Bài văn phân tích bài thơ "Lượm" của Tố Hữu số 5

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, toàn thể nhân dân Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp. Trong không khí đấu tranh sục sôi ấy, mọi tầng lớp nhân dân từ đàn ông, đàn bà, ngay cả những đứa trẻ chỉ mới mười bốn, mười lăm tuổi cũng tham gia vào công tác cách mạng. Hình ảnh của những chú bé liên lạc được nhà thơ Tố Hữu tái hiện một cách sống động trong bài thơ Lượm.


Bài thơ Lượm được tác giả Tố Hữu sáng tác năm 1949, đây là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn gay cấn, khốc liệt. Hình ảnh của những chú bé liên lạc đã gây xúc động mạnh mẽ đối với nhà thơ, và đây cũng chính là nguồn cảm hứng để Tố Hữu sáng tác bài thơ Lượm:


“Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú cháu

Gặp nhau hàng bè”


Tố Hữu đã tái hiện lại khung cảnh gặp gỡ của mình với chú bé liên lạc. Đó là ngày Huế bị Pháp tấn công gây ra những thiệt hại nặng nề, Tố Hữu đã về lại Hà Nội để làm công tác kháng chiến, và ở đây nhà thơ đã gặp chú bé liên lạc,địa điểm của cuộc gặp gỡ cũng được nhà thơ nêu cụ thể, đó chính là Hàng Bè. Ở những câu thơ tiếp theo, Tố Hữu đã miêu tả hình ảnh của chú bé liên lạc, đó là hình ảnh cậu bé hồn nhiên, nhanh nhẹn:


“Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh”


Ấn tượng đầu tiên của nhà thơ về cậu bé liên lạc, đó chính là cậu bé chừng mười bốn,mười lăm tuổi, có dáng vẻ nhỏ bé, nhanh nhẹn “Chú bé loắt choắt”, sự nhanh nhẹn còn thể hiện trong hành động của đôi chân, lúc nào cũng thoăn thoắt, cái đầu nghênh nghênh. Ở độ tuổi của mình, chú bé toát lên vẻ ngây thơ, hồn nhiên, nghịch ngợm, thể hiện trong chiếc ca lô đội lệch, miệng hút sáo. Và trong cảm nhận của nhà thơ, cậu bé như một con chim nhỏ nhảy trên những cánh đồng vàng:


“Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng”


Không chỉ vậy, trong cuộc nói chuyện với tác giả, cậu bé còn nói về công việc liên lạc hết sức quan trọng mà cũng không kém phần hiểm nguy của mình. Tuy nhiên ở cậu bé lại toát lên sự hồn nhiên, lạc quan. Đưa tin liên lạc vô cùng nguy hiểm, bất cứ lúc nào cũng có thể bị giặc bắt, cũng có thể bị trúng đạn. Nhưng cậu bé lại thấy công việc của mình rất vui. Đồn Mang Cá là cứ điểm của quân giặc, một nơi nguy hiểm và đầy bạo tàn nhưng trong cái nhìn của cậu bé thì lại vui hơn ở nhà :


“Cháu đi liên lạc

Vui lắm chú à

Ở đồn Mang Cá

Thích hơn ở nhà”


Chú bé cảm thấy vui với công việc của mình, cũng không sợ những hiểm nguy mà công việc mang lại, đây không phải vì cậu bé quá hồn nhiên, không biết công việc của mình nguy hiểm như nào mà bởi tinh thần dũng cảm, kiên cường hơn người của người đội viên nhí. Ở cậu bé còn có vẻ hóm hỉnh, hài hước, trước khi đi làm nhiệm vụ, cậu bé đã chào tác giả và gọi đồng chí đầy đáng yêu, hài hước:


“Cháu cười híp mí

Má đỏ bồ quân

Thôi, chào đồng chí

Cháu đi xa dần”


Tính chất công việc hiểm nguy, trong một lần đưa tin khẩn của Cách mạng, Lượm đã bị viên đạn vô tình, tàn nhẫn của quân giặc làm nhuộm đỏ chiếc áo em mặc. Tác giả Tố Hữu đã thể hiện sự bàng hoàng xen lẫn sự đau đớn tột độ trước sự ra đi của cậu bé Lượm.


“Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi! Lượm ơi

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng máu tươi”


Bài thơ Lượm của Tố Hữu đã làm sáng lên hình ảnh của người anh hùng nhí tên Lượm, đó là một cậu bé liên lạc tuổi đời còn rất nhỏ nhưng tinh thần kiên cường, dũng cảm của em lại không thua kém một người lính cách mạng nào. Hình ảnh của em luôn hiện lên sự hồn nhiên, ngây thơ lạc quan yêu đời song cũng không kém phần xót xa, đau đớn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy