Bức tường phía tây, Israel
Bức tường phía Tây (Western Wall) hay bức tường than khóc được vua Herod Echo xây dựng vào đầu thế kỷ I trước Công nguyên trên một đoạn đường của ngôi đền do vua Salomon dựng nên cách đó gần 3.000 năm. Đây vốn là một địa điểm tôn giáo linh thiêng và quan trọng của người Do Thái trên khắp thế giới, tọa lạc tại Đất Thánh Jerusalem (Israel). Dưới sự chỉ đạo của vua Herod Echo, bức tường trở thành một phần trong việc mở rộng đền thờ Do Thái thứ 2. Theo kinh Tanakh, đền thờ của vua Solomon được xây trên đỉnh Núi Đền vào thế kỷ thứ X trước công nguyên và bị quân Babylon tàn phá năm 586 trước Công nguyên.
Khoảng năm 19 trước Công nguyên, vị vua này bắt đầu một công trình vĩ đại tại Núi Đền. Ông cho mở rộng khu vực này thành một gò, hay một nền đất lớn. Sau trận chiến với quân La Mã, bức tường bị phá hủy và đến nay chỉ còn một đoạn tường thành ngắn. Ở thời điểm hiện tại, bức tường than khóc có những khối đá lớn đặt lên nhau, với mỗi tảng đá hình chữ nhật trọng lượng từ 2 - 8 tấn, được đẽo gọt tinh xảo và xếp ngay ngắn. Bức tường có tổng cộng 45 tầng đá xếp chồng lên nhau, gồm 28 tầng trên mặt đất và 17 tầng xây chôn dưới đất. Mỗi năm, nơi này tiếp đón hàng triệu tín đồ, du khách từ khắp nơi về hành hương. Đặc biệt với người Do Thái từ xưa tới nay đều rất tôn sùng bức tường, bởi với họ, đây không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là niềm tự hào dân tộc.