Nấm rơm
Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn có công năng bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, hạ cholesterol máu. Chủ yếu dùng tươi làm thuốc. Chữa xuất tinh sớm, gan nhiễm mỡ, suy giảm trí nhớ, giúp tăng cường sức khỏe.. Trong 100g nấm rơm tươi chứa 90% nước, 3,6% đạm, 0,3% chất béo, 3,2% chất đường, 1,1% chất xơ (cellulose), 0,8% tro, 28mg% Ca, 80mg% P, 1,2% Fe, các vitamine A, B1, B2, C, D, PP... Cứ 100g nấm rơm tươi cho cơ thể 31 calorie. Với thành phần nhiều dinh dưỡng, nấm rơm không chỉ là thức ăn tuyệt vời, còn có thể chế biến nhiều "thực phẩm chức năng", món ăn "thuốc" để hỗ trợ chữa bệnh, đặc biệt với các bệnh nội tiết chuyển hóa như: béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Trước đây, nấm rơm thường tự mọc trong các bụi rơm ở cánh đồng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng lớn nên số lượng nấm rơm mọc tự nhiên không đủ cung cấp cho thị trường, chính vì vậy, ngày nay người ta thường trồng nấm rơm với quy mô lớn trong các phòng, kho hoặc môi trường sinh học. Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM), thành phần chủ yếu trong nấm rơm là chất đạm. Chất đạm rất cần thiết cho cơ thể, giúp tái tạo tế bào và góp phần chuyển hóa các chất. Hàm lượng đạm trong nấm rơm cao hơn thịt bò, cá và ngang bằng với hàm lượng đạm trong đậu hũ. Nấm rơm có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nấm rơm xào tỏi, nấm rơm kho chay, nấm rơm nấu canh, nấu lẩu,…Những món ăn có nấm rơm đều có vị ngọt thanh rất tự nhiên.