Top 10 xu hướng nổi bật nhất trong thị trường smartphone năm 2018

Vũ Minh Hoàng 88 0 Báo lỗi

Năm 2018 đã đi qua và đã đến lúc chúng ta cùng nhìn lại và suy ngẫm về ngành công nghiệp điện thoại thông minh trong một năm qua. Thị trường smartphone 2018 đã ... xem thêm...

  1. Một mảnh khuyết trên màn hình vốn được xem như một nhược điểm của iPhone X bỗng trở thành trào lưu cho hãng khác làm theo. Essential Phone, Sharp Aquos S2, Apple iPhone X… đều có một mảnh khuyết (notch) trên màn hình để đặt vừa camera trước lẫn loa thoại. Essential Phone lẫn Sharp Aquos S2 đều chọn vát một phần màn hình để vừa đặt camera trước. Còn iPhone X thì hào phóng khoét màn hình rộng hơn để đặt camera lẫn hệ thống Face ID, khiến phần khoét này rộng hơn và nhìn như tai thỏ.


    Tại sự kiện MWC 2018, Asus đã trình làng dòng điện thoại Zenfone thế hệ thứ 5 với phần khuyết màn hình nhỏ hơn, như một đối trọng giá rẻ chạy Android so với iPhone X chạy iOS ở bên kia chiến tuyến. Huawei cũng đã lộ diện bản thiết kế “tai thỏ” trên mẫu smartphone sắp trình làng của họ. Trong khi một số tên tuổi nhỏ hơn như Doogee, Leagoo, Vernee, Oukitel… đã kịp thời ra mắt các mẫu smartphone hưởng ứng trào lưu mới mẻ này. Và ở tương lai gần, các thiết kế smartphone màn hình tràn cạnh chắc hẳn sẽ cần làm quen với notch, cho đến khi nhà sản xuất tìm được giải pháp thích hợp giải bài toán vị trí cho camera và cảm biến quen thuộc ở mặt trước. Trước khi tìm ra được vị trí đắc địa, các nhà sản xuất đã chọn giải pháp kiểu thỏa hiệp cho màn hình tràn cạnh hoặc là cho phép màn hình bị khuyết một vùng để chứa các chi tiết như trên iPhone X, hoặc là thu hẹp hết cỡ viền benzel phía trên theo cách của Galaxy S9.


    Đứng trước làn sóng điện thoại “tai thỏ” đang bùng lên, Google mới đây đã công bố bản Preview đầu tiên của Android P hứa hẹn mở đường cho thiết kế smartphone có phần khuyết màn hình với những thay đổi vị trí của các chi tiết phía trên màn hình để tương thích với tai thỏ lẫn hỗ trợ các nhà phát triển ứng dụng né phần khuyết.


    Một số nhà sản xuất đã chọn cách tiếp cận mới để người dùng “chung sống hòa bình” với kiểu thiết kế màn hình khuyết là khi cần hiển thị nội dung toàn màn hình thì phần tai thỏ sẽ được ẩn đi bằng cách hiển thị toàn màu đen để smartphone trông bớt kỳ dị hơn.

    Tai thỏ trở thành một trào lưu
    Tai thỏ trở thành một trào lưu

  2. Các hãng smartphone Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn điện thoại tầm trung khi liên tục ra mắt sản phẩm mới với thiết kế nhiều màu sắc, cấu hình mạnh. Theo số liệu từ hãng phân tích thị trường Gartner, năm 2017 có hơn 208 triệu smartphone tầm trung được xuất xưởng, chiếm khoảng 49% tổng thị trường điện thoại tại Trung Quốc. Trong đó, các thương hiệu nội địa như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi nắm giữ 90% thị phần trong nửa đầu năm 2018. 5 năm trước khi bắt đầu gia nhập thị trường Trung Quốc, Samsung đã sở hữu 20% thị phần tại đây. Tuy nhiên, con số hiện tại chỉ còn lại 2% do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn về giá của các thương hiệu Android nội địa.


    Trong vài năm qua, Oppo chủ yếu phát triển điện thoại ở phân khúc tầm trung và thường xuyên tích hợp nhiều công nghệ mới lên các sản phẩm này. Gần đây nhất, chiếc Oppo R17 Pro đã trở thành chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới được trang bị cảm biến Time-of-Flight (TOF), điều mà chiếc Oppo Find X cao cấp không có. Bên cạnh đó, Oppo cũng đang phát triển một ứng dụng giúp tận dụng công nghệ TOF, sử dụng cảm biến 3D vào các tính năng AR.


    Tại thị trường Việt Nam, các hãng smartphone Trung Quốc cũng liên tục cho ra mắt sản phẩm ở phân khúc tầm trung. Những cái tên nổi bật như Huawei Nova 3i, Xiaomi Mi 8 Lite, Oppo F9 hay Vivo V11i đều được trang bị thiết kế độc đáo với mặt lưng kính đổi màu, cấu hình tốt, camera kép tích hợp AI cùng nhiều chế độ làm đẹp.


    Thậm chí, Huawei, Xiaomi và Oppo đã mang về Việt Nam những thương hiệu con nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về cấu hình. Các mẫu máy như Honor Play, Pocophone F1 hay Realme 2 Pro đều được trang bị thông số phần cứng của smartphone cao cấp nhưng giá bán của chúng lại thuộc phần khúc tầm trung, khoảng 6-8 triệu đồng.

    Càng ngày cấu hình của smartphone tầm trung càng cao
    Càng ngày cấu hình của smartphone tầm trung càng cao
  3. AI là thuật ngữ chỉ trí tuệ nhân tạo, là một dạng trí thông minh do con người lập trình với mục đích biến mọi cỗ máy vô tri vô giác trở nên thấu hiểu và hoạt động giống cách con người sử dụng chúng. Trí tuệ nhân tạo mang tới bước tiến hoàn toàn mới cho máy móc, giúp chúng có khả năng tự học tập, suy nghĩ và phục vụ con người. Với sự tích hợp vào chip xử lý trên smartphone, AI tạo cơ sở giải quyết mọi tác vụ mà không cần đến Internet, nó hệt như một bộ xử lý riêng biệt gắn cùng chip hệ thống nhưng sở hữu sức mạnh tính toán siêu nhanh, dễ dàng xử lý các tác vụ phức tạp hơn ví dụ nhận diện giọng nói, khuôn mặt người dùng, dịch ngôn ngữ hay tìm kiếm thông tin.


    Ví dụ: chip A11 Bionic trên iPhone X tích hợp thêm chip Neural Engine còn hỗ trợ thuật toán máy học và mạng nơ-ron, cho phép hệ thống Face ID phân tích, nhận diện gương mặt nhanh và chính xác được tới 600 tỷ lệnh/giây. Chưa hết, chip AI còn tự học và cải thiện khả năng đọc khuôn mặt qua từng ngày. Không chỉ có thương hiệu nổi tiếng Táo Khuyết làm được điều đó vì Huawei cũng có con chip Kirin 970 tích hợp AI cho phép máy có thể xử lý nhiều tác vụ nhận diện hình ảnh và giao tiếp bằng giọng nói. Hay thay vì AI trong những tác vụ trên thì OPPO lại chọn tích hợp AI cho camera trên điện thoại của mình, cho phép tạo ra những bức ảnh selfie chân thực hơn.


    Hầu như các hãng điện thoại lớn hiện nay đều đã có động thái sử dụng AI. Một số điển hình phải kể đến chính là iPhone X, Pixel 2, Galaxy S9… AI trên iPhone X hỗ trợ tính năng Face ID hay Animoji một cách tối ưu, thì với Pixel 2, AI mang lại sự tuyệt vời trong trải nghiệm chụp ảnh xóa phông mà không cần camera kép. Một số hãng sản xuất tầm trung như ASUS cũng tích hợp trí tuệ nhân tạo AI cho chiếc Zenfone 5 của mình. Mẫu smartphone này sở hữu nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI, gồm AI Boost (tự tăng tối đa hiệu năng khi chơi game), AI Photography (tự học hỏi thói quen chỉnh sửa ảnh, chụp chân dung của người dùng để cải thiện camera), AI Display (luôn mở khi bạn nhìn vào và tự động điều chỉnh nhiệt độ màu theo môi trường) và thậm chí cả AI Ringtone (tự động điều chỉnh âm lượng loa theo mức độ ồn ào của môi trường xung quanh).


    Trí tuệ nhân tạo AI trên điện thoại sẽ mang đến những trải nghiệm hoàn hảo hơn cho người dùng công nghệ. Và chắc chắn, đây sẽ là xu thế cho những phiên bản smartphone sau này hướng tới.

    AI được tích hợp nhiều trong các smartphone 2018
    AI được tích hợp nhiều trong các smartphone 2018
  4. Gần đây, kính đã trở thành lựa chọn tối thượng cho các mẫu smartphone cao cấp và xu hướng này thậm chí còn tiếp tục mở rộng hơn trong năm nay. Nếu để ý bạn sẽ thấy hầu hết smartphone cao cấp ra mắt năm 2018 sẽ có mặt lưng bằng kính. Nokia 8 Sirocco, bộ đôi Galaxy S9 của Samsung, Xperia XZ2 của Sony, Blade V9 của ZTE và Zenfone 5 của Asus đều có mặt lưng kính. Năm ngoái, V30 của LG và Mate 10/Mate 10 Pro của Huawei đã sử dụng kính và dự kiến các công ty này sẽ tiếp tục trình làng smartphone với mặt lưng kính trong năm nay.


    Kính đẹp, chắc chắn rồi, nhưng nó cũng dễ vỡ hơn so với nhôm. Vậy tại sao nó lại trở nên phổ biến và xuất hiện trên mọi mẫu smartphone cao cấp?

    • Đầu tiên, kính mang lại vẻ ngoài bóng bẩy và cầm chiếc smartphone nặng hơn cũng mang lại cảm giác sang trọng cho người dùng. Chắc chắn là ai cũng muốn thiết bị của họ tạo ra cảm giác sang trọng, nhất là khi họ bỏ cả 1.000 USD ra để mua chúng.
    • Lý do thứ hai là vấn đề công nghệ. Kính được dùng thay cho nhôm bởi nhôm không tương thích với sạc không dây, một trong những tính năng hút khách của smartphone cao cấp. Sử dụng kính cũng giúp sóng WiFi, LTE và Bluetooth mạnh hơn mà không cần dải ăng-ten vướng mắt trên khung máy.
    • Cuối cùng, quan trọng hơn cả, các hãng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nếu bạn làm vỡ kính. Nếu không mua gói dịch vụ AppleCare+, bạn sẽ phải trả tới 549 USD cho Apple khi thay kính mặt lưng của iPhone X và 279 USD cho kính mặt trước. Và nếu thay kính mặt lưng cho iPhone 8 và 8 Plus bạn sẽ mất 349 USD và 399 USD tương ứng (không có AppleCare+). Trong khi đó, Samsung thu 199 USD cho dịch vụ thay kính mặt trước và 75 USD cho kính mặt sau của S9 Plus.
    • Vì thế, nếu đang muốn mua một chiếc smartphone cao cấp trong năm 2018 bạn sẽ phải chấp nhận việc chúng có mặt lưng bằng kính dù bạn có thích hay không. Bên cạnh đó, hãy trang bị cho chiếc smartphone của mình một chiếc case để tránh mất một số tiền lớn cho việc thay kính.
    Mặt lưng kính đang là trào lưu của các flagship
    Mặt lưng kính đang là trào lưu của các flagship
  5. Google đang rất nỗ lực trong việc đưa điện thoại thông minh tiếp cận với nhiều người dùng hơn, và giải pháp hữu hiệu nhất là làm hệ điều hành Android nhẹ đi. Android One là sự lựa chọn được xem là tối ưu nhất hiện nay khi hệ điều hành tùy chỉnh này có rất nhiều lợi ích. Trên thực tế thì đã có khá nhiều smartphone chạy Android xuất hiện trên thị trường và nhận được những phản hồi tích cực.


    Chạy mượt là yêu cầu đầu tiên của những người dùng smartphone. Và thật tuyệt vời là những chiếc điện thoại Android One hiện nay đều chạy mượt. Có hai lý do của điều này, một là Google đã tùy biến để Android One nhẹ hơn và lý do thứ hai là Google cũng kiểm tra về hiệu năng các smartphone tham gia chương trình Android One. Ngoài ra, bản thân Android One dựa trên nền giao diện gốc, do đó giao diện thuần Google rất nhẹ và cũng không đòi hỏi quá nhiều tài nguyên.


    Tất cả điện thoại Android One hiện nay đều có giá bán rất tốt. Tuy không phải smartphone Android One nào cũng thuộc phân khúc giá rẻ nhưng khi so với các sản phẩm trong tầm giá, điện thoại Android One thường có thông số kỹ thuật tốt hơn, về cả cấu hình lẫn camera. Có giả thuyết là Google trợ giá cho những sản phẩm tham gia chương trình Android One. Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa thì việc điện thoại Android One giá tốt cũng giúp cho nó dễ tiếp cận với người dùng hơn.


    Một trong những điều mà người dùng Android ghen tị với iOS là điện thoại Android rất ít khi được cập nhật và thời gian cập nhật hệ điều hành mới rất lâu. Thế nhưng nếu dùng máy Android One thì bạn lại luôn được hưởng niềm vui khi liên tục được cập nhật Android mới. Ngay sau khi Google phát hành một bản Android thì điện thoại chạy Android One sẽ có bản cập nhật. Hiện tại tất cả các máy Android One đều đang chạy trên nền Android 8.1 Oreo mới nhất. Thậm chí bạn còn có thể trải nghiệm sớm hệ điều hành Android 9 Beta trên một số máy Android One.


    Không chỉ cập nhật sớm, các máy Android One đều được cam kết sẽ được hỗ trợ update phần mềm trong ít nhất 2 năm kể từ khi ra mắt. Đây là một điều quan trọng khi điện thoại của bạn sẽ thường xuyên nhận được các bản cập nhật vá lỗi, các tính năng mới để hệ thống ổn định hơn. Một chiếc smartphone giá rẻ Android thông thường chỉ được hỗ trợ trong thời gian rất ngắn dưới 1 năm, thậm chí là không hỗ trợ về phần mềm. Do đó việc thường xuyên cập nhật và hỗ trợ lâu dài của Android One là điều mà người dùng những sản phẩm khác phải thèm muốn.

    Android One - phiên bản làm hài lòng người dùng
    Android One - phiên bản làm hài lòng người dùng
  6. Bảo mật sinh trắc học dường như đang tiến thêm một bước mới với cảm biến vân tay đặt phía dưới màn hình. Đây là cách tuyệt vời để giữ thiết kế màn hình tràn cạnh mà vẫn giữ thao tác mở khóa bằng vân tay ở mặt trước, qua đó tạo ra sự khác biệt và nâng cao sự tiện lợi.


    Huawei gần đây đã ra mắt Honor 10 với cảm biến siêu âm dưới lớp kính và vào đầu năm nay, Vivo đã giới thiệu chiếc X20 Plus với cảm biến vân tay đặt dưới màn hình. Những giải pháp này sẽ mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn và hạ thấp chi phí sản xuất khi chúng có thể được đặt ngay trên màn hình của các smartphone có thiết kế tràn viền, mà không phải cắt bỏ một phần không gian màn hình dành cho nó.


    Tuy nhiên, do sử dụng các cảm biến quang học dưới màn hình hoặc dưới lớp kính để nhận diện dấu vân tay, tốc độ nhận diện vân tay chậm hơn rõ rệt so với các đầu đọc vân tay thông thường, vốn sử dụng cảm biến điện dung. Đây có thể là lý do vì sao Samsung từ chối trang bị các loại cảm biến vân tay này cho những chiếc flagship của họ, như Samsung Galaxy S9, S9 Plus.

    Khi cảm biến vân tay ... chìm trong màn hình
    Khi cảm biến vân tay ... chìm trong màn hình
  7. Apple vừa ra mắt iPad Pro mới, với thay đổi lớn nhất không chỉ là thiết kế mà còn là việc chuyển từ cổng lightning sang USB-C. Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp máy tính và smartphone đã chứng kiến sự trỗi dậy của các cổng kết nối USB-C hay còn gọi là USB Type-C . Universal Serial Bus hay còn gọi là USB, được đặt ra để chuẩn hóa các cổng và đầu nối, với mục đích là để giúp kết nối giữa các thiết bị với nhau. USB Type-C hay còn gọi là USB-C là một sự tiến hóa của USB, thay đổi từ thiết kế đến tính năng truyền dữ liệu.


    USB-C có thiết kế hai mặt giống nhau, do đó người dùng không còn phải lo ngại cắm chiều nào mới chính xác như USB truyền thống. Thiết kế này giống với kết nối lightning của Apple, do đó rất tiện lợi. Về mặt kỹ thuật, USB-C có thể truyền dữ liệu, sạc pin, xuất tín hiệu video và âm thanh, truyền tín hiệu mạng ethernet. USB-C cũng hỗ trợ hai chiều, nghĩa là bạn có thể sạc pin cho smartphone từ laptop. Hay như iPad Pro mới của Apple cũng có thể dùng để sạc cho iPhone.


    Một ưu điểm khác của USB Type-C là khả năng hỗ trợ chuyển đổi kết nối với các thiết bị khác. Chính vì ưu điểm này mà trên phiên bản Macbook 2015, Apple đã không ngần ngại loại bỏ 5 cổng kết nối bao gồm HDMI, VGA, USB, DisplayPort và cổng sạc và chỉ trang bị duy nhất 1 cổng USB Type-C. Tuy nhiên, do các thiết bị hỗ trợ chuẩn kết nối này chưa nhiều nên người dùng sẽ cần phải trang bị thêm một số phụ kiện dongle để chuyển đổi kết nối với nhiều thiết bị tương thích của họ (ví dụ như một màn hình HDMI hoặc một thiết bị phiên bản USB cũ). Điều này sẽ được khắc phục sớm khi USB-Type-C trở nên phổ biến hơn trên các sản phẩm công nghệ. Mới đây, hai mẫu smartphone cao cấp mới của Microsoft là Lumia 950 và 950 XL đã được trang bị một tính năng rất thú vị có tên gọi là Windows Continuum, cho phép chúng kết nối với phụ kiện Microsoft Display Dock qua cổng USB Type-C, từ đó phóng to các ứng dụng Windows như Word, Excel và Microsoft Edge lên trên màn hình ngoài.

    Apple sử dụng USB - Type C cho các mẫu iPad Pro mới
    Apple sử dụng USB - Type C cho các mẫu iPad Pro mới
  8. Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với cụm từ “sạc nhanh” trong năm 2018. Khi thời gian dùng pin chưa thể cải thiện nhiều, sạc nhanh giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng cho máy trong cuộc sống bận rộn, không thể thiếu smartphone như hiện nay. Sạc nhanh là công nghệ rút ngắn thời gian sạc pin điện thoại bằng cách tăng lượng điện nạp vào máy. Tiêu chuẩn cổng USB cơ bản chỉ truyền dòng điện 0.5A ở điện áp 5V, tức công suất là 2.5W, sạc nhanh giúp tăng những con số này. Ví dụ, SuperCharge của Huawei cho công suất 5V/5A (25W), Adaptive Fast Charging của Samsung là 9V/1.7A (15W).


    Không còn bị giới hạn ở các dòng flagship, rất nhiều điện thoại thông minh giá rẻ và tầm trung như Nokia 6.1 Plus và Motorola One Power giờ đây cũng có tính năng hỗ trợ sạc nhanh. Ngoài Quick Charge của Qualcomm, nhiều OEM đã giới thiệu các tiêu chuẩn sạc nhanh độc quyền của riêng họ.


    Hệ thống Sạc VOOC Flash của OPPO có thể sạc pin từ 0 đến 75% chỉ trong 30 phút. Tương tự, OnePlus đã giới thiệu công nghệ Warp Charge 30 với phiên bản OnePlus 6T McLaren mới ra mắt gần đây, hứa hẹn có thể sạc từ 0 đến 50% chỉ trong 20 phút.


    Sạc nhanh tận dụng giai đoạn đầu tiên, cố gắng bơm càng nhiều pin vào máy càng tốt trước khi điện áp đạt đỉnh. Điều đó khiến sạc nhanh chỉ phát huy tác dụng nếu cắm sạc lúc pin còn ít (chưa đầy 50%), còn khi pin vẫn nhiều (khoảng 70-80%) mà cắm sạc thì sạc nhanh hầu như không có tác dụng. Giai đoạn dòng điện không đổi cũng là thời gian ít ảnh hưởng đến tuổi thọ pin nhất. Khi điện áp đạt đỉnh và giữ nguyên, kết hợp nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến pin về lâu dài.

    Lượng điện áp và dòng điện truyền tới pin được quản lý thông qua mạch điều khiển sạc trong điện thoại. Cùng với cảm biến nhiệt độ và điện áp, bộ điều khiển có thể quản lý dòng điện để tối ưu tốc độ sạc nhưng vẫn đảm bảo tuổi thọ pin.

    Sạc nhanh không còn là cái gì đó chỉ của smartphone cao cấp
    Sạc nhanh không còn là cái gì đó chỉ của smartphone cao cấp
  9. Xu hướng smartphone nhiều camera đang dần trở nên nóng hổi khi ngày càng nhiều nhà sản xuất sẵn sàng bố trí hai, ba thậm chí bốn ống kính phía sau lưng máy để nâng cao khả năng chụp ảnh của smartphone. Rõ ràng, các nhà sản xuất đã không ngần ngại trang bị cùng lúc nhiều camera cho smartphone với nhiều mục tiêu khác nhau để nâng cao tính cạnh tranh theo cách của riêng mình. Và một khi người người, nhà nhà đều trang bị camera kép… thì một số nhà sản xuất có đủ tiềm lực lại tìm cách vượt lên bằng cách trang bị nhiều ống kính hơn nữa để tăng độ linh hoạt cũng như nâng chất cho máy ảnh trên smartphone.


    Một trong những smartphone đầu tiên được trang bị đến 3 camera sau có thể kể đến chiếc Huawei P20 Pro với nỗ lực cải thiện khả năng chụp ảnh với bộ ba camera 40MP, 20MP và 8MP. Sự ra đời của P20 Pro là minh họa cụ thể cho các thức một hệ thống nhiều camera làm việc cũng nhau để tạo ra kết quả thú vị. Đó chính là khả năng cải thiện chất lượng ảnh chụp nhờ sự kết hợp giữa cảm biến đơn sắc và cảm biến màu đồng hành cùng khả năng tạo ra ảnh chụp độ phân giải cao để mang lại hiệu ứng thu phóng với chất lượng ảnh được đảm bảo.


    Không chỉ giúp tạo ra các bức ảnh chụp độ phân giải cao, hệ thống nhiều camera trên smartphone sẽ mang đến khả năng chụp ảnh linh hoạt hơn. Chiếc Galaxy A9 2018 (A9s) thậm chí có đến 4 camera sau, nhỉnh hơn Galaxy A7 2018 về khả năng zoom quang 2x nhờ được bổ sung thêm cảm biến 10MP với ống kính télé…


    Ảnh độ chi tiết cao, khả năng zoom quang và hỗ trợ chụp ảnh xóa phông là một trong những yêu cầu quan trọng của đối với khả năng ghi hình của smartphone hiện đại và công nghệ nhiều camera có thể đạt được tất cả những mục tiêu này.

    Thay vì sử dụng từng camera riêng biệt, việc kết hợp nhiều camera trên một smartphone mang đến khả năng chụp ảnh linh hoạt và tiên tiến có thể sẽ là tương lai của nhiếp ảnh trên điện thoại di động. Không dừng lại ở đó, hệ thống nhiều camera cũng hứa hẹn có thể đáp ứng nhiều chức năng khác như cải thiện khả năng nhận dạng khuôn mặt, khung cảnh hay phục vụ tốt hơn công nghệ thực tế tăng cường AR…

    Smartphone càng ngày càng nhiều camera
    Smartphone càng ngày càng nhiều camera
  10. Vị thế thống trị của Apple, Samsung chưa bao giờ bị đe dọa mạnh mẽ đến thế, khi các hãng sản xuất Trung Quốc tung ra các sản phẩm vừa rẻ vừa đầy sáng tạo. Một tín hiệu đáng ngại cho những gã khổng lồ - những người đã bóp nghẹt thị trường điện thoại trị giá 500 tỷ USD trong nhiều năm qua, Huawei Technology của Trung Quốc đã đánh bại Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới. Giờ đây, họ đặt mục tiêu giành lấy vị trí số một của Samsung. Đó là chưa kể, hàng loạt nhà sản xuất khác cũng đang đuổi gấp rút phía sau như: Oppo, Xiaomi, Vivo…


    Một trong những thị trường tỷ dân tiềm năng nhất hiện nay là Ấn Độ đang chứng kiến làn sóng smartphone Trung Quốc ồ ạt. Các hãng điện thoại thông minh của Ấn Độ như Micromax, iBall và Intex đang dần biến mất trên thị trường smartphone. Các nhà sản xuất Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng nhanh chóng của các OEM Trung Quốc, đặc biệt là Xiaomi, Realme và OPPO.

    Các thương hiệu Trung Quốc đang bùng nổ
    Các thương hiệu Trung Quốc đang bùng nổ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy