Canh khổ qua
Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng được người dân miền Nam nấu canh làm một món ăn trong mâm cỗ ngày Tết khác hẳn với phong tục của miền Bắc (miền Bắc ngày Tết không có món đó và khổ qua thường chỉ để xào hoặc nhồi thịt hấp). Đúng như tên gọi của nó món canh khổ qua có ý nghĩa là niềm hy vọng rằng những điều khó khăn, vất vả của năm cũ sẽ qua đi để năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi hơn. Mặc dù món canh khổ qua khá quen thuộc, tuy nhiên khi nó xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết thì nó lại trở nên ý nghĩa vô cùng, dường như có tô canh khổ qua nhồi thịt mọi người bỗng cảm thấy an tâm hơn rằng mọi điều không may của năm cũ đã qua, hy vọng năm mới mọi điều sẽ khác sẽ tốt đẹp hơn.
Đối với người miền Nam canh khổ qua có ý nghĩa riêng đó là món ăn tượng trưng cho niềm mong ước sẽ qua đi những cơ cực trong năm mới và mang về những may mắn và bình an. Mặc dù canh khổ qua đắng nhưng đối với người miền Nam, đó là đặc trưng của vùng miền họ, là nét văn hóa cần được giữ gìn, đồng thời còn có tác dụng giải ngán trong những ngày Tết. Món canh khổ qua được nấu từ những nguyên liệu chính là: Khổ qua tươi, thịt băm, xương hầm. Trái khổ qua tươi sau khi cạo bỏ ruột được nhồi thịt băm vào, sau đó cho vào canh xương nêm nếm gia vị rồi nấu.