Hoa ngày thường - Chim báo bão (1967)
Với Hoa ngày thường - Chim báo bão, Chế Lan Viên đã làm một “cuộc chuyển quân”, tiến sát tới những tuyến đầu của cuộc chiến đấu của dân tộc và thời đại.
Trước cơn bão lớn của thời đại, mạch trữ tình và suy tưởng trong thơ Chế Lan Viên được dồn tụ lại, làm dậy lên những cơn sóng lớn, vang lên những hợp âm dữ dội của một tiếng thơ chiến đấu, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ đánh Mỹ là mặt trận chính của thơ Chế Lan Viên. Chính ở đây, Chế Lan Viên đã thể hiện sức chiến đấu năng nổ, tính nhạy bén, chiều sâu của tư duy nghệ thuật.
Cũng chính từ đây Chế Lan Viên đã dồn nhiều tâm huyết, thể hiện những tìm tòi và tạo được một phong cách đặc sắc để đạt đến những bài thơ có vị trí xứng đáng trong những thành tựu quan trọng của nền thơ chống Mỹ. Hoa ngày thường - Chim báo bão đã góp phần tạo nên “những cơn sóng lớn”, “những hợp âm dữ dội”, trong phong cách thơ của Chế Lan Viên.
Tác giả Nguyễn Văn Long trong Giáo trình Văn học Việt Nam hiện đại tập II, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008 đã có ý kiến nhận xét về tập thơ Hoa ngày thường - Chim báo bão của Chế Lan Viên đó là: “Nhà thơ muốn mình vừa là hầm chông giết giặc, lại vừa là cành hoa mát mắt cho đời”.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Sử với bài viết “Chế Lan Viên - Bản lĩnh một nhà thơ lớn” in trong Tuyển tập mười lăm năm tạp chí văn học và tuổi trẻ tập một, NXB Giáo dục Hà Nội, 2008 cho rằng: “Hoa ngày thường - Chim báo bão” đánh dấu bước trỗi dậy đổi mới của thơ Chế Lan Viên gắn liền với ý thức “cái tôi” của mình”.