Di tích lịch sử cây đa Tân Trào
Dưới bóng cây Đa của làng Tân Lập, chiều ngày 16 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 Đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội, Cây đa Tân Trào trước đây gồm hai cây mọc cách nhau khoảng 10m, người dân trong vùng quen gọi là "cây đa ông" và "cây đa bà". Theo thời gian và do ảnh hưởng của thời tiết, cây đa Tân Trào dần già cỗi, đến năm 2008 chỉ còn lại một nhánh nhỏ của "cây đa ông" và một cành duy nhất ở hướng đông bắc của "cây đa bà".
Sau nhiều năm chăm sóc và phục hồi, cây đa Tân Trào lịch sử đã dần sinh trưởng trở lại. Tại vết tạo sẹo trên cành cây duy nhất còn sống của “cây đa bà” đến nay đã phát triển thành hai cụm rễ, đường kính mỗi cụm rễ 80-90cm, diện tích tán lá rộng khoảng 30-40m2. Còn một nhánh nhỏ của "cây đa ông" đến nay cũng đã hồi sinh và phát triển thành cụm cây mới gồm 4 gốc xanh tốt.Việc cây đa Tân Trào lịch sử hồi sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đó không chỉ là biểu tượng cách mạng của Thủ đô khu giải phóng mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Địa chỉ: Tân Lập, Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang