Top 10 Đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng nhất Việt Nam 2019

Vũ Minh Hoàng 1268 0 Báo lỗi

Bánh là một trong những loại đặc sản dễ mua làm quà tặng nhất khi bạn đi du lịch tại mỗi vùng miền. Cùng Toplist khám phá những loại bánh đặc sản nổi tiếng ... xem thêm...

  1. Chẳng biết từ bao giờ, bánh cốm đã trở thành một trong những món đặc sản đầy ý nghĩa của người dân thủ đô. Không còn phải đợi đến mỗi mùa thu nữa, cốm bây giờ đã được làm khô và bán quanh năm. Vì vậy nếu yêu thích món ăn này, các bạn có thể mua bánh cốm bất kì ở đâu và bất cứ lúc nào. Món bánh này gợi lên trong lòng những người con xa quê, những tâm hồn hoài cổ về một nét văn hóa đẹp, thanh tao trong việc thưởng thức ẩm thực của người Hà Nội. Thông thường nếu muốn mua bánh cốm Hà Nội, mọi người sẽ tìm đến con phố Hàng Than. Đây là con phố khá nổi tiếng với hai loại bánh cốm và bánh phu thê. Đi dọc đường thấy hầu như nhà nào cũng bán, rất dễ mua và chọn. Tuy nhiên bánh mỗi nhà lại có vị khác nhau một chút nhé, nên nếu bạn có yêu cầu khẩu vị cao thì nên chọn lựa kĩ và đọc trước review.


    Gọi là đặc sản Hà Nội làm quà không phải vì chỉ có ở Hà nội mới có loại bánh này, mà phải là bánh cốm Hà Nội thì mới ngon, mới đúng vị, mới đậm hương vị cốm non Hà Thành. Nét hấp dẫn ở những chiếc bánh cốm Hà Nội là khi đến tay thượng khách vẫn có mùi cốm mới, dẻo và thơm. Hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh tượng trưng cho hương vị đồng nội, nhân dừa đậu xanh ngọt ngào như tình cảm của người dân Hà Nội gửi đến với du khách. Món bánh này cùng với sự hoà quyện trong ý nghĩa của nó thực sự xứng đáng được coi là một trong những đặc sản Hà Nội làm quà đáng được coi trọng và giữ gìn nhất. Thế nên nếu có điều kiện các bạn hãy thử qua món ăn tuyệt vời này nhé!

    Bánh cốm Hàng Than - Hà Nội
    Bánh cốm Hàng Than - Hà Nội
    Bánh cốm Hàng Than - Hà Nội
    Bánh cốm Hàng Than - Hà Nội

  2. Bánh Phu Thê thường gói thành từng cặp là một trong lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi của người Kinh Bắc, như một biểu tượng chung thủy của lứa đôi. Nếu đã có dịp đến thăm Đền Đô, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh chắc hẳn không ai còn xa lạ với món bánh xu xuê bán dọc lối vào. Bánh không chỉ là thứ quà quê dân dã được lòng du khách ghé chơi, mà còn là đặc sản nổi tiếng của vùng quê Kinh Bắc với tên gọi bánh phu thê. Bánh được bóc ra tỏa mùi hương mát dịu khắp sân. Sau lớp lá đổi màu vì nước luộc là lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt bên trong. Chỉ cần cắn một miếng nhỏ là có thể cảm nhận được độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường… hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh.


    Chiếc bánh nhỏ chừng lòng bàn tay, nhìn tưởng đơn giản nhưng phải qua rất nhiều công đoạn. Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, giã tay hoặc xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô. Để làm nên màu vàng đặc trưng của vỏ bánh phu thê, người Đình Bảng tuyệt nhiên không dùng phẩm mà lấy nước quả dành dành để tạo màu. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ, đãi vỏ, đem đồ và thắng đường cát. Khi gói bánh, người thợ trộn thêm sợi đu đủ khô để tạo độ dai và thêm sợi dừa nạo để bánh có vị ngậy. Nhân bánh cũng thường được thêm hạt sen để tạo vị thơm ngon, hấp dẫn khi cần. Nhân đỗ sau khi nặn tròn được đặt trong vỏ bánh hình vuông và gói lại bằng hai lớp lá, bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dong. Người ta còn quét lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng. Bánh sau khi gói được đem luộc dưới bếp lửa than vừa lửa. Bánh chín vớt ra, ép nước giống bánh chưng rồi gói thành từng đôi một.

    Bánh phu thê - Bắc Ninh
    Bánh phu thê - Bắc Ninh
    Bánh phu thê - Bắc Ninh
    Bánh phu thê - Bắc Ninh
  3. Nhắc đến đặc sản Hải Dương, người ta không thể không nghĩ ngay đến bánh đậu xanh. Bao nhiêu lâu nay, qua từng ấy năm tháng, qua từng ấy thăng trầm, từng ấy đổi thay bánh đậu xanh Hải Dương trong lòng mỗi người vẫn giữ được sự yêu mến nhất định. Vẫn là món quà trao tay nhau ngày lễ Tết, vẫn là lựa chọn của mỗi du khách khi ghé thăm mảnh đất Kinh môn, vẫn là thức nhâm nhi bên ly trà xanh, vẫn là nỗi nhớ của những người con xa quê. Nguyên liệu chế biến bánh vô cùng gần gũi, quen thuộc với làng quê, bao gồm: đậu xanh, đường kết tinh, mỡ lợn, tinh dầu của hoa bưởi. Ngoài ra, tùy thuộc một số loại bánh có nhân khác mà có thêm một số nguyên liệu như hạt sen, đậu đỏ,… Tuy nhiên để làm đặc sản bánh đậu xanh Hải Dương, tất cả các nguyên liệu đều phải được chọn lọc tỉ mỉ và cẩn thận, trong suốt quá trình chế biến phải được theo dõi sát sao để cho ra sản phẩm chất lượng nhất. Kể cả giấy gói bánh, màu sắc của nhãn cũng phải có sự chọn lựa chu đáo để bánh giữ được lâu và tôn vẻ đẹp của bánh.


    Bánh đậu xanh Hải Dương ăn có vị ngọt thanh, vừa bỏ vào miệng là tan biến ngay nhưng đủ để người ăn kịp thưởng thức được vị ngọt, béo và thơm thoang thoảng mùi hương hoa bưởi, đậu xanh của bánh khiến thôi thúc người ăn để tiếp tục mở những miếng bánh khác. Để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của bánh, có thể dùng thêm trà tàu hoặc chè xanh, vừa thư thái nhâm nhi, vừa tận hưởng cảm giác từng viên bánh tan đều trong miệng, thơm ngon, béo ngậy và vô cùng thanh mát. Cũng giống như nhiều món ăn khác trong ẩm thực Hải dương, bánh đậu xanh Hải Dương không chỉ nổi tiếng như là một món ăn đặc trưng của vùng đất Kinh môn mà còn bởi nó thơm ngon, thơm ngon một cách bình dị và bởi nó gắn liền với làng quê, được làm nên từ những cây nhà lá vườn, dưới bàn tay của những người thợ yêu nghề, thủy chung với nghề. Chính vì mộc mạc, chính vì thân quen, chính vì gần gũi mà bánh đậu xanh luôn là một thức quà của con người nơi đây dành tặng cho mỗi du khách như một lời cảm ơn thầm kín, hay góp phần làm vơi đi nỗi nhớ quê hương của những người phải tha phương cầu thực.

    Bánh đậu xanh - Hải Dương
    Bánh đậu xanh - Hải Dương
    Bánh đậu xanh - Hải Dương
    Bánh đậu xanh - Hải Dương
  4. Nói đến đặc sản của đất Thái Bình thì không thể không nhắc tới bánh cáy. Đây vốn là thức bánh dân dã với hương vị rất đặc trưng được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Nguyễn, xưa kia còn được dùng như một sản vật để tiến vua. Bánh cáy có nguồn gốc từ làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Khi ăn, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt, bùi, lại có chút béo đan xen cùng với độ giòn, lại vừa dẻo vừa dai. Thú vị hơn nữa là lại được nhâm nhi bên ấm trà xanh nóng trong tiết trời se se lạnh, vị trà ấm kết hợp với vị cay nóng của gứng trong miếng bánh sẽ khiến người ăn cảm thấy ấm dạ, khoan khoái. Từ những nguyên liệu rất bình dị nhưng người dân nơi đây đã kết hợp lại để tạo nên một thứ bánh dẻo, thơm với những hương vị đặc trưng. Bánh cáy làng Nguyễn được chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, vừng, lạc được rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp cùng với đường, mứt bí dẻo thơm, thêm cả mạch nha và tinh dầu hoa bưởi.


    Để làm một chiếc bánh cáy, đòi hỏi nhiều công đoạn cũng như sự công phu của người làm bởi nguyên liệu chính là gạo nếp nhưng đi kèm còn có khá nhiều phụ kiện khác, mỗi loại nguyên liệu lại có một cách xử lý riêng. Gạo nếp dùng để làm bánh được chia làm 2 phần, một phần đồ xôi với nước quả gấc tạo nên màu hồng thắm; phần còn lại đồ xôi với nước quả dành dành tạo nên màu vàng tươi. Hai loại xôi này đều được giã bằng chày như làm bánh giầy. Sau khi giã nhuyễn đều, cán mỏng, cắt thành lát như mứt bí rồi sấy khô. Sấy xong cho vào chảo mỡ lợn đang sôi đảo đều tới khi lát bánh thơm giòn. Các nguyên liệu phụ như lạc, vừng được rang chín ròn, xát bỏ vỏ. Gạo nếp hoa vàng được rang cho nở tung, sạch trấu và dậy mùi thơm. Mỡ lợn khẩu muối đường hơn nửa tháng, đem ra thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt lấy độ trong, giòn. Cà rốt xào nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi được cũng cần được chuẩn bị một cách đầy đủ.

    Bánh cáy - Thái Bình
    Bánh cáy - Thái Bình
    Bánh cáy - Thái Bình
    Bánh cáy - Thái Bình
  5. Bánh nhãn Hải Hậu đã trở thành đã trở thành đặc sản vô cùng nổi tiếng của người dân quê hương. Và là món quà cho mọi du khách khi có dịp về thăm nơi đây. Với những nguyên liệu sẵn có như bột nếp cái hoa vàng Hải Hậu, trứng gà và đường kính…Đây được coi như một “món quá” ý nghĩa mang một nét riêng của vùng quê ven biển Hải Hậu. Có lẽ tuổi thơ của mỗi người, thì ai cũng đã từng một lần háo hức đợi mẹ đi chợ về mua cho tấm bánh, gói kẹo. Sản phẩm Bánh Nhãn ở đây đã có từ rất lâu đời được chuyền lại từ đời cha đến đến con, và cứ như thế được lưu giữ và phát triên đến bây giờ. Quy trình làm bánh nhãn khá đơn giản ( với những nguyên liệu sẵn có của quê hương: bột gạo nếp, trứng gà ta và đường kính ).


    Người dân nơi đây cứ thế từ đời này qua đời khác, “cha truyền con nối”, lưu giữ và phát triển nghề cho đến tận ngày nay. Làm bánh nhãn không cầu kỳ, bởi nguyên liệu đơn giản, chỉ có bột nếp, trứng gà, đường kính, vừng. Nhưng để tạo ra những viên bánh hoàn chỉnh cuối cùng thì tốn rất nhiều thời gian và công sức. Để bánh nhãn Hải Hậu giữ được màu sắc và hương vị đặc trưng, nguyên liệu làm bánh phải được lựa chọn kỹ càng. Bột làm bánh phải được làm bằng thứ bột nếp thơm ngon, trồng trên chính mảnh đất Hải Hậu. Ngoài bột nếp, các nguyên liệu kèm theo có trứng gà, đường trắng và vừng đen, thì không phải thêm bất kỳ nguyên liệu nào, vì nếu thêm nguyên liệu “lạ”, bánh sẽ bị nổ khi chiên giòn. Đặc biệt, mỡ để chiên bánh phải dùng mỡ lợn, loại mỡ khổ lớn, được rán vừa tới, có như vậy mới cho ra đời những mẻ bánh giòn, bóng, hòa quyện với vị thơm, bùi của bột nếp, của trứng gà, để cho ra đời những viên bánh đặc sản tuyệt vời của vùng quê Hải Hậu.

    Bánh nhãn Hải Hậu - Nam Định
    Bánh nhãn Hải Hậu - Nam Định
    Bánh nhãn Hải Hậu - Nam Định
    Bánh nhãn Hải Hậu - Nam Định
  6. Bánh gai Tứ Trụ (bánh gai làng Mía) là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Tứ Trụ thuộc tổng Diên Hào, phủ Thọ Xuân, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Trước đây, bánh gai Tứ Trụ thường chỉ được làm trong các dịp giỗ tết, đình đám và đặc biệt để cúng tiến trong các ngày lễ tết, ngày hội, ngày giỗ húy nhật của thành hoàng. Hiện nay, bánh được làm quanh năm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Nguyên liệu làm bánh gai gồm có lá gai, gạo nếp, đậu xanh, dầu chuối, đường, mật mía, thịt lợn nạc, nước mắm, vừng… Bánh gai Tứ Trụ có hương vị đặc trưng do sử dụng mật mía, thịt lợn nạc, nước mắm… lại không sử dụng hạt sen, thịt mỡ như bánh gai Nam Định, bánh gai Ninh Giang.


    Bánh gai Tứ Trụ được gói từng 5 chiếc một. Bột bánh được nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, đặt nhân vào giữa, vê lại cho nhân nằm gọn giữa lòng chiếc bánh, xoa cho bánh tròn thì lăn bánh trên chiếc mâm đã rải đều hạt vừng. Dùng lá chuối khô, thường là lá chuối tiêu để gói lại thành từng chiếc bánh vuông vắn, quấn một chiếc lạt giang bên ngoài. Bánh gai thường được ăn sau khi hấp khoảng 10 giờ. Bánh gai thành phẩm phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.

    Bánh gai Tứ Trụ - Thanh Hóa
    Bánh gai Tứ Trụ - Thanh Hóa
    Bánh gai Tứ Trụ - Thanh Hóa
    Bánh gai Tứ Trụ - Thanh Hóa
  7. Đà Nẵng có đặc sản bánh ngon nổi tiếng – Bánh khô mè Cẩm Lệ. Tháng 10 năm 2012, bánh khô mè Cẩm Lệ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận và lọt vào Top 10 đặc sản bánh ngon, quà tặng nổi tiếng Việt Nam. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, nếp, mè, đường, gừng tươi giã nát, bột quế để tạo mùi thơm. Gạo phải loại gạo ngon, nếp hương, ngâm qua nước một giờ đồng hồ cho gạo và nếp mềm, sau đó vo sạch, vớt ra để thật ráo rồi cho vào cối xay thành bột mịn. Đem tẩm bột với nước cho vừa ướt tạo độ ẩm, để khi đổ bột vào khuôn bánh có độ kết dính. Đối với Quảng Nam – Đà Nẵng, bánh khô mè là sản phẩm không thể thiếu được ở mỗi gia đình, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, hiếu hỷ, nhất là vào những ngày giỗ kỵ ông bà, tổ tiên.


    Xét về tính bắt mắt và khẩu vị, thì bánh khô mè Cẩm Lệ cũng được xếp vào loại xuất sắc khi nó “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách: Thứ nhất, mắt nhìn thấy nhiều màu: trắng ngà của mè rang, vàng mơ của những tơ đường thắng. Thứ hai, mũi ngửi được nhiều mùi: mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng. Lưỡi nếm lắm vị: ngọt của đường, bùi của bột nếp và béo của mè rang, cay thơm của gừng và quế. Miệng nhai thấy: mềm, cứng, xốp, giòn. Tai nghe âm vỡ rào rạo của bánh. Xét về giá trị dinh dưỡng, bánh khô mè Cẩm Lệ đạt tiêu chuẩn của một thực phẩm tốt có giá trị dinh dưỡng rất cao. Nó kết hợp đầy đủ thành phần các chất cơ bản: chất đường, bột, chất đạm, chất béo và các chất muối khoáng, vitamin.

    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Đà Nẵng
    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Đà Nẵng
    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Đà Nẵng
    Bánh khô mè Cẩm Lệ - Đà Nẵng
  8. Bánh phồng sữa dừa hay còn gọi là bánh tráng sữa là đặc sản nổi tiếng của Bến Tre được làm từ nước cốt dừa khoai mì, đường cát với bao bì gồm 10 bánh bên trong . Bánh phồng sữa sẽ là món quá biếu đậm chất Nam Bộ dành tặng người thân và bạn bè. Sự tiện dụng của bánh tráng sữa chính là bạn ăn liền chứ không cần chế biến, với độ mềm và dẻo, thơm và có vị ngọt tự nhiên, cũng như độ béo sẽ khiến cho người thưởng thức ăn không thấy chán. Để có chiếc bánh phồng chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng làm bánh ngon nhất thiết phải là loại nếp đặc trưng của Bến Tre – gạo nếp sáp (gạo có hương vị tự nhiên, thơm nhiều, dẻo dính). Và, dừa dùng để lấy nước cốt làm bánh chỉ chọn loại dừa mới khô. Gạo nếp mua về đem ngâm vài tiếng đồng hồ để nếp mềm, sau đó vo sạch mang hấp cách thủy cho nếp chín. Nếp vừa chín tới cho vào cối giã nhuyễn cùng nước cốt dừa, đường, nêm nếm sao cho vừa ăn. Ngày nay, người ta thường sử dụng máy thay cho cối giã.


    Bánh phồng ngon hay không tùy thuộc người trở bột, phải trở đều, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn, bánh khi nướng mới nở và xốp. Sau khi bột được trộn đều và nhuyễn thì bắt đầu khâu cán bánh. Khi cán bánh, người bọc bột phải bóc đều cho từng viên bột có khối đều nhau, phải thật khéo léo để bánh tròn đều và mỏng. Bánh cán xong sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Phơi bánh phồng cũng là một sự kỳ công và tỉ mỉ, phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nếu được nắng bánh phồng phơi khoảng nửa ngày đã khô. Bánh Phồng Sữa có vị béo thơm, ngọt nhưng không ngán, dùng ăn vặt thì không có chỗ chê. Hiện nay, bánh phồng sữa được sản xuất nhiều nơi nhưng không đâu ngon như ở Bến Tre, quê hương sản sinh ra loại bánh đặc sản này.

    Bánh phồng sữa dừa - Bến Tre
    Bánh phồng sữa dừa - Bến Tre
    Bánh phồng sữa dừa - Bến Tre
    Bánh phồng sữa dừa - Bến Tre
  9. Ẩm thực đường phố Đồng Tháp luôn có sự hiện diện ít nhiều của bánh phồng tôm Sa Giang, song không phải ai cũng để ý và biết. Sở dĩ gọi là bánh phồng tôm bởi khi loại bánh này khi chưa chiên thì chỉ bằng miệng chén trà nhưng khi chiên lên sẽ phồng to gấp 2 đến 3 lần. Và nguyên liệu để làm nên những chiếc bánh phồng tôm gồm các loại bột khoai mì, hạt tiêu, tôm, cùng bột nở. Hỗn hợp này người ta sẽ trộn đều vào nhau sau đó tiếp tục cho hỗn hợp vào những túi vải hình ống, tiếp đó họ sẽ đem hấp bánh chín rồi cuối cùng cắt thành từng lát mỏng, tròn và đem phơi khô.


    Để sử dụng bánh phồng tôm, người ta có thể chế biến bằng hai cách. Cách thứ nhất là cho bánh vào dầu ăn và chiên, đợi đến khi bánh nở to gấp 2 đến 3 lần và chuyển qua màu vàng là có thể dùng được. Hoặc có thể rang bánh phồng tôm bằng cát, để làm theo cách này đòi hỏi sự cầu kỳ, bắt đầu tự việc lựa cát sạch, sàng sạch tạp chất rồi cho vào chảo lớn. Tiếp tục cho một muỗng dầu ăn vào cát trộn đều để cát khi rang không dính vào bánh. Chờ đến khi cát nóng thì cho bánh phồng tôm vào rang đến khi bánh nở màu vàng là được. Cách thứ hai được nhiều người lựa chọn khi phải làm nhiều bánh phồng tôm cho một bữa tiệc, bởi làm nhanh, bánh đều, và tiết kiệm dầu ăn.

    Bánh phồng tôm Sa Giang có độ giòn, xốp và mang vị béo, ngọt, thơm, cay nhẹ. Bánh phồng tôm Sa Giang hương vị dễ ăn nên luôn làm vừa lòng bất kỳ thực khách nào. Không chỉ ẩm thực đường phố Đồng Tháp, mà rất nhiều nhà hàng với nhiều món ăn phong phú, cũng có sự góp phần của bánh phồng tôm Sa Giang. Loại bánh độc đáo này được dùng làm món ăn khai vị, thường là ăn cùng gỏi trong những bữa tiệc. Hoặc đơn giản hơn du khách có thể tự chiên rồi ăn nhẹ cùng thưởng thức với trà nóng, vừa nhấm nháp vừa thả hồn theo nhiều suy nghĩ, sẽ rất thú vị. Giờ đây khi về mảnh đất Sa Đéc, bên cạnh thưởng thức những tô hủ tiếu ngon nhất thì du khách đừng quên tìm mua bánh phồng tôm Sa Giang về làm quà nhé.

    Bánh phồng tôm Sa Giang - Đồng Tháp
    Bánh phồng tôm Sa Giang - Đồng Tháp
    Bánh phồng tôm Sa Giang - Đồng Tháp
    Bánh phồng tôm Sa Giang - Đồng Tháp
  10. Bánh pía là sản phẩm độc đáo của Sóc Trăng. Thưởng thức vài chiếc bánh cùng với ngụm trà gừng, buôn đôi ba câu chuyện lại thêm ấm lòng du khách. Và thật đáng tiếc cho ai đến nơi đây bỏ qua dịp được nếm thử những chiếc bánh nhỏ nhắn mà thơm lâu này. Nguyên liệu cũng chỉ bột mì, khoai môn, đậu xanh, sầu riêng, lòng đỏ trứng vịt muối, nhưng bánh pía Sóc Trăng có hương vị, cách trình bày riêng, không giống bất kì loại bánh nào. Có thể nói để có những chiếc bánh pía đạt chuẩn người ta phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ từ khâu làm bột cho đến khâu nướng. Bánh pía có 2 phần, phần nhân và vỏ. Nhân làm từ khoai môn, đậu xanh, trứng. Đậu xanh đã đãi, khoai môn gọt vỏ, rửa sạch tất cả cho vào nồi hấp chín rồi tán nhuyễn. Sau đó tiếp tục xào cùng với đường, nhân sầu riêng theo tỷ lệ vừa phải. Để hỗn hợp trên nguội, lần lượt bọc nhân quanh từng lòng đỏ hột vịt. Ngoài ra, muốn tăng vị béo đậm đà có thể thêm thịt heo vào phần nhân.


    Tuy có nhân thịt nhưng do xử lý kỹ nên bánh có thể giữ được lâu. Tiếp theo là một chuỗi thao tác cán, cuộn bột mì, gấp nhiều lần để tạo nên vỏ bọc với những lớp “bột nước” và “bột dầu” chồng lên nhau. Cuối cùng là khâu nướng giúp bánh chín, màu ươm vàng quyện mùi sầu riêng thơm ngon. Những chiếc bánh màu vàng cam có hình dáng nhỏ, tròn, lớn vừa phải rất tiện lợi, có thể vừa cầm vừa ăn. Không quá bở, mềm, có một độ dẻo vừa phải để khi ngậm vào miệng không tan ngay. Nhưng thích thú nhất là vị ngọt thơm nguyên chất hương sầu riêng mà bất cứ một loại hương liệu nhân tạo nào cũng không thể thay thế được. Điều là bánh không thể một lúc ăn được nhiều nhưng nếm lai rai thì không biết chán. Vào mùa Trung thu, người Sóc Trăng, trong lễ cúng trăng, không bao giờ thiếu bánh pía, cái "hồn" của người dân vùng đất pha trộn bản sắc văn hoá Kinh, Hoa, Khmer thật thà chân chất.

    Bánh pía - Sóc Trăng
    Bánh pía - Sóc Trăng
    Bánh pía - Sóc Trăng
    Bánh pía - Sóc Trăng



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy