Top 7 tác phẩm thường ra đề thi Văn THPT Quốc gia và Đại học nhất
Trước kỳ thi quốc gia 2018, bạn lo lắng không biết những tác phẩm nào nên chú ý học nhiều hơn? Kết quả dưới đây dựa vào việc khảo sát 36 đề thi đã qua, bao ... xem thêm...gồm các đề tốt nghiệp từ 2008 đến 2014, đề đại học hai khối C và D từ 2002 đến 2014, đề THPT quốc gia từ 2015 đến 2017 sẽ phần nào giải đáp thắc mắc của bạn.
-
Vợ nhặt
Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân (học kì II lớp 12) là tác phẩm được ra đề nhiều nhất với tổng số là 9 lần. Lần ra gần đây nhất là năm 2016. Các vấn đề của tác phẩm đã được ra nhiều trong các đề thi là: Tình huống truyện (2 lần), giá trị nhân đạo (2 lần). Còn lại là các đề về tình người và lòng hy vọng vào cuộc sống, bà cụ Tứ, Tràng, người vợ nhặt và cách kết thúc truyện đều được ra 1 lần.
-
Chiếc thuyền ngoài xa
Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu (học kì II lớp 12) cũng khơi gợi nhiều hứng thú cho cả người ra đề lẫn người làm bài. Tác phẩm này đã được ra đề 7 lần với các đề bài về: Tình huống truyện (2 lần), người đàn bà hàng chài (3 lần), Phùng (1 lần) và chi tiết tấm ảnh ở cuối truyện (1 lần). Lần ra đề Chiếc thuyền ngoài xa gần nhất là năm 2015. -
Đất Nước (Trường ca Mặt đường khát vọng) và Ai đã đặt tên cho dòng sông?
Đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm và bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường (học kì I lớp 12) đều xếp ở vị trí thứ 3 với 5 lần ra đề. Các đoạn thơ được ra đề của Đất Nước là: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu (2 lần), Đất là nơi anh đến trường (2 lần), Đất Nước là máu xương của mình (1 lần). Đoạn trích này vừa được ra năm 2017.
Đề ra về Ai đã đặt tên dòng sông? xoáy sâu vào vẻ đẹp của dòng sông Hương, cụ thể là đề cảm nhận chung về vẻ đẹp của sông Hương (2 lần), vẻ đẹp khi ở thượng nguồn (1 lần), vẻ đẹp trong hành trình từ thượng nguồn đến thành phố (2 lần). -
Vợ chồng A Phủ, Tràng giang và Người lái đò sông Đà
Xếp thứ 4 là bài thơ Tràng giang của Huy Cận (học kì II lớp 11), Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài (học kì II lớp 12) và Người lái đò sông Đà (học kì I lớp 12). Cả ba tác phẩm này đều đã được ra đề 4 lần.
Tràng giang được quan tâm về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại (1 lần), cảm nhận đoạn thơ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp (1 lần), Lớp lớp mây cao đùn núi bạc (2 lần), Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu (1 lần). Lần ra gần nhất là năm 2012.
Vợ chồng A Phủ tập trung vào nhân vật Mị, cụ thể là: sức sống của tâm hồn Mị (1 lần), diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân (1 lần) và trong đêm cứu A Phủ (2 lần). Lần ra gần nhất là năm 2013.
Đề ra Người lái đò sông Đà hỏi về hình tượng sông Đà (2 lần, câu hỏi nhỏ), sông Đà trữ tình (1 lần) và vẻ đẹp của người lái đò (1 lần). Lần ra gần nhất cũng là năm 2013. -
Tây Tiến, Việt Bắc, Sóng và Chữ người tử tù, Hai đứa trẻ, Chí Phèo, Đây thôn Vĩ Dạ
Tây Tiến, Việt Bắc và Sóng - ba tác phẩm của học kì I lớp 12 - cùng xếp ở vị trí thứ 5 với 3 lần ra đề thi. Tây Tiến của Quang Dũng được hỏi về sự cảm nhận đoạn thơ đầu tiên Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi (2 lần) và vẻ đẹp của hình tượng người lính (1 lần). Lần ra mới nhất là năm 2013.
Đề ra Việt Bắc của Tố Hữu yêu cầu thí sinh trình bày về đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm (1 lần, câu hỏi nhỏ), đoạn thơ Nhớ gì như nhớ người yêu (1 lần) và Ta đi ta nhớ những ngày (1 lần). Lần ra mới nhất là năm 2012.
Sóng của Xuận Quỳnh lại được chú ý hình tượng sóng (1 lần), đoạn thơ Dữ dội và dịu êm (1 lần), Con sóng dưới lòng sâu (1 lần). Bài thơ được ra đề gần nhất vào năm 2011.
Bốn tác phẩm của chương trình lớp 11 cũng xếp thứ 5 với cùng số lần ra đề là 3. Chữ người tử tù ra về tình huống truyện (1 lần), nhân vật Huấn Cao (1 lần) và viên quản ngục (1 lần). Lần xuất hiện trong đề thi gần nhất là năm 2011.
Đề về Hai đứa trẻ yêu cầu phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người phố huyện lúc chiều tối (1 lần), chất trữ tình đượm buồn của bức tranh phố huyện và nhân vật Liên (1 lần), ấn tượng của Liên về Hà Nội (1 lần, câu hỏi nhỏ). Đề Hai đứa trẻ gần nhất là năm 2013.
Chí Phèo của Nam Cao lại được quan tâm về tâm trạng của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở (1 lần), hình ảnh bát cháo hành (1 lần) và cách kết thúc truyện (1 lần). Đề ra gần nhất là năm 2012.
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử được yêu cầu nêu cảm nhận về đoạn thơ Gió theo lối gió mây đường mây (2 lần) và Sao anh không về chơi thôn Vĩ? (2 lần). Đề ra gần đây nhất cũng là năm 2012.
-
Rừng xà nu, Đàn ghi ta của Lorca và Vội vàng
Ba tác phẩm Rừng xà nu (học kì II lớp 12), Đàn ghi ta của Lorca (học kì I lớp 12) và Vội vàng (học kì II lớp 12) được ra 2 lần. Đề về Rừng xà nu yêu cầu phân tích hình tượng cây xà nu (1 lần) và nhân vật Tnú (1 lần). Đề gần đây nhất là năm 2012.
Lần ra đề về Đàn ghi ta của Lorca mới nhất là năm 2014. Thí sinh cần chú ý vẻ đẹp của hình tượng Lorca nhất là qua đoạn thơ từ đầu đến hết phần miêu tả tiếng đàn (2 lần).
Tác phẩm Vội vàng của Xuân Diệu lại được chú ý ở đoạn đầu Tôi muốn tắt nắng đi (2009) và cảm nhận khái quát về tâm trạng của nhân vật trữ tình (2013). -
Tuyên ngôn Độc lập, Chiều tối, Vũ Như Tô và Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Cùng được ra đề 1 lần là hai tác phẩm của Hồ Chí Minh và hai tác phẩm kịch. Tuyên ngôn độc lập (học kì I lớp 12) được chú ý ở đoạn đầu nêu cơ sở pháp lý (2011), Chiều tối (học kì II lớp 11) được ra đề về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại (2014). Khi học hai vở kịch Vũ Như Tô (học kì I lớp 11) và Hồn Trương Ba, da hàng thịt (học kì II lớp 12), học sinh cần chú ý tấn bi kịch của hai nhân vật chính, và đây cũng là nội dung của đề ra về tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng năm 2006 và của Lưu Quang Vũ năm 2014.
Nguyễn Hiệp 2019-01-15 07:21:39
Đàn ghi ta của Lorca chương trình lớp 12 đâu có dạy nên có trong đề thi là điều không thể