Top 8 Lưu ý quan trọng nhất về bệnh viêm não Nhật Bản

Bùi Thị Phương Thảo 23 0 Báo lỗi

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở châu Á – Thái Bình Dương, với tỉ lệ mắc là 67.900 ca/năm, tỉ lệ tử vong là 25-30% và 50% số bệnh nhân có di ... xem thêm...

  1. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Virus viêm não Nhật Bản có kích thước 15 – 22 – 50 nanomet, là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh.


    Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt.


    Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh vi rút viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Ở nước ta, loài muỗi Culex truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng. Muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè (chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 7) và hoạt động mạnh vào buổi tối. Vì vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.


    Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản là trẻ em do có hệ miễn dịch yếu hơn người lớn và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đầy đủ.

    Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
    Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản
    Bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện theo mùa

  2. Giai đoạn ủ bệnh

    Viêm não Nhật Bản thường có thời gian ủ bệnh 5-14 ngày, trung bình khoảng một tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng.


    Giai đoạn khởi phát

    • Thời kỳ này của bệnh tương ứng với lúc virus vượt qua hàng rào mạch máu - não và gây phù não, gây ra các biểu hiện hội chứng màng não.
    • Bệnh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39 - 40°C hoặc hơn. Bệnh nhân có thể đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.
    • Trong 1 - 2 ngày đầu của bệnh có thể xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức, phản xạ gân xương tăng.
    • Ở một số trẻ nhỏ, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn - nhiễm độc ăn uống.

    Giai đoạn toàn phát

    • Từ ngày thứ 3 - 4 đến ngày thứ 6 - 7 của bệnh: Virus xâm nhập vào nhu mô não gây phá hủy các tế bào thần kinh, triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là sự xuất hiện các dấu hiệu tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú (liệt chân, tay; các dây thần kinh sọ não bị tổn thương, đặc biệt là các dây vận nhãn và dây thần kinh mặt (VII)).
    • Ngày thứ 3 - 4 của bệnh, các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà còn tăng lên. Bệnh nhân từ mê sảng kích thích, rối loạn ý thức, dần dần đi vào hôn mê sâu.
    • Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên: Vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí phế quản, mạch thường nhanh, yếu, huyết áp tăng.
    • Bệnh nhân cuồng sảng, ảo giác, kích động, tăng trương lực cơ làm cho bệnh nhân nằm co quắp và có các cơn xoắn vặn, co giật cứng hoặc giật rung các cơ mặt và cơ chi. Một số bệnh nhân xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế.
    • Bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu, những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

    Xét nghiệm cận lâm sàng:

    • Bạch cầu thường tăng 15.000 - 20.000/mm3, trong đó chủ yếu là bạch cầu trung tính tăng tới 75 - 85%, tốc độ máu lắng tăng.
    • Chọc dò và xét nghiệm dịch não tủy: Áp lực dịch não tuỷ tăng, dịch trong, protein tăng nhẹ (60 - 70 mg%), tế bào tăng nhẹ (dưới 100 tế bào/mm3), lúc đầu bạch cầu trung tính chiếm ưu thế, về sau lympho chiếm ưu thế, Glucose trong dịch não tuỷ ít thay đổi hoặc tăng nhẹ.
    • Soi đáy mắt trong giai đoạn cấp tính thường thấy xung huyết gai thị, đôi khi thấy cả phù nề và xuất huyết.

    Giai đoạn lui bệnh

    Sang tuần hai, nhiệt độ cơ thể giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách. Cùng với nhiệt độ giảm, hội chứng não - màng não, rối loạn thần kinh thực vật cũng mất dần. Trong khi đó, các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước. Có thể biểu hiện di chứng tâm thần, dấu hiệu thần kinh khu trú như liệt tay chân, các dây thần kinh sọ.
    Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản
    Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản
    Triệu chứng của bệnh viêm não Nhật Bản
  3. Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao: 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong những ngày đầu, khi bệnh nhân có triệu chứng hôn mê sâu, co giật, tổn thương hành não. Chính vì vậy, người thân cần quan tâm, lưu ý đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu viêm não Nhật Bản.


    Nếu qua được giai đoạn này các triệu chứng giảm dần nhưng có đến 50% số bệnh nhân sẽ phải “sống chung” với biến chứng viêm não Nhật Bản về thần kinh và tâm thần. Cụ thể:

    • Viêm đường hô hấp: Khi bị virus viêm não Nhật Bản B tấn công, hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu và không hoạt động hiệu quả, từ đó nhiều vi sinh vật dễ tấn công và gây bệnh. Tình trạng bội nhiễm thường xuất hiện trên người bệnh viêm não nhật bản, trong đó nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, viêm phế quản, là cơ quan phổ biến nhất. Viêm phổi nặng thường gặp ở những bệnh nhân phải nằm lâu, bất động tại giường.
    • Co giật: Tình trạng sốt cao của bệnh viêm não Nhật Bản B có thể dẫn đến co giật ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi dưới 5. Co giật do sốt nếu không được dự phòng và xử trí kịp thời có thể dẫn đến động kinh hoặc các vấn đề thực thể khác liên quan đến não bộ.
    • Động kinh: Hệ thần kinh trung ương là cơ quan chủ yếu bị tấn công. Động kinh là một trong những di chứng viêm não Nhật Bản liên quan đến hệ thần kinh trung ương, xuất hiện muộn sau ít nhất một năm.
    • Di chứng thần kinh và tâm thần như bại hoặc liệt tay chân, rối loạn phát âm, giật động kinh, rối loạn phối hợp vận động, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, giảm khả năng nghe... Đặc biệt, di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm là động kinh và Parkinson.
    • Hôn mê sâu: Di chứng viêm não Nhật Bản nặng nề này có tiên lượng rất kém.
    • Suy kiệt nặng: Đây là hệ quả của việc phải nằm viện trong thời gian dài, dinh dưỡng không được bảo đảm và tình trạng nhiễm trùng nặng nề kéo dài.
    • Quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng.
    Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản
    Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản
    Biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản
  4. Bệnh viêm não Nhật Bản tuy là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, nhưng vẫn có thể điều trị khỏi nhờ phát hiện bệnh kịp thời. Một số phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm viêm não Nhật Bản có thể kể đến như:


    Xét nghiệm thường quy

    Thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra công thức máu, chức năng gan thận. Ở những người bệnh viêm não Nhật Bản, số lượng tiểu cầu giảm, thiếu máu nhẹ, men gan tăng cao và bạch cầu tăng vừa phải ở hầu hết các trường hợp.


    Xét nghiệm không đặc hiệu

    Để chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản ở những bệnh nhân rối loạn tri giác, các bác sĩ cần chọc dò thắt lưng để lấy dịch não tủy làm xét nghiệm. Áp lực dịch não tủy tăng, protein tăng nhẹ (60-70 mg%), tế bào tăng nhẹ (dưới 100 tế bào/mm3). Bạch cầu đa nhân có thể chiếm ưu thế vào lúc đầu, nhưng lúc sau tế bào lympho chiếm ưu thế. Tỷ lệ glucose trong dịch não tủy ít thay đổi hoặc chỉ tăng nhẹ.


    Xét nghiệm hình ảnh

    Bệnh viêm não Nhật Bản còn có thể chẩn đoán nhờ vào xét nghiệm hình ảnh. Bằng cách chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, ta có thể thấy được những thay đổi ở đồi thị, hạch nền, trung não, cầu não và tủy. Ngoài ra còn có thể đo điện não đồ để ghi nhận ức chế hoạt động não.


    Xét nghiệm huyết thanh học

    Ngoài các phương pháp xét nghiệm thường quy, không đặc hiệu và xét nghiệm bằng hình ảnh, bệnh viêm não Nhật Bản còn được chẩn đoán nhờ xét nghiệm huyết thanh học. Các kháng thể IgM đặc hiệu của virus viêm não Nhật Bản trong dịch não tủy xác nhận nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Kháng thể IgM trong huyết thanh gợi ý nhiễm hoặc cũng có thể là nhiễm chéo với những tác nhân cùng họ như sốt xuất huyết. Kết quả dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản thường ít nhất là 9 ngày tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn nghi ngờ bệnh, bạn có thể lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm lần hai.

    Xét nghiệm thường quy
    Xét nghiệm thường quy
    Xét nghiệm hình ảnh
    Xét nghiệm hình ảnh
  5. Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu là điều trị triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm.


    Chống phù não

    Công tác chống phù não được thực hiện bằng cách truyền các dịch ưu trương để tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch. Trong trường hợp phù não nặng, co giật, các bác sĩ có thể dùng Corticoid để bình thường hóa sự thẩm thấu của mạch máu, chống tích lũy nước và muối ở tổ chức não.


    An thần và cắt cơn giật

    Để an thần và cắt cơn co giật, các bác sĩ có thể sử dụng Seduxen qua sonde hoặc tiêm bắp thịt, tĩnh mạch. Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể dùng dung dịch liệt hạch truyền tĩnh mạch nhỏ giọt Aminazin + Thiantan + Spartein. Trong trường hợp bệnh nhân lên cơn co giật nhiều thì có thể dùng gardenal.


    Hạ nhiệt

    Phương pháp hạ nhiệt cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản là cởi quần áo cho bệnh nhân, chườm đá vào bẹn, nách, cổ, quạt. Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể dùng các thuốc hạ nhiệt bằng đường uống qua sonde, truyền tĩnh mạch hoặc thụt giữ qua trực tràng.


    Hồi sức hô hấp và tim mạch

    Để giúp bệnh nhân hồi sức hô hấp và tim mạch, các bác sĩ cho thở oxy, lau hút đờm dãi, và sẵn sàng hô hấp viện trợ khi gặp tình trạng rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit (dung tích hồng cầu) và điện giải đồ; dùng thuốc trợ tim mạch và thuốc vận mạch khi cần thiết.

    Ngăn ngừa bội nhiễm, dinh dưỡng, chống loét


    Tùy vào trọng lượng cơ thể bệnh nhân mà các bác sĩ sử dụng lượng kháng sinh phù hợp. Các kháng sinh có khả năng ngăn ngừa bội nhiễm như ampixilin hoặc Cephalosporine thế hệ 3. Bên cạnh sử dụng thuốc, người thân nên thường xuyên lau rửa da, vệ sinh răng miệng, thay đổi tư thế nằm của người bệnh và có thể dùng thêm đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tỳ đè của cơ thể để hạn chế tình trạng viêm loét da. Để đảm bảo sức khỏe của người bệnh, chế độ dinh dưỡng phải đảm bảo đầy đủ đạm và vitamin.

    Điều trị viêm não Nhật Bản
    Điều trị viêm não Nhật Bản
    Chườm đá để hạ nhiệt
    Chườm đá để hạ nhiệt
  6. Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:

    • Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng để hạn chế muỗi có chỗ sinh sản và phát triển.
    • Nên cho trẻ ngủ màn, mặc áo dài tay để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.
    • Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín.
    • Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
    • Thực hiện tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên). Theo thống kê và nghiên cứu, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 - 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất. Để phòng ngừa một cách tốt nhất, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại theo định kỳ 3 năm/lần cho đến khi đủ 15 tuổi.
      Khi đã mắc bệnh, việc điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Chủ động cho trẻ tiêm vắc xin và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
    Vệ sinh môi trường để tránh muỗi sinh sôi và phát triển
    Vệ sinh môi trường để tránh muỗi sinh sôi và phát triển
    Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản
  7. Việt nam vẫn là vùng lưu hành dịch viêm não Nhật Bản mà bệnh lại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản. Vì vậy, việc tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản giúp phòng tránh được nguy cơ mắc bệnh cũng như các rủi ro do bệnh lý gây ra.


    Hiện nay tại Việt Nam lưu hành 2 loại vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản là:

    • Jevax (Việt Nam): vacxin bất hoạt
    • Imojev (Sanofi Pasteur – Pháp, sản xuất tại Thái Lan): vacxin sống giảm độc lực, tái tổ hợp (thế hệ mới).

    Jevax là vacxin được sản xuất theo quy trình công nghệ của Viện BIKEN, trường Đại học Osaka, Nhật Bản; do Vibiotech sản xuất. Vacxin này dùng để dự phòng đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là một dung dịch trong, không màu, được chỉ định tiêm cho trẻ từ 1 tuổi trở lên đến dưới 15 tuổi. Đối với trẻ em < 36 tháng dùng liều 0,5ml; trẻ em ≥ 36 tháng dùng liều 1ml.

    Vắc xin Jevax chống chỉ định với những người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin; người bệnh tim, gan, thận; người mắc bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng; người đang có những triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, nhiễm trùng tiến triển; người có bệnh ung thư máu hoặc các bệnh ác tính nói chung; phụ nữ có thai.


    Phác đồ tiêm Jevax 3 mũi cơ bản như sau:

    • Mũi 1: Là liều đầu tiên khi tiêm
    • Mũi 2: sau mũi 1 khoảng 2 tuần
    • Mũi 3: sau mũi 2 khoảng 1 năm
    • Sau đó, nhắc lại mỗi 3 năm/lần cho đến 15 tuổi.

    Sau mỗi 3 năm, trẻ nên tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch cho đến 15 tuổi. Những người lớn cũng nên tiêm nhắc lại trước khi có dịch viêm não xảy ra.

    Imojev là vacxin sống, giảm độc lực, tái tổ hợp với virus sốt vàng. Vacxin được sản xuất từ chủng virus viêm não Nhật Bản giảm độc lực SA-14-14-2. Vacxin được chỉ định phòng ngừa Viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên. Tiêm 0,5 ml/liều Imojev hoàn nguyên.

    Vắc xin Imojev chống chỉ định với người có tiền sử phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần nào của Imojev; người suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải làm suy yếu miễn dịch tế bào; người nhiễm HIV có triệu chứng hoặc bằng chứng suy giảm chức năng miễn dịch; phụ nữ có thai hoặc cho con bú sữa mẹ.


    Phác đồ tiêm vắc xin Imojev như sau:

    • Đối với trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản lần nào):
      2 liều 0,5ml tiêm dưới da cách nhau 12 - 24 tháng.
    • Đối với người tròn 18 tuổi trở lên
      Tiêm dưới da 1 liều 0,5 ml duy nhất.
    • Có thể sử dụng chủng ngừa nhắc lại 1 liều duy nhất cho TE trước đó đã tiêm vắc-xin Jevax bất hoạt đủ liệu trình cơ bản 3 mũi.

    Trường hợp trẻ đã tiêm vắc xin Jevax trước đó muốn đổi sang tiêm vắc xin Imojev:

    • Nếu đã tiêm 1 mũi Jevax: Tiêm 2 mũi Imojev, trong đó mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm tối thiểu 2 tuần.
    • Nếu đã tiêm 2 mũi Jevax: Tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 1 năm.
    • Nếu đã tiêm 3 mũi Jevax: Tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 3 năm.
    • Không tiêm nhắc vắc xin viêm não Nhật Bản sau khi hoàn tất lịch tiêm Imojev.

    Giống như các loại vacxin khác, khi tiêm vacxin phòng viêm não Nhật Bản cũng có một tỷ lệ nhất định gặp tác dụng phụ:

    • Phản ứng tại chỗ: Chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ hoặc đau.
    • Phản ứng toàn thân: Đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, người ớn lạnh hoặc sốt nhẹ,...
    • Phản ứng sốc phản vệ: Trường hợp này rất hiếm gặp, rơi vào tỷ lệ 1/ 1 triệu.

    Sau khi tiêm xong, cho trẻ nghỉ ngơi, theo dõi 30 phút tại cơ sở tiêm chủng trước khi về nhà. Đồng thời, sau khi về vẫn tiếp tục kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ ít nhất 24 giờ, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời như:

    • Sốt cao trên 38,5 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
    • Sốt kéo dài > 48 giờ hoặc trẻ sốt 1 - 2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.
    • Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: Ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ỉa lỏng, phát ban,...
    • Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái,... hay kích thích, quấy khóc liên tục, co giật, li bì, hôn mê,...

    Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng với những phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm. Thực tế, phản ứng phụ sẽ được hạn chế nếu tiêm đúng liều lượng, đường tiêm, đúng thời gian, công tác khám sàng lọc trước tiêm thực hiện tốt. Để đáp ứng được những tiêu chí cần thiết trên, bạn nên lựa chọn cho bản thân và gia đình một trung tâm tiêm chủng uy tín, có đội ngũ bác sĩ điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, dịch vụ tiêm chủng đảm bảo chất lượng.

    Tiêm vacxin là một biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm não Nhật Bản
    Tiêm vacxin là một biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh viêm não Nhật Bản
    Lựa chọn giữa 2 loại vaccine viêm não Nhật Bản
  8. Chế độ dinh dưỡng cũng rất cần được chú trọng trong giai đoạn điều trị bệnh viêm não Nhật Bản giúp trẻ có sức đề kháng tốt để chống chọi với căn bệnh nguy hiểm này. Bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm sau:


    Thức ăn dễ tiêu

    Trẻ bị viêm não Nhật Bản thường sốt cao, buồn nôn, thậm chí có thể kèm tiêu chảy, đi ngoài lỏng. Vì vậy cần cho trẻ ăn những thực phẩm dễ tiêu nhưng vẫn đầy đủ khoáng chất để cơ thể trẻ không bị suy nhược.


    Bổ sung muối khoáng

    Muối khoáng là thành phần quan trọng của tế bào. Muối khoáng tham gia vào thành phần cấu tạo enzim đảm bảo quá trình trao đổi chất và năng lượng. Muối khoáng thường có trong trứng, sữa, rau quả tươi. Có thể hầm xương lấy nước, sử dụng muối iốt để chế biến thức ăn cho trẻ bị viêm não Nhật Bản.


    Bổ sung vitamin C

    • Vitamin C giúp hạn chế các biến chứng của bệnh viêm não Nhật Bản. Trong thực phẩm giàu vitamin C có chứa các chất chống oxy hóa. Chất này sẽ giúp chống lại các gốc tự do làm suy yếu hệ miễn dịch ở trẻ. Vitamin C còn hỗ trợ cơ thể chống nhiễm trùng. Vì vậy nên bổ sung vitamin C cho trẻ đang điều trị viêm não Nhật Bản.
    • Vitamin C có nhiều trong trái cây như: cam, quýt, bưởi, dưa đỏ, dâu tây, kiwi… Nếu trẻ không thể ăn trực tiếp, có thể xay nhuyễn hoặc vắt lấy nước để trẻ uống.
    • Ngoài ra vitamin C cũng có ở các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua… Có thể dùng để nấu canh cho trẻ.


    Bổ sung vitamin nhóm B

    • Vitamin B là chất cần thiết ở trẻ đang điều trị viêm não Nhật Bản. Vì chúng hỗ trợ cung cấp năng lượng trong cơ thể, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong tế bào. Ngoài ra vitamin B còn góp phần điều hòa tâm sinh lý, giúp chống lại những tâm cảnh tiêu cực, mỏi mệt, ủ rũ. Điều này đặc biệt cần thiết với trẻ bị viêm não Nhật bản.
    • Vitamin B có nhiều trong trứng, thịt gà, chuối, rau xanh, trái cây họ cam quýt. Bên cạnh đó còn có trong các loại ngũ cốc, gạo lứt; các hạt như lạc, hạt điều, óc chó…

    Những điểm cần lưu ý:

    • Nên chế biến thức ăn dạng lỏng hoặc nhuyễn để trẻ dễ ăn và dễ tiêu hóa.
    • Đối với trẻ bị viêm não Nhật Bản còn đang bú mẹ, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Nếu không bú được thì có thể đút cho trẻ bằng thìa.
    • Khi cho trẻ ăn phải thận trọng với hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Hội chứng này dễ gây sặc cho trẻ.
    • Trong trường hợp bệnh tình trẻ trở nặng hoặc lâm vào hôn mê, có thể nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Nhưng lưu ý hạn chế lượng dịch đưa thẳng vào cơ thể nhưng vẫn phải đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng.
    • Cần theo dõi sát sao tình trạng bệnh của trẻ bị viêm não Nhật Bản. Nếu xuất hiện chuyển biến xấu cần báo ngay với bác sĩ điều trị.
    Chế độ ăn uống giúp trẻ tăng sức đề kháng
    Chế độ ăn uống giúp trẻ tăng sức đề kháng
    Chế độ ăn uống giúp trẻ tăng sức đề kháng



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy