Top 7 Địa danh nổi tiếng khi tới thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

  1. Top 1 Chùa Hiến
  2. Top 2 Văn miếu Xích Đằng
  3. Top 3 Chùa Chuông
  4. Top 4 Đền Trần
  5. Top 5 Đền Mây
  6. Top 6 Đền Mẫu
  7. Top 7 Hồ Bán Nguyệt

Top 7 Địa danh nổi tiếng khi tới thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên

Phuong Bui 1557 0 Báo lỗi

Hưng Yên là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hưng Yên cách Thủ đô Hà Nội 54 km về phía đông ... xem thêm...

  1. Top 1

    Chùa Hiến

    Theo lịch sử, Chùa Hiến Hưng Yên được xây dựng cuối thời Lý, đầu thời Trần, trùng tu thời Nguyễn, do Tô Hiến Thành - quan đại thần nhà Lý hưng công xây dựng. Kiến trúc Chùa Hiến Hưng Yên có bố cục kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thiên hương, thượng điện và ba mặt là hành lang. Giữa thượng điện là tượng Quan Âm Nam Hải ở thế ngồi, có tám đôi tay, bố trí đăng đối, trên đầu đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị Bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỷ 19. Việc thượng điện đặt ban thờ nổi bật tượng Quan âm cùng tứ vị Bồ tát thể hiện tâm lý sùng bái các vị thần có nhiều phép cứu giúp chúng sinh trên sông, biển. Đây là điểm khác biệt trong bố cục thờ tự của Chùa Hiến so với các chùa khác ở địa phương.


    Đặc biệt, Chùa Hiến có 2 tấm bia đá rất quý, lưu giữ tư liệu lịch sử về quá trình tụ cư của Phố Hiến xưa. Tấm bia thứ nhất “Thiên ứng tự - Tân tự trùng tu kí thạch bi” niên đại Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) ghi nhận “Phố Hiến là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương”, đây là căn cứ để các nhà nghiên cứu khẳng định sự ra đời của Phố Hiến. Tấm bia thứ hai “Thiên ứng tự - bi ký công đức tùy hỷ” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) ghi lại Phố Hiến lúc bấy giờ đã có 10 phường.


    Chùa Hiến còn nổi tiếng với cây nhãn Tổ hay còn gọi là cây nhãn Tiến, đã hơn 300 năm tuổi. Đây là cây nhãn đường phèn có dáng hình đẹp, mã lụa, quả to, cùi dày, hạt nhỏ, hương vị thơm ngon. Xưa kia, mỗi mùa nhãn chín, thường được chọn để dâng đức phật, cúng thần thành hoàng và để quan lại địa phương cung tiến nhà vua. Thân cây chính đã già cỗi, bọng ruỗng, bị đổ chỉ còn một nhánh. Nhánh cây này được chùa và người dân chung quanh đắp đất vun vào gốc, chăm sóc phát triển thành cây “hậu duệ”, hiện diện như một biểu tượng của đặc sản nhãn lồng Phố Hiến - Hưng Yên. Cây cao khoảng 5m, năm nào cũng cho quả thơm ngọt. Năm 1992, Chùa Hiến ở Hưng Yên đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đến năm 2012, Chùa Hiến được xác lập kỷ lục là ngôi chùa có cây nhãn tổ đầu tiên ở Việt Nam.


    Địa chỉ: Phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên.

    Chùa Hiến Hưng Yên
    Chùa Hiến Hưng Yên
    Cây nhãn tổ trong khuôn viên chùa Hiến Hưng Yên
    Cây nhãn tổ trong khuôn viên chùa Hiến Hưng Yên

  2. Top 2

    Văn miếu Xích Đằng

    Tọa lạc tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, Văn miếu Xích Đằng là điểm quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Xây dựng từ cuối thời Lê - thế kỷ 17 (khoảng năm 1701) và trải qua đợt trùng tu lớn vào năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20), Văn miếu Xích Đằng nay vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ. Khuôn viên Văn miếu rộng 6.000 m2, bao gồm các công trình kiến trúc tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai dải vũ, khu chính và khu tháp thờ. Tam quan Văn miếu xây dựng theo kiến trúc "chồng diêm hai tầng tám mái”. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn từ khi xây dựng và còn được lấy làm biểu tượng tỉnh Hưng Yên.


    Hai bên sân là lầu chuông và lầu khánh. Trong đó, lầu chuông treo quả chuông bằng đồng đúc năm 1804 còn lầu khánh mắc một chiếc khánh đá, dựng năm 1803. Phần tiếp theo là hai dải vũ, xây theo kiến trúc 5 gian, xưa kia là nơi các quan để cỗ kiệu, sửa soạn mũ áo trước khi vào lễ Khổng Tử. Ngày nay, nơi này trưng bày những hình ảnh về giáo dục và du lịch tỉnh.


    Địa chỉ: Thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.

    Văn miếu Xích Đằng
    Văn miếu Xích Đằng
    Văn miếu Xích Đằng
    Văn miếu Xích Đằng
  3. Top 3

    Chùa Chuông

    Chùa Chuông hay còn có tên gọi khác là Kim Chung Tự, nằm ở thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích phố Hiến xưa, từng được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV) và trải qua cuộc trung tu lớn vào thời năm 1707 tạo nên ngôi chùa hoàn chỉnh như ngày nay. Có thể thấy được nét cổ kính và những hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê rõ rệt trên cánh cổng và mái cổng Tam Quan.


    Bước vào cổng Tam quan bạn sẽ thấy con đường được lát đá xanh trải dài tới tận nhà Tiền đường, Thiên hương, Thượng điện. Ngay bên dưới là những bậc cầu thang dẫn tới cây cầu đá bắc qua ao “mắt rồng”. Cây cầu này được xây từ năm 1702. Hai bên ao trồng nhiều hoa súng. Phía mặt trước của chùa, con đường đá xanh dẫn vào tiền đường. Xung quanh sân là cây cối xanh tươi, thoáng mát, trong lành. Bước qua cánh cửa Tiền đường bạn sẽ thấy giữa sân một cây cột nhang cổ. Phía giữa là Thượng điện, hai bên là dãy hành lang với những pho tượng lớn nhỏ rất đẹp, nổi bật là 18 vị la hán.


    Nét đặc sắc của ngôi chùa cổ kính này là hệ thống các pho tượng Phật độc đáo được chế tác rất tinh xảo từ đất sét. Nổi bật là Bát bộ Kim Cương, 18 bức tượng La Hán, 4 bức tượng Bồ tát chạy dọc theo hai dãy hành lang. Các pho tượng đượctạo tác rất công phu, điêu luyện, mỗi pho tượng có một tư thế, dáng vẻ riêng và có biểu cảm khác nhau. Chùa Chuông Hưng Yên trải qua bao thời kỳ thăng trầm nhưng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, không hổ danh “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Nếu có một lần bạn ghé Hưng Yên đừng bỏ qua nơi này nhé.

    Địa chỉ: Thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên.

    Chùa Chuông
    Chùa Chuông
    Mặt tiền Chùa Chuông
    Mặt tiền Chùa Chuông
  4. Top 4

    Đền Trần

    Đền Trần tọa lạc trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, Thành phố Hưng Yên. Ngôi đền là nơi tôn thờ vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, với những chiến công vang dội, 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược vào thế kỷ XIII, tên tuổi của ông còn lưu danh tới muôn đời sau. Ngôi đền được khởi dựng từ sớm, trên mảnh đất có địa thế quân sự quan trọng, xưa kia là nơi Hưng Đạo Vương chọn làm cứ địa đóng quân trong thời kỳ chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, bởi nơi đây hội tụ của ba dòng sông, đó là sông Hồng, sông Châu Giang, sông Luộc.


    Trần Hưng Đạo sinh ngày 10/12/1228 trong một gia đình quý tộc thời Trần. Ông đã ba lần tham gia lãnh đạo quân và dân ta chống lại giặc Nguyên Mông xâm lược. Ông đã góp công lớn vào việc tổ chức lãnh đạo kháng chiến thắng lợi, khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân, đưa khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam lên một bước tiến. Trần Hưng Đạo là một anh hùng kiệt xuất của dân tộc, một thiên tài quân sự, một danh nhân văn hóa lớn, mà sự nghiệp của ông sống mãi với lịch sử của dân tộc.


    Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam gồm 3 tòa: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Từ ngoài vào là Nghi môn được xây dựng kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, gồm 3 cửa, cửa vòm cuốn, mái lợp ngói giả ống, trên có đắp 4 chữ ” Kiếm Khí Đấu Quang” có nghĩa là (Tinh thần yêu nước tỏa sáng), phía dưới đề “Trần Đại Vương Từ” (Đền Trần Đại Vương).Tòa Tiền tế gồm 5 gian, kết cấu gỗ theo kiểu "chồng rường đấu sen”, được chạm hình đầu rồng cách điệu, cột cái và cột quân được kê trên những chân bằng đá tạo cho di tích thêm phần uy linh và vững chắc. Tiếp đến là trung từ có lối kiến trúc bào trơn đóng bén, giữa tòa đặt một sập thờ chân quỳ dạ cá, sơn son thếp vàng, bốn mặt sập chạm lưỡng long chầu hổ phù, giữa chạm long mã chầu nguyệt. Tại đây đặt khám thờ Yết Kiêu và Dã Tượng là hai vị "trung quân ái quốc" thời Trần.


    Địa chỉ: Đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.

    Đền Trần
    Đền Trần
    Ban thờ Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn tại Đền Trần
    Ban thờ Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn tại Đền Trần
  5. Top 5

    Đền Mây

    Đền Mây nằm trong quần thể di tích Phố Hiến, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Xưa kia, đền Mây nằm cạnh bến đò Mây, ven sông Hồng, nay thuộc thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên. Đền Mây thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ thời 12 sứ quân (vua Mây). Có nhiều ghi chép cho rằng đền Mây được xây dựng từ thời nhà Đinh. Trải qua thời gian, đền Mây được trùng tu nhiều lần. Ngày nay ngôi đền vẫn mang đặc trưng kiến trúc thời Lê và thời Hậu Nguyễn.


    Đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam: Tiền tế, trung từ và hậu cung. Tiền tế có 3 gian, bên trong lưu các bức đại tự chạm khảm... Trung từ gồm 5 gian là nơi thờ 4 vị quan văn võ của vua Mây Phạm Bạch Hổ. Hậu cung gồm 3 gian với kết cấu đơn giản. Trong đền còn lưu giữ 27 pho tượng hầu hết là thời Lê. Hàng năm, lễ hội đền Mây được tổ chức ở hai thời điểm khác nhau. Từ ngày 8 - 16 tháng giêng là lễ hội kỉ niệm ngày sinh. Từ ngày 12 - 18 tháng 11 là lễ hội kỉ niệm ngày hóa của Phạm Bạch Hổ. Đây là dịp để thu hút khách thập phương và nhân dân trong vùng.


    Địa chỉ: Thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên.

    Bên trong Đền Mây
    Bên trong Đền Mây
    Đền Mây
    Đền Mây
  6. Top 6

    Đền Mẫu

    Tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên - đền Mẫu (hay còn được gọi là Hoa Dương Linh Từ) là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng của tỉnh Hưng Yên, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương. Đây là ngôi đền độc nhất vô nhị nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến, một di tích lịch sử không chỉ đẹp về địa thế, kiến trúc, cảnh quan mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của Phố Hiến xưa.


    Đền Mẫu toạ lạc trên một vùng đất rộng gần 3000m2, phía trước là hồ bán nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng. Đền thờ bà Dương Quý Phi của triều Tống Trung Hoa, đây là điểm khác biệt hiếm thấy trong các ngôi đền cổ của người Việt. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi lại Đền Mẫu được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông, năm 1279. Tuy đã qua các thời kì tu sửa nhưng khi đến Đền Mẫu, du khách vẫn được hưởng trọn vẹn vẻ lâu đời, cổ kính còn vương lại trên từng viên gạch, mái chùa hay những pho tượng.


    Du khách thập phương truyền tai nhau rằng khi đến Đền Mẫu xin duyên được duyên, xin điều lành thì ai nấy đều bình an, sức khỏe, công việc làm ăn đều thuận lợi. Đến lễ tại Đền Mẫu, ai cũng phải mang theo cái “tâm” trong sáng, hướng thiện, chớ tham lam, vị kỉ. Anh Dương Xuân Hưng, du khách đến từ Hải Phòng, chia sẻ: "Nhiều lần đi qua đây tôi cũng đều ghé thăm để thắp hương lên đức Thánh Mẫu. Sau khi hành lễ cảm thấy tâm trạng rất thoải mái, nhẹ nhàng. Đền có lối kiến trúc đẹp, bố cục và quanh cảnh của đền rất đẹp". Hàng năm, lễ hội Đền Mẫu ở Hưng Yên được tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về tham dự, chiêm bái, cầu mong những điều tốt lành, hạnh phúc. Phần tế lễ diễn ra long trọng với phần rước kiệu, còn phần hội có các trò chơi giân dan, hát chầu văn...


    Địa chỉ: Phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.

    Đền Mẫu
    Đền Mẫu
    Đền Mẫu
    Đền Mẫu
  7. Top 7

    Hồ Bán Nguyệt

    Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Hưng Yên, thì không thể không ghé đến hồ Bán Nguyệt. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên xưa nay là thắng cảnh thu hút khách du lịch. Bất cứ ai đến nơi đây đều mang trong mình ấn tượng sâu đậm về phong cảnh hữu tình, không gian thoáng đãng, cùng các lễ hội được tổ chức hàng năm. Vẻ đẹp của hồ Bán Nguyệt Hưng Yên cũng được thể hiện một cách chân thật và sống động trong từng lời văn, câu thơ qua bao tác phẩm văn học nghệ thuật tài hoa. Đến với hồ Bán Nguyệt Hưng Yên, du khách sẽ được vùng vẫy trong bầu không khí yên bình, trong lành, ghi lại những khuôn hình ấn tượng và đọng lại những cung bậc cảm xúc khó quên.


    Trong khu đô thị sầm uất, hồ Bán Nguyệt như một vầng trăng khuyết đẹp lộng lẫy, với từng dòng nước trôi yên ả, không gian tĩnh lặng nằm giữa lòng Phố Hiến đã tạo nên một khung cảnh rất nên thơ. Hồ Bán Nguyệt là một khúc sông Hồng bỏ lại khi đổi dòng, dân gian ở đây đều ví hồ là mảnh gương của Hằng Nga đánh rơi xuống trần gian. Dù hồ không thông với đâu, nhưng quanh năm vẫn đầy ắp nước trong vắt. Một bên là phố phường tấp nập, đông người qua lại. Một bên là con đê sông Hồng chạy dài đến bờ đê trải thảm cỏ xanh mướt. Cảnh hồ mây lồng bóng nước, mặt hồ phẳng lặng, những hàng cây ven hồ cũng soi mình dưới mặt hồ trong xanh tựa như một tấm gương lớn lung linh.


    Địa chỉ: Phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên.

    Hồ Bán Nguyệt
    Hồ Bán Nguyệt
    Vẻ đẹp lung linh Hồ Bán Nguyệt về đêm
    Vẻ đẹp lung linh Hồ Bán Nguyệt về đêm



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy