Top 4 Lễ hội Trung thu độc đáo và đặc sắc nhất Việt Nam năm 2023

Dung Nguyễn 421 0 Báo lỗi

Vào dịp tết Trung Thu, người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn để treo trong nhà và để các con rước đèn. Từ lâu nét văn hóa ... xem thêm...

  1. Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức trong 3 ngày từ 12 - 14/9 (tức ngày 14, 15, 16 tháng 8 âm lịch). Từ những năm 2004, những chiếc đèn lồng khổng lồ bắt đầu xuất hiện trên đường phố Tuyên Quang với kích thước lớn, ngộ nghĩnh, rực rỡ sắc màu và cũng rất lạ mắt, khi rước trên đường phố đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Vào năm 2014, Lễ hội Trung thu Tuyên Quang được nâng tầm thành Lễ hội Thành Tuyên tổ chức với quy mô cấp tỉnh và gắn liền với một sự kiện văn hoá nghệ thuật Quốc gia, thu hút hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước. Từ chỗ chỉ có hơn chục mô hình được làm trong những năm đầu, đến nay mỗi dịp lễ hội đã có cả trăm chiếc đèn lồng xuống phố.


    Không khí Trung thu ở Tuyên Quang mỗi năm luôn vô cùng náo nhiệt và hoành tráng bởi có Lễ hội rước đèn khổng lồ đặc sắc. Trải qua gần 20 năm được nhân dân sáng tạo và duy trì, phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam"; “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam". Khi đến đây bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những chiếc lồng đèn mô phỏng những con vật thân thuộc đến các nhân vật trong truyện cổ tích hay những hình thù sáng tạo độc đáo nối đuôi nhau trên các phố. Trẻ em được ngồi lên xe chở đèn, được người lớn đẩy đi khắp phố trong tiếng hò reo náo nhiệt, hân hoan.


    Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, sự chuẩn bị cho Lễ hội Thành Tuyên đang diễn ra trong không khí hết sức sôi động, nô nức, đầy màu sắc trên khắp các phố phường; các mô hình đang được gấp rút hoàn thiện. Với chủ đề "Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên" - đêm hội Thành Tuyên sẽ là hoạt động trung tâm, điểm nhấn của chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội. Nội dung, kịch bản chương trình được xây dựng công phu, lấy thiếu nhi làm trung tâm.

    Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên sẽ rước diễu hàng trăm mô hình đèn Trung thu khổng lồ, rực rỡ sắc màu, mô phỏng hết sức sáng tạo các con vật trong đời sống hàng ngày cũng như các nhân vật trong những câu chuyện lịch sử, dân gian, cổ tích, ngụ ngôn… được tuyển chọn từ các cuộc thi do TP. Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh tổ chức; các mô hình tham rước diễu của tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), hứa hẹn một đêm hội ấn tượng, thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế quan tâm, theo dõi.

    Lễ hội Thành Tuyên
    Lễ hội Thành Tuyên
    Lễ hội Thành Tuyên
    Lễ hội Thành Tuyên

  2. Mỗi khi đến dịp rằm tháng Tám, người dân Bình Thuận lại nô nức chuẩn bị cho Lễ hội rước đèn Trung thu. Lễ hội không chỉ là sân chơi thú vị và hấp dẫn cho các em thiếu nhi trong dịp Trung Thu mà còn là dịp thu hút đông đảo du khách đến với thành phố biển Phan Thiết. Lễ hội rước đèn ở Phan Thiết đã được tạp chí Vietbooks công nhận là “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam” và nhận giải thưởng The Guide Awards cho “Lễ hội văn hoá đặc sắc và thành công nhất phục vụ ngành du lịch Việt Nam”.


    Mỗi dịp Trung thu về là thành phố nhỏ xinh đẹp bỗng dưng trở nên tấp nập lạ thường với hàng ngàn lồng đèn lớn nhỏ đủ màu sắc, đủ hình dáng ngộ nghĩnh trong tiếng trống múa lân xập xình sẽ là một kỉ niệm khó quên. Điểm nhấn của Lễ hội rước đèn Trung thu là đoàn rước đèn gồm các em học sinh ở các trường học trên địa bàn được phân công với hơn 30 lồng đèn lớn và hàng nghìn lồng đèn nhỏ, đi qua các tuyến đường chính trong thành phố với lộ trình khoảng 3km. Làm cho trẻ em, người lớn đều hấn khích vỗ tay reo hò khi được chiêm ngưỡng các màn múa Lân Sư Rồng độc đáo.


    Dự kiến Lễ hội rước đèn Trung thu năm 2023 sẽ được bắt đầu khai mạc vào lúc 18 giờ 00 phút, ngày 27/9/2023 (nhằm ngày 13 tháng 8 Âm lịch) tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành với sự tham gia của 18 phường, xã và các em học sinh các trường Tiểu học, Trung học cơ sở của thành phố Phan Thiết. Với chủ đề “Chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh, thiếu nhi Phan Thiết vui Tết Trung thu, học hành chăm ngoan - Làm theo lời Bác”. Các đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thiết kế lồng đèn phù hợp chủ đề, có ý nghĩa ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, các hình ảnh đặc trưng về quê hương Phan Thiết gắn với quảng bá Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, các tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: thủy hải sản, thanh long, di tích lịch sử - văn hóa, du lịch biển… giới thiệu đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.


    Lộ trình diễu hành Lễ hội rước đèn Trung thu năm 2023 với cự ly 3,2 km, cụ thể: Xuất phát tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đường Tôn Đức Thắng, đường Hùng Vương, đường Trần Hưng Đạo, tượng Đài Chiến Thắng, tại đây đội hình giải tán (có lộ trình giải tán riêng). Đội hình diễu hành, gồm: Dẫn đầu xe ô tô mở đường, tiếp đến là xe đội trống kèn thành phố, các lồng đèn lớn, théo sau đó là lồng đèn nhỏ và đội lân sư rồng các đơn vị, xe y tế, cuối cùng là xe Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch khóa đuôi.

    Lễ hội rước đèn Trung thu tại Phan Thiết
    Lễ hội rước đèn Trung thu tại Phan Thiết
    Lễ hội rước đèn Trung thu tại Phan Thiết
    Lễ hội rước đèn Trung thu tại Phan Thiết
  3. Vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch của mỗi năm, để chuẩn bị cho Lễ hội Trung thu Hội An, nơi đây lại được trang hoàng với vô số ánh đèn lồng rực rỡ, người dân địa phương và các du khách cùng nhau rước đèn, phá cỗ. Phố cổ vào mỗi dịp ngày hội trăng rằm, dòng người hòa cùng tiếng trống múa lân rộn ràng khắp chốn, trẻ em nô nức rước đèn, phố lung linh đủ thứ màu sắc huyền diệu soi bóng xuống dòng sông Hoài lãng mạn. Những chiếc đèn lồng, hoa đăng vốn đã là đặc trưng của phố cổ, vào dịp Trung thu lại càng thêm màu sắc.


    Lễ hội Trung thu Hội An ở phố cổ là lễ hội đặc biệt nhất năm được tổ chức 4 ngày từ 12 – 15 tháng 08 âm lịch hàng năm. Khi đến Hội An vào dịp này sẽ bắt gặp nhiều hơn những chiếc lồng đèn xinh xắn, phủ kín mọi con đường Hội An. Dòng sông Hoài chảy qua phố cổ không chỉ tô điểm cho nét đẹp của Hội An mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động, tạo nên nét hấp dẫn với du khách gần xa. Đặc biệt là ánh sáng từ những sạp bán đèn lồng lờ mờ kết hợp với ánh trăng tròn in bóng lên nền sông Hoài êm ả như một bức tranh cổ trang tuyệt hảo, khiến bạn như lạc vào một thế hư ảo, cảm giác lâng lâng rất khó diễn tả thành lời.


    Đến Lễ hội Trung thu Hội An, bạn còn được tham gia các hoạt động thú vị như thiết kế và triển lãm lồng đèn, xem múa lân, múa sư tử, nghe hát bài chòi, hát dân ca Quảng Nam, đánh cờ... Những nét cổ truyền giản dị, nguyên sơ luôn còn đó, xen lẫn với cái nhộn nhịp nô nức của dòng người trên phố - tạo nên những thứ cảm xúc khó tả. Bên cạnh những chiếc đèn lồng xinh xắn được treo khắp các con phố, trong dịp này, sông Hoài còn khoác lên mình tấm áo mới nhờ từng bông hoa đăng nhỏ xíu. Mỗi chiếc đèn hoa đăng làm từ giấy nhiều màu được thả trôi theo dòng nước là một ước vọng cho bản thân, gia đình, bạn bè. Người dân nơi đây coi việc thả đèn hoa đăng như một nghi lễ không thể thiếu trong dịp Trung thu để gửi gắm lời chúc bình an tới những người mình thương yêu.


    Vào dịp Lễ hội Trung thu Hội An, từ 17 đến 22 giờ, tất cả các ngôi nhà, hàng quán, tiệm ăn đều tắt điện, toàn bộ khu phố chìm trong ánh sáng của trăng rằm và những ngọn đèn lồng. Trên các con phố, những phương tiện giao thông tạm thời bị cấm, chỉ dành cho người đi bộ. Đèn lồng không còn là vật trang trí thông thường, mà trở thành biểu tượng văn hóa Trung thu ý nghĩa. Ánh sáng đèn lồng được thắp lên cũng như kêu gọi bao điều may mắn, yên bình, hạnh phúc đến với bạn. Thú vị hơn, bạn có thể ngồi trên những chiếc thuyền trôi dọc theo sông, ngắm nhìn mọi cảnh vật xung quanh. Đây chắc chắn là khoảnh khắc tuyệt vời và ý nghĩa trong cuộc đời mà bạn khó có thể quên được.

    Lễ hội Trung thu Hội An
    Lễ hội Trung thu Hội An
    Lễ hội Trung thu Hội An
    Lễ hội Trung thu Hội An
  4. Vào dịp Trung thu hàng năm, người dân xã Đông Hoàng (Thái Bình) tổ chức Đêm hội rước đèn Trung thu truyền thống, thu hút đông đảo các em thiếu niên, nhi đồng và người dân trong, ngoài xã đến tham dự. “Rước đèn ông sao” – là một nghi thức rất độc đáo và không thể thiếu mỗi năm trong Tết Trung thu của người dân xã Đông Hoàng. Có thể ví như một “góc quê” mà người dân địa phương ở đây còn lưu giữ được mang đặc thù của không khí rằm Trung thu vùng nông thôn. Là đêm hội đặc sắc nên đêm rước đèn ông sao ở Đông Hoàng thu hút rất đông người dân các xã xung quanh và khu vực thành phố Thái Bình đến tham gia.


    Trước Đêm hội rước đèn Trung thu vài tháng, không khí đón Trung thu ở xã Đông Hoàng đã rất náo nức bởi các hoạt động chuẩn bị, đặc biệt là làm đèn ông sao để tham gia đêm hội rước đèn. Vì là hoạt động văn hóa truyền thống, ý nghĩa, khơi gợi tuổi thơ nên không chỉ các em thiếu niên, nhi đồng, nhiều bậc phụ huynh, nhiều người dân xa quê mỗi dịp Trung thu đều dành thời gian và đầu tư kinh phí ủng hộ địa phương tổ chức Tết Trung thu, giúp con em làm trại và làm những mô hình đèn ông sao ý nghĩa trị giá nhiều triệu đồng.


    Hầu hết gia đình nào ở đây cũng làm đèn ông sao cho con cháu trong nhà mỗi dịp Tết Trung thu. Những chiếc đèn ông sao ở đây đều được người dân làm thủ công bằng chất liệu có sẵn ở nông thôn: tre, nứa, dán giấy... Đèn thắp sáng của ông sao được dùng bằng dầu đựng trong lọ mực cửu long rồi tạo bấc, buộc chặt vào thanh đỡ bên trong, bốn xung quanh cạnh đều dán giấy kín chỉ để hở một cạnh. Ngày nay hòa nhập với xu thế người ta dùng Pin, bóng neon, led… nên ánh sáng đem lại cũng rực rỡ phong phú hơn trước rất nhiều.


    Từ chập tối ngày 13 tháng 8 âm lịch, để chuẩn bị cho Đêm hội rước đèn Trung thu, các thôn tập trung các em thiếu nhi cầm đèn ông sao đủ các loại thắp sáng để chuẩn bị bắt đầu diễu hành về sân vận động trung tâm. Sau nghi thức khai mạc “đêm hội rước đèn” các chi đội lại bắt đầu nối đuôi nhau xếp thành hai hàng tỏa về các ngả đường quanh làng. Các đoàn xếp thứ tự thành hàng dài hơn 1km và rước vòng quanh xã với đoạn đường khoảng 5km. Tham gia cùng đoàn rước đèn còn có các đội múa lân, múa sư tử và đội trống ếch, tạo khí thế tưng bừng, rộn ràng. Hình ảnh “đêm hội rước đèn” ở đây trở thành một ấn tượng đẹp đẽ không thể phai nhòa trong tâm trí của những con em người xã Đông Hoàng. Tại địa phương này đã có riêng một bài hát mang nội dung về “đêm hội rước đèn ông sao” được rất nhiều người dân ở đây ưa thích. Mỗi dịp Tết Trung thu đến là các thôn xóm lại vang lên ca khúc này.

    Đêm hội rước đèn Trung thu
    Đêm hội rước đèn Trung thu
    Đêm hội rước đèn Trung thu
    Đêm hội rước đèn Trung thu




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy