Viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nào ?
Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao: 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong những ngày đầu, khi bệnh nhân có triệu chứng hôn mê sâu, co giật, tổn thương hành não. Chính vì vậy, người thân cần quan tâm, lưu ý đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu viêm não Nhật Bản.
Nếu qua được giai đoạn này các triệu chứng giảm dần nhưng có đến 50% số bệnh nhân sẽ phải “sống chung” với biến chứng viêm não Nhật Bản về thần kinh và tâm thần. Cụ thể:
- Viêm đường hô hấp: Khi bị virus viêm não Nhật Bản B tấn công, hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu và không hoạt động hiệu quả, từ đó nhiều vi sinh vật dễ tấn công và gây bệnh. Tình trạng bội nhiễm thường xuất hiện trên người bệnh viêm não nhật bản, trong đó nhiễm trùng đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi, viêm phế quản, là cơ quan phổ biến nhất. Viêm phổi nặng thường gặp ở những bệnh nhân phải nằm lâu, bất động tại giường.
- Co giật: Tình trạng sốt cao của bệnh viêm não Nhật Bản B có thể dẫn đến co giật ở trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi dưới 5. Co giật do sốt nếu không được dự phòng và xử trí kịp thời có thể dẫn đến động kinh hoặc các vấn đề thực thể khác liên quan đến não bộ.
- Động kinh: Hệ thần kinh trung ương là cơ quan chủ yếu bị tấn công. Động kinh là một trong những di chứng viêm não Nhật Bản liên quan đến hệ thần kinh trung ương, xuất hiện muộn sau ít nhất một năm.
- Di chứng thần kinh và tâm thần như bại hoặc liệt tay chân, rối loạn phát âm, giật động kinh, rối loạn phối hợp vận động, suy giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần, giảm khả năng nghe... Đặc biệt, di chứng muộn có thể xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm là động kinh và Parkinson.
- Hôn mê sâu: Di chứng viêm não Nhật Bản nặng nề này có tiên lượng rất kém.
- Suy kiệt nặng: Đây là hệ quả của việc phải nằm viện trong thời gian dài, dinh dưỡng không được bảo đảm và tình trạng nhiễm trùng nặng nề kéo dài.
- Quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng.