Bài văn phân tích bài thơ "Khi con tu tú" của Tố Hữu số 9

Tự do, vốn là khao khát của con người, từ xưa đến nay vốn thế. Nó tha thiết và thiêng liêng. Tuy nhiên, quan niệm về tự do thì mỗi thời một khác. Cái khác ấy ớ bài thơ Khi con tu hú là khao khát của một thế hệ mới – thế hệ những chàng trai vừa bước chân vào con đường tranh đấu để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, của một thời đại mới – thời đại mở ra từ Cách mạng tháng Mười năm 1917 ("Liên Xô nở trước đời tôi ba tuổi" – Hi vọng).


Tiếng gọi ấy lại vang vọng vào thơ, thơ của một thời Thơ mới (1932 – 1945) lại là cái khác thứ hai, lần này là về nghệ thuật. "Khi con tu hú" là điểm gặp gỡ giữa hai yếu tố nội dung và hình thức nói trên. Nó là đại diện cho nền thơ ca cách mạng những năm ba mươi của thế kỉ trước.


Vậy nên hiểu bài thơ như thế nào? Trả lời câu hỏi: nếu viết một câu văn xuôi mở đầu bằng cụm từ "Khi con tu hú" để tóm tắt nội dung bài thơ, có thể có hai cách viết: – Khi chim tu hú gọi bầy là khi mùa hè đến, người tù cách mạng (nhân vật trữ tình) càng cảm thấy ngột ngạt trong phòng giam chật chội, càng thèm khát cháy bỏng một cuộc sống tự do tưng bừng ở bên ngoài.


Tên bài thơ đã gợi mở mạch cảm xúc của bài thơ. – Khi chim tu hú gọi bầy, người tù cách mạng – chủ thể trữ tình, với một tâm hồn trẻ trung vốn gắn bó với phong trào, với đồng chí, bè bạn giữa cuộc đời đấu tranh cao rộng nay bị giam cẩm cháy lên một nồi nhớ không nguôi.


Nỗi nhớ ấy hướng về tự do. Nó trở thành một niềm khao khát. Giữa hai cách diễn đạt này, nên chăng chọn cách thứ hai? Bởi nó trình bày đúng hơn, khách quan hơn mạch cảm xúc, nền cảm xúc của bài thơ, nghĩa là cơ sở tinh thần của những khao khát tự do ấy. Trên định hướng đúng này, ta đi vào phân tích bài thơ. Bài thơ có mười câu, đã dành sáu câu cho đoạn thứ nhất:


"Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…"


Đây là cảnh mùa hè tiêu biểu ở các làng quê. Nhưng bức tranh hiện thực ấy được mở ra bằng hai lớp: lắng nghe và hồi tưởng, hiện tại và quá khứ, cái đang tới và cái đã qua. Cái hôm nay – cái bây giờ mà nhà thơ đã nghe là tiếng chim tu hú, một sự lắng nghe bất chợt sau một thời gian bị xiềng xích trong tù ("Khi con tu hú gọi bầy"). Cái cảm giác đột nhiên ấy – sở dĩ là đột nhiên, vì nó xuất hiện trong một khối cánh không gian đặc biệt: hiếm khi có âm thanh cuộc sống vọng vào.


Cảm giác này phải chăng giống với tâm trạng của tác giả Nhật kí trong tù khi nghe tiếng sáo ("Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu"). Nó lạ lẫm và khơi gợi vô cùng. Tu hú gọi bầy là mùa hè đã đến. Nhưng nó đến như thế nào thì tác giả không nhìn thấy. Vốn sống, sự gắn bó với mọi làng quê đã được huy động để thay vào.


Lấp đầy cái khoảng trống bị vây bọc bởi bốn bức tường xà lim lạnh lẽo là sự tưởng tượng của nhà thơ mà người đọc không cảm thấy có một chút gì khiên cưỡng, gò ép. Mạch thơ vẫn hết sức tự nhiên như không có một sự lắp ghép cố tình nào. Hãy đọc lại:


"Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần."


Hai câu thơ, và rồi bốn câu tiếp như một tác động dây chuyền: cứ tiếng chim xuất hiện là mùa màng, cây trái đến theo. Sự hô – ứng ấy bao đời vẫn thế bởi đó là quy luật của tự nhiên. Tiếng chim gọi bầy mà cũng là tiếng chim gọi mùa chính là vì thế. Nó lập tức xôn xao. Nó va đụng vào lòng người nao nức lắm.


Cần chú ý hai trạng thái chín của lúa và ngọt của cây: đang chín, ngọt dần. Nếu thay vào đã chín, ngọt rồi, câu thơ sẽ khác, sẽ ở vào thế tĩnh, đông cứng lại ngay. Còn ở dây tả chim mà như nó đang bay, tả hoa mà như nó chớm nở, nó mỉm cười thì ấy là cái động của thơ, của họa.


Cái động ấy ở đây là do tài của nhà thơ, nhưng cũng là do tình của nhà thơ thân mến nó. Nghe một tiếng chim kêu mà thấy mạch sống của cây, của lúa sinh sôi, đang rạo rực thân cành thì chỉ có thể ở những con người yêu thương cuộc đời, yêu thương sự sống đến mức thắt lòng. Từ đó mà tưởng tượng nảy sinh. Ấy là chưa nói đến ưu thế uyển chuyển, nhịp nhàng, giàu khả năng diễn đạt tâm tình của thơ lục bát.


Thơ lục bát vừa có hình thức cố định lại vô cùng biến hoá. Chẳng hạn trong bốn câu thơ đầu, nếu lấy tiêu chí giác quan mà nhìn vào kết cấu thì ta thấy mỗi cặp câu 6/8 có đủ cả thính giác và thị giác, từng đôi một, tạo cảm giác âm thanh giục giã mùa màng bước vào ngày hội:


"Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào."


Nếu bốn câu thơ đầu là bốn câu thơ đẹp, nó nói được cái ríu rít của mùa hè, của cây trái xum xuê thì hai câu sau tưởng như không ăn nhập gì với không khí ấy bởi nó nói đến những con diều sáo, một sắc trời xanh. Nguyễn Trãi xưa vì mừng thấy dân khắp nơi "giàu đủ" mà nghĩ đến cây đàn của vua Thuấn. Cây đàn với bát cơm, tấm áo trên một phương diện nào đó là khá xa nhau, nhưng thực thì chúng lại rất gần nhau, ở cảnh thanh bình, hạnh phúc.


Vậy thì hai câu "Trời xanh càng rộng càng cao – Đôi con diều sáo lộn nhào từng không" phải chăng là những âm thanh vút cao lên từ một giai điệu bè trầm là bốn câu trước đó. Để cắt nghĩa vì sao bức tranh nông thôn hiện ra trong thơ rất thực và rất đẹp, ta nghĩ đến hai điều: bản thân cảnh nông thôn, nhất là vào dịp mùa màng là rất đẹp, nó gợi cái ấm, cái no của người cày cuốc một nắng hai sương.


Song điều thứ hai, trong trường hợp bài thơ này, mới là quan trọng: nhà thơ chiến sĩ bị giam cầm vì yêu nó, đang mơ thấy nó, thấy nó như đang ở tầm tay. Yêu nó, không được gần mà nhớ đã dành (đã bao lần ở trong tù, người thanh niên ấy đã nhớ người, nhớ đồng?), cái chính là: bức tranh ấy là bức tranh tự do, thứ tự do vừa lớn lao vừa bình dị như một chân lí đơn sơ.


Để vừa miêu tả (ngoại cảnh) vừa diễn tả (tâm cảnh, tâm trạng), với một độ hấp dẫn đến xúc động lòng người, Tố Hữu đã huy động cả thành tựu của thơ dân gian (thể lục bát của ca dao), cả thành tựu của thơ mới. Riêng về ảnh hưởng của thơ mới, thành công của Tố Hữu ở đây trước hết là biết phát huy mạnh mẽ "cái tôi" nội cảm, "cái tôi" của cảm xúc dồi dào, của sức tưởng tượng phong phú.


Sáu câu đầu giống như một bản nhạc say sưa, nó vừa thể hiện bằng ngôn từ, vừa thể hiện từ một đời sống bên trong của nó. Ngay câu thơ đầu thôi, cái nguyên cớ, cái nguồn cơn để từ đó cảm xúc trào dâng giống như một giây phút "chạnh lòng" (tên một bài thơ của Thế Lữ).


Một âm thanh nhỏ của cuộc đời mấy ai để ý mà với Tố Hữu, tiếng "gọi bầy" ấy có sức gợi rất lớn, sức gợi tức thời. Sự nhạy cảm ở đây là của thơ nói chung, trước hết là của thơ mới. Đọc Khi con tu hú, ta có cảm giác nó vừa là ca dao, vừa không phải là ca dao chính bởi sự kết hợp của hai thành tựu vừa nêu. Bài thơ có thể chia làm hai đoạn. Đoạn một gần như tả cảnh (nói gần như vì đó là một bức tranh gián tiếp) còn đoạn hai bộc lộ tâm tình, ít ra là trên những dấu hiệu hình thức của lời thơ:


"Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!"


Trong phần phân tích đoạn một, chúng ta có nêu một hiện tượng: quy luật dây chuyền, cảnh này gọi cảnh khác. Trên cấp độ lớn hơn, xét cả kết cấu bài thơ thì đoạn hai chính là do tác động dây chuyền của đoạn một. Dấu hiệu của tác động dây chuyển này là từ hè ("Ta nghe hè dậy bên lòng"). Không có cái mùa hè tốt tươi, bay lượn ấy thì có lẽ cái phòng giam vẫn cứ chỉ là phòng giam, một thứ phòng giam không tạo ra phản cảm.


Bởi biết đâu người chiến sĩ sẽ phải chung sống với nó suốt đời? Ta mới hiểu tác động dây chuyền, sự đánh thức một tiềm năng cảm nghĩ ở nhà thơ mạnh mẽ đến chừng nào. Đạp tan phòng là mạnh mẽ, còn hè ôi như một tiếng kêu thương cảm xót xa. Cấu trúc của câu tám này về tiết tấu cũng khá đặc biệt.


Thông thường nó được phổ vào hai vế tương đương 4/4. Còn ở dãy là 6/2. Nhịp 6 ấy cứ như một uất hận xung thiên, còn nhịp 2, sau khi sức mạnh tưởng chừng lớn lao không gì ngăn cản được đụng phải bức tường hiện hữu khô khan và lạnh lẽo, nó trở nên một tiếng kêu thương, một tiếng thở dài cay đắng. Ấy là cuộc đụng đầu giữa ý chí chủ quan và hoàn cảnh khách quan của người thua cuộc.


Nhưng thua cuộc chỉ là nhất thời, tạm thời. Cuộc vật lộn trong tâm trí của nhà thơ vẫn còn tiếp diễn. Không những dai dẳng, cường độ của nó không giảm đi mà còn tăng lên. Biết làm thế nào chiến thắng được hoàn cảnh, chiến thắng được bản thân khi lực lượng giao tranh không hề ngang sức. Nhịp thơ 3/3 ở câu "Ngột làm sao, chết uất thôi" diễn tả sự giằng co. Nhưng nó lại nghiêng về phía chủ thể người tù.


Chính vì vậy ý thơ đã được nâng cấp nhưng vẫn bế tắc. Thế là, tiếng gọi của tự do thì vẫn tự do lên tiếng một cách vô tư, còn con người khao khát nó vần bị mất tự do, vẫn đang bị cầm tù. Cặp thơ lục bát song đôi cuối cùng mới như một niềm khắc khoải, bởi xung đột tinh thần ở nhà thơ đã đạt đến mức cao trào. Một cái gì đó sẽ phải xảy ra nhằm giải thoát một hoàn cảnh không thể dung hòa giữa nhà thơ với cảnh đời tù ngục.


Tiếng chim tu hú, tiếng gọi của tự do ấm áp làm sao, mà cũng nóng bỏng làm sao. Nó đang cháy lên một nỗi niềm khao khát. Từ tiếng gọi mùa đến tiếng kêu thúc giục con người hành động, bài thơ vận hành theo hướng đi từ bóng tối tù ngục đến ánh sáng của tự do.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy