Top 7 Món ăn đặc trưng có trong đám cưới Tây Bắc

Vũ Thùy Linh 641 0 Báo lỗi

Tây Bắc quyến rũ trái tim du khách không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn, mà còn bởi rất nhiều món ăn ngon đậm chất núi rừng hiếm nơi nào có được. ... xem thêm...

  1. Thịt trâu gác bếp hay còn gọi là thịt trâu xông khói, vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng. Món ăn phát huy tác dụng bổ sung dưỡng chất khi đi rừng dài ngày và mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn.


    Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách miền xuôi rất ưa thích. Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công.


    Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.

    Thịt trâu gác bếp
    Thịt trâu gác bếp
    Thịt trâu gác bếp
    Thịt trâu gác bếp

  2. Nghe tên là lạ nhưng thực chất đây là món cá nướng đặc biệt của người Thái ở Tây Bắc. Nếu có dịp lên Tây Bắc, nhất định bạn đừng quên thưởng thức món ăn với hương vị độc đáo này. Pa pỉnh tộp, nghĩa là cá gập nướng, thường có cách làm cầu kỳ ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Trong đó, người dân tộc Thái thường sử dụng cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Cá sát muối cùng ớt bột để khử tanh rồi nhồi một số các loại rau thơm, quả mắc khén, gừng, tỏi, sả, hành... vào trong bụng.


    Người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên than hoa đã quạt hồng. Cá vừa chín tới được gỡ ra khỏi vỉ, hương thơm của cá cùng các loại nguyên liệu lan tỏa. Đây là món ăn rất hấp dẫn những du khách từ dưới xuôi lên. Món ăn đặc sản này của người Tây Bắc được ăn kèm với cơm nếp, rất ngon.

    Pa Pỉnh Tộp
    Pa Pỉnh Tộp
    Pa pỉnh tộp
    Pa pỉnh tộp
  3. Là món ăn nổi tiếng của người Tày dùng trong những dịp lễ hội truyền thống, được chế biến từ gạo nếp nương. Xôi ngũ sắc (còn gọi là cơm đen cơm đỏ) là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong dịp lễ, Tết. Xôi có 5 màu sắc chính là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Món ăn thơm ngon, người lao động sáng tạo trong cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên, có sẵn tại địa phương để tạo màu.


    Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu tím từ cây cơm đen, màu đỏ từ cây cơm đỏ, màu vàng từ nghệ, màu xanh làm từ cây cơm đen, một loại tro. Cơm đen, cơm đỏ là những loại cây rừng có lá hình bầu dục, màu xanh, thân tròn, Trên mặt lá cây cơm đen có hình bán nguyệt màu trắng. Người Tày hái hai loại cây này, rửa sạch, nấu chín, lọc lấy phần nước, ngâm với gạo để có được gạo màu tím, đỏ. Người dân lấy 2 - 3 củ nghệ tươi đem giã cho nhỏ mịn, lọc nước để ngâm gạo tạo thành màu vàng. Màu xanh lam có cách làm cầu kỳ hơn vì người Tày phải giã nhỏ cây cơm đen, trộn với tro cây vừng hoặc tro rơm nếp, sau đó lọc nước, ngâm với gạo để tạo màu xanh lam lạ mắt.


    Sau 5 - 6 tiếng ngâm, gạo chuyển màu, người nội trợ vớt gạo ra cho vào chõ đồ chín. Chõ đồ xôi cao thành và làm bằng gỗ. Đồ xôi bằng chõ gỗ giúp gạo chín đều, không bị nhão ở đáy, khi chõ xôi lên hơi, mùi thơm tỏa ra là xôi chín. Xôi ngũ sắc vừa ngọt thơm của hương nếp, hương thực vật, vừa chứa đựng những nét đẹp văn hóa của vùng đất xinh đẹp này. Chắc chắc rằng khi tới với Tây Bắc và thưởng thức xôi ngũ sắc, bạn sẽ không bao giờ quên được hương ấy.

    Xôi ngũ sắc
    Xôi ngũ sắc
    Xôi ngũ sắc
    Xôi ngũ sắc
  4. Những miếng da trâu vàng ruộm, giòn sừn sựt, tỏa mùi thơm khó cưỡng của các loại gia vị hòa quyện khiến thực khách khó lòng bỏ qua. Đó là da trâu muối chua -một trong những món ăn đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái. Vì món ăn này tốn khá nhiều thời gian để chế biến, nên thường chỉ được làm khi gia đình có hiếu hỷ, hoặc nhà có khách quý.


    Nguyên liệu để làm món da trâu muối chua gồm: da trâu miếng dày mịn, riềng giã nhỏ, gạo rang thơm giã nhỏ thành thính, một lượng tỏi bóc, ớt thái nhỏ vừa đủ, cùng các gia vị khác như đường, muối, mì chính. Sơ chế da trâu là công đoạn lâu nhất. Vì da trâu dày nên trước hết phải cho vào bếp thui sơ qua rồi cho vào nước nóng cạo sạch bề ngoài. Khi ấy, da trâu sẽ có màu vàng rất hấp dẫn.

    Da trâu đã sơ chế cho vào nồi luộc chín, không luộc quá lâu vì da trâu sẽ bị nhừ, mất đi độ giòn. Sau khi vớt ra, để nguội, thái da trâu thành những miếng nhỏ, độ dài tùy người chế biến. Trộn da trâu đã thái với thính gạo, riềng củ giã nhỏ cùng các gia vị như tỏi, ớt, đường, muối... Cho da trâu đã trộn gia vị vào lọ rồi đổ xăm xắp nước đun sôi để nguội, đóng nắp lọ lại, để chừng một tuần là có thể ăn được.

    Da trâu muối chua sau khi đã ngấm sẽ có màu sắc và vị thơm hấp dẫn. Miếng da trâu dày, trong vắt, khi ăn có độ giòn sần sật. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được độ giòn ngọt, bùi của da trâu, vị thơm của riềng củ, vị cay của ớt, vị thơm của tỏi. Tất cả các gia vị hòa quyện tạo nên dư vị riêng của món ăn.

    Da trâu muối chua
    Da trâu muối chua
    Da trâu muối chua
    Da trâu muối chua
  5. Khi những tiếng sấm đầu mùa xuất hiện, những mầm măng như đã hẹn, đồng loạt đội đất vươn lên đón ánh mặt trời. Những búp măng căng tràn sự sống, hứa hẹn một màu xanh ngút ngàn của sự sinh tồn và phát triển. Bao đời qua, măng đã và đang một phần nuôi sống những con người Tây Bắc. Măng đắng là món ăn dễ ăn, dễ chế biến, từ bao đời măng đắng luôn xuất hiện trong những bữa cơm, bữa cỗ gia đình người Tây Bắc, nhất là các dân tộc Tày, Thái, Mường.


    Măng có vô số loại như: tre, nứa, trúc, mai, vầu... Mỗi loại đều có hương vị riêng rất độc đáo mà thực khách chỉ thử một lần cũng nhớ mãi không quên. Măng có thể chế biến thành nhiều món, món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn. Măng tươi, măng chua muối, măng khô... mỗi loại một hương vị và cách chế biến khác nhau, song đều mang hương vị của núi rừng.

    Ngoài ra, Tây Bắc cũng nổi tiếng với những loại rau rừng mà du khách một lần thưởng thức là mãi nhớ. Không cầu kỳ, không nổi tiếng bởi sự quý giá và đắt đỏ, những món ăn này đi vào tiềm thức của du khách bởi những gì bình dị nhất. Còn gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức những món ăn dân dã và cảm nhận về cuộc sống của vùng đất nơi địa đầu tổ quốc.


    Ai đó đã từng thưởng thức món măng đắng này hẳn sẽ mãi nhớ, để rồi có dịp lên vùng cao Tây Bắc, lại thèm được ăn miếng măng đắng, chấm tí muối ớt, vừa đắng vừa cay nhấm thêm chút rượu… Để thấy nồng nàn hơn hương vị đặc sản vùng cao Tây Bắc.

    Măng đắng
    Măng đắng
    Măng đắng đã qua chế biến
    Măng đắng đã qua chế biến
  6. Nếu có một lần được vi vu du lịch Tây Bắc, du khách chắc chắn có nghe qua hoặc nếu may mắn sẽ có cơ hội được nếm thử món gỏi cá, một món ăn ngon và chủ đạo của người dân tộc Thái nơi đây. Gỏi cá thường được đem ra thiết đãi khách quý, thể hiện sựu hiếu khách của gia chủ.


    Với bàn tay khéo léo và những thứ gia vị đặc trưng, ai ăn gỏi cá Tây Bắc một lần đều muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa. Để có món cá gỏi ngon, hấp dẫn, đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, đòi hỏi người chế biến phải nắm bắt được hết các quy trình từ khâu lựa chọn cá đến cách chế biến nêm nếm sao cho vừa vị. Gỏi có thể được làm từ nhiều loại cá, song thông thường được chế biến từ hai loại cá: Cá chép và cá trắm còn tươi nguyên, có trọng lượng từ 2 kg trở lên, cá càng to thì càng dễ chế biến, nhất là cá bắt ở sông, suối hoặc cá nuôi ở ao hồ sống trong môi trường nước sạch nhiều năm sẽ cho thịt săn chắc và giòn.


    Sau khi lựa chọn được cá ưng ý, tước da, lọc kỹ xương, không để thịt cá tiếp xúc với nước lã, sau đó dùng giấy trắng bọc miếng thịt để thấm chất tanh, làm khô thịt, rồi thái lát mỏng. Để có gỏi cá ngon, các gia vị rất quan trọng, đó là: Hoa chuối tây thái mỏng ngâm nước, rửa sạch vò cho mềm, rau mùi tàu, rau thơm, húng và hom mu chưn (lá của một loại cây có mùi vị đặc trưng, rất hợp với gỏi cá), ớt tươi, tỏi, lạc rang giã nhỏ, đặc biệt không thể thiếu nước được bà con trưng cất từ măng chua để 3 đến 4 năm.


    Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, người chế biến dùng liều lượng hợp lý, lấy ít nước đun sôi để nguội pha với nước chua thêm muối tinh và mì chính, đảo thêm ít rau thơm rồi khuấy đều cho tan muối và mì chính. Đối với người mới ăn và ăn chưa quen, cho thịt cá đã thái mỏng nhúng vào bát nước chua để miếng cá ngấm nước từ 5-10 phút, thịt cá sẽ chuyển sang tái, rồi trộn đều với tất cả hoa chuối cùng một số gia vị làm sẵn và múc ra bát tô hoặc đĩa sâu lòng để chứa nước chua. Với cách làm này sẽ không còn mùi tanh của cá, các miếng thịt cá hòa quyện với hoa chuối, cộng với các gia vị tạo nên mùi thơm lạ của nước chua, vị ngậy thơm của lạc, vị cay của ớt. Còn với người thích ăn cá nguyên bản, sẽ không nhúng thịt cá vào bát nước chua trước mà trộn đều luôn với hoa chuối và các loại gia vị làm sẵn. Ngoài ra, có thể pha thêm một bát nước chua để sẵn dành cho những ai có nhu cầu tăng thêm độ chua cho gỏi cá.

    Gỏi cá
    Gỏi cá
    Gỏi cá sau khi đã hoàn thành
    Gỏi cá sau khi đã hoàn thành
  7. Rau dớn là một loại rau có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, nó cũng thường mọc nhiều ở bờ suối, bờ khe, những nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời, dớn mọc hoang dại dọc khe suối, bên những tảng đá. Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Người Thái gọi rau dớn là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.


    Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta thường chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, là bánh tẻ, sau đó rửa sạch, phơi nắng cho tái. Tiếp đó cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ trong khoảng 20 phút, rau sẽ chín và giữ được màu xanh rất đẹp mắt. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều. Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được.


    Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt. Mùi thơm hăng hắc của hạt tiêu bám vào từng ngọn rau xanh biếc, giòn giòn còn vương chút nhớt đọng lại nơi đầu lưỡi như tôn thêm vị thơm ngon nguyên sơ và đậm đà, khác hẳn những loại rau công nghiệp nơi phố thị nhạt hoét.
    Rau dớn tươi
    Rau dớn tươi
    Nộm rau dớn
    Nộm rau dớn



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy