Top 8 Thánh địa tôn giáo lớn nhất thế giới

Jane TrucVy 188 0 Báo lỗi

Hàng tỷ người ngày nay tổ chức cuộc sống của họ xung quanh các giáo lý tôn giáo và xem nhiều Thánh địa là nơi linh thiêng. Sau đây, Toplist xin giới thiệu về ... xem thêm...

  1. Archbasilica of Saint John Lateran ở Rome là nhà thờ cấp cao nhất của đức tin và là trụ sở của Giáo Hoàng. Đây cũng là nhà thờ lâu đời nhất tại nơi này và có thứ hạng cao nhất trong số bốn vương cung thánh đường lớn, là một trong 7 nhà thờ hành hương của Rome giữ danh hiệu "Archbasilica". Cấu trúc hiện tại bắt nguồn từ một loạt các cải tạo trong thế kỷ XVII-XVIII, một số ngôi mộ của Giáo Hoàng cũng được đặt bên trong thánh đường. Saint John Lateran còn chứa cái gọi là “Cầu thang Thánh”, nó được đưa đến Rome vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên từ Jerusalem. Nhà thờ nằm bên ngoài thành phố Vatican, cách khoảng 4km về phía tây bắc. Tuy nhiên, với tư cách là tài sản của tòa Thánh, tổng vương cung thánh đường cùng các tòa liền kề với nó đều được hưởng quy chế ngoại giao từ Ý, theo các điều khoản Hiệp ước Lateran năm 1929.


    Archbasilica of Saint John Lateran được thành lập năm 313 dưới thời Constantine Đại Đế. Hoàng đế Constantine với “Sắc lệnh Milan”, cho phép tự do tôn giáo trong đế chế La Mã vào năm 313, bao gồm cả Cơ Đốc giáo. Nhà thờ ban đầu được dùng làm nơi ở cho Đức Giáo Hoàng, nhưng nó đã mất chức năng này sau khi đến thời của vị Giáo Hoàng trở về từ Avignon (1309-1377), phần cũng do một số vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong 4 nhà thờ Giáo Hoàng của Rome cùng với vương cung thánh đường Thánh Peter; và 2 nhà thờ Giáo Hoàng khác là Santa Maria Maggiore và San Paolo Fuori le Mura. Điều đáng chú ý hơn hết, nơi đây chính là nhà thờ chính tòa, về mặt kỹ thuật mang lại cho nó vị thế quan trọng nhất ở Rome.Archbasilica of Saint John Lateran còn là công trình nhà thờ lâu đời nhất tại vùng đất Thánh, nhưng chỉ còn phần còn lại của bản gốc sau trận động đất nghiêm trọng vào năm 896. Mãi đến năm 1650, nó mới được kiến trúc sư Borromini xây dựng lại hoàn toàn cho Giáo Hoàng Innocent X, điều này đã mang đến cho nó diện mạo Baroque như ngày nay.


    Mãi đến thế kỷ XVIII, nhà thờ mới được Alessandro Galilei tặng cho mặt tiền tuyệt đẹp với 15 bức tượng. Tàn dư thời trung cổ duy nhất của Archbasilica of Saint John Lateran là lễ rửa tội hình bát giác từ thế kỷ thứ V. Cái tên “Lateran”có nguồn gốc từ họ “Lateranus”. Đó là bởi vì nó được xây dựng trong khu vườn của cung điện cũ - thuộc sở hữu bởi gia đình hoàng gia Plautius Lateranus. Ông ấy bị kết án tử dưới thời Hoàng đế Nero vì cho phép những người theo đạo Cơ Đốc ẩn náu tại cung điện của mình, và cung điện của ông cũng bị hoàng đế Nero tịch thu. Ba thế kỷ sau, Constantine Đại Đế đã trao lại nơi này cho Giáo Hoàng Miltiades, sau đó nó được sử dụng để làm nơi ở của Giáo Hoàng.


    Tại trung tâm bên trong nhà thờ Saint John Lateran là bàn thờ Giáo Hoàng được trang trí theo phong cách Gothic với các thánh tích của Thánh Paul và Peter đằng sau những thanh vàng. Nhà thờ còn có 12 bức tượng tượng trưng cho 12 môn đệ Chúa Jesus. Những bức bích họa trên trần nhà là một thiết kế của Michelangelo, nhưng chúng đã được thực hiện bởi người học việc của ông là Giacomo della Porta. Nơi đây chứa 6 ngôi mộ Giáo Hoàng gồm: Sergius IV (1009-1012), Alexander III (1159-1181), Innocent III (1198-1216), Martinus V (1417-1431), Clement XII (1730-1740) ) và Leo XII (1878 -1903). Đài tưởng niệm trên quảng trường Piazza San Giovanni ở Lateran là một trong những đài tưởng niệm lớn nhất cũng như lâu đời nhất của Rome. Đối diện với vương cung thánh đường là Scala Sancta, những bậc thang này được cho đã từng là một phần của tổng hành dinh Pontius Pilate ở Jerusalem. Người ta tin rằng chính Chúa Jesus đã đi những bậc thang đó, và sau này chúng được đưa đến Rome như một thánh tích.Archbasilica of Saint John Lateran từng xuống cấp trong thời Trung cổ, bị hư hại nặng nề bởi hai trận hỏa hoạn vào thế kỷ XIV. Nhà thờ được xây dựng lại ở cuối thế kỷ XVI dưới triều đại Giáo Hoàng Sixtus V. Cấu trúc lẫn nội thất mới được cải tạo vào cuối thế kỷ XVII, mặt tiền hoàn thành vào năm 1735 dưới thời Giáo Hoàng Clement XII. Hiệu trưởng hiện tại của Archbasilica of Saint John Lateran là Đức Hồng Y Archpriest Angelo De Donati - Tổng Đại Diện Giáo Phận Rome.

    Archbasilica of Saint John Lateran - Rome
    Archbasilica of Saint John Lateran - Rome
    Archbasilica of Saint John Lateran - Rome
    Archbasilica of Saint John Lateran - Rome

  2. Bức Tường Phía Tây, hay còn được gọi là Bức Tường Than Khóc ở Thành phố cổ Jerusalem, là nơi cầu nguyện và hành hương linh thiêng của người Do Thái. Nó là phần còn lại duy nhất của bức tường chắn bao quanh Núi Đền. Các đền thờ ở Jerusalem đều được người Do Thái cổ đại coi là nơi linh thiêng độc nhất vô nhị. Ngôi Đền Thứ Nhất bị phá hủy bởi người Babylon vào năm 587–586 trước công nguyên, còn Ngôi Đền Thứ Hai bị phá hủy bởi người La Mã năm 70 sau công nguyên. Vua Herod đã xây dựng bức tường này năm 20 trước công nguyên trong quá trình mở rộng Ngôi Đền Thứ Hai. Khi người La Mã phá hủy nó, bức tường hỗ trợ vẫn tồn tại. Trong hàng trăm năm, người ta cầu nguyện tại một khu vực nhỏ có thể nhìn thấy được của bức tường. Năm 1967, sau Chiến Tranh Sáu Ngày, người Israel đã đào sâu bên dưới bức tường và dọn sạch khu vực xung quanh nó để tạo ra Western Wall Plaza (Bức Tường Phía Tây) mà mọi người có thể thấy ngày nay.


    Khi người La Mã san bằng Ngôi Đền Thứ Hai, họ để lại một bức tường bên ngoài. Có lẽ họ cũng đã phá hủy bức tường đó, nhưng nó dường như quá tầm thường đối với họ, vì bản thân nó không phải là một phần của đền thờ, mà chỉ là một bức tường chắn bao quanh Núi Đền. Bức Tường Phía Tây thật sự không có ý nghĩa đặc biệt gì cho đến thế kỷ XVI, khi Sultan Suleyman I kết thúc gần 300 năm cai trị của người Mamluk và thành lập đế chế Ottoman. Ông đã khôi phục các bức tường thành của Jerusalem năm 1536, đồng thời khuyến khích những người Do Thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha đến định cư tại thành phố này. Vào năm 1546, một trận động đất đã tàn phá khu vực cũng như làm hư hại Núi Đền cùng các khu vực xung quanh. Suleyman ra lệnh dọn sạch đống đổ nát của những ngôi nhà liền kề với Bức Tường Phía Tây để làm nơi cầu nguyện cho người Do Thái. Ông ban hành một sắc lệnh rằng người Do Thái có quyền cầu nguyện ở đó mọi lúc, và điều này vẫn có hiệu lực vì được những người kế vị của ông tôn vinh trong hơn 400 năm. Nó đã trở thành nơi linh thiêng thứ hai đối với người Do Thái cũng như là địa điểm hành hương.Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới đã thực hiện các cuộc hành hương đến Palestine, họ luôn hướng đến Bức Tường Phía Tây để cảm tạ Thiên Chúa. Những lời cầu nguyện được dâng lên tại đây chân thành đến nỗi người ta bắt đầu gọi địa điểm này là “Bức Tường Than Khóc”. Tuy nhiên, nó đã phải chịu đựng những điều tồi tệ trong hơn một nghìn năm Jerusalem dưới sự cai trị của người Hồi giáo, người Ả Rập; vì thường bị họ biến bức tường thành bãi rác để nhục mạ người Do Thái đến thăm nó. Vào năm 1941, sự phổ biến của việc hành hương cũng như cầu nguyện tại đây đã khiến các giáo sĩ Do Thái (do người Anh chỉ định) ban hành các quy định về hành vi đúng chuẩn mực.


    Như được thấy ngày nay, Bức tường phía Tây dài khoảng 50 mét, cao khoảng 20 mét. Sự sùng kính của người Do Thái ở đó đã có từ đầu thời kỳ Byzantine, và sự tái khẳng định niềm tin của các giáo sĩ rằng “Sự hiện diện thiêng liêng không bao giờ rời khỏi Bức tường phía Tây”. Người Do Thái hay than thở về việc đền thờ bị phá hủy đồng thời luôn cầu nguyện cho sự phục hồi của nó, thế nên từ lâu đã có phong tục đẩy những mảnh giấy ghi các điều ước hoặc lời cầu nguyện vào từng vết nứt của bức tường. Những thuật ngữ như Bức Tường Than Khóc cũng được đặt ra bởi những du khách Châu Âu, khi họ chứng kiến các buổi cầu nguyện thương tiếc của những người Do Thái ngoan đạo trước thánh tích.

    Bức tường phía Tây - Jerusalem
    Bức tường phía Tây - Jerusalem
    Bức tường phía Tây - Jerusalem
    Bức tường phía Tây - Jerusalem
  3. Đại Thánh đường Mecca, còn được gọi là nhà thờ Hồi giáo Thánh hoặc nhà thờ Hồi giáo Haram; thuộc Ả Rập Xê-út, được xây dựng để bao bọc ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hồi - là một trong những điểm đến của các cuộc hành hương Haji và Umrah. Nơi đây đón hàng triệu tín đồ đến viếng thăm mỗi năm. Các phần lâu đời nhất của cấu trúc hiện đại có từ thế kỷ XVI. Tính đến tháng 8 năm 2020, đại Thánh đường Mecca là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Nó đã có nhiều lần cải tạo cũng như mở rộng trong những năm qua, trải qua sự kiểm soát của nhiều vị vua, và hiện nằm dưới sự kiểm soát của quốc vương Ả Rập Xê-út.


    Theo truyền thống Hồi giáo, nhà thờ này lần đầu tiên được xây dựng bởi các thiên thần; điều đó thậm chí còn có trước khi loài người được tạo ra. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cấu trúc của nó đã bị hư hại do bão lũ. Nhưng thật sự, nhà thờ được xây dựng lần đầu tiên dưới triều đại của Caliph Omar Ibn Al-Khattab (634-644). Cấu trúc hiện tại của đại Thánh đường Hồi giáo Mecca có từ năm 1571 sau công nguyên, dưới thời trị vì của Ottoman Sultan Selim II. Tiếp nối vua Fahad, vào đầu những năm 1950, vua Abdul Aziz Saud đã lên kế hoạch mở rộng nhằm nâng cao sức chứa của nó. Ngày nay, cấu trúc mà người ta thấy đã được cải tạo bởi vua Salman - người đã trùng tu phần phía Bắc. Diện tích hiện tại của nó là 400.800 mét vuông, bao gồm cả không gian cầu nguyện bên trong lẫn ngoài trời, có sức chứa khoảng 4 triệu tín đồ Hồi giáo trong thời gian Haji hoặc Umrah. Bao gồm 9 ngọn tháp, mỗi ngọn tháp cao 89 mét so với mặt đất; có 210 cánh cổng, cho phép khách hành hương từ mọi phía đi vào. Nó có một sân trung tâm hình chữ nhật bao quanh bởi các khu vực cầu nguyện, là nơi diễn ra một số nghi lễ hành hương. Những người hành hương sử dụng sân trong để thực hiện nghi lễ đi vòng quanh. Hai địa điểm linh thiêng khác nằm trong sân là: đền của Abraham, cùng một hòn đá linh thiêng và giếng Zamzam. Ngay phía đông với phía bắc của sân là hai ngọn đồi nhỏ mà những người hành hương phải chạy hoặc đi bộ giữa chúng trong một nghi lễ đặc biệt. Vào thế kỷ XX, một lối đi khép kín giữa hai ngọn đồi đã được nối vào nhà thờ.


    Kiến trúc hiện tại là sản phẩm của nhiều thế kỷ phát triển. Vào thời kỳ tiền Hồi giáo, khi đó nó là đền thờ dành cho những người theo đạo đa thần Ả Rập, nằm trong một không gian rộng rãi, nơi những người thờ phượng tụ tập để cầu nguyện và thực hiện các nghi lễ. Nơi đây rất linh thiêng đối với những tín đồ đầu tiên của nhà tiên tri Muhammad. Sau khi người Hồi giáo di cư đến Medina năm 622 sau công nguyên, họ đã cầu nguyện một thời gian ngắn ở nơi gần Jerusalem cho đến khi Muhammad trở lại Mecca vào năm 630, ông đã ra lệnh phá hủy các tượng thần được cất giữ trong đền thờ, đồng thời tẩy sạch các mối liên hệ đa thần.


    Tháng 11 năm 1979, đại Thánh đường Hồi giáo Mecca là tâm điểm của cuộc nổi dậy chống lại hoàng gia Ả Rập Xê-út, khi nó bị chiếm giữ bởi một nhóm vài trăm chiến binh Hồi giáo. Sau khi nhận được phán quyết tôn giáo cho phép sử dụng vũ lực trong đại thánh đường - nơi bạo lực bị cấm, quân đội chính phủ đã chiếm lại nó trong một trận chiến đẫm máu vào tháng 12.


    Một công trình mở rộng khác của đại Thánh đường Mecca được khởi xướng do vua Fahd năm 1984, để đáp ứng số lượng người hành hương ngày càng tăng. Con số này đã tăng lên hơn một triệu người mỗi năm vào những năm 1980. Các tòa xung quanh nó đã bị san bằng để nhường chỗ cho việc mở rộng cũng như xây dựng một khu vực lát đá mới xung quanh nhà thờ. Để giảm bớt sự tắc nghẽn trong lễ Haji, nơi đây được trang thêm bị thang cuốn, đồng thời bổ sung xây dựng các đường hầm cùng lối đi dành cho người đi bộ. Hệ thống thông tin liên lạc hiện đại cùng hệ thống điều hòa không khí trong lẫn ngoài trời tiên tiến cũng được hoàn thành.

    Đại Thánh đường Mecca - Ả Rập Xê-út
    Đại Thánh đường Mecca - Ả Rập Xê-út
    Đại Thánh đường Mecca - Ả Rập Xê-út
    Đại Thánh đường Mecca - Ả Rập Xê-út
  4. Nhà thờ Mộ Thánh là một trong những địa điểm linh thiêng cũng như đặc biệt nhất trong Kito giáo. Nó nằm tại khu phố Cơ Đốc - thành phố cổ Jerusalem, đây là nơi có hai trong số những địa điểm tâm linh nổi tiếng nhất: chỗ Chúa Jesus bị đóng đinh được gọi là Đồi Canve hoặc Golgotha; và ngôi mộ trống nơi Ngài từng được chôn cất, sau đó phục sinh. Mỗi lần xây dựng lại nhà thờ, một số cổ vật từ cấu trúc trước đó vẫn sẽ được sử dụng trong lần cải tạo mới. Ngày nay, ngôi mộ được bao quanh bởi một ngôi đền từ thế kỷ XIX có tên là Aedicule.


    Theo các thông tin ghi chép, nhà thờ này được xây dựng vào thế kỷ thứ IV sau công nguyên. Khi Hoàng đế La Mã Constantine Đại Đế hợp pháp hóa Cơ Đốc giáo, ông đã nhờ mẹ của mình là Helena đi tìm mộ Chúa Jesus ở Jerusalem. Người ta cho rằng bà ấy đã tìm thấy Thập Tự Giá ở nơi Ngài bị đóng đinh, gần với một ngôi mộ tại vị trí của ngôi đền ngoại giáo. Tuy nhiên, ngôi đền đã bị phá bỏ, bên dưới lộ ra phần mộ bằng đá, được cho là mộ của Chúa Jesus. Nhà thờ Mộ Thánh sau đó được xây dựng trên địa điểm này và được thánh hiến vào năm 335, ban đầu người ta gọi là nhà thờ Anastocation - nghĩa là “Sự phục sinh”. Trong quá khứ, nó từng nhiều lần bị hư hại cũng như bị phá hủy do động đất. Ngoài ra, đế chế Sassanid - hậu thân của đế chế Ba Tư, đã phá hủy nó trong một trận hỏa hoạn năm 614, nhà thờ được xây dựng lại 16 năm sau đó. Tiếp theo, năm 1009, Fatimid Caliphate đã ra lệnh phá hủy nó, mặc dù điều đó không nhằm mục đích chống lại nhà thờ một cách cụ thể, mà đây là một chiến dịch có mục tiêu chống lại các thánh địa cùng nơi thờ phượng của người Do Thái lẫn Cơ Đốc giáo trên khắp khu vực. Sau đó, nó lại được xây dựng cũng như trang trí lại. Điều này vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều thế kỷ qua, lần gần đây nhất là vào năm 2022.


    Lối vào chính của nhà thờ Mộ Thánh nằm ở phía nam. Hầu như mọi người đều đi vào bằng cửa bên trái, vì cửa bên phải đã bị chặn bởi những người chinh phục Hồi giáo ở thế kỷ XII. Các bậc thang dẫn lên Đồi Sọ dốc và uốn lượn, mở ra một tầng ngang bằng với đỉnh của mỏm đá mà Chúa Jesus từng bị đóng đinh trên đó; cao khoảng 4,5 mét so với tầng trệt. Ngay bên phải là cửa sổ nhìn vào không gian thờ cúng nhỏ gọi là “Nhà nguyện của Franks”. Lối giữa là bàn thờ Công giáo Đức Mẹ Sầu Bi để tưởng nhớ hình ảnh Chúa Jesus bị hạ xuống từ thập giá. Bên trái là Hòn Đá Sức Dầu - một phiến đá màu đỏ, hai bên gồm chân đèn cùng một hàng có 8 ngọn đèn được treo phía trên. Nhìn từ trên cao ta có thể thấy những người hành hương quỳ xuống để hôn nó với sự tôn kính lớn, mặc dù đây thật sự không phải là hòn đá mà xác Chúa Jesus được xức dầu trên đó. Việc sùng kính này chỉ được ghi lại từ thế kỷ XII, hòn đá hiện tại có niên đại từ năm 1810. Trên bức tường phía sau là bức tranh khảm kiểu Hy Lạp; mô tả từ phải sang trái gồm các hình ảnh: Chúa Jesus được hạ xuống khỏi thập giá, thi hài của Ngài được chuẩn bị để chôn cất, và Ngài được đưa đến ngôi mộ. Tiếp tục đi từ đồi Canve, nhà thờ nằm ở phía bên phải, được bao quanh bởi những cây cột đồ sộ, trên đỉnh là một mái vòm khổng lồ. Các bức tường bên ngoài có niên đại từ vương cung thánh đường ban đầu của hoàng đế Constantine, xây dựng vào thế kỷ thứ IV. Nó được trang trí hình ngôi sao, với 12 tia sáng tượng trưng cho 12 môn đồ. Ở trung tâm là lối vào mộ Chúa Jesus, bao quanh bởi những hàng nến khổng lồ.


    Trong nhiều thế kỷ cho đến ngày nay, Nhà thờ Mộ Thánh là điểm hành hương của các tín hữu Cơ Đốc cùng tín đồ của mọi tín ngưỡng. Lịch sử của nó bắt đầu vào thế kỷ thứ IV, khi Giám Mục của cộng đồng Cơ Đốc Jerusalem phát hiện ra một ngôi mộ, mà kể từ đó nó đã được hầu hết mọi người chấp nhận là nơi chôn cất Chúa Jesus. Hoàng đế Constantine ra lệnh xây dựng một nhà thờ bao quanh địa điểm này, xung quanh là Khu phố Cơ Đốc giáo của thành phố cổ. Kể từ thời điểm đó, một dinh thự nhỏ đã bao bọc cũng như bảo vệ ngôi mộ. Toàn bộ nhà thờ từng bị phá hủy cũng như xây dựng lại từ nền móng của nó vào thế kỷ thứ XI, sau đó lại được quân Thập Tự Chinh sửa đổi thêm. Nó tiếp tục được xây dựng lại 2 lần tiếp theo, cấu trúc hiện tại có từ năm 1810, theo phong cách Ottoman Baroque bởi một kiến trúc sư người Hy Lạp, sau khi cấu trúc trước đó bị hư hại trong một trận hỏa hoạn.

    Nhà thờ Mộ Thánh - Jerusalem
    Nhà thờ Mộ Thánh - Jerusalem
    Nhà thờ Mộ Thánh - Jerusalem
    Nhà thờ Mộ Thánh - Jerusalem
  5. Đền Kashi Vishwanath là một ngôi đền Hindu nổi tiếng dành riêng cho thần Shiva, nằm ở Vishwanath Gali-Ấn Độ. Ngôi đền là một trong những địa điểm hành hương linh thiêng, đứng bên bờ phía tây của sông Hằng, được xem là một phần trung tâm của sự thờ phượng trong văn hóa Shaiva theo kinh sách của đạo Hindu. Vào thời cổ đại, Varanasi được gọi là Kashi, nghĩa là "tỏa sáng", và do đó nó có tên là đền Kashi Vishwanath. Ngôi đền từng bị phá hủy nhiều lần, gần đây nhất là bởi hoàng đế Mughal Aurangzeb - người đã thay nhà thờ Hồi giáo Gyanvapi trên địa điểm của nó. Cấu trúc hiện tại được xây dựng trên một địa điểm lân cận bởi người cai trị Maratha Ahilyabai Holkar của Indore vào năm 1780. Kể từ năm 1983, nó được quản lý bởi một hội đồng quản trị do chính phủ Uttar Pradesh thành lập.


    Nữ hoàng Maratha Maharani Ahilyabai Holkar của Indore là người đã giám sát việc xây dựng đền Kashi Vishwanath hiện tại. Năm 1835, Maharaja Ranjit Singh đã trao một tấn vàng để dát mái vòm của ngôi đền trước sự nài nỉ của vợ ông, là bà Maharani Datar Kaur. Tháng 2 năm 2022, một nhà tài trợ ẩn danh từ Nam Ấn Độ tiếp tục trao cho ngôi đền 60kg vàng, số vàng này được dùng để dát ở khu vực linh thiêng. Vào năm 2019, Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng dự án “Hành lang Kashi Vishwanath” để mở rộng khu vực giữa ngôi đền và sông Hằng nhằm giảm bớt tình trạng quá tải. Giờ đây, các con phố đông đúc đều được biến thành những con đường rộng rãi giúp mọi người thuận tiện đi lại. Theo dự án, ngôi đền hiện có 4 lối vào để các tín đồ có thể dễ dàng tham quan. Tổng cộng nó có 23 cấu trúc, bao gồm: bảo tàng, phòng tham quan, khu ẩm thực và trung tâm du lịch. Trong quá trình thực hiện dự án “Hành lang Kashi Vishwanath”, có hơn 40 tòa nhà cũ cũng được tìm thấy lại. Ngày 13 tháng 12 năm 2021, ông Modi đã khai trương hành lang bằng một buổi lễ thánh.


    Đền Kashi Vishwanath là một trong 12 Jyotirlinga (đại diện sùng kính của thần Shiva) linh thiêng nhất trên trái đất. Quá khứ bắt đầu từ một câu chuyện trong truyền thuyết, khi thần Brahma và Thần Vishnu đánh nhau xem ai là người mạnh nhất. Là một thẩm phán, Chúa Shiva mang hình dạng của một chùm ánh sáng đi qua ba thế giới. Shiva bảo họ đi tìm gốc rễ của ánh sáng, ai tìm thấy ngọn đèn sẽ được coi là người mạnh nhất. Thần Brahma cưỡi ngựa đi tìm, còn thần Vishnu lại hóa thân thành một con heo đào đất để tìm. 12 Jyotirlinga là nơi ánh sáng của thần Shiva đi qua trái đất, và ngôi đền này là một trong số đó.


    Chạm khắc của đền Kashi Vishwanath là một ví dụ tuyệt vời về kiến trúc tráng lệ. Ngôi đền chính hình vuông, đồng thời có những ngôi đền nhỏ hơn của các vị thần khác xung quanh nó. Đền của vị thần chính được bao phủ bởi bàn thờ bằng bạc, với chiều cao 60cm, chiều dài 90cm. Cấu trúc trên đỉnh được chia thành 3 phần: cái đầu tiên là một ngọn tháp, cái thứ hai là một mái vòm bằng vàng, cái thứ ba là một tòa tháp cũng bằng vàng với lá cờ cùng cây đinh ba trên đỉnh. Ta có thể tìm thấy những ngôi đền nhỏ thờ các vị thần trong toàn bộ khu phức hợp. Ngôi đền có một cái giếng nhỏ, được gọi là Jnana Vapi hoặc Gyan Vapi (giếng tri thức). Những người đến thăm nó sẽ tận dụng tối đa thời gian của mình ở đó để suy ngẫm về hành trình tâm linh mà ngôi đền đại diện.

    Đền Kashi Vishwanath, Varanasi - Ấn Độ
    Đền Kashi Vishwanath, Varanasi - Ấn Độ
    Đền Kashi Vishwanath, Varanasi - Ấn Độ
    Đền Kashi Vishwanath, Varanasi - Ấn Độ
  6. Đền Mahabodhi là một trong bốn thánh địa liên quan đến cuộc đời của Đức Phật đầu tiên, và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Đây là ngôi đền Phật giáo cổ nhưng được phục hồi, xây dựng lại ở Bodh Gaya, Bihar-Ấn Độ. Ngoài ra, nơi này còn có hậu duệ của Cây Bồ Đề mà Đức Phật đã giác ngộ ở đó, đồng thời nó còn là một địa điểm quan trọng trong việc hành hương của các Phật tử trong hơn 2.000 năm qua. Ngôi đền đầu tiên được xây dựng bởi hoàng đế Asoka vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, và ngôi đền hiện tại có từ thế kỷ thứ V hoặc thứ VI. Tài sản bao gồm những tàn tích lớn nhất của thế kỷ ở tiểu lục địa Ấn Độ thuộc thời kỳ cổ đại này, với khu đất có tổng diện tích 48.600 hecta - là một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây lên hoàn toàn bằng gạch vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ từ cuối thời Gupta, nó được xem là có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của kiến trúc gạch trong nhiều thế kỷ.


    Khu phức hợp Đền Mahabodhi hiện nay tại Bodh Gaya bao gồm ngôi đền lớn cao 50m, cây bồ đề, cùng 6 địa điểm giác ngộ linh thiêng khác của Đức Phật; bao quanh nó là nhiều bảo tháp cổ xưa được duy trì, bảo vệ tốt bởi các ranh giới hình tròn bên trong, ở giữa và bên ngoài. Đây là một tài sản độc đáo, có ý nghĩa khảo cổ đối với các sự kiện liên quan đến thời gian Đức Phật ở đó, cũng như ghi lại sự phát triển của việc thờ cúng. Đặc biệt là từ thế kỷ thứ III, vào thời gian hoàng đế Asoka xây dựng ngôi đền đầu tiên, lan can cùng đài tưởng niệm chính là sự phát triển tiếp theo của thành phố cổ, với việc xây dựng các khu bảo tồn, tu viện bởi các vị vua nước ngoài trong nhiều thế kỷ.


    Bức tường chính điện có chiều cao trung bình 11m, được xây dựng theo phong cách cổ điển của kiến trúc đền đài Ấn Độ. Lối vào từ phía đông và phía bắc, đồng thời có một tầng hầm thấp trang trí bằng hoa kim ngân. Tại 4 góc lan can của ngôi đền là 4 bức tượng Phật trong các gian thờ nhỏ. Mỗi tòa tháp nhỏ được xây dựng ở phía trên mỗi ngôi đền này. Ngôi đền hướng về phía đông bao gồm một sân trước nhỏ, hai bên là tượng Phật. Bên ngoài cửa dẫn vào sảnh là nơi đặt bức tượng Đức Phật ngồi, được mạ vàng cao hơn 1,5m. Phía trên chánh điện có điện thờ - nơi mà các vị cao tăng tụ tập hành thiền. Bên ngoài là các bậc thang dẫn đến một con đường dài ngay trung tâm ngôi đền chính và khu vực xung quanh. Dọc theo con đường này là những địa điểm quan trọng gắn liền với các sự kiện sau khi Đức Phật giác ngộ, cùng với các bảo tháp, đền thờ vàng mã.


    Quan trọng nhất trong số những nơi linh thiêng kể trên là Cây Bồ Đề khổng lồ, ở phía tây của ngôi đền chính, được cho là hậu duệ trực tiếp của Cây Bồ Đề nguyên thủy mà Đức Phật đã trải qua tuần lễ đầu tiên của sự giác ngộ. Tại phía bắc con đường trung tâm, trên khu vực được nâng cao là phòng cầu nguyện - nơi được cho là Đức Phật đã trải qua tuần lễ thứ hai. Ngài trải qua tuần lễ thứ ba để đi đi lại lại 18 bước trong một khu vực được gọi là Ratnachakrama - nằm gần bức tường phía bắc của ngôi đền chính. Những bông sen đá nổi lên khắc trên bục chính là đánh dấu từng bước chân của Ngài. Nơi Ngài trải qua tuần thứ tư là Ratnaghar Chaitya, nằm ở phía đông bắc gần bức tường bao quanh. Ngay sau bậc thang của lối vào phía đông trên con đường trung tâm có một cây cột đánh dấu vị trí của cây Ajapala Nigrodh, theo đó Đức Phật đã thiền định trong tuần lễ thứ năm của mình. Ngài tiếp tục trải qua tuần thứ sáu bên cạnh hồ sen ở khu vực phía nam, và tuần thứ bảy dưới cây Rajyatana ở phía đông nam của ngôi đền chính. Bên cạnh Cây Bồ Đề là một nền tảng gắn liền với ngôi đền chính làm bằng đá sa thạch đánh bóng, được gọi là Vajrasana. Trước đó, một lan can cũng bằng đá sa thạch đã từng bao quanh địa điểm này dưới gốc cây bồ đề, nhưng chỉ một số cột ban đầu của nó hiện còn nguyên tại chỗ; chúng chứa các hình chạm khắc khuôn mặt người, động vật cùng các chi tiết trang trí.


    Trong bối cảnh lịch sử triết học và văn hóa, quần thể Đền thờ Mahabodhi mang ý rất nghĩa to lớn, vì nó đánh dấu sự kiện quan trọng nhất ở thời điểm Thái tử Siddhartha đạt được giác ngộ và trở thành Đức Phật. Đây là một sự kiện định hình tư tưởng cùng niềm tin của con người. Địa điểm này ngày nay được tôn sùng là nơi hành hương linh thiêng nhất của Phật giáo trên thế giới, cũng như được xem là cái nôi của Phật giáo trong lịch sử nhân loại.

    Đền Mahabodhi - Bodh Gaya, Ấn Độ
    Đền Mahabodhi - Bodh Gaya, Ấn Độ
    Đền Mahabodhi - Bodh Gaya, Ấn Độ
    Đền Mahabodhi - Bodh Gaya, Ấn Độ
  7. Đền Vàng ở Amritsar được coi là ngôi nhà thờ cúng quan trọng nhất của Sikh giáo. Ngôi đền không tì vết được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng và dát vàng lá. Nó nằm ở trung tâm của một cái hồ nhân tạo lớn, bao quanh bởi con đường đi bộ. Đá cẩm thạch trắng rực rỡ trên các tòa xung quanh lẫn lối đi, phản chiếu ánh sáng gần như thần thánh vào những ngày nắng. Khi bình minh và hoàng hôn, những viên than đỏ rực sẽ tạo nên thứ ánh sáng đầy mê hoặc, làm nổi bật vẻ ngoài màu vàng tuyệt đẹp của ngôi đền. Các nghi lễ hàng ngày diễn ra tại đây thu hút rất đông khách hành hương cũng như du khách. Bảo tàng Central Sikh gần đó có nhiều hiện vật trưng bày về văn hóa Sikh.


    Đền Vàng rất nổi tiếng với mái vòm chỉ toàn vàng, được xây dựng trên một khối đá cẩm thạch to, với cấu trúc hai tầng. Maharaja Ranjit Singh đã xây dựng nửa phần trên của nó bằng khoảng 400kg vàng lá. Ngoài ra, nó còn được bao quanh bởi một số ngôi đền nổi tiếng khác. Đạo sư thứ tư của đạo Sikh là Ram Das - người ban đầu xây dựng một cái hồ ở đây, đã thành lập Amritsar - địa điểm của ngôi đền hiện tại. Chính tại đây, cũng là nơi mà hiền nhân Valmiki đã viết sử thi Ramayana. Phía nam ngôi đền là một khu vườn cùng tháp Baba Atal. Nhà bếp cộng đồng của nó luôn cung cấp thức ăn miễn phí cho khoảng 20.000 người mỗi ngày, thậm chí con số sẽ lên đến 100.000 người vào những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, tất cả du khách đều phải che đầu khi vào tham quan.


    Hồ sâu 5,1 mét (có thể xuống tắm), bao quanh bởi lối đi vòng quanh cũng bằng đá cẩm thạch rộng 3,7 mét. Nhiều người theo đạo Sikh tin rằng tắm trong dòng nước này sẽ có khả năng phục hồi, tẩy sạch nghiệp chướng. Một số người còn mang nước hồ về nhà để cho bạn bè hoặc người thân bị bệnh. Nó được duy trì bởi các tình nguyện viên, những người thực hiện dịch vụ cộng đồng, bằng cách rút nước cũng như khử cặn định kỳ.


    Bên ngoài thánh địa có các tấm đồng mạ vàng trên những cánh cửa, với họa tiết thiên nhiên như chim và hoa. Trần của tầng trên cùng cũng được mạ vàng, chạm nổi, trang trí bằng ngọc. Mái vòm hình bán cầu với một vật trang trí trên đỉnh, các thiết kế hoa trên những tấm đá cẩm thạch của bức tường xung quanh mang phong cách Ả Rập. Ở mái vòm bao gồm các câu từ kinh thánh Sikh bằng chữ vàng.


    Những bức bích họa theo truyền thống Ấn Độ có các họa tiết động vật, chim cùng thiên nhiên chứ không phải là hình học thuần túy. Ở bức tường của cầu thang là tranh về các đạo sư của Sikh giáo. Darshani Deorhi là một cấu trúc 2 tầng - nơi đặt các văn phòng quản lý và kho bạc. Tại lối của con đường dẫn ra khỏi thánh địa là cơ sở Prasada - nơi các tình nguyện viên phục vụ lễ vật ngọt làm từ bột, gọi là Karah Prasad. Thông thường, những người hành hương đến Đền Vàng sẽ bước vào rồi đi vòng quanh hồ theo chiều kim đồng hồ trước khi vào bên trong. Tổng cộng có 4 lối vào khu phức hợp Gurdwara, điều này biểu thị cho sự rộng mở về mọi phía, nhưng chỉ có một lối vào duy nhất dẫn đến thánh đường của ngôi đền. Đặc biệt, ở đây còn có dịch vụ xe lăn miễn phí dành cho bất cứ ai cần đến, để thuận tiện trong việc dạo quanh. Họ có thể đi xe lăn từ lối vào và sẽ có một thang máy đặc biệt giúp dễ dàng di chuyển.

    Đền Vàng - Amritsar, Ấn Độ
    Đền Vàng - Amritsar, Ấn Độ
    Đền Vàng - Amritsar, Ấn Độ
    Đền Vàng - Amritsar, Ấn Độ
  8. Thần cung Ise nằm tỉnh Mie của Nhật Bản, là ngôi đền Thần đạo dành riêng cho nữ thần mặt trời Amaterasu, vị thần tối cao của Nhật Bản. Đây là một quần thể bao gồm nhiều đền thờ tập trung ở hai ngôi đền chính Naiku và Geku. Được biết đến như ngôi nhà tâm linh, đến nay nó đã có niên đại gần 2.000 năm, và vẫn là ngôi đền quan trọng, có ý nghĩa văn hóa nhất tại Nhật Bản. Một trong những sự thật hấp dẫn nhất về Thần cung Ise là cứ sau 20 năm, các điện thờ bên trong lẫn bên ngoài, cả Cầu Uji đều sẽ được dỡ bỏ để xây dựng lại hoàn toàn cho phù hợp với niềm tin tái sinh, tính vô thường của vạn vật, đồng thời để đảm bảo kiến thức lẫn kỹ thuật xây dựng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng như sự đổi mới của Thần đạo.


    Đại Đền Ise gắn liền với lịch sử tâm linh, văn hóa và thần thoại, chúng được ghi lại trong Nihon Shoki (Biên niên sử) - cuốn sách cổ thứ hai về lịch sử cổ điển Nhật Bản. Bắt đầu khi hoàng đế thứ XI Suinin, yêu cầu con gái của mình đi tìm một nơi thờ cúng vĩnh viễn cho nữ thần mặt trời Amaterasu cùng chiếc gương thiêng mà nữ thần tặng cho vị hoàng đế đầu tiên. Được giao phó sứ mệnh, công chúa Yama Hime-no-mikoto đã đi khắp nước Nhật trong hơn 20 năm để tìm kiếm địa điểm phù hợp cho đến khi cô được chính Amaterasu hiển linh hướng dẫn đến thành phố Ise ở Tỉnh Mie. Công chúa nghe thấy một giọng nói với mình rằng “Ise là một vùng đất hẻo lánh và dễ chịu. Tôi muốn sống ở vùng đất này”. Để đánh dấu vị trí, cô đã cho đặt 50 chiếc chuông để cho mọi người biết nơi thờ phụng của Amaterasu; đó cũng là lý do vì sao dòng sông Isuzu được gọi là “năm mươi chiếc chuông” cho đến ngày nay. Ngôi đền xây dựng tại địa điểm này ở Ise được biết đến với tên gọi Naiku (Nội Đền), tiếp theo là Geku (Ngoại Đền). Naiku và Geku cùng nhau tạo thành Thần cung Ise Grand, còn được gọi là Ise Jingu.


    Ngày nay, Đại Đền Ise bao gồm quần thể 125 đền thờ trên khắp thành phố Ise, nhưng Nội Đền và Ngoại Đền vẫn là những địa điểm linh thiêng nhất. Đặc biệt với Nội Đền - nơi chiếc gương linh thiêng được cất giữ an toàn, vật thể này được xem là một trong ba thần khí của hoàng gia. Tất cả các ngôi đền đều được xây dựng theo một biến thể đặc biệt của phong cách kiến trúc “Yuitsu shinmei-zukuri”, được biết đến với sự đơn giản, cổ kính và không được sử dụng trong bất kỳ ngôi đền nào khác. Các tòa của nó chỉ sử dụng chốt bằng gỗ, các mối nối lồng vào nhau thay vì đinh. Gỗ từ những ngôi đền bị dỡ bỏ trước đó được tái chế để làm cổng Torii mới tại lối vào, cũng như được gửi đi sử dụng ở các ngôi đền trên khắp Nhật Bản. Các tòa của Đại Đền Ise hiện tại được xây dựng vào năm 2013 và sẽ được xây dựng lại vào năm 2033.


    Lễ hội hàng năm quan trọng nhất được tổ chức tại Đền Ise là lễ hội Kannamesai. Nó được tổ chức vào tháng 10, đây là nghi lễ dâng lễ vật thu hoạch vụ mùa đầu tiên cho Amaterasu. Một sứ thần của triều đình sẽ mang gạo do chính hoàng đế thu hoạch đến Ise, cũng như vải lụa năm màu cùng các vật liệu khác được gọi là Heihaku. Bên cạnh các nghi lễ nông nghiệp đã đề cập, thì các nghi lễ cùng lễ hội khác cũng được tổ chức quanh năm ở cả Nội Đền lẫn Ngoại Đền để kỷ niệm những điều như năm mới, sự thành lập của nước Nhật, các hoàng đế trong quá khứ, nghi lễ thanh tẩy dành cho những nhạc sĩ cung đình, quá trình lên men rượu sake ngon và sinh nhật của hoàng đế. Ngoài ra còn có lễ cúng thức ăn hàng ngày cho đền thờ Kami được tổ chức vào cả buổi sáng và buổi tối.

    Đại Đền Ise - Nhật Bản
    Đại Đền Ise - Nhật Bản
    Đại Đền Ise - Nhật Bản
    Đại Đền Ise - Nhật Bản



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy