Bánh bác - Hoài Đức, Hà Nội
Bánh bác là loại bánh truyền thống nổi tiếng của người dân 2 làng Giang Xá và Lưu Xá. Bánh được miêu tả là có "nhị vàng, xen giữa cánh đỏ, cánh trắng". Đây là loại bánh thường được người dân làm nhân các dịp Tết, lễ hội và các ngày quan trọng khác trong năm. Tương truyền, trước đây bánh là loại đặc sản của người dân trong vùng dùng để tiến vua. Người xứ Đoài xưa có câu ca: "Dù ai chồng chán vợ chê. Ăn chiếc bánh bác lại về với nhau".
Bánh bác - cái tên xuất phát từ chính cách thức làm ra nó: bác qua chảo mỡ. Gọi là bánh bác bởi người Giang Xá nói chệch “bác” từ “rán, chiên”, thế nhưng bánh bác lại không hề giống bánh rán... Bánh bác gồm có ba lớp: Hai lớp bánh ngoài, một lớp nhân đỗ phía trong. Để làm ra được một “tày” bánh bác ngon, người lựa chọn rất kỹ nguyên liệu, từ gạo nếp cái hoa vàng, gấc, đỗ xanh, tới đường nâu, mỡ thăn lợn, thậm chí là lá chuối và chiếc lạt buộc bánh. Gạo nếp được ngâm 2 - 3 tiếng rồi đem xay cho thật mịn, dùng gấc trộn với nửa số bột để tạo màu sắc đỏ trắng đan xen.
Chiếc bánh bác được coi là hoàn hảo khi lớp bánh trắng và đỏ mỏng đều như nhau. Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ ủ bên trong lá chuối, bánh bác được cắt thành từng khoanh từ 2 - 3cm. Nhìn theo mặt cắt, chiếc bánh như một bông hoa với nhụy vàng, cánh trắng, cánh đỏ. Đẹp mắt là vậy, bánh bác với 3 lớp cuộn còn thể hiện ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho sự đoàn kết, hòa thuận... Bánh bác còn hấp dẫn bởi hương vị thơm bùi, hòa quyện giữa mùi thơm của gạo, mỡ, lá chuối và độ ngậy của đậu xanh… đem đến cho thực khách một dư vị đặc biệt.