Siêu trăng
Khi Mặt Trăng tròn nhất và gần nhất so với Trái Đất, nó trở thành siêu trăng. Mặt Trăng quay quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip khiến kích thước Mặt Trăng khi quan sát từ Trái Đất có nhiều khác biệt. "Siêu trăng" (Đại nguyệt) xảy ra khi trăng tròn ở gần Trái Đất nhất, còn "Vi trăng" (Tiểu nguyệt) thì ngược lại. Siêu trăng xảy ra khi con người quan sát thấy có vẻ Mặt Trăng to hơn thường lệ vì lúc đó Mặt Trăng tiến sát hơn Trái Đất tại điểm gần sát quỹ đạo hình elip của nó bao quanh Trái Đất. Vị Trí gần nhất của Mặt Trăng so với Trái Đất là 363,700 km, tại thời điểm này Mặt Trăng được nhìn thấy trên Trái Đất to hơn 14% kích thước thông thường và có độ sáng gấp 30% so với vị trí xa nhất khoảng 405,600 km.
Thuật ngữ “Siêu trăng” đã được sử dụng trong khoảng 40 năm qua, nhưng mãi đến cuối năm 2016 nó mới nhận được nhiều sự chú ý khi mà 3 lần siêu trăng xảy ra liên tiếp. Siêu trăng tháng 11 năm 2016 cũng là lần Mặt trăng xuất hiện gần Trái Đất nhất trong 69 năm qua, mặc dù lần gần hơn sẽ xảy ra vào khoảng những năm 30 của thế kỉ 21. Vào các thời điểm siêu trăng khác trong quá khứ như năm 1941, 1948, 1992 và 1900, người ta đã chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Siêu trăng có thể thay đổi thủy triều một chút, nhưng chắc chắn nó sẽ không gây ra thảm họa tự nhiên. Ngày trăng tròn gây ra thủy triều cao hơn, nhưng nếu là siêu trăng thì cũng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào. Các nhà khoa học tự cho mình may mắn nếu họ có thể thấy bất kỳ sự khác biệt nào về mức thủy triều. Thông thường, siêu trăng làm cho thủy triều thay đổi ít hơn một xăngtimet (nếu có).