm cơm, nên dùng kéo hoặc dao để cắt khoanh tròn sao cho vừa ăn là được. Nên ăn kèm nước tương, nước mắm ớt là ngon nhất. Món canh khổ qua với nước dùng đậm đà cùng nhân thịt dai ngon từ thịt heo và nấm mèo, khổ qua thì mềm thơm vị đắng vừa phải, ăn kèm cơm trắng thì ngon khó cưỡng. Bên cạnh đó, khổ qua có tính hàn, không độc nên nó còn giúp làm mát gan, nhuận trường, lợi tiểu, kích thích ăn uống, hỗ trợ hệ tiêu hóa, làm đẹp da...
-
Củ cải ngâm nước mắm, củ kiệu tôm khô
Trước cả hội tảo mộ, lặt lá mai, hái dưa hấu… hình ảnh Tết đến sớm nhất đối với mọi gia đình người Việt Nam là những bó củ kiệu, củ hành, củ cải được các bà, các chị mang từ chợ về để chế biến thành những món được gọi chung là dưa món. Một trong những món được ưa thích nhất của các gia đình người miền Nam phải nói là củ cải ngâm nước mắm, củ kiệu tôm khô. Món củ kiệu - dưa hành là món ăn “hoá độ” được thịt mỡ, bánh chưng và cả “núi” những món ngon khác trong ba bữa tết.
Khác với người miền Bắc ăn dưa món kèm bánh chưng, người miền Nam lại ăn củ kiệu với bánh tét. Một dĩa củ kiệu tôm khô có rắc thêm một lớp đường cát trắng, có khi thêm vài lát hột vịt bắc thảo. Thật khó mà tả hết vị ngon chảy nước miếng của món củ kiệu tôm khô. Thật kỳ lạ, món củ kiệu vốn là một món đồ chua nhưng khi ăn vào lại có vị ngọt nồng nàn, ăn kèm với vài con tôm khô, nhất là tôm bạc đất sẽ được thêm vị ngọt bùi từ thịt tôm, nếu để ngấm lâu một chút vào vị giấm có trộn đường thì lại thêm vị ngọt khó tả, rồi chấm một chút tương có ớt xắt lại thêm vị ngọt mặn, ngọt cay. Kể ngần đó vị ngọt vẫn chưa đủ, nếu không cảm nhận được tổng hoà mùi thơm khó tả có một không hai của món củ kiệu tôm khô. -
Bánh tổ
Bánh tổ là một trong những loại bánh thường xuất hiện vào những dịp Lễ Tết theo văn hóa người Hoa, trong đó có cả văn hóa người Việt sống tại khu vực miền Trung. Bánh tổ là bánh được làm từ bột gạo nếp, đây là loại bánh thường dùng để cúng lễ theo văn hóa của người Trung Quốc và có thể được dùng để làm thành món tráng miệng hoặc ăn vặt và là món ăn không thể thiếu để đãi khách ngày Tết.
Ý nghĩa tên gọi của bánh tổ là tượng trưng cho sự may mắn và sự thịnh vượng của cả năm. Hơn nữa, loại bánh này có độ dính cao nên đây cũng được xem là món ăn dành cho Táo quân để vị thần này không nói những điều không tốt của gia đình trước mặt Ngọc Hoàng, thay vào đó là những điều tốt đẹp để Ngọc Hoàng ban thêm nhiều sự may mắn hơn cho gia đình.
-
Bánh nhãn
Bánh nhãn là một trong những món ngon ngày Tết đãi khách nổi tiếng của người Nam Định. Bạn có thể chế biến món ăn này bằng cách trộn bột nếp với nước và trứng gà, viên nhỏ với kích thước nhỏ hơn quả nhãn. Sau đó, viên bánh được chiên vàng trong chảo ngập dầu, vớt ra để ráo dầu rồi sên với một lượng đường vừa đủ. Bánh sau khi hoàn thành chín đều, giòn ngoài, mềm trong, vị ngọt vừa ăn.
Không rõ món bánh này đã xuất hiện từ khi nào, nhưng dường như món bánh nhãn nổi tiếng ở Nam Định luôn là món quà quê đầy hương vị ngọt ngào dành cho những người ghé đến nơi này. Từng viên bánh nhãn nhỏ xinh được nhào nặn tròn trịa, chiên trên chảo dầu nóng nức mùi thơm lừng, giòn tan. Sở dĩ người dân nơi đây gọi món bánh này với cái tên dân dã như vậy là do chiếc bánh được tạo hình giống như trái nhãn. Ngoài ra món bánh ngọt ngào này còn có tên gọi khác là bánh cà hay bánh bi.
-
Bắp bò ngâm mắm
Bắp bò ngâm mắm là món ăn được nhiều người yêu thích, không chỉ để nhậu mà nó còn dùng ăn vặt hay ăn kèm cơm đều rất ngon. Nhưng đây được coi là món ăn khó làm và đa số các mẹ phải mua sẵn ngoài hàng chứ không tự làm được. Thực ra, cách làm món ăn này không khó như mọi người vẫn nghĩ. Bí kíp để có món bò ngâm mắm ngon chính là ở khâu chọn nguyên liệu, còn cách làm khá đơn giản.
Đây là một trong những món ngon ngày Tết dễ làm. Bạn sơ chế bắp bò rồi luộc chín, cho vào lọ thủy tinh ngâm với nước mắm mặn ngọt đã pha sẵn, đậy kín lọ. Sau khoảng từ 5 – 7 ngày (tùy vào kích thước của bắp bò), món ăn có thể sử dụng được. Bắp bò ngâm mắm là món ăn ngon thường dùng trong các dịp lễ tết và được dùng để đãi khách. Món này không quá kì công mà rất ngon, được nhiều người yêu thích.
-
Bánh thuẫn
Bánh thuẫn (hay còn gọi là bánh thửng) là một loại bánh ngày Tết miền Trung có hương vị giống với bánh bông lan. Bánh thuẫn là món bánh đặc trưng không thể thiếu được trong mâm cơm ngày Tết. Ngày nay, nhiều gia đình không còn giữ truyền thống làm bánh thuẫn vào ngày Tết. Nhưng nó vẫn là món ăn phổ biến của rất nhiều người dân miền Trung.
Bánh thuẫn được làm từ bột (bột bình tinh, bột năng…) pha với trứng. Chúng được nướng trên một cái khuôn dành riêng cho bánh thuẫn và nướng trên than bằng một khuôn tròn nhỏ. Khi chín bánh có một mùi thơm cực kì hấp dẫn vị giác. Bánh được trình bày trên đĩa và là món chính trong măm cơm Tết miền Trung.