Top 10 Bệnh Cột sống thường gặp và cách phòng tránh mà bạn nên biết

Phương Kem 26 0 Báo lỗi

Các bệnh về cột sống rất đa dạng nhưng nhìn chung đều gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, thậm chí có thể để lại nhiều biến chứng nguy ... xem thêm...

  1. Thoái hóa cột sống là bệnh mạn tính, tiến triển từ từ. Mức độ đau sẽ tăng dần khiến người bệnh bị hạn chế vận động, cột sống bị biến dạng mà không có viêm. Bệnh dẫn đến các tổn thương: Thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm cột sống, kèm theo các thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.


    Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống:

    • Thoái hóa cột sống bắt nguồn từ nhiều yếu tố: Tuổi cao, giới tính nữ, phải lao động nặng. Một số nguyên nhân khác như: Tiền sử chấn thương cột sống, bất thường trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, do di truyền.
    • Phẫu thuật kéo cột sống bằng khung Halo
    • Thoái hóa cột sống là bệnh lý thường gặp ở người lớn tuổi


    Triệu chứng của thoái hóa cột sống:

    • Thoái hóa cột sống hay gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ và cột sống thắt lưng.Thoái hóa đoạn cột sống lưng ít gặp hơn.
    • Triệu chứng bệnh thường gặp khi thoái hóa cột sống: Đau cột sống âm ỉ, đau có tính chất cơ học (đau tăng khi vận động và giảm đi khi nghỉ ngơi), có thể cứng cột sống vào buổi sáng (dưới 30 phút). Khi thoái hóa ở giai đoạn nặng, có thể đau liên tục. Bệnh nhân có cảm giác lục khục khi cử động cột sống.
    • Thoái hóa cột sống để lâu ngày, không có phương pháp điều trị phù hợp có thể dẫn đến các biến chứng như:
    • Bị đau rễ thần kinh (đau cổ gáy lan ra vai và tay, đau thắt lưng lan xuống mông và chân) khi thoái hóa cột sống có các gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm gây hẹp lỗ liên hợp, hẹp ống sống.
    • Có thể có biến dạng gây gù, vẹo cột sống.
    • Không có các triệu chứng toàn thân: Sốt, gầy sút, thiếu máu.
    • Vẹo cột sống
    • Thoái hóa cột sống có thể tiến triển thành vẹo cột sống nếu không được điều trị sớm


    Chẩn đoán thoái hóa cột sống:

    • Dựa vào các triệu chứng lâm sàng
    • Cận lâm sàng: Chụp X quang, MRI cột sống sẽ đánh giá được tình trạng đốt sống, đĩa đệm và các rễ thần kinh
    • Một số xét nghiệm khác để loại trừ các bệnh gây đau cột sống khác như: Viêm cột sống dính khớp, lao cột sống.


    Phòng chống bệnh thoái hóa cột sống:

    • Tránh bê, mang, vác xách nặng, hoặc đội vật nặng).
    • Ngồi đúng tư thế. Tuy nhiên, không ngồi lâu một tư thế.
    • Không làm các động tác vặn người, với hoặc cúi gập quá mức.
    • Tránh các động tác rung giật.
    • Không để bị thừa cân, béo phì.
    • Khi đã có thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nên hạn chế chạy nhảy, đi bộ mà nên bơi, treo xà đơn.
    • Thường xuyên tập các bài tập cho cột sống.
    • Người lao động nặng cần kiểm tra sức khỏe định kỳ.
    Thoái hóa Cột sống
    Thoái hóa Cột sống
    Thoái hóa Cột sống
    Thoái hóa Cột sống

  2. Thoát vị đĩa đệm là một thuật ngữ chỉ tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức. Tình trạng này thường là kết quả của sang chấn hoặc do đĩa đệm bị thoái hóa, nứt, rách, có thể xảy ra ở bất kì khu vực nào của cột sống. Trên thực tế, thường hay gặp hiện tượng đau lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa) do thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng là phổ biến nhất.


    Nguyên nhân bệnh thoát vị đĩa đệm:

    • Do làm việc, vận động, lao động quá sức hoặc sai tư thế, dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương
    • Do tuổi tác: là nguyên nhân mà đa số các bệnh nhân gặp phải. Khi quá trình lão hóa diễn ra, đĩa đệm và cột sống bị mất nước, thoái hóa xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương
    • Do chấn thương ở vùng lưng
    • Các bệnh lý bẩm sinh như hoặc mắc phải ở vùng cột sống như gù vẹo, thoái hóa cột sống...
    • Yếu tố di truyền
    • Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ của bệnh thoát vị đĩa đệm như: Cân nặng của cơ thể: cân nặng của cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng
    • Nghề nghiệp: các đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, sai tư thế đều có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm


    Triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm:

    • Đau nhức tay hoặc chân: Bệnh nhân có những cơn đau đột ngột ở vùng cổ, thắt lưng, vai gáy, cổ và chân tay khi mắc bệnh, sau đó lan ra vùng vai gáy, chân tay. Tính chất đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng hoặc rất dữ dội, đau nặng hơn khi vận động, đi lại, giảm đi khi nghỉ một chỗ.
    • Triệu chứng tê bì tay chân: nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ chèn ép rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần phát triển xuống mông, đùi, bẹn chân và gót chân. Lúc này người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác, luôn thấy mình như bị kiến bò trong người,...
    • Yếu cơ, bại liệt: xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn nặng, thường sau một thời gian dài mới phát hiện được. Giai đoạn này người bệnh khó có thể đi lại vận động, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải ngồi xe lăn
    • Cũng có những trường hợp bệnh nhân thoát vị đĩa đệm tuy nhiên không có triệu chứng gì. Theo đó, bệnh nhân cần tới bệnh viện và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có những biểu hiện sau:
    • Đau, tê bì, yếu cơ ngày càng nặng, ảnh hướng nhiều đến sinh hoạt thường nhật
    • Tình trạng són tiểu hoặc bí tiểu
    • Tình trạng mất cảm giác tại các vùng gọi là “yên ngựa” trên cơ thể như bắp đùi trong, phía sau chân, vùng quanh hậu môn


    Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề:

    • Khi nhân nhầy chui vào trong ống sống, chèn ép rễ thần kinh, làm hẹp khoang sống sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị liệt nửa người hoặc bại liệt cả người.
    • Hội chứng đuôi ngựa: rễ thần kinh vùng thắt lưng bị chèn ép, khiến việc đi đại tiện không kiểm soát.
    • Không vận động lâu ngày sẽ khiến cơ trở nên suy yếu, bị teo, các chi teo nhanh chóng, chân tay bé lại, khả năng đi lại, vận động giảm sút.
    • Rối loạn cơ vòng: Khi rễ thần kinh bị tổn thương có thể gây ảnh hưởng đến cơ vòng đường tiểu: bí tiểu, sau đó lại đái dầm dề, nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động


    Đối tượng nguy cơ bệnh thoát vị đĩa đệm: Các đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, sai tư thế, người thừa cân, người có tiền sử gia đình đều có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm.


    Phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm

    • Tập luyện thể dục thể thao bằng các môn thể thao vừa sức, tăng độ dẻo dai của các cơ cạnh cột sống. Điều này có thể giúp làm ổn định cột sống, giảm nguy cơ tổn thương đĩa đệm
      Không mang vác, vận động quá sức hoặc sai tư thế
      Duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao, tránh duy trì áp lực quá nặng lên cột sống.


    Các biện pháp chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm:

    • Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ căng cứng của vùng lưng. Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nằm xuống và di chuyển chân theo nhiều tư thế khác nhau để xác định nguyên nhân đau. Bác sĩ cũng có thể thực hiện các test về thần kinh để kiểm tra mức độ thả lỏng, trương lực cơ, khả năng đi lại, khả năng cảm nhận kích thích. Trong đa số các trường hợp, thăm khám lâm sàng kết hợp với khai thác tiền sử đủ để kết luận bệnh. Nếu nghi ngờ nguyên nhân khác hoặc để xác định rõ vùng nào bị tổn thương, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm:
    • Chẩn đoán hình ảnh: bao gồm chụp X quang, chụp CT, chụp MRI, chụp cản quang. Các phương pháp này đều cung cấp những hình ảnh có giá trị chẩn đoán khác nhau, phục vụ việc kết luận chính xác tình trạng của bệnh nhân
    • Test thần kinh: phương pháp đo điện cơ xác định mức độ lan truyền của xung thần kinh dọc theo các mô thần kinh. Phương pháp giúp xác định phần dây thần kinh bị tổn hại


    Các biện pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm:

    • Điều trị thoát vị đĩa đệm bảo tồn, chủ yếu tránh những tư thế gây đau và giúp bệnh nhân tuân thủ kế hoạch luyện tập và dùng thuốc sẽ giúp bệnh nhân giảm triệu chứng trong thời gian ngắn. Các nhóm thuốc có thể được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, corticoid đường tiêm. Nếu các biện pháp trên không giải quyết được triệu chứng trong vài tuần, bác sĩ có thể cân nhắc vật lý trị liệu.
    • Một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần được phẫu thuật. Bác sĩ có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật nếu điều trị bảo tồn không có tác dụng sau 6 tuần điều trị, đặc biệt khi bệnh nhân có những biểu hiện như yếu cơ, khó đứng, khó đi lại, mất kiểm soát cơ vòng.
    • Một số liệu pháp thay thế uống thuốc, kết hợp với thuốc có thể giúp giảm triệu chứng đau lưng:
      • Phương pháp kéo nắn xương khớp
      • Châm cứu
      • Mát – xa
      • Yoga


    Chế độ sinh hoạt phù hợp trong quá trình điều trị:

    • Trong thời gian điều trị thoát vị đĩa đệm, nên hạn chế các hoạt động mạnh, tăng cường nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế
    • Đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng nặng hơn như: tê liệt ở chân, đau tê vùng bàn tọa, khó tiểu hoặc khó đại tiện hoặc bị yếu đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là chân.
    • Tránh nằm quá nhiều: nên nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau đó đứng dậy thực hiện vận động nhẹ như đi lại, làm việc nhà do nằm quá nhiều gây cứng khớp cột sống và yếu cơ.
    • Thoát vị đĩa đệm là tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức, từ đó ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe của người bệnh. Vì thế, khi có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
    Thoát vị đĩa đệm
    Thoát vị đĩa đệm
    Thoát vị đĩa đệm
    Thoát vị đĩa đệm
  3. Vẹo cột sống là một dị tật ở cột sống rất phổ biến và nguy hiểm hiện nay vì nó để lại nhiều biến chứng gây ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh nó. Cụ thể hơn, vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường sang một bên phải hoặc trái của xương sống thẳng.


    Nguyên nhân bệnh vẹo cột sống:

    • Di truyền: Khi bố hoặc mẹ bị vẹo cột sống bẩm sinh thì con sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
    • Các yếu tố trong lúc mang thai:
      • Do bào thai phát triển quá nhanh và không thích ứng kịp với cơ thể của mẹ khiến bào thai bị chèn ép làm cho xương sống bị cong vẹo.
      • Hoặc người mẹ khi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, sử dụng thuốc, ăn uống thực phẩm gây dị tật thai nhi.
      • Trong suốt quá trình mang thai, ngôi thai không dịch chuyển hoặc bào thai bị tác động mạnh cũng là nguyên nhân gây vẹo cột sống.
      • Lúc sinh, cổ tử cung của mẹ quá hẹp làm chèn ép cột sống của đứa bé.
    • Những nguyên nhân khác:
      • Cấu tạo xương sống bất thường bẩm sinh.
      • Cấu tạo não và tủy sống bất thường
    • Đối với trẻ em: Do tư thế ngồi học không đúng, ngồi lệch sang một bên hoặc mang cặp nặng khi đi học, bàn ghế có kích thước không phù hợp cũng là những lý do của vẹo cột sống ở trẻ em.


    Triệu chứng bệnh vẹo cột sống:

    • Quan sát phần bả vai: Hai bên bả vai có sự chênh lệch rõ rệt: độ lệch vẹo của xương sống và đoạn vẹo nghiêng về bên nào thì bả vai bên đó sẽ thấp hơn.
    • Quan sát phần hông: Có sự chênh lệch bên thấp bên cao, thấy những lằn xương sườn hằn ra ngoài da ở một bên.
    • Quan sát tổng thể lưng từ phía sau: Vẹo cột sống thắt lưng khiến cột sống không theo đường thẳng mà có những đoạn cong bất thường, các đốt sống gồ cao lê, xoáy vặn nhiều kiểu, hai đường hõm vào bên của eo cũng có thể khác nhau.
    • Cơ thể mất cân đối: Nếu lệch vẹo xương sườn nặng thì cơ thể bị nghiêng hẳn về một bên.
    • Vẹo cột sống cổ có thể làm cố bị kéo lệch về một bên.


    Đối tượng nguy cơ bệnh vẹo cột sống:

    • Tiền sử gia đình có người bị vẹo cột sống.
    • Người có tư thế ngồi, đi đứng sai.
    • Ăn uống thiếu dinh dưỡng.
    • Tập thể dục sai cách cũng góp phần gây nên bệnh vẹo cột sống.


    Phòng ngừa bệnh vẹo cột sống:

    • Ngồi học ngay ngắn, đúng tư thể: Ngồi thẳng lưng, hai bàn chân đặt xuống sàn, hai khuỷu tay đặt thoải mái trên mặt bàn, không rụt cổ, không để vở chéo 25 độ khi viết.
    • Bàn ghế học tập phải phù hợp với chiều cao.
    • Không cho trẻ mang cặp quá nặng.


    Các biện pháp chẩn đoán bệnh vẹo cột sống:

    • Khám lâm sàng: Xác định mức độ vẹo, độ mềm dẻo của cột sống và các triệu chứng của vẹo cột sống.
    • Cận lâm sàng:
      • Chụp X quang để đánh giá các đốt sống và cột sống. Dùng phương pháp Cobb để đo độ vẹo cột sống.
      • Chụp cộng hưởng từ để đánh giá các mô mềm như đĩa đệm, tủy sống, thần kinh.
      • Chụp cắt lớp vi tính cho hình ảnh xương và cấu trúc bên trong cột sống một cách rõ ràng.
      • Diện chẩn kiểm tra sự dẫn truyền của các dây thần kinh và tủy sống.
    Cong vẹo Cột sống
    Cong vẹo Cột sống
    Cong vẹo Cột sống
    Cong vẹo Cột sống
  4. Gai cột sống có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên xương sống của cơ thể, nhưng thông thường hay gặp gai cột sống cổ và gai cột sống lưng.


    Bệnh gai cột sống ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường gây ra những cảm giác đau ở vùng thắt lưng, vai hay cổ do gai chèn ép vào dây thần kinh, thậm chí là làm hạn chế vận động những vùng bị ảnh hưởng.


    Nguyên nhân bệnh gai cột sống:

    • Nguyên nhân gây ra gai cột sống là do vấn đề bắt nguồn từ phần đĩa tròn từ sụn nằm giữa hai đốt sống (bao xơ đĩa đệm). Khi xương sống lưng hay cổ có xu hướng thoái hóa theo tuổi tác vì là nơi gánh chịu nhiều nhất cho các hoạt động của cơ thể thì các bao xơ đĩa đệm này sẽ bị mất nước, nứt vỡ và xẹp đi khiến cho các khớp xương ma sát và bào mòn dẫn tới hư hại và viêm.
    • Các khớp cột sống viêm cũng khiến các đĩa đệm ở giữa bị hư hại. Sự tương tác qua lại này sẽ làm mất cấu trúc vững chắc của cột sống, từ đó cột sống sẽ tự ổn định bằng cách mọc ra những nhánh xương hay gai xương bao quanh các khớp xương.
    • Ngoài ra, tai nạn, chấn thương, béo phì hoặc di truyền (người bệnh mang gen khiến đốt sống của họ yếu hơn bình thường) cũng là nguyên nhân có thể dẫn tới gai cột sống


    Triệu chứng bệnh gai cột sống:

    • Bệnh gai cột sống phần lớn không gây ra các triệu chứng thật sự rõ ràng. Tuy nhiên khi đến giai đoạn các gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm ở xung quanh như dây chằng, đặc biệt là rễ thần kinh thì sẽ gây đau vai, đau thắt lưng hoặc tê tay ở người bệnh


    Các biểu hiện thông thường có thể gặp của gai cột sống là:

    • Đau ở vùng cổ, thắt lưng đặc biệt khi đứng hoặc di chuyển. Vị trí đau biểu hiện phần cột sống có vấn đề liên quan.
    • Đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi
    • Mất cảm giác hoặc bất thường ở phần cột sống liên quan
    • Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể đau tê ở cổ lan qua hai tay hoặc đau ở lưng dọc xuống hai chân
    • Cơ bắp tay chân có thể yếu đi
    • Cơ thể mất cân bằng
    • Mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện (thường trong trường hợp nguy kịch)
    • Rối loạn thần kinh thực vật (các phản xạ tự động rối loạn, tăng tiết mồ hôi, suy giảm hô hấp hoặc biến chứng tăng huyết áp,...)


    Đối tượng nguy cơ bệnh gai cột sống:

    • Gai cột sống thường hay gặp ở nam và nguy cơ tăng dần theo độ tuổi do sự lão hóa của cột sống và sự lắng đọng calci. Người lớn tuổi là đối tượng nguy cơ chính của bệnh
    • Người hay bốc vác nặng hoặc có thói quen đi đứng, vận động, ngồi học, nằm ngủ sai tư thế dễ gây ra tổn thương cho cột sống và dẫn tới bệnh
    • Người có tiền sử tai nạn, chấn thương, có tổn thương ở sụn khớp
    • Người bị viêm cột sống mãn tính
    • Người thừa cân, vận động mạnh, hút thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích... cũng làm tăng nguy cơ bị gai cột sống


    Phòng ngừa bệnh gai cột sống:

    • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ calcium và vitamin D, tránh các thức ăn gây tăng cân, béo phì như mỡ động vật, tăng cường ăn rau quả
    • Không hút thuốc
    • Tránh các thương tổn cột sống (như sai tư thế ngồi, nằm, đi xe,...)
    • Tránh chơi những môn thể thao quá sức như: cử tạ, thể dục dụng cụ, vận động quá khó)
    • Tránh ngồi quá lâu ở những tư thế không lành mạnh
    • Hạn chế làm việc nặng


    Các biện pháp chẩn đoán bệnh Gai cột sống:

    • Gai cột sống có thể được chẩn đoán khi người bệnh biểu hiện các triệu chứng đau vùng cổ, thắt lưng hoặc mất cảm giác, tê bì các phần cơ thể liên quan, cùng với đó các xét nghiệm cần được đưa ra để chẩn đoán xác định là:
    • Xét nghiệm điện học: có mục đích nhằm đo tốc độ thần kinh gửi tín hiệu điện về não hay các bộ phận cơ thể như tay, chân, từ đó xác định mức độ của chấn thương dây thần kinh cột sống và loại trừ các nguyên nhân khác
    • Chụp X-quang: giúp xác định vị trí, tình trạng và mức độ ảnh hưởng của xương bị tổn thương, mất sụn hoặc thoát vị đĩa đệm, mức độ thay đổi khớp và sự hình thành gai xương
    • Xét nghiệm máu: chẩn đoán loại trừ đau cột sống do nguyên nhân khác
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI): chủ yếu để xác định đĩa sụn có tổn thương không và thần kinh cột sống có bị chèn ép không
    • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Cung cấp hình ảnh chi tiết về sự thay đổi trong cấu trúc xương sống, mức độ chèn ép thần kinh để đưa ra phương án điều trị tối ưu.
    Gai cột sống
    Gai cột sống
    Gai cột sống
    Gai cột sống
  5. Chấn thương cột sống là một loại chấn thương thường gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động và gặp cả trong tai nạn thể thao. Khi bị những tai nạn này, bệnh nhân cần được cấp cứu khẩn trương. Tuy nhiên nhiều trường hợp do vội vàng, các chấn thương cột sống có thể bị bỏ sót, hoặc các động tác cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân không đúng làm cho các chấn thương cột sống nặng thêm.


    Nguyên nhân gây chấn thương cột sống:

    • Do tai nạn giao thông.
    • Do tai nạn lao động như ngã từ trên cao xuống gây lún. xẹp, vỡ đốt sống.
    • Do chấn thương thể thao như: đua xe đạp, đua ngựa, xiếc, võ thuật, bóng đá,...
    • Do hỏa khí như đạn bắn,...
    • Do nạn nhân tự tử bằng cách thắt cổ có thể gây gãy cột sống cổ.
    • Các nguyên nhân trên có thể gây ra các tổn thương cột sống với nhiều mức độ khác nhau như di lệch, vỡ, lún cột sống, chèn ép, phù nề, chảy máu, thậm chí có thể làm đứt ngang tủy sống.


    Các biến chứng của chấn thương cột sống:

    • Chấn thương cột sống có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
    • Các biến chứng thường gặp sau khi chấn thương cột sống gây tổn thương tủy là:
      • Rối loạn hay mất vận động: Bệnh nhân có thể bị giảm hoặc mất vận động chủ động hai chân (khi tổn thương đoạn ngực, thắt lưng) hoặc cả hai tay và hai chân (khi tổn thương đoạn cổ). Bệnh nhân bị rối loạn trương lực cơ gây co rút, co cứng, teo cơ hay cứng khớp, cốt hóa lạc chỗ, loãng xương, rỗng tủy sau chấn thương.
      • Rối loạn cảm giác: Bệnh nhân bị giảm hoặc mất cảm giác phía dưới vùng tủy sống bị tổn thương. Rối loạn cảm giác có thể gây các triệu chứng tê, đau, còn dẫn đến các biến chứng và thương tật thứ phát như là bị loét do tỳ đè,...
      • Các rối loạn thần kinh thực vật như: đây là loại rối loạn phản xạ tự động, tăng tiết mồ hôi, hạ huyết áp tư thế, rối loạn điều nhiệt, rối loạn đại tiểu tiện, các biến chứng về hô hấp, biến chứng về tiết niệu, viêm tắc tĩnh mạch do huyết khối,...


    Điều trị chấn thương cột sống:

    • Việc điều trị chấn thương cột sống tùy thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương. Bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
    • Với những trường hợp chấn thương nhẹ, có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn, điều trị thuốc, vật lý trị liệu kết hợp với trị liệu thần kinh cột sống.
    • Với những trường hợp tổn thương nặng, hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn cần phải phẫu thuật.
    • Thuốc giảm đau giúp giảm các cơn đau nhanh chóng, tức thời, nhưng cần phải cân nhắc khi sử dụng kéo dài. Vì khi dùng kéo dài thuốc giảm đau sẽ gây ra những tác dụng phụ gây hại cho gan, thận.
    • Phẫu thuật là phương pháp điều trị sau cùng khi các tổn thương cột sống nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng cần phải thận trọng bởi:
      • Có thể làm cho tình trạng bệnh xấu hơn nếu như cơ thể bệnh nhân không thích ứng với các dị vật lắp ghép vào cơ thể.
      • Thời gian phục hồi lâu.
      • Nguy cơ biến chứng, và nhiễm trùng cao.
      • Với các vận động viên sau khi phẫu thuật có thể phải từ bỏ con đường thể thao chuyên nghiệp, do cơ thể rất khó để có thể phục hồi lại tầm vận động và chức năng như ban đầu.


    Các di chứng của chấn thương cột sống:

    • Chấn thương cột sống khi được phát hiện và điều trị sớm có thể làm giảm nguy cơ để lại di chứng, tuy nhiên với những trường hợp tổn thương nặng thì nguy cơ để lại di chứng là rất cao. Các di chứng của chấn thương cột sống thường gặp đó là:
      • Liệt tứ chi
      • Liệt hai chi dưới


    Điều trị đau sau phẫu thuật:

    • Khi bệnh nhân tiến hành phục hồi chức năng, mục đích chính là giúp bệnh nhân có thể phục hồi lại chức năng vận động đã bị mất, hoặc nếu cơ hội phục hồi khả năng vận động không còn thì phục hồi chức năng giúp hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các dụng cụ hỗ trợ di chuyển như xe lăn, nạng, nẹp...để có thể thực hiện được các hoạt động sống hàng ngày một cách độc lập nhất. Qua đó giúp bệnh nhân hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
    • Về tình trạng cơ thể: Phòng chống loét da do đè ép là một việc rất quan trọng, cần sử dụng đệm chống loét (đệm hơi hoặc đệm nước), thay đổi tư thế bệnh nhân 2 giờ một lần bằng các kỹ thuật vị thế để loại bỏ đè ép, giữ cho da vùng dễ bị loét luôn khô ráo và sạch sẽ, phát hiện sớm các vùng da có nguy cơ loét để kịp thời xử lý, chăm sóc và điều trị loét.
    • Chăm sóc chức năng tiết niệu: Uống đủ nước (khoảng 2 lít mỗi ngày kể cả ăn), đặt thông tiểu lưu trong giai đoạn choáng tủy, sau đó là thông tiểu ngắt quãng 4 giờ một lần, hướng dẫn người bệnh tự thông tiểu sau khi ra viện, tập phục hồi chức năng bàng quang, phát hiện và điều trị sớm nhiễm khuẩn tiết niệu.
    • Phục hồi chức năng tiêu hoá: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng với lượng chất xơ phù hợp, tập đại tiện theo giờ cố định, tập thể dục thường xuyên, hướng dẫn bệnh nhân tự kiểm soát đại tiện.
    • Kiên trì vận động: Ngăn ngừa được nhiều biến chứng và thương tật thứ cấp đối với người bị tổn thương tủy sống như loét da do đè ép, nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, huyết khối tĩnh mạch sâu, teo cơ, cứng khớp, co rút biến dạng... Chương trình tập bao gồm cả tập thở, tập ho, tập vận động đúng tư thế, tập theo tầm vận động, tập di chuyển tại giường, tập di chuyển từ giường ra xe lăn và ngược lại, tập làm mạnh cơ, tập thăng bằng ngồi tĩnh và động, tập đi, tập với các dụng cụ trợ giúp.


    Tóm lại, chấn thương cột sống là một tình trạng bệnh lý phức tạp, có nhiều mức độ khác nhau. Chính vì vậy khi có nghi ngờ bị chấn thương cột sống, bệnh nhân cần được thăm khám, kiểm tra, đánh giá mức độ tổn thương, từ đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp làm giảm các biến chứng, di chứng của chấn thương cột sống với bệnh nhân.

    Chấn thương cột sống
    Chấn thương cột sống
    Chấn thương cột sống
    Chấn thương cột sống
  6. Đau dây thần kinh tọa (là Sciatica pain) là cơn đau toả ra dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, nhánh từ lưng dưới qua hông, mông và xuống dưới từng chân. Thông thường, đau thần kinh toạ chỉ ảnh hưởng đến một bên của cơ thể.

    Đau thần kinh tọa thường xảy ra khi thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng (dưới). Các đốt sống (xương tạo nên cột sống) được tách ra và được đệm bởi các đĩa tròn và các mô liên kết. Khi một đĩa bị mòn do chấn thương hoặc chỉ là sau nhiều năm sử dụng thì trung tâm của nó có thể bắt đầu đẩy ra khỏi vòng ngoài. Thêm vào đó, xương cột sống trên cột sống hoặc hẹp cột sống chèn ép một phần của dây thần kinh. Điều này gây ra viêm, đau và thường bị tê ở chân.


    Nguyên nhân:

    • Tuổi tác: Những thay đổi liên quan đến tuổi ở cột sống, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai cột sống là nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa. Hầu hết những người đau thần kinh tọa thường từ 30 đến 50 tuổi.
    • Cân nặng: Tăng thêm cân có thể gây áp lực lên cột sống đồng nghĩa với việc là những người thừa cân béo phì hoặc phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm.
    • Bệnh tiểu đường: Tình trạng này ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.
    • Do đặc thù của công việc: Những công việc đòi hỏi phải xoay lưng, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới trong một thời gian dài có thể đóng vai trò không nhỏ trong bệnh đau thần kinh tọa. Hoặc ngồi kéo dài hay có lối sống ít vận động thì có nhiều khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa hơn những người thường xuyên hoạt động.
    • Biến chứng của đau thần kinh tọa: Mặc dù hầu hết người bệnh đau thần kinh toạ có thể phục hồi hoàn toàn, nhưng nếu không được điều trị dứt điểm thì đau thần kinh toạ có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn. Và đây là một số dấu hiệu biến chứng của đau thần kinh tọa cần được khám và điều trị sớm: Mất cảm giác ở chân, yếu cơ chân, mất chức năng ruột hoặc bàng quang.


    Triệu chứng đau thần kinh tọa:

    • Dấu hiệu đặc biệt nhất của đau thần kinh tọa là cơn đau tỏa ra từ lưng dưới vào lưng hoặc bên cạnh hoặc chân. Cơn đau có thể rất khác nhau, từ đau nhẹ đến đau nhói, hoặc đau dữ dội. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy như một cú điện giật. Hoặc có thể tồi tệ hơn khi ho hoặc hắt hơi, hoặc ngồi lâu cũng có thể làm cho triệu chứng của bệnh càng trở nên nặng hơn.
    • Một số trường hợp khác có thể bị tê, ngứa ra hoặc yếu cơ ở chân và bàn chân. Hoặc có thể bị đau một phần ở chân và tê ở một số bộ phận khác của cơ thể.
    • Đau thần kinh tọa nhẹ thường sẽ biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau ngày càng tăng lên và kéo dài hơn một tuần hoặc cơn đau ngày càng nghiêm trọng và tồi tệ cần phải được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp. Những trường hợp cần phải được chăm sóc bởi bác sĩ và các dịch vụ y tế khi bị đau đột ngột, dữ dội ở lưng hoặc chân và tê hoặc yếu ở chân. Hoặc cơn đau sau chấn thương như tai nạn giao thông, hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát ruột và bàng quang.


    Biện pháp phòng bệnh đau thần kinh tọa:

    • Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa đau thần kinh tọa và tình trạng này có thể tái phát. Tuy nhiên, nếu thực hiện những điều này có thể góp phần làm giảm cơn đau và cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa.
    • Tập thể dục thường xuyên. Để giữa cho lưng có thể hoạt động tốt, đặc biệt là các cơ cốt lõi như: cơ bụng, cơ lưng dưới-là các cơ rất cần thiết cho tư thế và những sự liên kết thích hợp.
    • Duy trì tư thế phù hợp khi ngồi. Vị trí ngồi nên được chọn có thiết bị hỗ trợ lưng dưới tốt, có tay vịn và chân đế xoay. Có thể đặt một chiếc gối hoặc một chiếc khăn cuộn phía sau lưng để duy trì đường cong bình thường của lưng. Giữ độ cao của đầu gối và hông phù hợp với tư thế ngồi.
    • Sử dụng chuyển động cơ học của cơ thể. Nếu đứng trong thời gian dài nên thỉnh thoảng đặt một chân lên chiếc ghế hoặc hộp nhỏ. Khi muốn nâng hoặc bê vật nặng hãy để chi dưới làm việc. Giữ lưng thẳng và chỉ uốn cong ở đầu gối. Tránh nâng vật nặng và thay đổi tư thế đồng thời.
    Đau thần kinh tọa
    Đau thần kinh tọa
    Đau thần kinh tọa
    Đau thần kinh tọa
  7. Hẹp ống sống là tình trạng ống sống bị thu hẹp (do nhiều nguyên nhân khác nhau) gây chèn ép lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh. Đây là một bệnh lý khá phổ biến, thường xảy ra ở đối tượng là những người > 50 tuổi, ít có sự khác biệt về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ. Bệnh ít khi gặp ở người trẻ, thường có nguyên nhân là do di truyền hoặc là di chứng sau chấn thương vùng cột sống.


    Nguyên nhân:

    • Nguyên nhân hẹp ống sống có thể là bẩm sinh, ví dụ: nhiều người sinh ra đã có một phần ống sống nhỏ hơn bình thường.
    • Nguyên nhân hẹp ống sống có thể do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống, gai đôi đốt sống chèn vào ống sống.
      • Những sự thay đổi do thoái hóa có thể dẫn tới hình thành những gai xương từ thân đốt sống, những gai xương này có thể phát triển vào trong ống sống và gây chèn ép tủy sống.
      • Sự thoái hóa của các dây chằng cột sống (ví dụ: dây chằng dọc sau, dây chằng vàng) làm các dây chằng này dày lên và làm hẹp lòng ống sống.
      • Nếu viêm khớp cột sống xảy ra, các khớp này sẽ to lên rất nhiều, đến nỗi chúng chèn ép vào ống sống.
      • Thoát vị đĩa đệm: một đĩa đệm bị thoát vị hay phình sẽ làm giảm đường kính trước sau của ống sống.

    • Các nguyên nhân khác: viêm khớp cột sống (gây phì đại các diện khớp cột sống làm hẹp ống sống); thoái hóa đĩa đệm (do làm giảm chiều cao đĩa đệm từ đó làm dây chằng vàng bị uốn cong, chèn ép vào ống sống); các bệnh về xương (như bệnh Paget); từng bị chấn thương cột sống hoặc có khối u trong cột sống.


    Triệu chứng:

    Bệnh nhân hẹp ống sống thường bị các cơn đau nhức âm ỉ khá thường xuyên, có lúc lại đau dữ dội khiến người bệnh mệt mỏi, tinh thần luôn căng thẳng. Bệnh có nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng, tùy thuộc vào vị trí bị hẹp của ống sống và mức độ hẹp. Phổ biến nhất là các triệu chứng do hẹp ống sống đoạn cổ và hẹp ống sống phần thắt lưng.

    • Triệu chứng hẹp ống sống vùng cổ: Đau mỏi vùng vai gáy (hội chứng vai gáy); tê, yếu 1 hoặc cả 2 tay; trường hợp bị chèn ép nặng ở đoạn cao có thể liệt tứ chi.
    • Triệu chứng hẹp ống sống thắt lưng
      Khoảng 75% các trường hợp hẹp ống sống xảy ra ở cột sống thắt lưng (được gọi là hẹp ống sống thắt lưng). Cột sống thắt lưng bao gồm năm đốt sống ở đoạn thấp của cột sống, giữa các xương sườn và xương chậu. Người bệnh bị hẹp ống sống thắt lưng khi các rễ thần kinh ở thắt lưng bị chèn ép, hay bị bó nghẹt, và điều này có thể tạo nên những triệu chứng của đau dây thần kinh tọa
      • Đau lưng, đau vùng thắt lưng, đau nhức ở vùng mông, đùi, chân (do dây thần kinh tọa bị chèn ép). Mặc dù đôi khi những triệu chứng và đau chân do hẹp ống sống đến tức thì, tuy nhiên nhìn chung chúng tiến triển trong một thời gian dài.
      • Tê, ngứa ran ở mông hay chân: Khi áp lực chèn ép lên các rễ thần kinh tăng lên sẽ gây ra hiện tượng tê, ngứa nóng ran vùng mông, chân và đi kèm theo là những cơn đau nhức.
      • Chân trở nên yếu hơn, khó kiểm soát vận động, đi lại: một số bệnh nhân bị ảnh hưởng một bên chân tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp ảnh hưởng cả 2 chân, bệnh để lâu sẽ khiến vấn đề đi lại của người bệnh trở nên khó khăn hơn.
      • Ngồi hoặc nghiêng người về phía trước ít đau hơn là đi bộ bởi theo nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nghiêng người về phía trước sẽ giúp tăng không gian trong ống sống tránh gây chèn ép lên các dây thần kinh giúp giảm đau hiệu quả. Nhiều người bị bệnh gai cột sống, bệnh hẹp ống sống thắt lưng vẫn có thể đi xe đạp bình thường tuy nhiên khi đứng thẳng hay đi bộ sẽ gây cảm giác đau nhức, khó chịu hơn.
      • Càng đứng hay đi bộ lâu thì càng đau chân nhiều. Cong người ra trước hoặc ngồi xuống sẽ làm rộng ống sống và làm giảm đau chân cũng như giảm các triệu chứng khác, nhưng đau sẽ lại trở lại nếu bạn để lưng ở tư thế thẳng.
      • Đại, tiểu tiện không tự chủ do tổn thương vùng đuôi ngựa


    Phòng ngừa bệnh Hẹp ống sống:

    • Tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn để đảm bảo theo dõi sát diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
    • Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
    • Giảm cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cố gắng duy tì một cân nặng phù hợp, kết hợp tốt giữa việc vận động và dinh dưỡng để tránh bị béo phì (giảm cân giúp giảm áp lực lên cột sống)
    • Chườm lạnh hoặc chườm nóng để giảm đau.
    • Loại bỏ chướng ngại vật: giữ cho nhà bạn không bị lộn xộn hoặc trơn trượt vì có thể gây té ngã. Nên mang giày vừa chân, gót thấp để giúp bạn giữ được thăng bằng.


    Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hẹp ống sống:
    Việc chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kể trên kết hợp với chẩn đoán hình ảnh, bao gồm:

    • X- Quang: Cho phép đánh giá cấu trúc xương cột sống
    • CT scanner: hình ảnh được tạo nên bằng cách kết hợp nhiều phim X-quang lại với nhau và có thể hiển thị hình dạng, kích thước của ống sống, các thành phần bên trong, các cấu trúc xung quanh với chi tiết giải phẫu học của xương.
    • MRI: Tạo hình ảnh bằng năng lượng từ tính và công nghệ máy tính. Có thể hiển thị tủy sống, rễ thần kinh và các vùng xung quanh, cũng như sự phì đại, thoái hóa hay khối u.
    • Tủy đồ: Tiêm thuốc cản quang vào khoang dịch não tủy để ghi nhận hình dạng các dây thần kinh và tủy sống, và cho thấy bằng chứng của bất kỳ chèn ép nào ảnh hưởng lên khu vực này; có thể thấy trên X-quang, đôi khi được thực hiện với CT-scan.

    Người ta thấy rằng mỗi dạng hẹp ống sống có một ảnh hưởng động trên sự chèn ép thần kinh, ví dụ khi bê vật nặng. Do sự chèn ép động này, nên những triệu chứng của hẹp ống sống rất khác nhau giữa các thời điểm và những khám xét lâm sàng tổng thể sẽ không thấy sự tổn thương thần kinh hay cơ lực yếu nào. Một vài phương pháp kiểm tra hiện nay cho phép bệnh nhân ở tư thế đứng thẳng để đánh giá ảnh hưởng của lực ép dọc lên cột sống.


    Các biện pháp điều trị bệnh Hẹp ống sống
    Tùy tình trạng và mức độ của bệnh (nặng nhẹ hay trung bình) mà ta có thể lựa chọn việc điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn bằng các phương pháp nội khoa, vật lý trị liệu. Mục đích là làm giảm triệu chứng như dùng thuốc giảm đau, xoa bóp, châm cứu, lý liệu pháp, các thuốc an thần nhẹ và các vitamin nhóm B liều cao cũng phát huy tác dụng vì thuốc tác động lên quá trình chống viêm và chống thoái hóa, nhất là đối với tổ chức thần kinh.

    • Điều trị bảo tồn: Là sự kết hợp giữa việc điều trị bằng thuốc, điều chỉnh tư thế, kéo giãn và tập thể dục có thể giúp nhiều bệnh nhân khi cơn đau bùng phát. Giảm cân, bỏ thuốc lá và các phương pháp làm xương chắc khỏe cũng có thể được chỉ định.
    • Điều trị nội khoa:
      • Thuốc kháng viêm và giảm đau có thể dùng để giảm sưng và đau. Hầu hết các cơn đau có thể được điều trị bằng thuốc không kê toa. Nhưng nếu đau nhiều hay kéo dài, thuốc theo toa có thể được chỉ định.
      • Tiêm ngoài màng cứng có thể chỉ định để giảm đau cho bệnh nhân: tiêm cortisone vào khoang ngoài màng cứng có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng của hẹp ống sống. Tiêm cortisone hiếm khi khỏi hẳn bệnh nhưng chúng có thể làm giảm đau 50% các trường hợp.
    • Vật lý trị liệu và/hoặc các bài thể dục
      Thay đổi hoạt động: ví dụ đi bộ trong khi cong lưng về phía trước và tay chống gậy hay tỳ vào tay đẩy xe hàng thay vì đi bộ đứng thẳng lưng; đạp xe (người đổ ra trước, tay tựa vào tay lái thay vì đi bộ cho tập thể dục; ngồi ghế tựa cong lưng lại hơn là ngồi thẳng lưng) có thể giúp ổn định và bảo vệ cột sống, tạo độ bền và tăng độ linh hoạt, có thể giúp trở lại cuộc sống và các hoạt động hằng ngày. Thông thường, người ta khuyến khích trị liệu trong khoảng 4-6 tuần. Các phương pháp massage, châm cứu, chườm lạnh (hoặc chườm nóng) có thể giúp bạn giảm đau.
    • Điều trị phẫu thuật
      Sẽ được đặt ra trong trường hợp việc điều trị bằng các biện pháp bảo tồn nói trên không đạt hiệu quả, các triệu chứng ít cải thiện và bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn (dùng thuốc, kéo giãn cột sống, phục hồi chức năng…). Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như: Phẫu thuật giải ép thần kinh, làm rộng ống sống đơn thuần; hoặc kết hợp đặt dụng cụ hỗ trợ cột sống liên gai sau silicon, phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ đĩa đệm kèm hàn xương cố định; phẫu thuật nội soi mở cửa sổ xương giải ép... Ngoài các kỹ thuật trên, tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các phẫu thuật viên có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật phù hợp như sử dụng vít loãng xương cố định sau khi giải ép thần kinh ở các trường hợp bệnh nhân loãng xương, cố định cột sống đơn thuần sau giải ép ống sống ở những trường hợp hẹp ống sống đa tầng ở người già.
    Hẹp ống sống
    Hẹp ống sống
    Hẹp ống sống
    Hẹp ống sống
  8. Viêm cột sống dính khớp là một tình trạng viêm mạn tính, biểu hiện đặc trưng nhất là vôi hóa cột sống, theo thời gian gây dính khớp, khiến cột sống mất khả năng di động và cuối cùng có thể gây ra hậu quả là tư thế bất thường (gập người về phía trước). Nếu bệnh tác động tới các xương sườn có thể làm cho bệnh nhân khó thở sâu. Tỉ lệ viêm cột sống dính khớp ở nam giới và nữ giới khác nhau, nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Những năm đầu sau tuổi thành niên thường là thời điểm khởi phát bệnh (biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng). Bên cạnh xương, tình trạng viêm còn xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể, mà mắt là hay gặp nhất.


    Triệu chứng của viêm cột sống dính khớp

    • Đau và cứng ở khu vực hông hoặc lưng dưới, nhất là khi mới thức dậy hoặc sau một khoảng thời gian không vận động; có thể kèm theo các dấu hiệu phổ biến như đau cổ, mệt mỏi.
    • Đau nặng hơn vào buổi sáng, có những trường hợp đau đến mức gây thức giấc giữa đêm. Tình trạng đau có thể cải thiện khi tập luyện nhưng lại tiến triển lúc nghỉ ngơi.
    • Các triệu chứng sẽ càng ngày càng nặng hơn, tuy nhiên bệnh không tiến triển liên tục mà thành các đợt, xen kẽ ở giữa là các khoảng thời gian bệnh ổn định (nhưng các khoảng thời gian này sẽ không cố định).

    Viêm cột sống dính khớp gây tác động nhiều nhất lên các khu vực sau:

    • Khớp cùng chậu (là khớp nối giữa cột sống và xương chậu).
    • Vùng thấp của cột sống.
    • Điểm bám của các gân và dây chằng vào xương, chủ yếu là xương cột sống nhưng đôi khi là dọc theo phần phía sau của chi dưới.
    • Phần sụn nối giữa xương ức và các xương sườn.
    • Các khớp vùng hông và vùng vai.

    Ngoài ra, bệnh còn có những biểu hiện ở các bộ phận ngoài xương khớp, chẳng hạn như xuất hiện dấu hiệu mắt bị đỏ và đau nặng, nhạy cảm với ánh sáng nghiêm trọng, hoặc nhìn mờ. Nếu có các triệu chứng này, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.


    Điều trị viêm cột sống dính khớp

    • Điều trị bằng thuốc: Điều trị bằng thuốc thường sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như naproxen (Naprosyn) hay indomethacin (Indocin, Tivorbex). Những thuốc này có tác dụng giảm viêm, giảm đau, giảm cứng, tuy nhiên tác dụng không mong muốn có thể xảy ra là chảy máu đường tiêu hóa. Nếu sử dụng thuốc chống viêm không steroid không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định các chế phẩm sinh học như kháng TNF hoặc chất ức chế IL-17.
    • Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu rất quan trọng, mang lại nhiều lợi ích như giảm đau, tăng sự dẻo dai, cải thiện tầm vận động.
    • Phẫu thuật: Đa số trường hợp không cần phải phẫu thuật, trừ một số bệnh nhân đặc biệt như bị đau nghiêm trọng, tổn thương khớp nghiêm trọng hoặc cần thay khớp háng nhân tạo (trong viêm dính khớp háng).
    Viêm cột sống dính khớp
    Viêm cột sống dính khớp
    Viêm cột sống dính khớp
    Viêm cột sống dính khớp
  9. U cột sống là những khối mô bất thường xuất hiện ở bên trong hoặc xung quanh tủy sống, cột sống. Khi những tế bào này tăng trưởng và nhân đôi một cách không kiểm soát, chúng tạo thành những khối u trong tủy sống, đó có thể u lành tính hoặc u ác tính.


    Các loại u cột sống
    Dựa theo vị trí u, u cột sống có 3 loại chính sau đây:

    • U trong màng cứng – ngoài tủy: Dạng phổ biến nhất của loại u này là u màng não, trong các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống hoặc nền tủy sống. U màng não thường là u lành tính nhưng khó có thể cắt hết và khối u dễ tái phát. Nói chung, u rễ thần kinh là u lành tính, tuy nhiên, u sợi thần kinh có thể trở thành u ác tính và việc điều trị khối u ở đây thường rất phức tạp.
    • U tủy sống: Là những khối u phát triển bên trong tủy sống, thường xuất hiện ở vùng tủy cổ, hình thành từ tế bào đệm hoặc tế bào lót ống nội tủy, nằm bên trong mô kẽ tủy sống. Hai dạng phổ biến của u tủy sống là u tế bào sao và u tế bào lót ống nội tủy, là những khối u lành tính, tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ khối u tương đối khó. Dạng hiếm gặp là u mỡ nội tủy bẩm sinh, thường xuất hiện ở vùng tủy ngực.
    • U ngoài màng cứng: Đây là loại u cột sống thường do di căn hoặc u tế bào Schwann, hình thành từ tế bào bao quanh rễ sợi trục thần kinh. Trong một vài trường hợp, u ngoài màng cứng phát triển xuyên qua lỗ liên đốt sống, vừa nằm trong vừa nằm ngoài cột sống.

    Ngoài ra, u cột sống còn được phân loại thành:

    • U di căn cột sống: Là do ung thư nguyên phát ở những cơ quan khác di căn đến cột sống, trong đó cột sống là nơi di căn thường gặp nhất của ung thư xương, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt. Ở nam giới, ung thư phổi là u thường di căn đến xương nhất, và ở nữ là ung thư vú. Các ung thư khác cho di căn cột sống gồm bệnh đa u tủy, Lymphoma, Melanoma, Sarcoma; ung thư đường tiêu hóa, thận và tuyến giáp.
    • U cột sống ở trẻ em: Là dạng u nguyên phát hiếm gặp ở trẻ em. Tùy thuộc vào loại u sẽ có kết quả điều trị khác nhau như: u xương dạng xương, u nguyên bào xương, u sụn xương, sarcoma xương, sarcoma ewing, u hạt ái toan, phình mạch nang xương, chordoma, mesenchymal chondrosarcoma, u tế bào khổng lồ của xương, dị sản sợi, u sợi, sarcoma mạch máu, u mạch máu. Do hệ cơ xương của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên quá trình điều trị cần cân nhắc nhiều yếu tố như: độ vững của cột sống, can thiệp phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, bảo tồn các chức năng thần kinh của trẻ.

    Nguyên nhân gây u cột sống

    • Tiếp xúc với chất sinh ung thư: Một vài loại u cột sống được cho là do tiếp xúc với các chất gây ung thư.
    • Suy giảm hệ miễn dịch: Lymphoma tủy sống - loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào lympho (một loại tế bào của hệ miễn dịch) thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch.
    • Di truyền: U cột sống thường gặp ở một nhóm đối tượng có cùng huyết thống. Trong một vài trường hợp, u nguyên phát có thể là do 2 bệnh lý di truyền sau:Đa u sợi thần kinh type 2 - Neurofibromatosis 2: Đây là dạng u lành tính phát triển từ lớp màng nhện của tủy sống hoặc trong tế bào đệm của hệ thần kinh. Loại u này thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh thính giác và có thể gây mất thính lực ở một hoặc hai tai (u dây thần kinh số VIII).
    • Bệnh Von Hippel-Lindau: Đây là bệnh rối loạn di truyền đa cơ quan hiếm gặp, thường đi kèm với u mạch máu trong não, võng mạc, bệnh u máu trong cột sống - tủy sống, và các dạng khác ở thận hoặc tuyến thượng thận (u lành tính).


    Triệu chứng khi cột sống có khối u
    Các đốt sống trong cột sống khác nhau, kích thước của các khối u cũng khác nhau, nên dấu hiệu và triệu chứng của u cột sống ở mỗi người là khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp gồm:

    • Đau tại vị trí cột sống có khối u
    • Đau khắp cột sống
    • Bị yếu cơ ở cánh tay hoặc chân
    • Mất xúc giác ở tay, chân, bàn tay và bàn chân
    • Khó khăn khi đi đứng
    • Bị mất chức năng ruột hoặc bàng quang
    • Độ nhạy cảm đau ở các khu vực bị giảm
    • Chèn ép dây thần kinh làm thay đổi mức độ tê liệt


    Điều trị cột sống có khối u

    • Điều trị không phẫu thuật u cột sống: Lựa chọn điều trị không phẫu thuật bao gồm: theo dõi, hóa trị và xạ trị. Với những khối u không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và không có dấu hiệu tiến triển theo thời gian thì có thể được theo dõi bằng chụp MRI định kỳ. Trong khi đó, có một vài loại u lại đáp ứng khá tốt với phương pháp xạ trị hoặc hóa trị.
    • Điều trị phẫu thuật u cột sống: Chỉ định phẫu thuật thay đổi tùy theo loại u. U cột sống nguyên phát có thể được phẫu thuật cắt bỏ u nguyên khối để có thể điều trị dứt bệnh. Đối với u thứ phát do di căn thì phương pháp điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ để phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh của người bệnh, vững cột sống và giảm đau.
      Nhìn chung, phương pháp phẫu thuật được cân nhắc với những trường hợp sau:
      • Bệnh nhân có u di căn tiên lượng chỉ sống hơn 12 tuần hoặc hơn
      • Khối u kháng xạ trị hoặc hóa trị
      • U cột sống gây đau không đáp ứng thuốc
      • Khối u chèn ép tủy
      • Trường hợp có nguy cơ cao bị gãy xương bệnh lý và cần làm vững cột sống.

    Với điều trị phẫu thuật, để việc cắt bỏ khối u dễ dàng hơn có thể tiến hành thuyên tắc trước mổ. Quá trình thuyên tắc được thực hiện như sau: luồn một ống dẫn thông qua động mạch đùi đến vị trí khối u, sau đó dùng một loại keo để làm tắc động mạch dẫn máu nuôi khối u, giúp kiểm soát chảy máu trong khi phẫu thuật dễ dàng hơn, giảm thiểu nguy cơ của ca phẫu thuật.

    Khối u cột sống
    Khối u cột sống
    Khối u cột sống
    Khối u cột sống
  10. Bệnh gù cột sống là hiện tượng bị biến dạng gù cột sống do ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên.

    Gù cột sống là phần cong về phía trước của lưng, hiện tượng cong này vượt quá mức quy định (cong hơn 45 độ được coi là nghiêm trọng và không bình thường).


    Nguyên nhân bệnh gù cột sống
    Các đốt sống có tác dụng tạo nên một cột sống khỏe mạnh, được xếp chồng lên nhau thành cột trụ. Hiện tượng gù cột sống xảy ra khi đốt sống ở phần lưng trên ngày càng biến dạng thành hình chữ V. Nguyên nhân chính gây ra dị tật này, bao gồm:

    • Do xương mỏng đi dẫn đến đốt sống bị nghiền (gãy xương do đè nén) hay còn gọi là loãng xương. Hiện tượng loãng xương phổ biến nhất ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ và ở những người dùng corticosteroid liều cao trong thời gian dài.
    • Do thoái hóa đĩa đệm. Là khi lớp đệm giữa các đốt xương sống mềm và hình tròn bị khô, co lại do tuổi tác làm tăng tình trạng gù vẹo cột sống.
    • Do bệnh Scheuermann (hay còn gọi là gù cột sống Scheuermann), bệnh này thường bắt đầu trong thời gian phát triển mạnh xảy ra trước tuổi dậy thì, đặc biệt ở bé trai bị ảnh hưởng nhiều hơn là bé gái.
    • Do dị tật bẩm sinh. Nếu cột sống của bé không phát triển đúng cách trong tử cung, xương cột sống có thể không được hình thành đúng, gây ra gù cột sống.
    • Do các hội chứng Marfan hoặc bệnh Prader-Willi.
    • Do ung thư và điều trị ung thư ở cột sống có thể làm suy yếu đốt sống và làm cho nó dễ gãy do đè nén, cũng có thể gây ra bởi hóa trị và xạ trị.
    • Do tư thế di chuyển đi vai thõng xuống (đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên) gây ra tình trạng cong cột sống phía trên.


    Triệu chứng bệnh gù cột sống
    Bệnh gù cột sống có các dấu hiệu, triệu chứng bệnh như sau:

    • Tư thế đi có xu hướng khom về phía trước, nhìn thường rõ nhất từ bên hông giống như bệnh nhân cúi gập người về phía trước
    • Bị đau lưng ngày càng nặng
    • Chiều cao bị giảm
    • Có cảm giác mệt mỏi
    • Khó đứng thẳng, đặc biệt thời điểm cuối ngày


    Đối tượng nguy cơ bệnh gù cột sống
    Bệnh gù cột sống có thể phát triển ở mọi lứa tuổi và có thể ảnh hưởng đến cả hai giới, tuy nhiên phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi. Có các yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị gù cột sống như: chứng loãng xương, mật độ xương thấp, gia đình có người đã từng bị bệnh này.


    Phòng ngừa bệnh gù cột sống
    Để phòng ngừa bệnh gù cột sống, biện pháp khắc phục hiệu quả nhất là thay đổi lối sống của bản thân, ví dụ như:

    • Giữ tư thế đi đúng, tránh tư thế buông thõng vai
    • Ngồi đúng tư thể, ngồi thẳng, đảm bảo lưng được hỗ trợ
    • Hạn chế đeo cặp sách nặng có thể gây co kéo cơ lưng và dây chằng; các cặp sách tốt nhất được thiết kế kiểu ba lô
    • Thường xuyên tập thể dục để giúp lưng khỏe và linh hoạt; các hoạt động như bơi lội, chạy bộ, đi bộ, yoga và các bài tập phối hợp là lý tưởng cho việc giúp ngăn chặn các vấn đề cho lưng.


    Các biện pháp chẩn đoán bệnh Gù cột sống

    • Phương pháp chẩn đoán bằng khám lâm sàng.
      Để chẩn đoán bệnh gù cột sống, bác sĩ cần kiểm tra chiều cao và có thể yêu cầu bệnh nhân cúi về phía trước từ thắt lưng để bác sĩ quan sát cột sống từ phía bên hông. Nếu bị bệnh gù cột sống, lưng trên cong có thể thấy rõ hơn ở vị trí này. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể thực hiện một bài kiểm tra về thần kinh để kiểm tra phản xạ và sức cơ của.
    • Phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
      Tùy thuộc vào dấu hiệu và triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các phương pháp như:
      • Chụp X-quang, phương pháp này thường được sử dụng để xác định mức độ cong và có thể phát hiện dị tật của đốt sống, giúp xác định loại gù cột sống.
      • Chụp cắt lớp vi tính từ nhiều góc độ khác nhau để tạo thành hình ảnh cắt ngang của cấu trúc nội bộ.
      • Chụp cộng hưởng từ khi có nghi ngờ một khối u hoặc nhiễm trùng.

    Các biện pháp điều trị bệnh Gù cột sống
    Để điều trị bệnh gù cột sống, có thể sử dụng thuốc/phẫu thuật hoặc các phương pháp trị liệu, bao gồm:

    • Các bài tập thể dục kéo giãn giúp cải thiện tính linh hoạt của cột sống và giảm đau lưng. Bài tập tăng sức cơ bụng có thể giúp cải thiện tư thế.
    • Đeo khung có thể ngăn chặn sự tiến triển của gù cột sống bằng cách đeo khung chằng cơ thể trong khi xương của chúng vẫn đang phát triển.
    • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, hoạt động thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa đau lưng và giảm các triệu chứng gây ra do gù cột sống.
    • Chế độ ăn uống giàu canxi và vitamin D giúp duy trì mật độ xương tốt.
    • Phương pháp phẫu thuật và các thủ thuật khác được sử dụng khi độ cong cột sống rất nghiêm trọng gây co kéo tuỷ sống hoặc rễ thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để giảm độ cong. Thủ thuật hợp nhất cột sống được sử dụng để kết nối hai hoặc nhiều hơn các đốt sống bị ảnh hưởng với nhau vĩnh viễn.
    Gù cột sống
    Gù cột sống
    Gù cột sống
    Gù cột sống




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy