Bài soạn "Thứ tự kể trong văn tự sự" số 5
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
Về thứ tự kể lại câu chuyện, có hai cách cơ bản :
- Thứ nhất, có thể kể các sự vật liên tiếp nhau theo trình tự thời gian, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau, cho đến khi kết thúc câu chuyện (kể “xuôi”). .
- Thứ hai, có thể kể lại những sự việc vừa diễn ra, sau đó để cho nhân vật nhớ lại mà kể tiếp các việc đã xảy ra trước đó (kể “ngược”).
II - HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI
Câu 1. Sau khi tóm tắt lại các sự việc chính trong truyện ông lão đánh cá và con cá vàng, ta thấy câu chuyện được kể theo trình tự thời gian (kể “xuôi”). Hiệu quả nghệ thuật mà cách kể này mang lại là: Thứ tự gia tăng của lòng tham của mụ vợ ông lão đánh cá - có ý nghĩa phê phán rất rõ. Muốn thể hiện được sự gia tăng của lòng tham ấy, chỉ có thể kể theo trình tự thời gian. Đây cũng là đặc trưng chung về thứ tự kể của các truyện dân gian.
Câu 2. Câu chuyện Ngỗ bị chó cắn được kể theo thứ tự ngược (kể sự việc vừa diễn ra, trên cơ sở đó nhớ lại chuyện quá khứ ; nói cách khác bắt đầu từ hậu quả xấu (bị chó cắn mà không ai đến cứu) rồi ngược lên kể nguyên nhân (vì Ngỗ đã từng đánh lừa mọi người).
Kể theo thứ tự này có tác dụng nhấn mạnh, gây ấn tượng cho người đọc về một bài học nhớ đời, đó là: nói dối hại thân
III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Câu 1. Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi (SGK, trang 98, 99)
- Em đọc kĩ câu chuyện, chú ý xem các sự việc được kể theo trình tự thời gian (trình tự xuôi) hay không theo trình tự thời gian (trình tự ngược), (kể theo dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi”)
- Muốn biết truyện được kể theo ngôi nào, em đọc lại và cho biết: Người kể tự xưng là tôi, vậy đại từ tôi thuộc ngôi thứ mấy? (ngôi thứ nhất)
- Yếu tố hồi tưởng (sự hồi tưởng, nhớ lại của nhân vật “tôi”) trong truyện có tác dụng gì đối với thứ tự kể ? (Là yếu tố có tác dụng làm cơ sở cho việc kể ngược, kể theo thứ tự ngược.)
Câu 2. Tìm hiểu đề và lập dàn bài cho đề văn: “Kể câu chuyện lần đầu em được đi chơi xa”.
SGK đã gợi ý tìm hiểu đề, tìm ý, sắp xếp ý và đã phác qua trình tự kể câu chuyện. Dựa vào phần gợi ý này, em suy nghĩ, nhớ lại, tái hiện chuyến đi chơi xa đầu tiên của mình. Trên cơ sở đó, em lập dàn bài (dự định mở đầu như thế nào, kể chuyện như thế nào (việc gì kể trước, việc gì kể sau) và kết thúc ra sao). Dàn bài mà em lập được cần cụ thể hơn, chi tiết hơn, ý phong phú hơn so với dàn bài sơ lược gợi ý trong SGK.