Top 5 Vị thần trong Thần đạo Shinto Nhật Bản

Minh Ngọc Phạm 283 0 Báo lỗi

Thần đạo Shinto đóng vai trò quan trọng trong lịch sử – văn hóa Nhật Bản. Trong đó các vị thần được tôn sùng và thờ cúng tại nhiều nơi. Sau đây, hãy cùng ... xem thêm...

  1. Amaterasu Oomikami, tiếng Hán là “Thiên Chiếu Đại Ngự Thần”, là nữ thần Mặt Trời tối cao trong Shinto (Thần đạo) và được xem là thủy tổ của dòng dõi hoàng gia Nhật Bản. Amaterasu không chỉ được coi là vị thần của mặt trời, mà còn là vị thần của vũ trụ. Tên gọi Amaterasu có nguồn gốc từ cụm từ amateru, mang ý nghĩa "toả sáng trên thiên đường".


    Amaterasu là con của Izanami và Izanagi, 2 vị thần mang sứ mệnh tạo ra Nhật Bản. Ngài đã trở thành người kế tục của cha mình và cai quản Takamagahara – Cao Thiên Nguyên (Thiên giới). Theo truyền thuyết Nhật Bản, các Thiên Hoàng được coi là hậu duệ của bà.


    Tương truyền, khi xưa, trong một lần say rượu, thần bão tố Susano'o, em trai bà, đã giẫm lên đồng lúa, lấp đầy tất cả các kênh mương, ném thứ ô uế vào cung điện và đền thờ của Amaterasu. Nhiều lần, Amaterasu van nài em mình dừng lại nhưng Susano'o không nghe. Quá đáng hơn, Susano'o còn lột da một con ngựa trắng, ném vào khung cửi đang dệt vải của bà. Kết quả khiến một người hầu gái giúp bà dệt đã bị khung cửi đâm xuyên qua người. Uất ức và tức giận, Amaterasu lánh vào Thiên Nham Cung (hang trời) lấp kín cửa vào, vì vậy dương gian chìm đắm trong tăm tối không còn ngày đêm. Bà tuyên bố hễ chư thần còn chấp nhận cho Susano'o sống chung, bà sẽ ở lì trong Thiên Nham Cung không xuất hiện nữa. Chư vị thần linh hết sức bối rối, cùng tập hợp trên dòng Thiên Hà cạn khô, thoạt còn ít, sau đông dần, tới tám triệu vị, bàn nhau kiếm cách nào hiệu nghiệm nhất khiến Amaterasu rời khỏi Thiên Nham Cung. Cuối cùng, nhờ kế sách của thần mưu cơ Taka-mi-misubi, Amaterasu mới chịu ra khỏi hang, đem ánh sáng chiếu xuống dương gian và vạn vật, ngày đêm lại bắt đầu vận chuyển.

    Amaterasu rời khỏi Thiên Nham Cung
    Amaterasu rời khỏi Thiên Nham Cung
    Nữ thần Amaterasu
    Nữ thần Amaterasu

  2. Tsukuyomi (Nguyệt Độc) là vị thần Mặt Trăng trong thần đạo và thần thoại Nhật Bản. Ông là con trai thứ 2 của Izanami và Izanagi, em trai đồng thời là chồng của nữ thần mặt trời Amaterasu.


    Tsukuyomi được sinh ra từ mắt phải của thần Inazagi khi ông tẩy uế sau khi rời khỏi hoàng tuyền. Trong một số câu truyện, Tsukuyomi sinh ra từ từ một chiếc gương đồng trắng trong tay phải của Izanagi. Sau khi leo lên thang trời, Tsukuyomi sống trong Cao Thiên Nguyên cùng với chị gái mình, người sau này sẽ trở thành vợ ông.


    Tương truyền, một lần Ukemochi-no-kami (Bảo thực thần) mở tiệc, Amaterasu vì bận việc không đi được nên đã nhờ Tsukuyomi đi thay. Khi Tsukuyomi đến, Ukemochi lần lượt nhìn vào núi rồi phun ra thịt, nhìn vào đất rồi phun ra cơm và cuối cùng nhìn vào biển rồi phun ra cá, tạo thành bàn tiệc ngon mắt và tinh tế mời Tsukuyomi ăn. Cảm thấy kinh tởm và bị khinh thường, Tsukuyomi tức giận "Thật là dơ bẩn và bỉ ổi! Ả dám dùng miệng phun ra đồ ăn mà chiêu đãi ta!", dứt lời liền rút gươm chém chết Ukemochi. Nữ thần Amaterasu biết chuyện liền cả giận và nói "Hắn là ác thần! Chúng ta về sau sẽ không gặp lại nữa". Từ đó trở đi, mặt trời và mặt trăng thay phiên xuất hiện, ngày và đêm từ đó cũng chia cắt.


    Tsukuyomi hạ phàm
    Tsukuyomi hạ phàm
    Thần Tsukuyomi
    Thần Tsukuyomi
  3. Susanoo còn được biết đến với tên gọi Takehaya Susanoo-no-Mikoto, là vị thần biển cả và bão tố của Thần đạo. Ông cũng được cho là là người cai trị Neno-Katasu-Kuni (giờ là Yasugi thuộc tỉnh Shimane).


    Susanoo được người dân Nhật Bản biết đến là vị thần được sinh ra từ mũi của Izanagi khi ông đang rửa mặt bên bờ suối sau chuyến hành trình trở về từ Âm Phủ, cùng với chị gái Amaterasu và anh trai Tsukuyomi. Bên cạnh đó, ông cũng thường được cho là vị thần của sức mạnh và chiến đấu.


    Câu chuyện nổi tiếng về Susano là khi ông say rượu và phá hoại làm thần Amaterasu tức giận trốn vào trong háng đá. Dù các chư thần khác đã mang được Amaterasu quay trở lại nhưng Susanoo vẫn bị trừng phạt bằng cách bị đuổi cổ khỏi Cao Thiên Nguyên.


    Sau khi xuống hạ giới, ông cứ đi lang thang mãi cho đến khi đến bờ sông Hi, tại đây, ông gặp một đôi vợ chồng già đang ôm con gái ngồi than khóc, đó chính là hai vị thổ thần tên là Ashinadzuchi và Tenadzuchi. Hỏi chuyện mới biết rằng vùng này có một con quái vật là con rắn khổng lồ có 8 cái đầu tên Yamata no Orochi, Bát Kì Đại Xà chuyên quấy phá và ăn thịt người dân. Hai vợ chồng đã bị con quái vật ăn thịt 7 người con gái và sắp tới sẽ là người con gái cuối cùng. Susanoo nghe vậy liền nói, nếu 2 vợ chồng đồng ý gả con gái cho ông, ông sẽ tiêu diệt con mãng xà đó. Hai vợ chồng kia vội đồng ý. Sau đó, Susanoo nhờ họ chuẩn bị giúp ông tám vò rượu lớn. Đêm đó, Orochi đến để kiếm con mồi của mình nhưng thay vào đó nó thấy tám vò rượu ngon lành, thế là con quái vật uống rượu và lăn ra ngủ ngay tại chỗ. Susanoo sau đó liền xuất hiện và chặt con rắn thành từng mảnh. Khi chặt đến khúc đuôi của con rắn thì thanh kiếm của Susanoo bị mẻ, ồng liền tìm trong xác rắn và thấy thanh bảo kiếm Kusanagi no Tsurugi, Thảo Thế Kiếm. Sau đó, Susanoo cưới người con gái thứ tám của hai vị thổ thần, tên là Kushinadahime, và mang thanh bảo kiếm về dâng tặng Amaterasu để chuộc tội.

    Thần Susanoo
    Thần Susanoo
    Susanoo hạ Orochi
    Susanoo hạ Orochi
  4. Izanami (Y Tà Na Mỹ Thần) sinh ra cùng với anh trai Izanagi (Y Tà Na Kỳ Thần), và là một trong các Kamiyonanayo, Thập Thất Thế Thần.


    Tương truyền, các vị thần đã giao cho Izanagi và Izanami, là các vị thần sinh sau đẻ muộn (con út bị bắt nạt), xuống bên dưới và tạo ra đất liền. Họ trao cho hai người một cây giáo thần tên là Ame no Nobuko, Thiên Giáo. Izanagi đã dùng cây giáo khuấy xuống đại dương tạo thành các hòn đảo, sau đó hai vị thần bước qua cây cầu Ame no Ukihashi, Thiên Phù Kiều nối hai thế giới và đặt chân xuống một nơi gọi là Ashiharanokuni, Cánh Đồng Lau Sậy. Tại đây, 2 vị thần kết hôn với nhau và sinh ra những vị thần mạnh mẽ và xinh đẹp.


    Đáng buồn thay, khi thần Izanami hạ sinh thần lửa Kagutsuchi, nữ thần Izanami bị bỏng nặng và qua đời. Thần Izanagi vô cùng tức giận nên tuốt gươm chém chết con mình. Sau đó, vì không chịu nổi cô đơn và buồn bã, Izanagi xuống âm phủ để tìm vợ mình.


    Thế nhưng, nàng Izanami đã ăn đồ của âm phủ, không còn cách nào trở về dương gian được nữa. Thần luôn khuất trong bóng tối, không để Izanagi nhìn thấy mặt và cũng căn dặn ông không được nhìn mình. Tuy nhiên, thần Izanagi lại trái lời, đốt đuốc nhìn Izanami trong khi thần ngủ. Nhưng chao ôi, đây không phải nàng Izanami xinh đẹp nữa, mà là một cái xác đang phân hủy, thối rữa và đầy giòi bọ.


    Quá sợ hãi, Izanagi bỏ chạy khỏi âm phủ, nàng Izanami thấy vậy tức giận phái Yakusa no Ikazuchi, Thần Sấm và Shikome, những phụ nữ bị nguyền rủa, đuổi theo bắt Izanagi lại. Nhưng khi đến cửa âm phủ, Izanagi liền lấy đá lấp kín cửa hang. Izanami tức tối hét lên rằng nếu Izanagi àm bỏ nàng ở lại, mỗi ngày sẽ bắt đi 1000 người. Thế nhưng, Izanagi không phải dạng vừa, ông cũng gào lại là mỗi ngày ông sẽ tạo ra 1.500 người bù lại.


    Izanami and Izanagi
    Izanami and Izanagi
    Izanagi khuấy biển tạo ra Nhật Bản
    Izanagi khuấy biển tạo ra Nhật Bản
  5. Ryujin (Long Thần), còn được gọi là Ōwatatsumi, là thần cai quản biển khơi trong thần thoại Nhật Bản.


    Đây là một vị thần cai quản đại dương, thường xuất hiện dưới hình dạng là một con rồng khổng lồ biểu tượng cho sức mạnh của biển cả và có thể biến thành hình dạng con người. Ryujin sống ở cung điện Ryūgū-jō dưới biển khơi xây bằng san hô đỏ và trắng. Ở đây ông điều khiển thủy triều bằng hai viên ngọc Kanju (can châu) và Manju. Rùa biển, cá và sứa thường được vẽ làm nô bộc của Ryujin.


    Ryujin là cha của nữ thần Otohime xinh đẹp, vợ của hoàng tử thợ săn Hoorii. Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản là Jimmu cũng được coi là cháu nội của Otohime và Hoori. Do đó, Ryujin được coi là một trong các tổ tiên của các Thiên hoàng Nhật Bản.


    Thần Ryujin còn liên quan đến cổ tích "Sứa không xương" nổi tiếng. Tương truyền, vì bị mắc bệnh phát ban, Ryujin đã sai nô bộc của mình là sứa đi tìm phương thuốc thần thánh là gan khỉ. Sứa tuân lệnh bơi khỏi lâu đài và trồi lên đất liền, nó gặp khỉ và yêu cầu khỉ giao gan ra. Khỉ liền trả vờ đồng ý bảo sứa rằng nó bỏ quên gan mình trong hũ và nói rằng sứa hãy đợi nó về lấy. Sứa thả khỉ đi và con khỉ không bao giờ quay lại. Làm hỏng việc, sứa đem tâu chuyện này với Ryujin, thần vô cùng tức giận và đập nát xương sứa, từ đó, sứa trở thành sinh vật không xương.

    Công chúa Tamatori ăn trộm viên ngọc của Ryujin
    Công chúa Tamatori ăn trộm viên ngọc của Ryujin
    Long thần Ryujin
    Long thần Ryujin



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy