Top 10 Tác phẩm hay nhất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Hà Pi 18215 0 Báo lỗi

Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Những thi phẩm của ông để lại đã, đang và sẽ là những món ăn tinh thần vô cùng lớn lao và có ... xem thêm...

  1. Bệnh sĩ là tác phẩm sân khấu cuối cùng của tác giả Lưu Quang Vũ. Vở kịch là một trong những tác phẩm hài kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ nói về bối cảnh xã hội 26 năm trước đây với những vấn đề mang nhiều ý nghĩa xã hội và cuộc sống mà đến ngày nay người ta còn thấy thấm nhuần. Vở kịch là lời phê phán một kẻ có tính "sĩ diện hão", nói rộng ra là phê phán những con người trong xã hội lúc đó thời bao cấp.


    Dù có nhiều yếu tố hài hước, gây cười, Bệnh sĩ cũng mang những đặc điểm giống các vở kịch khác của Lưu Quang Vũ. Các nhân vật trong kịch của ông đều không có người xấu, ý nghĩa kịch luôn mang thông điệp về sự trung thực, đạo đức, nhân cách, điều cao đẹp ở đời.

    Năm 1988, Nhà hát Kịch Việt Nam từng dàn dựng thành công vở Bệnh sĩ, do NSND Đình Quang làm đạo diễn, được khán giả thời đó đón nhận. Sau hơn 20 năm, Bệnh sĩ quay lại sân khấu thủ đô qua sự dàn dựng của NSƯT Tuấn Hải, và sự cố vấn nghệ thuật của NSND Đình Quang. Vở kịch quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng như Xuân Bắc, Phú Đôn, Tuấn Hải, Ngân Hoa...


    Với sự diễn xuất hài hước, hóm hỉnh theo lối hài kịch, tác phẩm thu hút rất nhiều sự đón đợi của khán giả nhưng ẩn sau đó là cả một bức thông điệp còn nguyên giá trị mà Lưu Quang Vũ gửi gắm.

    Bệnh sĩ
    Giới thiệu vở kịch Bệnh sĩ
    Giới thiệu vở kịch Bệnh sĩ

  2. Hồn Trương Ba da hàng thịt là tích truyện dân gian vốn lưu truyền hàng ngàn năm nay, kể về Trương Ba, một kỳ thủ đến thần tiên cũng phải chào thua, do sơ suất của các vị thần tiên trên trời mà phải chịu chết dù chưa đến hạn. Để cứu vãn sai lầm, họ đã quyết định cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới qua đời, từ đó hồn Trương Ba sống trong xác anh hàng thịt đã gây ra biết bao cảnh trớ trêu, bi hài. Năm 1981, Lưu Quang Vũ bắt tay vào viết vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt".


    Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành công một tác phẩm kịch nói hiện đại và lồng vào trong đó rất nhiều những triết lí nhân văn, đạo đức sâu xa về con người, về cuộc đời, về sự sống và cái chết. Đây được xem như tiết mục kịch đặc sắc nhất của nhà viết kịch tài ba này. Rất nhiều những sân khấu kịch lớn nhỏ tại Việt Nam diễn vở kịch và trong khuôn khổ nhà trường, rất nhiều trường cấp 3, đại học diễn lại vở kịch với sự ngưỡng mộ và yêu quý tác giả cũng như bộ môn kịch Việt Nam.


    "Không chỉ có ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người trong vở kịch nói chung và đoạn kết nói riêng, Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

    Hạnh phúc là khi con người được sống thật với chính mình, không bị ép buộc phải sống theo ý chí của người khác. Đó là điều cốt lõi mà vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt" muốn nói.

    Hồn Trương Ba, da hàng thịt
    Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông
    Tác phẩm được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông
  3. Ngay từ khi ra mắt khán giả vào năm 1983, vở chèo cách tân “Nàng Sita” của hai cha con kịch gia nổi tiếng Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã trở thành hiện tượng với khán giả.

    Mối tình đẹp và bi thương của nàng Sita và hoàng tử Pơ Liêm do nghệ sĩ Lâm Bằng và Quốc Chiêm hóa thân ngày đó khiến hàng triệu khán giả xúc động. Gương mặt điển trai, lãng tử cùng giọng hát chèo ngọt lịm của Quốc Chiêm đã hút hồn bao khán giả nữ. Hàng ngàn khán giả nam cũng mê mẩn trước vẻ đẹp đằm thắm và diễn xuất đầy cảm xúc của “nàng Sita” Lâm Bằng…


    Trong số các kịch bản dựa trên tích truyện dân gian, vở Nàng Sita có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp sân khấu của Lưu Quang Vũ. Đây là kịch bản có sự cộng tác của hai cha con nhà viết kịch. Và cũng là những định hướng có tính chất gợi mở để Lưu Quang Vũ tiếp tục đi sâu khai thác mảng kịch này. Lấy chất liệu từ câu chuyện cổ tích của dân tộc Campuchia, nhà viết chèo Lưu Quang Thuận đã sáng tác vở Nàng Sita. Cái chết đột ngột khiến cho ông không kịp thực hiện tác phẩm của mình. Một thời gian ngắn sau khi cha mất (1/1981), Lưu Quang Vũ đã hoàn thành kịch bản Nàng Sita. Viết xong kịch bản còn dở dang của cha với một tốc độ nhanh chóng lạ thường, Lưu Quang Vũ đã báo hiếu cha một cách xứng đáng.


    Vở chèo đề cao tình yêu chung thủy, đức hi sinh và khát vọng làm người. Mặc dù vở chèo được dàn dựng cách đây khá lâu nhưng trên sân khấu ngày nay, nó vẫn phù hợp với thời đại bởi ý nghĩa vở kịch và sức sống lâu bền của nó đối với những người yêu thích bộ môn kịch nói Việt Nam. Đây cũng được xem là vở kịch thành công vang dội khi mỗi lần công chiếu, nhà hát kịch Hà Nội đều đông chật kín khán giả. Điều đó cho thấy được tài năng và sự xuất chúng trong nghệ thuật viết kịch của Lưu Quang Vũ.

    Nàng Sita
    Nàng Sita
    Nàng Sita
  4. Lời thề thứ 9 cũng là một trong những tác phẩm kịch thành công vang dội của Lưu Quang Vũ. Đây là vở kịch được công diễn khắp cả nước. Đây cũng là vở kịch đem lại nhiều thắng lợi huy chương cho những nghệ sĩ diễn vở kịch này. Cách đây 30 năm nhưng vở kịch vẫn được giới chuyên môn và khán giả khẳng định nó vẫn vẹn nguyên giá trị ban đầu. Nó nói đến vấn đề nhức nhối đến tận bây giờ là vấn đề thời sự nóng hổi chống tham nhũng, tiêu cực, đút lót. Vở kịch cũng nói lên những trăn trở, suy tư của những người dân với những bậc chính quyền cấp trên về những vấn đề bức xúc trong cách giải quyết vấn đề.


    Vậy nên, vở diễn dù căng từng giây, dù có những lúc nghẹt thở, nhưng cũng không làm người xem bi quan; vẫn khiến người xem ra khỏi rạp với những cảm xúc khá lạc quan, rằng vẫn còn rất nhiều người tốt đẹp xung quanh mình, rằng vẫn còn đó tình đồng đội, tình làng nghĩa xóm... để giúp nhau vượt qua hoạn nạn.


    Lời thề thứ 9 được Lưu Quang Vũ sáng tác năm 1986. Nhà hát Tuổi trẻ công diễn lần đầu năm 1988, với thế hệ diễn viên như NSƯT Đức Trung, Chí Trung, Anh Tú, dưới sự dàn dựng của đạo diễn Xuân Huyền. Năm 2012, tác phẩm được phục dựng. Tác phẩm nhiều lần được diễn lại trong những dịp đặc biệt.

    Lời thề thứ 9
    Vở kịch Lời thề thứ 9
    Vở kịch Lời thề thứ 9
  5. Vở kịch là những suy tư, trăn trở, kỉ niệm một thời khó quên của tuổi học trò, một thời niên thiếu không dễ quên của mỗi con người. Tác phẩm là tiếng nói, là mong muốn, ước mơ của những thế hệ trẻ tham gia xây dựng đất nước với mong muốn đem lại những điều hữu ích, tuyệt vời cho đất nước, trở thành những người công dân có ích và có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội. Vấn đề giáo dục được đặt lên hàng đầu khiến cho vở kịch có tính giáo dục và mang tính thời đại rất lớn, thu hút rất nhiều các bậc cha mẹ và con cái đón xem trong những lần công diễn.


    Mùa hạ cuối cùng là câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Tác phẩm này đặt ra câu hỏi: Làm sao để chúng ta có thể nâng đỡ những con người trẻ tuổi trong những bước đầu đời với biết bao ước mơ cao đẹp và sự trung thực, thánh thiện? Bởi thế Mùa hạ cuối cùng đặt trọng tâm về vấn đề giáo dục con người bằng niềm tin. Và dù có thế nào chăng nữa, tác phẩm này của Lưu Quang Vũ vẫn nhằm ca ngợi tình thầy trò và cả niềm trăn trở trước căn bệnh thành tích trong các nhà trường. Quan trọng hơn, Mùa hạ cuối cùng muốn đánh thức trong tâm hồn những người trẻ sự bình tĩnh, tỉnh táo, can đảm và cả lòng vị tha để hướng tới một xã hội văn minh, tươi đẹp!


    Ra đời cách đây hơn 30 năm và đã được dàn dựng từ ngày mới “ra lò”, nhưng đến nay Mùa hạ cuối cùng do Nhà hát Tuổi trẻ dựng lại vẫn khiến khán giả nhiều thế hệ dạt dào cảm xúc, phải động lòng suy nghĩ. Mùa hạ cuối cùng dịp này có sự kết hợp giữa sân khấu và điện ảnh để phù hợp với bối cảnh hiện đại, song không vì thế mà làm nhạt thông điệp của nhà viết kịch họ Lưu.

    Mùa hạ cuối cùng
    Mùa hạ cuối cùng
    Vở kịch Mùa hạ cuối cùng trên sân khấu nhà hát kịch Việt Nam
    Vở kịch Mùa hạ cuối cùng trên sân khấu nhà hát kịch Việt Nam
  6. Tôi và chúng ta là một trong những vở kịch khá nổi tiếng của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và được sáng tác vào năm 1984. Tôi và chúng ta là vở kịch được rất nhiều khán giả yếu mến và nhiều lần được dàn dựng lại trên các sân khấu lớn.


    Tôi và chúng ta gồm tất cả 9 cảnh, lấy bối cảnh vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế bao cấp còn tồn tại. Nội dung chính của vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi, giữa hai lực lượng: bảo thủ và đổi mới. Phe bảo thủ, mà đại diện là các nhân vật Nguyễn Chính (phó giám đốc), Trương (quản đốc phân xưởng) cùng sự hỗ trợ của Trần Khắc (đại diện Ban thanh tra của Bộ) với tư tưởng hết sức bảo thủ, khư khư giữ lấy các nguyên tắc, quy chế đã thành cứng đờ, lạc hậu, kiên quyết không chấp nhận đổi mới.


    Phe đổi mới, mà đại diện là Hoàng Việt (giám đốc xí nghiệp), Thanh (kíp trưởng phân xưởng 1), Lê Sơn (kỹ sư) cùng đại đa số anh chị em công nhân với tinh thần dám nghĩ dám làm, phá bỏ các quy định giáo điều, lạc hậu, khao khát đổi mới để đem lại quyền lợi, hạnh phúc cho mọi người.

    Tôi và chúng ta
    Tôi và chúng ta
    Tôi và chúng ta
  7. Người tốt nhà số 5 là một trong những vở kịch được đánh giá cao nhất của Lưu Quang Vũ, do NSƯT Tạ Tuấn Minh làm đạo diễn. Mặc dù đây không phải là vở kịch nổi đình nổi đám như Hồn Trương Ba, da hàng thịt hay Nàng Sita của Lưu Quang Vũ, song qua màn thể hiện của các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, người xem vẫn bị lay động bởi nội dung chất chứa nhiều vấn đề nhức nhối của cuộc sống.


    Người tốt nhà số 5 kể về nhân vật Hiệp và những gia đình chung sống trong một căn nhà. Ngôi nhà chung đó như một xã hội thu nhỏ, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, phản ánh các mặt của thực tại cuộc sống, của cái tốt và cái xấu luôn bủa vây mỗi chúng ta. Hiệp là người tốt, nhưng anh cô đơn giữa những người xung quanh bởi khi được thuyết phục, rủ làm điều xấu anh không chịu. Thậm chí anh còn không ngại ngần vạch ra cái xấu ngay cả khi đó là Bình - người bạn thân nhất đã cho anh mượn căn phòng để ở nhờ. Không chịu nổi người tốt này, những người xung quanh cùng nhau tìm cách chê bai, đổ lỗi cho anh. Nhưng sau khi Hiệp bị đẩy ra khỏi ngôi nhà chung ấy, mọi người bắt đầu nhìn lại "người tốt nhà số 5" và chính họ.

    Người tốt nhà số 5
    Người tốt nhà số 5
    Người tốt nhà số 5
  8. Hồn của đá của Lưu Quang Vũ là vở kịch dựa trên tích buồn nổi tiếng trong dân gian, lấy đi nước mắt của bao khán giá Việt Nam. Tác phẩm lấy bối cảnh ở xóm Đá nghèo, người dân quanh xóm đều mưu sinh với nghề chế tác tượng đá. Khi ấy, Vịnh cùng toán lính của triều đình đã tìm đến một nhà dân nương náu vì bị giặc làm trọng thương. Được chở che, bao bọc bởi những tấm lòng nhân hậu, trong những ngày tháng tá túc tại đây, Vịnh cảm mến người con gái của chủ nhà là cô Thanh. Tiếp tục lên đường, Vịnh mang theo lời hẹn ước với cô gái trẻ, mong ngày trở về kết duyên cùng nàng. Chiếc vòng đá hoa cương Thanh trao cho Vịnh là vật làm tin quý giá với tâm nguyện “đá là tâm hồn em, trong mọi thứ trên đời không có gì chắc bền bằng đá”.

    Kể từ đó, cô Thanh ngày ngày mong chờ sẽ được gặp lại người yêu. Rồi hạnh phúc vỡ òa khi Vịnh đã trở về, hai người nên duyên vợ chồng và sinh được một người con gái, cùng sống cuộc sống êm đềm tại xóm Đá theo nghề của cha. Cho dù con gái của Vịnh và Thanh có đôi chút thiệt thòi, khi sinh ra đã có một bàn chân bị khoèo nhưng điều đó càng khiến Vịnh và Thanh yêu thương con gái hơn.


    Cuộc sống của gia đình Vịnh cứ êm đềm như thế nếu không có một ngày, anh biết được sự thật ngang trái. Trong lúc chải tóc cho vợ, Vịnh được nghe vợ kể về chiếc sẹo ở trên đầu của cô, chính là do người anh trai ngày trước gây nên. Cứ thế, từng lời kể của vợ như xoáy sâu vào tim Vịnh, bởi anh nhận ra rằng mình chính là người anh trai ấy, đã làm em bị ngã và bỏ mặc em mà chạy trốn, khi quay lại thì đã không thấy em đâu. Bé Bầu – tên gọi lúc nhỏ của em gái giờ lại cứ vang vẳng trong đầu Vịnh với muôn vàn đau đớn. Bị kịch giằng xé trong tâm hồn, Vịnh thất thần vùi mình trong men rượu, luôn tự trách rằng: “Tôi đã làm thể xác em đau, giờ đây tôi lại xé nát tâm hồn em bằng hành động nhơ nhớp”.

    Quyết chôn chặt bí mật để không làm Thanh phải gục ngã thêm lần nữa, Vịnh đã bỏ đi khỏi xóm Đá không một lời từ biệt với cô. Và ngày ngày, mẹ con Thanh đều ra đứng chờ mòn mỏi, mong một ngày chồng trở về. Chờ đến tuyệt vọng, hai mẹ con Thanh hóa thành tượng đá.

    Hồn của đá
    Hồn của đá
    Hồn của đá
  9. Chua xót nhưng ấm áp tình người, Trái tim trong trắng là câu chuyện đẫm nước mắt về những mảnh đời éo le trong cảnh tranh tối, tranh sáng của xã hội một thời. Đó là Luân, anh bộ đội vừa xuất ngũ, đang vui mừng vì sắp được giới thiệu người yêu cho gia đình thì phải vào tù vì bị buộc tội oan giết người. Hay như Bốn, người giúp đỡ Luân thoát cảnh tù tội, chỉ vì không muốn con bị đói giữa đêm giao thừa mà đi ăn cắp, giữa đường bị giằng xé tâm can định quay lại trả đồ thì bị bắt, phải ngồi sau song sắt trại giam suốt 5 năm trời...Không chỉ vì lòng người sống với nhau hiểm độc, bàn tay vô hình lớn hơn đã đẩy Luân vào án oan là những người thực thi công lý khi họ làm việc theo kiểu quan liêu, tác trách và cố tình ép cung...


    Dẫu vậy, giữa bể trầm luân ấy vẫn có những con người cao đẹp như Phương với trái tim biết yêu thương, biết dấn thân và dám hi sinh để tìm ra ánh sáng. Chuyện án oan của Lưu Quang Vũ viết cho vở Trái tim trong trắng cách đây gần 40 năm vậy mà giờ đây vẫn còn đầy tính thời sự. Trước khi hạ màn vở kịch, Lưu Quang Vũ đã "gài" lại câu hỏi: Tòa án nào dành cho những người thực thi công lý dẫn đến oan sai? Dường như câu hỏi này không còn riêng của tác giả nữa mà đã trở thành nỗi lòng, ước mong của nhiều người hôm nay.

    Trái tim trong trắng
    Trái tim trong trắng
    Trái tim trong trắng
  10. Sống mãi tuổi 17 là tác phẩm nổi tiếng lấy đi nhiều nước mắt của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tác phẩm khai thác bối cảnh đất nước ta trong giai đoạn lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm trước, lột tả sự thống khổ của người dân lao động thuộc địa một cổ hai tròng, cơ cực bi thương. Chuyện kịch kể về Lý Tự Trọng – người thanh niên trẻ tuổi sớm được giác ngộ cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng; đồng thời được giao nhiệm vụ đặc biệt: vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước.


    Lý Tự Trọng với tư chất thông minh đã sáng tạo, gan dạ, nhiều lần vượt qua sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngay cả khi bị địch bắt, trong nhà tù thực dân đế quốc, kẻ thù sử dụng mọi hình thức tra tấn tàn khốc nhưng anh vẫn kiên cường giữ vững ý chí, lý tưởng, không một lời khai báo...

    Vở kịch Sống mãi tuổi 17 về người anh hùng Lý Tự Trọng đã để lại cho lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam nhiều bài học quý báu về lòng yêu nước nồng nàn, yêu đồng bào và tinh thần tự tôn dân tộc; bài học về tấm gương ham học hỏi, ham hiểu biết để đóng góp được nhiều hơn cho đất nước và dân tộc.

    Sống mãi tuổi 17
    Sống mãi tuổi 17
    Sống mãi tuổi 17



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy