Top 10 cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi
Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi còn rất non nớt. Việc chăm sóc bé không chỉ là thử thách mà còn là nỗi lo lắng của không ít bậc phụ huynh. Cùng Toplist tìm hiểu những ... xem thêm...cách chăm sóc cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi hiệu quả nhất nhé!
-
Cách cho trẻ bú
Với những em bé sơ sinh 1 tuần tuổi, bé đang dần thích nghi với môi trường xung quanh. Bắt đầu từ việc bú mẹ. Dù bạn cho bé ti trực tiếp hay uống sữa công thức thì việc học cách cho bé bú đúng là vô cùng quan trọng. Bởi bé phải mất vài tuần mới hoàn thiện được kĩ năng hít thở, mút, nuốt khi bú. 6 giờ sau sinh, bạn nên cho bé bú những giọt sữa non đầu tiên, chúng chứa rất nhiều kháng thể giúp cơ thể bé có thể chống chọi với các vi khuẩn có hại. Sau đó, bạn dựa vào nhu cầu để cho bé bú.
Các bác sĩ thường đưa ra lời khuyên với các mẹ nên chia cữ bú tầm 1,5- 2 tiếng một lần để bé yêu có được lượng sữa phù hợp. Trong tuần đầu tiên, cơ thể người mẹ còn yếu và đau đớn, các mẹ hãy tẩm bổ đúng cách và nhớ cho bé bú thường xuyên để "gọi sữa về". Khi cho bé bú, bạn nên cho bú hết từng bầu ngực, mỗi lần nên bú từ 10-15 phút. Với các bé dùng sữa công thức, các mẹ cần chú ý tỉ lệ ghi trên nắp hộp để pha cho đúng, vệ sinh dụng cụ pha sữa, bình sữa sạch sẽ để tránh những vi khuẩn gây hại cho con. Một lời khuyên thú vị nữa dành cho các mẹ, đặc biệt là những chị em lần đầu làm mẹ là: Hãy vuốt ve nhẹ nhàng bé yêu mỗi lúc bạn muốn gọi bé dậy bú. Nếu bạn làm như vậy thường xuyên sẽ giúp tăng cường sợi dây gắn kết giữa hai mẹ con và hình thành các thói quen bú đúng giờ của bé sau này.
-
Cách cho trẻ ngủ
Những tuần đầu sau sinh, trẻ có xu hướng ngủ rất nhiều. Đây là thời điểm thích hợp để mẹ có thể nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau sinh. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là bạn cho con yêu ngủ "vô tội vạ". Trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi chưa phân biệt được ngày và đêm rõ ràng như những em bé lớn hơn. Vậy nên bạn cần giúp bé nhận thức được điều này bằng cách mỗi khi cho bé ngủ nên để điện sáng nhẹ, hạn chế tiếng ồn làm bé giật mình, nhẹ nhàng vỗ về để bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Có một lưu ý nhỏ nữa cho các mẹ là hãy giữ cho cơ thể bé đủ ấm, tã bỉm không bị ướt. Như vậy giấc ngủ của bé mới sâu và lâu hơn. Còn ban ngày, bạn hãy mở các cửa thoáng để ánh sáng tràn vào căn phòng.
Bạn có thể cho bé nghe những âm thanh nhẹ nhàng, vui nhộn (hoặc nghe tiếng xe cộ, tiếng mẹ nói chuyện). Dần dần, các phản xạ có điều kiện của bé sẽ hình thành và giấc ngủ sẽ trở nên dễ dàng hơn với bé. Đặc biệt, các mẹ không cho bé nằm một mình trong phòng trong tuần tuổi đầu tiên này. Bạn nhớ giữ cho giường chiếu, chăn màn sạch sẽ, ấm áp, an toàn, tuyệt đối không cho trẻ nằm nôi rung lắc vì thời điểm này cơ thể trẻ còn non, não bộ chưa hoàn thiện, những động tác mạnh có thể khiến bé bị tổn thương. Dù bé của bạn có "ngủ ngày cày đêm" hay ngược lại thì bạn hãy đảm bảo cho con có những giấc ngủ ấm áp và đầy đủ nhất.
-
Cách mặc đồ cho trẻ
Trước khi vượt cạn, các mẹ bầu thường lập cho mình một "danh sách" những món đồ cần sắm sửa cho con yêu. Và một trong những quan tâm hàng đầu của các mẹ là: Mặc gì cho con? Mặc như thế nào để con vừa đủ ấm, vừa thoải mái lại không ảnh hưởng tới sự phát triển của bé. Trẻ 1 tuần tuổi làn da rất nhạy cảm, bạn hãy chọn lựa những bộ đồ với chất liệu cotton mềm mại, nên ưu tiên đồ màu trắng (bởi các sợi vải màu trắng thường ít hóa chất tẩy, màu nhuộm hơn). Bạn cần theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ phòng cho phù hợp bằng cách sử dụng nhiệt kế.
Khi mặc đồ cho con, bạn hãy ưu tiên những chiếc áo mềm, rộng, quấn tã đúng cách, đội mũ (kín hoặc che thóp), đeo bao tay - chân để tránh mất nhiệt. Một mẹo nhỏ cho các mẹ có thể kiểm tra chính xác thân nhiệt của trẻ đó là thường xuyên dùng tay sờ vào gáy bé. Nếu bạn thấy gáy bé có nhiều mồ hôi tức là cơ thể bé đang nóng; ngược lại nếu gáy lạnh và chân tay nổi gân xanh nhạt thì bạn nên ủ ấm cho bé tức thì.
-
Cách thay tã cho trẻ
Các mẫu tã dán hoặc miếng lót rất thích hợp cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu tã bỉm dành cho trẻ sơ sinh đến từ các thương hiệu khác nhau. Tất cả những gì bạn cần làm là chọn cho bé một sản phẩm phù hợp với làn da, mềm mại, thấm hút tốt. Khi tã của bé ướt, thông thường các bé sẽ phát tín hiệu đến mẹ bằng tiếng khóc hoặc ngọ nguậy tay chân.
Khi đó bạn cần nghĩ ngay đến việc thay tã cho con. Trước khi thay tã, bạn nên dùng khăn mềm hoặc giấy ẩm lau nhẹ nhàng, sạch sẽ rồi mặc tã mới. Bạn hãy chú ý khi kiểm tra nhiệt độ phòng vừa phải, tránh để bé bị cảm lạnh. Mẹ nên vệ sinh tay sau khi thay tã cho con để tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn. Sau đó bạn nên cho bé bú ngay bởi sau mỗi lần tã bị ướt, cơ thể bé đã khá đói.
-
Cách tắm cho trẻ
Ở tuần tuổi đầu tiên, trẻ sơ sinh thường chưa rụng rốn nên khi tắm các mẹ phải hết sức cẩn thận. Bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của y tá hoặc người thân trong việc tắm cho bé. Sau khi chào đời, cơ thể trẻ khá bẩn, có nhiều cặn bám trên da. Các mẹ cần nắm được cách tắm bé đúng chuẩn để vừa làm sạch cơ thể, vừa tránh cho bé không bị lạnh. Tuy nhiên không phải vì thế mà ngày nào bạn cũng tắm cho bé, như vậy làn da bé rất dễ bị khô. Trước khi tắm, bạn hãy chuẩn bị nước đủ ấm, khăn, chậu, sữa tắm và quần áo thích hợp. Hãy bắt đầu bằng việc gội đầu cho bé yêu, sau đó dùng một chiếc khăn khô, mềm lau khô tóc bé. Nên đặt bé nằm ngang khi tắm để cuống rốn không bị ướt. Bạn dùng khăn mềm lau chân tay và các bộ phận trên cơ thể bé.
Dù bạn tắm cho bé bằng sữa tắm gội hoặc các loại lá cây thì việc tráng lại bằng nước sạch là vô cùng cần thiết. Nó sẽ giúp cho da bé sạch và lỗ chân lông không bị bịt kín. Mỗi lần tắm cho bé, bạn nên canh thời gian không quá 5 phút để đảm bảo cho bé không bị lạnh. Sau khi tắm xong nên trùm bé vào khăn ủ, nhanh chóng mặc lại quần áo và cho bé bú.
-
Cách vệ sinh cho trẻ
Hàng ngày, bạn cần vệ sinh cho bé. Khi thực hiện công việc này, bạn phải hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Bởi như đã trình bày ở trên, cơ thể trẻ còn non và rất yếu ớt, tất cả những động tác mạnh có thể khiến bé bị tổn thương. Các mẹ nên dùng khăn mềm ấm, lau nhẹ nhàng kẽ tay, chân, nách, bẹn- đây là những bộ phận dễ bị tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn. Bạn hãy sử dụng dung dịch nước muối sinh lí rửa mắt, mũi cho trẻ.
Theo kinh nghiệm của dân gian, các mẹ thường dùng mật ong hoặc nước rau ngót để rơ lưỡi cho con. Cách làm này vô cùng sai lầm bởi mật ong và nước rau ngót ảnh hưởng đến dạ dày bé. Các bác sĩ luôn đưa ra những cảnh báo rằng: Lúc này dạ dày bé co bóp còn kém, bé không thể "hấp thụ" được bất kì loại gì ngoài sữa mẹ (sữa công thức).
-
Cách bế bé
Việc bế bé tưởng chừng đơn giản nhưng cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Rất nhiều trẻ sơ sinh bị cong vẹo cột sống hoặc "méo đầu" vì những thói quen tưởng chừng vô hại của người lớn. Với những bé sơ sinh 1 tuần tuổi, cha mẹ phải có cách bế đúng chuẩn. Bạn hãy đặt một tay vòng qua mông bé, tay kia đỡ gáy bé một cách nhẹ nhàng, chú ý không làm cong gập lưng bé.
Khi cho con bú, các mẹ áp nhẹ phần má bé vào đầu ti, giữ cho lưng bé thành một đường thẳng. Khi đặt bé vào nôi hoặc ngược lại, bạn cần nâng niu và bế bé hết sức nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể bé.
-
Tiêm chủng cho bé
Trẻ sơ sinh nên được tiêm 1 liều viêm gan B trước khi rời khỏi bệnh viện. Nếu mẹ của trẻ bị viêm gan B, cần tiêm cho trẻ 1 mũi vaccin viêm gan B đầu tiên ở bệnh viện, thêm vào 1 liều Globulin miễn dịch viêm gan B trước 7 ngày đầu sau sinh. Cần chú ý nhắc đến vấn đề này cho các nhà cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Để chuẩn bị cho mũi vắc xin tiêm chủng “đầu đời”, tất cả các trẻ sơ sinh đều được khám sàng lọc trước tiêm. Khám sàng lọc giúp phát hiện các trường hợp cần trì hoãn tiêm, đó là trẻ có nguy cơ nhiễm khuẩn (mẹ bị sốt trước, sau sinh); trẻ bị suy hô hấp khi sinh; những trẻ đẻ non, cân nặng thấp, trẻ bị đẻ khó; trẻ có mẹ bị nước ối bẩn; thai già tháng; bé dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý cần cân nhắc khi chỉ định tiêm với các bé có nguy cơ hạ đường huyết (đặc biệt lưu ý với các trẻ sinh to, có cân nặng lúc chào đời từ 4 kg trở lên).
Các chuyên gia cũng lưu ý với trẻ sinh thường, khỏe mạnh cũng cần có thời gian thích nghi với môi trường bên ngoài. Do đó trong 2 giờ đầu sau sinh, trẻ sẽ được theo dõi về ổn định nhịp thở, da hồng và chỉ tiêm vắc xin khi bú tốt. Trước tiêm các mẹ nên cho bé bú đủ, tránh cho bé bị hạ đường huyết do đói. Sau tiêm bé tiếp tục được theo dõi: nhịp thở đều, môi hồng…Nếu các bà mẹ và gia đinh thấy bất cứ vấn đề gì không yên tâm cần báo cho bác sĩ. -
Cách dỗ khi bé khóc
Các bé sơ sinh do vừa thoát ra khỏi sự bao bọc ấm cúng trong tử cung mẹ nên các bé có nhu cầu được ôm ấp liên tục và nhẹ nhàng.
Cách thích nghi: Đừng lo lắng về việc bạn có thể làm hư bé khi cứ ẵm bé liên tục, đó là chuyện không thể. Nếu bạn tạo cho bé cảm giác như khi vẫn còn trong tử cung, bé sẽ yên tâm hơn và không khóc nữa. Để làm được điều này, bạn nên quấn chăn cho bé, lắc lư, dỗ dành, ôm bé vào lòng và để bé mút ngón tay của bạn. Những bước này được thực hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc sẽ giúp bé tự động dứt cơn khóc của mình.
Mẹo cho mẹ: Nên thử nhiều cách dỗ bé khóc để xem bé thích hợp với cách nào. Có bé thích được bế ra ngoài, có bé lại thích được dỗ dành, vuốt ve.
-
Theo dõi cân nặng của trẻ
Tất cả trẻ sơ sinh thường giảm hoặc không tăng cân trong vài ngày đầu sau khi sinh. Tuy nhiên, trẻ hiếm khi giảm hơn 7% cân nặng lúc sinh. Hầu hết, trẻ nếu được bú mẹ hay bú bình đầy đủ đều tăng cân trở lại sau 7 đến 14 ngày tuổi. Sau đó, trẻ sơ sinh thường tăng khoảng 20 đến 30 gram mỗi ngày trong những tháng đầu.
Nhiều người mẹ cho con bú thường tự hỏi liệu con của mình có đủ năng lượng hay không. Bởi vì bạn không thể biết trẻ bú bao nhiêu sữa. Con bạn sẽ đủ năng lượng cho nhu cầu cơ thể của trẻ nếu trẻ bú mỗi 2 đến 3 tiếng. Trẻ có vẻ hài lòng sau khi bú, mỗi lần có thể bú cả hai bên vú. Một dấu hiệu khác là trẻ có thể tiểu hơn 6 lần và hay tiêu hơn 3 lần qua tã mỗi ngày.
Bất cứ khi nào bạn lo lắng về việc tăng cân của bé, hãy đưa trẻ đến gặp Bác sĩ để kiểm tra cân nặng. Vấn đề cho bú nếu được phát hiện sớm sẽ dễ khắc phục sớm hơn là để quá trình chậm tăng cân của trẻ kéo dài. Bạn có thể kiểm tra cân nặng lúc trẻ được 1 tuần tuổi.