Top 7 chợ nổi miền Tây khiến bạn đến rồi không muốn về
Du lịch miền Tây, nhất định phải ghé qua khu chợ nổi - một biểu tượng đặc trưng cho nét văn hóa nơi đây. Bạn không chỉ hòa mình vào không gian mênh mông sông ... xem thêm...nước, mà còn cảm nhận được một không khí bình yên, êm ả với những con người giản dị, chân phương ở chợ nổi Miền Tây. Nếu bạn có dịp ghé qua miền Tây thì chơ bỏ qua những chợ nổi miền Tây khiến bạn đến rồi không muốn về mà toplist liệt kê dưới đây.
-
Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang
Chợ nổi Cái Bè không chỉ mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long mà nơi đây còn là địa điểm du lich hấp dẫn giúp du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chợ nổi Cái Bè họp và cũng như văn hóa mua bán truyền thống của người dân miền Tây. Khu chợ nổi là nơi tiếp giáp của ba tỉnh là Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, một trong ba chợ đầu mối lớn nhất miền Tây Nam Bộ, cùng chợ nổi Cái Răng, Ngã Bảy nên chợ nổi Cái Bè lúc nào cũng đông vui, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống… Du khách có thể đến chợ nổi bằng nhiều phương tiện như xe máy, ô tô cá nhân, xe khách… nhưng thú vị nhất vẫn là đi bằng xe máy. Du lịch chợ nổi Cái Bè bằng xe máy sẽ là một trải nghiệm mới mẻ, mang đến cho du khách nhiều kỷ niệm khó quên. Ở đây, nếu bạn muốn tận mắt thấy các hoạt động đông đúc, tấp nập xuồng ghe và xem các hình thức buôn bán dưới nước, bạn nên đi từ vào lúc sáng sớm, bình mình vừa hé rạng. Buổi sáng là lúc chợ nhộn nhịp, buôn bán nhiều nhất và tập trung nhiều loại nông phẩm. Bạn nên chú ý giờ tan chợ là vào lúc 8h để tránh trường hợp đến muộn.
Bạn sẽ có những phút giây ngắm hoàng hôn trên sông nước. Hoàng hôn cũng là lúc cả khu chợ nổi lên đèn, mang chút thơ mộng và trầm buồn. Đây được xem là lúc đẹp nhất, lung linh nhất của vùng chợ nổi này. Chợ nổi tại tỉnh Tiền Giang là nơi ghe tàu đến trao đổi hàng hóa. Nơi đây vẫn giữ được nét sinh hoạt đặc trưng văn hóa của chợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nổi bật là trạm trung chuyển trái cây và sản vật đi mọi miền. Mỗi thuyền đều được treo sào để người mua dễ nhận biết và không phải rao mời. Ngày nay, do nhu cầu của người dân, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang không chỉ buôn bán trái cây hay các loại nông phẩm, mà còn cả các món ăn. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ: bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, bún giò, cà phê, trà đà… Du khách đến đi sẽ có dịp trải nghiệm những phút giây thư thái giữa bốn bề sông nước, nhâm nhi tách cà phê. Chợ nổi Cái Bè là một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Bởi vậy, nếu có dịp đến Tiền Giang thì đừng bỏ qua cơ hội để trải nghiệm những điều thú vị tại vùng quê này.
-
Chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng
Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ghe tàu từ các nơi đến đây để mua bán, trao đổi đủ loại hàng hoá. Vào những ngày giáp tết Nguyên Ðán, cảnh chợ càng nhộn nhịp, náo nhiệt hơn. Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm của năm con sông đi năm ngả: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thanh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Ðây là một trong những chợ nổi có từ lâu và nhộn nhịp nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngã Năm là một trong những huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, vốn có đường giao thông tương đối đồng bộ bao gồm Quản lộ Phụng Hiệp nối liền Quốc lộ 60 với đường Hồ Chí Minh rộng khắp cả nước. Ngoài ra, Ngã Năm còn có đường thủy nối liền các địa phương và các vùng lân cận (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang) với 5 nhánh sông tụ hội thành Chợ Nổi nhộn nhịp mà ai - ai cũng biết. Với những thuận lợi về địa lý cũng như giao thông và thiên nhiên ưu ái ban tặng, Ngã Năm thực sự là huyện có tiềm năng du lịch.
Là vùng đất vốn có nhiều di tích và thắng cảnh nổi tiếng, hòa quyện cùng bản sắc văn hóa đa dạng, tạo cho quê hương Ngã Năm có thế mạnh để phát triển du lịch. Ngoài Chợ Nổi là điểm thương mại sầm uất với cảnh quan sông nước hữu tình rất độc đáo, Ngã Năm có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, (đình chùa, miếu mạo và các di tích lich sử cách mạng) cùng nhiều khu, điểm sinh thái: Vườn cò Tân Long, rừng sinh thái thuộc khu vực di tích miếu Bà chúa Xứ (là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh và của huyện Thạnh Trị - Ngã Năm). Ngoài ra, Ngã Năm còn làm giàu thêm sản phẩm du lịch của mình bằng những giá trị văn hóa phi vật thể khá độc đáo như sinh hoạt chợ nổi, đờn ca tài tử, các lễ hội truyền thống dân tộc... Với tiềm năng phong phú và đa dạng, du lịch Ngã Năm đang phát triển theo hướng du lịch thương mại và du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa - lịch sử...
-
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ
Chợ nổi là một nét văn hóa rất đặc trưng của những địa phương Tây Nam Bộ đã mà ai cũng mong muốn được đến và trải nghiệm ít nhất một lần trong đời. Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ có lẽ là khu chợ tiêu biểu nhất, nơi đã từng được báo chí nước ngoài vinh danh là một trong năm khu chợ thú vị nhất châu Á. Để đến thăm quan và hòa mình vào cuộc sống sôi động, sầm uất của chợ nổi bên bến Ninh Kiều thì du khách phải đi 6km từ trung tâm thành phố nếu đi đường bộ và 30 phút đi đường thủy. Những du khách muốn đến thăm quan chợ nổi phải đến từ rất sớm bởi phiên chợ họp từ tờ mờ sáng đến khoảng 8-9 giờ là vãn và ít ghe thuyền qua lại. Đến sớm thuê ghe thuyền đi trên dòng sông Hậu hiền hòa du khách sẽ được ngắm mặt trời mọc khi bình minh lên những tia nắng của ngày mới; chiếu trên mặt sông lóng lánh ánh bạc và tỏa ánh sáng vàng trên mái tóc, bờ vai của những người phụ nữ đang mải miết chèo thuyền, chèo ghe bán hàng mưu sinh. Vào thời điểm tinh mơ này, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn hết nhịp sống và văn hóa của người dân gắn bó với sông nước ở Cần Thơ.
Điểm đặc biệt ở khu chợ nổi Cái răng chính là chuyên buôn bán các loại hoa quả Trái cây những đặc sản của vùng sông nước đồng bằng Sông Cứu Long. Tuy nhiên để khách ở xa có thể nhận biết được ghe thuyền mình đang bán những sản vật gì, thì người dân treo sản vật đó lên mũi thuyền được gọi là cây beo. Đây chính là điểm đặc biệt và thu hút sự chú ý của du khách của khu chợ nổi Cái Răng thú vị này. Nhờ vậy, mà người dân hay khách du lịch muốn mua đều có thể nhìn thấy và đi thuyền đến mua. Ở đây bán tất cả mọi thứ đồ quan trọng thiết yếu phục vụ nhu yếu phẩm hàng ngày. Đến đây du khách sẽ được chứng kiến một khu chợ rực rỡ sắc màu của hoa quả, bánh trái, tiếng chèo khua sóng nước, tiếng trao đổi, mua bán nhộn nhịp một góc trời. Chợ nổi đã có từ rất lâu đời đến nay trước sự hiện đại và vô vàn các chợ cạn, trung tâm thương mại lớn mọc lên nhưng cũng không làm cho nét văn hóa trao đổi buôn bán trên sông kém phần sôi động thậm chí còn sầm uất hơn xưa.
-
Chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang
Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của vùng Hậu Giang đấy chính là chợ nổi Ngã Bảy. Có mặt từ rất lâu đời từ những năm 1915, khu chợ này đến nay đã trở thành nét văn hóa mà người dân Hậu Giang có thể hãnh diện tự hào, khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng. Cụ thể, chợ tọa lạc tại phường Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Trước đây còn có tên gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một trong những nhóm chợ nhộn nhịp và lớn nhất vùng sông đồng bằng Cửu Long từ trước đến nay. Nơi trao đổi kinh tế và hàng hóa này không chỉ là để mưu sinh, kiếm sống mà còn là chốn tham quan, cuốn hút cực kì đông khách du lịch. Đặc biệt đối với những du khách nước ngoài thì chúng lại còn trở nên rất độc đáo, bởi ở nước của họ chưa có hình thức buôn bán như thế bao giờ. Khi đi du lịch miền Tây, ngoài chợ nổi Cái Răng thì chợ nổi Phụng Hiệp là cân nhắc đáng chú ý. Toàn bộ nông sản của vùng cứ đến rạng sáng là tập trung hết về đây. Khu vực rộng lớn này có sức chứa đến hàng trăm chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ. Điểm tụ tập chính là nơi giao cắt giữa 7 tuyến sông gồm có: sông Cái Côn, sông Mang, sông Búng Tàu, sông Sóc Trăng, sông xẻo Môn, sông Lái Hiếu và sông Xẻo Vong. Cái tên gọi chợ nổi Ngã Bảy cũng vì thế mà được hình thành. Cũng tương tự như vậy, “chợ nổi Phụng Hiệp” cũng là vì chúng nằm trên địa bàn Phụng Hiệp. Tính cách giản dị của người miền Tây luôn luôn là thế, cứ hễ thấy sao thì gọi tên vậy để dễ nhớ, dễ nhận biết, chẳng cầu kì.
Người ta đến thăm khu chợ nổi Ngã Bảy có rất nhiều nguyên do. Một số chỉ đơn giản là tham quan, khám phá. Một số muốn mua vật phẩm đặc sản mang về tặng người thân. Một số khác lại chỉ để tiếp cận và tìm hiểu về văn hóa của con người miền Tây, xem cái cách họ nhiệt tình nhiều đến thế nào mà ai ai cũng ca tụng. Trong các tour miền Tây 1 ngày, chợ nổi đã trở thành điểm đến quen thuộc để nhiều du khách đến khám phá. Mà quả nhiên là họ chất phát, chân phương, nhiệt thành thật. Khách đến lựa hàng thoải mái, mua một quả ổi nhiều khi chủ ghe còn tặng thêm quả xoài. Thế mà bảo sao người ta không yêu thương cái chân phương ấy cho được. Hiện nay, chợ nổi Ngã Bảy đã hơn 100 năm tuổi, từ lúc người ta đào kênh xáng tới giờ, cứ thế chợ phát triển theo thời gian và trở thành đầu mối giao thông thủy lợi lớn nhất khu vực miền Nam. Trên sông thì người người buôn bán, mua hàng tấp nập còn 2 bên phía bờ thì là những làng nghề thủ công truyền thống. Cái hay của khu vực này là đến một lần hầu như bạn có thể khám phá được hết tất cả các "nét duyên" của toàn bộ miền Tây. Thế thì hiển nhiên là bạn phải nhất định một lần tới thăm thú rồi. Cụ thể thì những làng nghề ở 2 bên bờ là nghề đóng ghe, đan lưới, làm lục bình... nhưng đấy chỉ là điểm phụ. Buôn bán vật phẩm nông sản trên sông mới chính là điểm nhấn chính mà chợ nổi Ngã Bảy Hậu Giang mang lại.
-
Chợ nổi ở Long Xuyên, An Giang
Nằm trên khu vực sông Hậu, gần Trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi Long Xuyên trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi du khách đến với An Giang. Đây chính là một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân An Giang nói riêng và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Khung thời gian đẹp nhất để tham quan Chợ nổi Long Xuyên là từ 5 giờ sáng. Cái chớm lạnh của sương mai sẽ không làm chùng chân những ai yêu thích và khám phá những điều mới lạ. Đặc biệt là du khách có thể được ngắm cảnh bình minh trên sông, xa xa phía chân trời là những vệt mây trắng hồng đan xen, hòa huyện vào nhau trên nền trời, tất cả như tô điểm thêm dư vị cho cuộc sống của những người dân lao động đang từng ngày lênh đênh trên sông nước. Tuy không ồn ào, tấp nập như những phiên chợ nổi khác của miền Tây, Chợ nổi Long Xuyên bắt đầu ngày mới cũng nhộn nhịp khác hẳn, những chiếc ghe, xuồng đang neo đậu chằng chịt, san sát nhau thành từng cụm để mua bán, trao đổi hàng hóa, tiếng cười tiếng nói giòn giã vang khắp mặt sông tạo nên nét riêng của phiên chợ nổi. Việc mua bán trên chợ nổi diễn ra rất nhanh chóng, theo kiểu nói sao bán vậy chứ ít có chuyện mặc cả, văn hóa vùng sông nước và tính cách của người dân An Giang chính là như thế.
Một nét văn hóa đặc trưng của chợ nổi là hàng hóa được bày bán, giới thiệu trên cây sào mà người dân gọi là “cây bẹo”. Đây là kiểu quảng cáo hàng hóa độc quyền chỉ có trên chợ nổi. Khách hàng có thể nhìn vào cây bẹo được treo lủng lẳng trước mũi ghe để lựa chọn sản phẩm mình muốn mua, mỗi một chiếc ghe sẽ treo bán một món hàng khác nhau, từ rau, củ, quả cho tới những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên hình thức kinh doanh trên chợ nổi không phải lúc nào cũng theo kiểu treo gì bán đó, mà cũng có những trường hợp treo mà không bán, ví như quần áo, hay đồ bán mà không treo như đồ ăn, thức uống. Len lỏi đâu đó du khách có thể thấy những chiếc thuyền đang treo miếng lá dừa, nhưng cái người dân muốn bán ở đây là ghe, xuồng chứ không phải bán lá dừa. Nghe qua có vẻ hào hứng và thú vị lắm, nhưng có đến mới thấy và cảm nhận hết sự khác lạ của chợ nổi. Đừng quên thưởng thức một bữa sáng theo kiểu “nổi” của người dân miền Tây, với các món ngon dân dã như bún riêu, bún cá, bánh tằm hay nhâm nhi một ly cà phê để tận hưởng cảm giác vừa ăn vừa được lắc lư bồng bềnh theo con sóng, ắt hẳn sẽ làm du khách nhớ mãi không quên. -
Chợ nổi Phong Điền - Cần Thơ
Cùng với chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền là điểm du lịch Cần Thơ thu hút đông đảo khách tham quan. Chợ nổi Phong Điền là nét văn hóa mua bán đặc trưng độc đáo của miệt vườn sông nước, đã gắn liền với nhiều thế hệ và là niềm tự hào của nhân dân địa phương huyện Phong Điện nói riêng và người dân Miền Tây nói chung. Nằm cách trung tâm Cần Thơ khoảng 17km, Chợ nổi Phong Điền trước đây nằm ngay ngã ba sông, đoạn sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu nay phải đi thêm khoảng 800m kể từ địa điểm cũ, xuôi theo hướng kênh KH9, thuộc địa phận xã Nhơn Ái là đến. Chợ nổi Phong Điền cũng họp từ khá sớm, lúc tờ mờ sáng, cũng như chợ nổi Cái Răng náo nhiệt nhất vào tầm 7-8h sáng và qua 9h thì bắt đầu vãn. Tuy vậy, khác với chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền qua giờ tấp nập vẫn còn người buôn bán đến chiều.
Với thế mạnh miệt vườn sông nước cây lành trái ngọt, các loại trái cây đặc sản được buôn bán tại chợ nổi Phong Điền rất phong phú. Từ các loại sản vật miệt vườn như cam, quýt, xoài, vú sữa, mận, sầu riêng, măng cụt… cho đến những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, các sản phẩm của nghề đan và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Không chỉ có nông sản, công cụ lao động, chợ nổi Phong Điền còn có trạm xăng dầu, các ghe thuyền bách hóa tổng hợp, những nhà may di động, những tiệm sửa chữa máy móc mở cửa suốt ngày như các chợ trên đất liền…Khiến cho chợ nổi Phong Điền trở nên đặc biệt và luôn mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khách du lịch Cần Thơ. Ngoài ra, chợ còn cả một gian ẩm thực vô cùng phong phú như hột vịt lộn, bún thịt nướng, gỏi vịt, hủ tiếu… Buổi sáng ngồi trên ghe hít thở không khí trong lành của buổi sáng mai thưởng thức tô hủ tiếu, bánh canh..trên chợ nổi sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách.
-
Chợ nổi Trà Ôn - Vĩnh Long
Chợ nổi là một nét văn hóa giao thương đặc sắc của vùng đất miền Tây sông nước. Các chợ nổi như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cà Mau, chợ nổi Ngã Bảy hay chợ nổi Trà Ôn… là những địa điểm du lịch miền Tây đang thu hút ngày càng nhiều lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi ngày. Trong số những ngôi chợ nổi đó thì chợ nổi Trà Ôn là ngôi chợ nổi vẫn còn giữ lại nhiều nét đẹp văn hóa giao thương của miền Tây sông nước bởi chợ đã tồn tại hơn 1 thế kỉ. Chợ nổi Trà Ôn nằm cách vàm Trà Ôn 250m. Chợ họp theo con nước nên cứ đến thời điểm nước lên là chợ lại tập trung nhiều thuyền bè buôn bán, giao thương tấp nập trên khúc sông Hậu dài hơn 300m. Có lúc nước lớn vào sáng sớm, chợ thu hút hàng trăm thuyền bè lớn nhỏ từ Vĩnh Long và các tỉnh gần đó đến đây buôn bán, trao đổi hàng hóa. Vị trí tụ họp chợ nổi Trà Ôn nằm cách TP. Vĩnh Long khoảng 40km. Nếu muốn đi chợ nổi Trà Ôn từ trung tâm TP. Vĩnh Long, du khách nên di chuyển theo hướng QL1A. Khi đến thị xã Bình Minh, du khách rẽ về QL54 rồi đi thêm 10km nữa là đến chợ nổi Trà Ôn.
Cũng giống như những ngôi chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Trà Ôn bắt đầu họp chợ từ lúc sớm tinh mơ. Khi nhiều du khách vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ thì chợ nổi Trà Ôn đã có thuyền bè qua lại giao thương hàng hóa. Thuyền bè từ khắp các tỉnh miền Tây quy tụ lại chợ nổi Trà Ôn buôn bán và trao đổi hàng hóa từ sáng sớm cho đến chiều tối mới tan hẳn nên du khách có thể đến tham quan chợ nổi Trà Ôn vào bất kì thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, theo chia sẻ du lịch Vĩnh Long của những du khách đã từng đi tham quan chợ nổi Trà Ôn thì thời điểm lý tưởng để tham quan chợ nổi là sớm tinh mơ (từ 5h - 6h sáng). Trong màn sương mờ ảo của bờ sông Hậu lúc mặt trời chưa ló rạng, nhiều tàu bè chở đầy các loại hàng hóa khác nhau tập trung lại trên khúc sông Hậu gần vàm Trà Ôn để bắt đầu giao thương các loại hàng hóa chủ đạo của mình. Những chiếc thuyền trên chợ nổi như những cửa hàng di động mang trên mình đầy ắp trái cây, rau củ, nông sản, hàng tiêu dùng… Thuyền hàng sẽ di chuyển qua lại quanh khu vực chợ nổi để tìm kiếm những chiếc thuyền có hàng hóa mà mình muốn trao đổi. Nếu muốn mua mặt hàng gì thì du khách chỉ cần ghé lại bên thuyền bán và trao đổi giá cả… tất cả mọi thứ đều diễn ra trên sông nên mới có cái tên chợ nổi.