Nữ thần Lakshmi
Nữ thần Lakshmi, hay còn gọi là Shri, là một trong những vị nữ thần chính được tôn thờ nhiều nhất ở Ấn Độ. Lakshmi là nữ thần của sự giàu có, may mắn, quyền lực, sắc đẹp, khả năng sinh sản và thịnh vượng, và được liên kết với Maya (Ảo ảnh). Ngài là một trong ba vị thần nữ (Tridevi) bao gồm Saraswati, Lakshmi và Parvati. Những hình tượng tương đồng của Lakshmi cũng được tìm thấy trong các di tích đạo Jaina và đạo Phật.
Thần Lakshmi cùng tam nữ thần hỗ trợ ba vị Đấng tối cao là Brahma, Vishnu và Shiva trong sự sáng tạo, duy trì sự sống và sự hủy diệt của vũ trụ. Lakshmi vừa là phối ngẫu vừa là năng lượng thần thánh (shakti) của vị thần Hindu Vishnu, Đấng tối cao của Vaishnavism; Ngài cũng là Nữ thần tối cao trong giáo phái và hỗ trợ Vishnu tạo ra, bảo vệ và biến đổi vũ trụ.
Lakshmi thường được miêu tả trong văn hoá nghệ thuật Ấn Độ đại chúng là một người phụ nữ khoác trên mình áo vàng rực rỡ, ăn mặc sang trọng, đang đứng hoặc ngồi trong tư thế padmasana trên một tòa sen, tay cầm một bông sen, tượng trưng cho vận may, sự hiểu biết về bản thân và sự giải thoát tâm hồn. Nữ thần được vẽ với pháp thân có bốn cánh tay, đại diện cho bốn khía cạnh của cuộc sống con người, liên hệ mật thiết tới văn hóa Hindu như pháp, kāma, artha và moksha.