Top 8 Sai lầm bạn nên tránh khi đi lễ chùa đầu năm
Vào những ngày đầu năm, đi chùa là một trong những quan niệm phổ biến với nhiều người Việt. Họ đến chùa với mong muốn cầu cho mình và người thân một năm mới ... xem thêm...bình an, cầu tài, cầu lộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những điều cần thiết và tránh kiêng kị khi đến chùa dịp đầu năm. Sau đây là những sai lầm lớn khi đi lễ chùa dịp đầu năm mà nhiều người mắc phải. Cùng Toplist.vn tham khảo để tránh mắc phải những sai lầm này nhé.
-
Hái lộc đầu năm
Theo quan niệm dân gian, vào đêm giao thừa hoặc sớm mùng 1 Tết, người dân nên đến chùa để hái lộc đầu năm, với ý nghĩa rước sự sinh sôi nảy nở, rước tài lộc, may mắn về nhà. Sau khi hái về, người dân có thể treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa bày ở nhà.
Tuy nhiên, đây là một hành động sai lầm đa số mọi người hay mắc phải khi đi lễ chùa đầu năm. Một mặt khi mọi người tự ý ngắt cây, bẻ cành ở nơi linh thiêng đã là một hành động không đẹp, chưa kể một số quan niệm rằng, đồ của chùa không được xâm phạm.
Mặt khác, dân gian quan niệm rằng, những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc vào cây cối, nhất là cây trong chùa vì chùa chiền là chốn linh thiêng. Vì vậy không nên hái cành lộc vào ngày Tết rồi đặt lên ban thờ. Khi mọi người mang những cành cây đó về nhà đầu năm, không mang lại may mắn mà có khi là rước "vận xui" về nhà. Những vong hồn vất vưởng ăn mày cửa chùa thường khó siêu thoát, nếu hữu duyên họ theo mọi người về nhà, bản thân gia chủ không biết hồi hướng, bố thí cho họ sẽ dẫn đến quấy phá, thậm chí những điều không may về sức khoẻ, tiền bạc.
Vì vậy, hái lộc đầu năm, mọi người cần tránh khi đến chùa chiền để tránh "rước hoạ vào thân". Hái lộc có rất nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt cây.Cụ thể, sau khi đi giao thừa hoặc đi viếng chùa, miếu đầu năm, người dân có thể mua vài cây mía, cành vàng lá ngọc hoặc một chậu cây nhỏ,… như là một hình thức hái lộc.
-
Cúng đồ mặn tại ban Đức Ông
Người ta thường thấy rằng một số chùa ở ban Phật thì cúng đồ chay. Tuy nhiên, ban của Đức Ông lại cúng đồ mặn, rượu thịt. Vậy quan niệm trên có đúng chính kiến hay không?
Nếu mà xét theo lịch sử Phật giáo thì Đức Ông chính là ngài Cấp Cô Độc, một vị cư sĩ Hộ Pháp rất lớn thời Đức Phật còn tại thế, có công lao rất lớn. Mọi người biết, ông Cấp Cô Độc đã hiến cả gia sản của mình, bao nhiêu tiền vàng để mua đất, mua vườn thượng uyển để cất tinh xá Kỳ Hoàn. Cho nên ngài Cấp Cô Độc xứng là một vị đại Hộ Pháp ở trong chùa.
Thường người bảo vệ thì trông mặt cũng phải dữ, cũng phải đỏ; tức là thể hiện nhiệt huyết, quyết liệt. Cho nên trông mặt Ngài cũng rất dữ, nghiêm. Như vậy mới hộ trì Phật Pháp.
Mọi người biết trong năm giới, thì có giới cấm uống rượu, Phật cấm uống rượu. Thế tại sao lại mang rượu đến cúng cho Ngài. Ngài là Phật tử thuận thành, Ngài cũng vào Thánh quả. Thế thì mọi người không thể đem rượu đến cúng Ngài, Ngài là Phật tử nên mọi người cúng đồ chay tịnh cũng rất hợp lý. Việc này là do mọi người hiểu lầm Đức Ông mặt đỏ là do rượu, cho nên cúng rượu, cúng thịt cho Ngài. Điều đó không đúng, Thầy mong tất cả các Phật tử từ này hiểu rõ điều này, mọi người không bày những đồ cúng lên ban Đức Ông vì không hợp đạo lý, không lợi ích.
Cho nên, mọi người thấy rằng quan niệm cúng đồ mặn, rượu thịt ở ban Đức Ông là không đúng và nên cúng đồ chay tịnh theo đúng tinh thần Phật giáo.
-
Dâng vàng mã, sớ giấy
Một sai lầm khác khi mọi người đi chùa hay mắc phải đó là dâng vàng mã, tiền giấy, sớ giấy tại chùa. Điều này xuất phát từ quan điểm "trần sao âm vậy" đi chùa cũng giống như đi xin làm thủ tục hành chính, phải có giấy tờ, tiền bạc để cho dễ làm việc. Tuy nhiên, đây là hành động đi ngược lại với giáo lý nhà Phật. Việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của Đạo Phật.
Mặt khác, Phật đã là bậc giác ngộ, Phật hay Bồ tát không cần giấy tiền, vàng mã của trần gian. Rõ ràng việc người còn sống đốt vàng mã chẳng khác nào luôn nghĩ rằng Phật hay Bồ tát vẫn còn trong cảnh giới khổ đau. Trong giáo lý nhà Phật không dạy như vậy. Chính vì thế, khi đến chùa, tất cả các Tăng ni, Phật tử đều giải thích cho người dân nếu có tâm thì chỉ cần hương hoa lễ Phật, làm việc thiện là đủ.
Ngoài ra, việc đốt vàng mã cũng khiến người dân tốn kém, ô nhiễm môi trường trong khuôn viên chùa. Như vậy, đi sai với lời dạy của Đức Phật về sự cần kiệm, khiêm tốn, sống ôn hoà với thiên nhiên. Vì vậy, khi mọi người đi chùa đầu năm, nên tránh thói quen này để việc đi chùa thực sự hoan hỷ, đúng pháp và tịnh tâm.
-
Vay lộc cửa chùa đầu năm để làm ăn may mắn
Trong dân gian có lưu truyền quan niệm: “Đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, người dân thường đến các đền, phủ, hay đi chùa để xin lộc dịp đầu xuân, năm mới và cầu mong kinh doanh phát đạt, buôn bán thành công. Rồi đến cuối năm, những người đã đi xin lộc sẽ đến để làm lễ tạ chư Phật, các vị thần linh đã phù hộ trong suốt năm qua.
Điều này trong Phật Pháp thì hoàn toàn mê tín. Các Ngài không có tiền cho mình vay. Tượng Phật, tượng các vị Thánh Hiền cũng thế, các Ngài là tượng. Mình có thấy Phật hiện ra để cho mình tiền vay đâu. Thế thì không cần đến ngân hàng nữa. Cho nên việc này không hợp lý, đi vay bằng tiền âm phủ, mang về đặt lên ban thờ. Đấy cũng không gọi là vay. Điều này là một quan niệm sai lầm, rất mê tín.
Theo Phật giáo, người mới tu học Phật pháp thì sẽ cầu nguyện. Người đã tu học theo Đức Phật sẽ phát nguyện, không chỉ cho bản thân mà còn vì những người xung quanh, cho chúng sinh, nhân loại, thế giới hoà bình. Việc đi chùa để "vay mượn tài lộc" là hoàn toàn sai lầm. Chùa là nơi tu học theo Đức Phật, là nơi để gạt bỏ cái "tham - sân - si" của con người chứ không phải là nơi nuôi dưỡng những tham lam, vay mượn như người trần gian.
Vì vậy, đây cũng là một sai lầm khá phổ biển khi nhiều người đến chùa chỉ để cầu xin tài lộc, thậm chí cá cược, vay mượn cho bản thân được giàu sang phú quý.
-
Đi cửa chính của chùa là có tội
Người dân Việt Nam thường có quan niệm, khi đến chùa mọi người không đi qua cửa giữa tức cửa trung, mà phải vào bằng cửa giả (bên phải), đi ra bằng cửa không (bên trái), nếu không sẽ phải tội.
Đây là quan niệm không đúng, nhiều chùa mở cả 3 cửa để Phật tử, du khách tham quan, đi lại. Không phải mọi người bước nhầm vào cửa này, cửa kia là mọi người có tội. Điều đó không đúng. Cửa chỉ để đi thôi, bản chất nó là như vậy. Không có vì nó mà làm cho mọi người có tội hay không có tội. Hay mọi người giẫm vào bậu cửa là có tội cũng không phải.
Tiếp nữa, đối với việc đi qua cổng chùa, dân gian xưa cho rằng cửa trung chỉ dành cho bậc Thiên tử, bậc cao Tăng, khoa bảng ra vào chùa cho nên ngày thường nhiều chùa không mở cửa giữa. Vậy muốn thành cao Tăng thì phải từ chú tiểu. Muốn đỗ đạt thì cũng phải là anh học sinh. Và mọi người đều sẽ là Phật tương lai. Cho nên chuyện mà đóng cửa giữa, chỉ cho đi hai cửa bên, điều đó hoàn toàn không hợp lý và cũng không đúng với giáo lý nhà Phật. Nhiều chùa mở hết cả ba cửa, không có bỏ cửa nào.
Cho nên, các Phật tử cứ thoải mái, vào chùa đi cửa nào cũng được, nhà chùa mở cửa nào thì mình đi cửa đấy. Còn nếu một số chùa quan niệm phải đóng cửa giữa thì mọi người đi cửa hai bên. Cũng không nhất thiết phải nhớ đi bên nào, bên trái hay bên phải. Việc này đối với Phật tử là mọi người rất thoải mái, không có hạn cuộc trong những quan niệm này.
-
Ăn mặc xuề xoà, phản cảm
Chùa là nơi linh thiêng thờ phật, là cõi thanh tịnh vì vậy khi bạn đi lễ chùa cần chú ý về trang phục của mình. Khi vào chùa bạn cần mặc quần áo dài, kín cổ, giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở hang, lòe loẹt. Hiện nay, nhiều người khi vào chùa ăn mặc phản cảm, thậm chí còn phơi bày nhiều vị trí nhạy cảm ra ngoài khi đi lễ chùa, đây là điều phạm giới uế tạp Phật đường, phạm giới bất kính, khẳng định công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng, cho dù siêng năng đi lễ chùa cũng không mang lại tác dụng gì.
Hành động đó vừa phạm giới bất kính, bởi vì quần áo thiếu vải sẽ khởi tâm Dục giới cho người khác cũng là một loại nghiệp báo không tốt. Chưa kể hành động này ảnh hướng đến thuần phong mỹ tục đạo đức của người Việt Nam. Thời nay có nhiều lời răn với hành vi này, như là công quả tiêu tan, quả báo vô cùng, thân đày địa ngục, là để răn giới trẻ hoặc những người lớn nhưng có hành động như vậy, ở tầng bậc thấp của ý thức con người, nên mới có những lời răn có tính chất bắt buộc, giáo điều, để mọi người nhanh hiểu.
Vào chùa cũng cần đầu tóc được chải ngay ngắn, áo quần phẳng phiu. Như vậy sẽ tỏ lòng thành kính khi bước chân vào cửa Phật.
-
Nhìn ngó, bình phẩm tượng Phật, Bồ Tát, Thánh tăng
Không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật, trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát. Ngoại trừ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học họ cần chiêm ngưỡng, chụp ảnh, ghi chép chi tiết để phục vụ việc bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật thì có thể chấp nhận được. Mặt khác, khi thực hiện việc này, họ đã xin phép và được sự đồng ý của Sư trụ trì hoặc ban quản lý nhà chùa.
Còn ở đời sống, thì khi nhìn chằm chằm, nhìn ngang ngó dọc, thường nảy sinh nhiều điều tiêu cực như: Sân hận, Nghi Ngờ, Ngạo Mạn... Điều này dễ dẫn đến những bình phẩm không hay, sẽ phạm vào giới luật của nhà Phật. Mặt khác, tự bản thân người đó phạm vào nghiệp phỉ báng tượng pháp sẽ có những nhân quả không tốt.
Vì vậy, đây cũng là một điều mọi người cần chú ý để tránh mắc sai lầm khi đi chùa. Nếu bản thân muốn ghi lại hình ảnh khi thấy tượng pháp của chùa có tính mỹ thuật cao cần xin phép sư trụ trì hoặc ban quản lý và khấn xin trước Tam Bảo.
-
Theo chùa "thiêng, to", bỏ chùa nhỏ, chùa nhà
Xưa, chùa làng nào, dân làng nấy thờ (tức làng nào cũng có chùa). Đó là xuất phát từ việc tín ngưỡng Phật luôn ở bên cạnh, ở khắp nơi, trông nom gìn giữ cho con người bảo trì được thiện tâm, tin điều thiện tránh điều dữ, tích phúc đức. Kính Phật lên chùa là việc để thể hiện kính ngưỡng, không với tâm cầu xin tài lộc.
Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến dâng lễ cầu xin. Điều đó là bởi vì họ tin rằng chùa thiêng thì xin gì được nấy, xin được nhiều. Tâm cầu tài lộc quá mạnh mẽ, giống như một cuộc mua bán đổi chác mặc cả với Phật. Người xưa không có cái tâm phân biệt ấy, họ tin rằng ở đâu có người thiện đức thì ở đó có Phật. Chùa chỉ là hình thức do con người dựng nên, nên nếu ngay cả sư trong chùa có biểu hiện ham tiền của vật chất, biểu hiện của ham tình sắc, không tuân theo những lời dạy của Phật thì ở đó chắc chắn không có Phật ngự, cho dù chùa đó to lớn thế nào, tượng Phật có lộng lẫy dát vàng dát bạc ra sao.
Ngày nay người ta thấy quá nhiều các trường hợp mà sư tăng cai quản những ngôi chùa thật to lớn, lộng lẫy dát đầy vàng bạc, nhưng họ đeo vàng nhẫn đầy thân, đi xe sang, điện thoại đắt tiền, biểu hiện sự ham muốn hưởng thụ tiện nghi vật chất rất mạnh, nói năng hành xử không khác người ngoài thế tục, vậy họ còn xứng đáng là con của Phật, nơi chùa họ trông nom liệu Phật còn muốn ngự không? Người tu hành xuất gia là phải tu “xả bỏ” những ham muốn thế tục, vậy họ có phải đang làm trái ngược hẳn với điều Phật dạy. Những ai gặp những ngôi chùa như vậy, mọi người nên suy ngẫm xem. Có rất nhiều người khi tới chùa cũng thắc mắc trong lòng khi nhìn thấy những sự chướng tai gai mắt trong hành xử của sư tăng trong chùa, nhưng vì thói quen và thấy chùa to lớn đẹp đẽ nên nghĩ rằng hẳn vẫn là tốt đẹp khi cúng Phật ở đó. Song theo như ý kiến của nhiều người tu hành chân chính, những ngôi chùa chẳng hề thanh tịnh sẽ không có Phật ngự mà thay vào đó lại chính là quỷ ma hoành hành.