Top 12 Địa danh du lịch nên ghé khi đến Hà Nội
Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam với hàng trăm di tích từ thời dựng nước. Bạn đang muốn cùng bạn bè đi du lịch những địa điểm tại Hà Nội. Nhưng ... xem thêm...bạn còn băn khoăn không biết đâu mới là địa điểm đẹp và nổi tiếng nhất để đi tới. Nếu bạn đang có ý định ghé thăm thủ đô thì hãy cùng toplist tham khảo các địa điểm phải check-in khi đến đây nhé.
-
Hồ Hoàn Kiếm - Hồ Gươm
Hồ Hoàn Kiếm là một trong những thắng cảnh của Thủ Đô Hà Nội, đây là một di tích có lịch sử ngàn năm văn hiến. Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi với cái tên là Hồ Gươm, được du khách nước ngoài gọi là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố". Đây không chỉ là nơi hóng gió, dạo mát với xung quanh là nhiều loài hoa, cây cảnh, có tháp, có rùa,...mà nơi đây còn gắn liền với những hoạt động đời sống của người dân Thủ Đô.
Hồ nước ngọt này nằm ngay trung tâm Thủ Đô Hà Nội, có diện tích khoảng 12 hecta. Bao quanh hồ là các phố Lê Thái Tổ ở phía Tây, phố Đinh Tiên Hoàng ở phía Đông, phố Hàng Khay phía nam, tượng vua Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc, tháp Bút, đền Bà Kiệu,...Hồ Hoàn Kiếm là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử và văn hóa linh thiêng từ lâu đời.
Cách đây khoảng 6 thế kỷ, hồ Gươm có tên là hồ Lục Thủy. Nhưng đến thế kỷ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm thần. Chuyện kể về thời giặc Minh hoành hành ở nước ta, vua Lê Lợi cầm quân đánh giặc, khi đó được rùa thần Kim Quy tặng cho thanh gươm thần. Đánh tan giặc, ông lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ, dời đô về Thăng Long. Trong một lần vua dạo chơi trên hồ Lục Thủy, rùa thần nổi lên xin vua trả lại thanh gươm báu. Từ đó, hồ này đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Đến với Hồ Hoàn Kiếm du khách được chiêm ngưỡng hai hòn đảo trên hồ đó là đảo Ngọc và đảo Rùa. Đảo Ngọc có cầu Thê Húc dẫn lối đến đền Ngọc Sơn. Đảo Rùa nằm vị trí trung tâm hồ có xây tháp Rùa.
Quanh hồ có trồng nhiều hoa và cây cảnh mang lại cảm giác thoáng mát gần gũi với thiên nhiên. Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là điểm nghỉ chân sau những chặng đường dài lang thang du hí, du khách đến đây còn được cảm nhận đời sống của người dân thủ đô hàng ngày. Mỗi năm vào dịp tết Nguyên Đán, người người nô nức du xuân quanh hồ. Thời điểm này, hồ cũng là nơi gặp gỡ của nam nữ, chụp ảnh cưới của các đôi uyên ương, ảnh lưu niệm. Hè đến, nơi đây là điểm hóng mát lý tưởng dưới những tán cây rợp bóng. Du khách sẽ phải thảng thốt trước vẻ đẹp e lệ của những cây bằng lăng tím rạng rỡ, những cây phượng cháy đỏ.
-
Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình là một trong những địa điểm du lịch đẹp ở Hà Nội. Bên cạnh đó Quảng trường Ba Đình cũng như một trang sử ghi lại những thay đổi lớn lao của dân tộc. Quảng trường Ba Đình được người Pháp xây dựng đầu thế kỉ 20 với cái tên Puginier – tên của một vị linh mục người Pháp. Khu vực Quảng trường ban đầu chỉ là một vườn hoa nhỏ với các bãi đất hoang, xung quanh là một số tòa nhà biệt thự của chính quyền cũ. Cái tên Ba Đình bắt đầu được thay thế từ năm 1945. Một sự thật thú vị rằng người đặt tên cho quảng trường là bác sĩ Trần Văn Lai - thị trưởng Hà Nội của chính phủ Trần Trọng Kim chứ không phải là Bác Hồ như nhiều người vẫn nghĩ.
Cái tên Ba Đình cũng xuất hiện từ trước ngày 2/9/1945. Theo tài liệu ghi lại thì có thể quảng trường Puginier đã được bác sĩ Trần Văn Lai trong khoảng thời gian từ 20/7 đến 19/8/1945. Về ý nghĩa của cái tên Ba Đình, nó được lấy cảm hứng từ khởi nghĩa chống Pháp ở Ba Đình, Thanh Hóa năm 1886 – 1887.
Quảng trường Ba Đình từ năm 1945 cũng trải qua hai lần đổi tên (quảng trường Độc Lập và Hồng Bàng) mới có tên như hiện tại. Sau này cũng có nhiều ý kiến về việc đổi tên Quảng trường Ba Đình thành Quảng trường Độc lập hay Quảng trường 2/9 song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ tên cũ Ba Đình.Quảng trường Ba Đình không những là một chứng nhân lịch sử mà còn là một địa điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch Hà Nội. Quảng trường Ba Đình là một quần thể kiến trúc độc đáo. Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, Quảng trường Ba Đình mới có kiến trúc không gian như hiện tại.
- Bên cạnh khu vực Quảng trường trung tâm là các công trình kiến trúc như:
- Hội trường Ba Đình – hoàn thành năm 1963
- Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – hoàn thành năm 1975 ở vị trí mà Người đã đứng đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945
- Bảo tàng Hồ Chí Minh – hoàn thành năm 1990
- Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì Tổ Quốc – được xây dựng năm 1994
Ngay gần Quảng trường Ba Đình là khu di tích Phủ Chủ Tịch, chùa Một Cột từ thời nhà Lý và Hoàng Thành Thăng Long. Tất cả đều là những công trình độc đáo mang ý nghĩa lịch sử - nhân văn của dân tộc. Bởi vậy có thể nói Quảng trường Ba Đình là một cụm điểm tham quan du lịch cực kì thú vị của thủ đô Hà Nội.
-
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín.
Trong di chúc, Hồ Chí Minh muốn được hỏa táng và đặt tro tại ba miền đất nước. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, với lý do theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chí Minh để sau này người dân cả nước, nhất là người dân miền Nam, khách quốc tế có thể tới viếng.
Lăng được thiết kế để có độ bền vững cao, chống được bom đạn và động đất cường độ 7 richter. Ngoài ra còn có công trình bảo vệ đặc biệt chống lụt phòng khi Hà Nội bị vỡ đê. Kính quan tài phải chịu được xung lực cơ học lớn. Lăng còn được thiết kế thêm "buồng đặc biệt" để có thể giữ thi hài tại chỗ trong trường hợp có chiến tranh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa, nghệ thuật lớn. Lăng được xây dựng trên nền cũ của tòa lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lăng được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 2 tháng 9 năm 1973.
Vật liệu xây dựng được mang về từ nhiều miền trên cả nước. Cát được lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình do người dân tộc Mường đem về; đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương, Chiêm Hóa, Ngòi Thìa, Tuyên Quang...; đá chọn xây lăng từ khắp các nơi: đá Nhồi ở Thanh Hóa, đá Hoa (Chùa Thầy), đá đỏ núi Non Nước...; đá dăm được đưa từ mỏ đá Hoàng Thi (Thác Bà, Yên Bái), cát còn lấy từ Thanh Xuyên (Thái Nguyên). Nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16 loại gỗ quí. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như: cây chò nâu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên-Lai Châu, tre từ Cao Bằng... Thanh thiếu niên còn tổ chức buổi tham gia lao động trong việc mài đá, nhổ cỏ, trồng cây. Hệ thống điện phục vụ chiếu sáng, thiết kế xây lăng và bảo quản thi hài Hồ Chí Minh do các chuyên gia Liên Xô đảm nhiệm. Liên Xô cũng gửi hai vạn tấm đá hoa cương và cẩm thạch mài nhẵn để trang trí cho Lăng.
-
Nhà thờ Lớn Hà Nội
Được xem là một trong các biểu tượng của Hà Nội, Nhà thờ Lớn Hà Nội là một điểm đến khó thể bỏ qua trong chuyến khám phá thủ đô của nhiều du khách. Đặc biệt, đến Nhà thờ Lớn Hà Nội vào buổi Thánh lễ thiêng liêng, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm khó quên. Nhà thờ Lớn Hà Nội có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse. Đây là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội đồng thời là nơi có ngai tòa của Tổng Giám mục. Nhà thờ Lớn Hà Nội được xem là nhà thờ cổ xưa nhất tại thủ đô Hà Nội. Không chỉ là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của giáo dân thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, Nhà thờ Lớn Hà Nội còn là một địa điểm du lịch Hà Nội nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tham quan.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng vào năm 1884 với tổng kinh phí khi ấy khoảng 200.000 franc Pháp. Kinh phí xây dựng nhà thờ được Giám mục tổ chức quyên góp qua hai đợt xổ số vào năm 1883 và 1886. Nhà thờ được khánh thành đúng vào lễ Giáng sinh năm 1887. Sở dĩ nhà thờ có tên gọi Nhà thờ Thánh Giuse là bởi năm 1678, Giáo hoàng Innocente XI đã tôn phong Thánh Giuse - cha nuôi của Chúa Giêsu làm thánh quan thầy của các nước Đông Dương. Vì thế, thánh đường lớn nhất của Hà Nội sẽ được tôn phong là “Nhà thờ chính tòa kính Thánh Giuse”.
Kiến trúc của Nhà thờ Lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách Gothic trung cổ châu Âu. Đây được xem là kiểu kiến trúc hình mẫu của nhà thờ, rất thịnh hành vào thời kỳ Phục Hưng. Nhà thờ Lớn Hà Nội có mái vòm uốn cong rất rộng và lớn hướng lên trời. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, rộng 20,5m. Hai tháp chuông cao 31,5m. Trên đỉnh có cây thánh giá làm bằng đá. Phía trước nhà thờ có một quảng trường khá rộng. Tại vị trí trung tâm quảng trường có đặt đài Đức Mẹ bằng kim loại.
Vật liệu chính xây dựng nhà thờ là gạch đất nung. Bề mặt tường được trát bằng giấy bổi. Ở những cửa ra vào và hệ thống cửa sổ đều được trang trí các bức tranh Thánh bằng kính màu rất lung linh. Khu cung thánh trang trí theo phong cách nghệ thuật dân gian truyền thống, sử dụng vật liệu gỗ là chủ yếu, với nhiều chi tiết chạm trổ hoa văn sơn son thiếp vàng.
Nhà thờ Lớn Hà Nội có một bộ gồm 5 quả chuông Tây treo ở 2 tháp chuông trong đó có 4 quả chuông nhỏ và 1 quả chuông lớn. Mặt tiền nhà thờ có một chiếc đồng hồ lớn. Đồng hồ có hệ thống báo khắc, báo giờ và liên kết trực tiếp với 5 quả chuông. Bên cạnh tham gia các Thánh lễ, du khách còn có thể tham quan Nhà thờ Lớn Hà Nội. Nơi đây được xem là một trong các địa điểm du lịch đẹp Hà Nội sở hữu kiến trúc vô cùng độc đáo và ấn tượng. -
Hồ Tây
Hồ Tây hay còn gọi là hồ Mù Sương (Dâm Ðàm), hồ Trâu Vàng (Kim Ngưu hồ), đầm Xác Cáo. Mỗi tên lưu giữa một sự tích về nguồn cội của Hồ Tây huyền thoại. Hồ Tây là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội đa màu; là thế giới của những làn gió trong trẻo, sự phóng khoáng và giàu chất thơ. Hồ Tây đẹp không chỉ bởi mặt nước xanh mênh mông, không chỉ có sắc tím bằng lăng, cánh hoa phượng hồng đỏ mỗi độ hè về, cái buồn man mác của không gian, của rặng liễu rủ những chiều đông, cái lung linh của ban mai tinh khiết... mà Hồ Tây còn đẹp bởi nó như một trái tim ôm trọn trong mình những trạng thái buồn vui của biết bao con người.
Mỗi sáng tinh mơ, hàng trăm người, cả già lẫn trẻ tìm ra chốn này để hít hà không khí trong lành và tập thể dục. Ðầu dốc đường Thanh Niên là cửa ngõ của những chiếc xe đạp chở đầy hoa, những gánh hàng ăn dân dã "chảy" vào lòng Hà Nội. Hồ Tây trở thành điểm hẹn, để người ta tìm đến như một quán tính. Ðường Thanh Niên hay còn có cái tên đường Cổ Ngư rất đẹp trước đây là ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, từ sau buổi vãn chiều rất đông người qua lại. Có người tìm cho mình một góc nào đó ở bên hồ để hóng gió, nhâm nhi ly cà phê trong một quán ven đường, thưởng thức món bánh tôm nổi tiếng, ăn một ly kem; vào những nhà hàng sang trọng nằm ở mép hồ hay giữa hồ, hoặc trên du thuyền...Quanh hồ hiện có hơn 20 ngôi đình, đền, chùa đã được xếp hạng với nhiều di tích nổi tiếng với nhiều văn vật giá trị như hơn 100 bia đá, 165 câu đối, 140 hoành phi, gần 20 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá.Nhiều ngôi chùa, đền là thế, nhưng có lẽ người Hà Nội, khách du lịch vẫn tìm đến đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc và phủ Tây Hồ. Người người đến đây chẳng những được thưởng thức nét đẹp kiến trúc của đền chùa cổ xưa mà còn cầu may, cầu phúc... đông nhất là vào những ngày rằm, mồng một âm lịch hàng tháng và ngày lễ, Tết.
Phía Tây Hồ Tây vẫn còn rất nhiều làng. Mỗi ngôi làng ở đây đều ít nhiều gắn với một địa danh, một trầm tích lịch sử. Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo. Làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng. Làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh. Làng Thụy Khê có chùa Bà Ðanh. Làng Nhật Tân với sắc thắm của hoa đào nổi tiếng. Rồi làng giấy, phường đúc đồng v.v...
Mặc dù, nét làng thuở nào đã khoác lên mình một diện mạo mới trong quá trình đô thị hóa với những khu nhà cao tầng, khách sạn, biệt thự mọc lên nhưng nhiều làng vẫn còn giữ được nét làng với những cổng làng, đình làng, những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi có lẻ...Hồ Tây là nơi đến thư giãn của người Hà Nội và cũng là nơi ở lý tưởng của những người nước ngoài đang sống và làm việc ở chốn Hà Thành, với hàng trăm ngôi biệt thự phía Tây. Ðộ hơn mươi năm về trước, người ta chỉ lên phía Tây Hồ Tây để vào các làng hoa, làng đào, để đi chùa, đi phủ Tây Hồ..., những năm gần đây, nhà nhà đua nhau mở quán ăn, nhiều dần rồi thành từng khu ẩm thực với phong cảnh trữ tình cho những người muốn "đổi gió" sau những giờ làm việc mệt mỏi.
-
Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội nằm ở phía Tây và phía Bắc của Hồ Hoàn Kiếm, được nhiều du khách chọn lựa với ý định tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa và con người Tràng An. Không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc sống Hà Nội mà nơi đây cũng là tọa độ sống ảo tuyệt vời với những bộ ảnh phong cách vintage. Nhìn chung các con đường, ngõ hẻm khá nhỏ nên để đi lại trong phố bạn có thể chọn đi xe điện, thuê xe máy, xích lô.
Phố cổ là nơi tập trung đông dân cư sinh sống có 36 phố phường. Nơi đây được hình thành bởi các tiểu thương và thợ thủ công bên bến sông Hồng. Họ tập hợp lại tạo thành một khu phố buôn bán sầm uất, náo nhiệt. Mỗi con phố ở đây chủ yếu tập trung bán một loại mặt hàng nhất định. Chính vì những lí do trên, khách du lịch đừng bỏ qua phố cổ – một trong những địa điểm du lịch ở Hà Nội đầy thú vị và hấp dẫn nhé.
-
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám là địa điểm không thể không nhắc đến khi giới thiệu về Hà Nội. Với bề dày lịch sử lâu năm, văn miếu trở thành một điểm dừng chân thu hút khách trong và ngoài nước. Ngay từ khi bước chân đến đây, bạn sẽ cảm thấy cảnh vật, kiến trúc nhuốm màu xưa cũ nhưng đầy vẻ đẹp của thời gian.
Đây là một quần thể kiến trúc văn hoá hàng đầu và là niềm tự hào của người dân Thủ đô. Người ta thường nhắc đến Văn miếu Quốc Tử Giám khi nhắc đến truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Kiến trúc cổ kính đưa ta về những hoài niệm xưa của đất nước. Không dừng lại ở đó, nơi đây còn được xem là biểu tượng của tri thức, của nền giáo dục Việt Nam. Đây là nơi thờ phụng các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An – người thầy tiêu biểu về đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.
-
Chùa Trấn Quốc
Cái tên tiếp theo mà Toplist muốn giới thiệu đến bạn chính là Chùa Trấn Quốc. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội và Việt Nam. Chùa Trấn Quốc nằm trên một bán đảo phía Nam của Hồ Tây, ở gần cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.
Ngôi chùa kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và cả sự nên thơ, nhã nhặn của vườn cây xanh tươi cùng hồ nước mênh mang đầy thơ tình. Thả mình vào bức tranh trầm mặc tĩnh lặng của chùa Trấn Quốc, khách du lịch còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc trên các nét chạm trổ. Hằng năm, chùa Trấn Quốc vẫn được chọn làm nơi diễn ra các sự kiện quan trọng liên quan đến Phật giáo, là nơi hành lễ của hàng triệu tín đồ và cuốn hút cả khách du lịch thập phương đang ấp ủ mong ước được một lần chiêm nghiệm vẻ đẹp thời gian của ngôi chùa cổ ở Hà Nội phố.
-
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Chùa được xây dựng năm 1049 dưới triều đại nhà Lý. Chùa Một Cột là công trình kiến trúc độc đáo có tính thẩm mỹ cao, được thể hiện qua nghệ thuật tạo hình trên mặt nước, điêu khắc, hội họa… phản ánh giá trị văn hóa cổ xưa cũng như mang đậm tính dân tộc. Mặt khác, chùa Một Cột cũng chứa đựng nhiều giá trị tâm linh đáng trân trọng.
Đến bây giờ, nơi đây vẫn là điểm đến của không ít người bởi không gian trầm mặc an nhiên làm người ta như buông bỏ hết mọi sân si khi đi qua cánh cửa đưa chân đến thiền môn. Qua bao thăng trầm của thời gian, chùa Một Cột vẫn nằm đó uy nghi, mang nét yên bình mà cổ kính giữa lòng Hà Nội tấp nập. Hàng năm, chùa thu hút rất đông phật tử thập phương, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương, lễ phật cũng như vãn cảnh chùa.
-
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên cũng là một địa điểm không thể không kể tới khi nhắc đến du hí Hà thành. Cầu được Pháp xây dựng từ năm 1898, là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Cùng nhân dân Hà thành trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, chiếc cầu này coi là biểu tượng của Hà Nội trong những năm tháng khó khăn vất vả. Trong lòng nhiều người Hà Nội cầu Long Biên là một phần kí ức không thể xóa nhòa.
Khách du lịch thường check in trên cầu, ngoài ra bạn cũng có thể ngắm cầu Long Biên từ các quán cà phê gần đấy. Ngắm nhìn dòng người qua lại trên cầu từ một góc nhìn khác sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Đã hơn nửa thế kỷ, cây cầu Long Biên Hà Nội sừng sừng bắc qua sông Hồng không chỉ là một chứng nhân lịch sử vĩ đại mà còn là “điểm hẹn” quen thuộc giữa phố thị náo nhiệt.
-
Nhà hát lớn
Nhà hát lớn Hà Nội nằm ở số 01 Tràng Tiền, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm. Địa điểm này tự hào là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng. Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, nhà hát lớn vẫn khiến du khách ngỡ ngàng với nét kiến trúc Châu Âu độc đáo giữa lòng Châu Á. Ngay từ bên ngoài nhà hát chúng ta đã có thể cảm nhận được “hơi thở” Châu Âu với những đường nét họa tiết tinh tế, chạm khắc hoa văn cổ điển.
Tại đây, bạn cũng sẽ có những cái nhìn thú vị hơn về lịch sử, về lối sống của xã hội thuộc địa xưa. Đặc biệt, không chỉ có lối kiến trúc tuyệt vời, nhà hát lớn còn khiến bạn có thể chìm đắm trong một không gian âm nhạc sang trọng, lãng mạn. Du khách có thể tham quan Nhà hát lớn Hà Nội với mức phí 400.000 đồng/người.
-
Hoàng thành Thăng Long
Cùng với những địa danh trên, Hoàng thành Thăng Long cũng là một điểm dừng chân được liệt vào nhiều tour du lịch hàng năm. Hoàng thành Thăng Long là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long có tổng diện tích là 18.395ha, khách du lịch sẽ khá vất vả để khám phá hết Hoàng thành. Các địa điểm tham quan ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long: Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Cột Cờ Hà Nội, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc, Nhà D67. Du khách có thể đến tham quan Hoàng thành Thăng Long vào bất cứ thời điểm nào trong năm, trong đó, mùa thu sẽ là lựa chọn sáng suốt nhất vì lúc này trời trong xanh, nắng không quá chói chang.
Trung Thành Nguyễn 2018-10-16 20:28:06
bài viết được chọn làm video cho kênh youtube của Toplist.