Top 12 Ngày lễ lớn trong năm ở Việt Nam theo Dương lịch.
Những ngày lễ tết trong năm ở Việt Nam cũng như các Quốc gia khác trên Thế giới đều có rất nhiều những ngày lễ để kỷ niệm, để tưởng nhớ và đánh dấu lại những ... xem thêm...thời khắc quan trọng trong lịch sử. Ở Việt Nam, ngoài Tết Nguyên Đán - kỳ lễ có ngày nghỉ dài nhất thì người Việt vẫn rất mong chờ và háo hức những ngày lễ khác diễn ra trong năm dương lịch. Cùng Toplist điểm danh những ngày lễ lớn này nhé!
-
Tết Dương lịch (1/1)
Tết dương lịch là một ngày lễ diễn ra vào ngày 1 tháng 1, ngày đầu tiên trong năm theo lịch Gregorius cũng như lịch Julius, là dịp lễ quan trọng trong năm của nhiều dân tộc và nền văn hóa trên thế giới. Vào thời kỳ tiền cơ đốc giáo theo lịch Julius, ngày này được dành tặng cho Janus, một vị thần của cửa vào và sự khởi đầu, tên vị thần này cũng được đặt tên cho tháng 1 (January). Là một ngày trong lịch Gregorius của người Cơ đốc giáo, ngày Tết Dương lịch đánh dấu theo nghi thức trong Lễ cắt bao quy đầu của Giêsu, cũng được tiến hành trong giáo hội Luther và giáo hội Alica.
Ngày nay, khi hầu hết các quốc gia sử dụng lịch Gregorius cũng như lịch De facto, Tết Dương lịch có thể coi là ngày lễ chung lớn nhất, thường có pháo hoa bắn vào lúc nửa đêm khi năm mới bắt đầu theo múi giờ. Những truyền thống của ngày Tết Dương lịch trên toàn cầu bao gồm quyết định đầu năm, dịch vụ nhà thờ và đi lễ tại nhà thờ hoặc gọi điện cho bạn bè và gia đình, tổ chức tiệc mừng. Ngày bắt đầu một năm mới cũng chính là ngày lễ lớn đầu tiên ở Việt Nam. Tuy không được chú trọng như Tết Nguyên Đán nhưng mọi người vẫn rất háo hức đón chào ngày lễ này. Trong ngày nghỉ duy nhất này, mọi người sẽ tổ chức đi chơi, họp mặt hay đơn giản hơn là tham dự bữa cơm gia đình.
-
Lễ Tình nhân - Valentine (14/2)
Lễ Tình nhân là ngày lễ xuất phát từ các nước phương Tây, tuy nhiên nó dần trở thành một phần không thể thiếu đối với người Việt Nam. Tuy không được nghỉ vào ngày này nhưng mọi người sẽ bày tỏ tình cảm với người mình thương, yêu bằng socola, hoa hoặc món quà xinh xắn. Ngày nay, ngày lễ này không chỉ dành riêng cho các cặp đôi yêu nhau mà còn là dịp để thổ lộ tình cảm của mình với người mà mình thích hay cũng có thể là người thân trong gia đình. Ở Việt Nam, ngày Valentine (14/02) còn được gọi là ngày Lễ Tình Nhân và chính cái tên cũng đã gợi ý đây là ngày dành riêng cho những cặp tình nhân.
Ngày Valentine được biết đến là ngày lễ dành cho tình yêu đôi lứa, là cơ hội để các anh thể hiện tình cảm với nửa kia của mình. Hoặc cũng có thể là dịp để cả nam và nữ tặng quà cho nhau. Điểm thú vị là đường phố tràn ngập những món quà lãng mạn mời gọi những cặp đang yêu mua tặng cho nhau, báo chí đăng những bài làm thế nào để có ngày Valentine đáng nhớ với chàng/nàng… tạo nên bầu không khí chủ đạo của ngày này. Bởi thế mà khi ngày Valentine đến gần, không khó để chúng ta nhận ra, bên cạnh cảm xúc thăng hoa của những ai đang yêu là những tiếng thở dài chạnh lòng của những ai chưa tìm được một nửa của mình.
-
Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)
Ngày Quốc tế Phụ nữ còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hằng năm. Ngày này được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. Ngày lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ ngày nay có thể là một ngày lễ chung ở một số quốc gia, hoặc trở thành một ngày lễ lớn bị bỏ qua ở những nơi khác. Ở một số quốc gia, ngày này là ngày để biểu tình; ở những quốc gia khác, ngày này là ngày tôn vinh nữ giới. Ngày Quốc tế Phụ nữ, là ngày mà phụ nữ trên toàn thế giới được tôn vinh. Tuy không phải là ngày lễ được nghỉ ở Việt Nam, nhưng đây là dịp để phái mạnh, hay con cái thể hiện tình cảm của mình với những người mẹ, người phụ nữ mà họ thương yêu.
Tại một số quốc gia, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới ở các mức lương, ở cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp, hay là điều kiện an sinh xã hội, chống mãi dâm và bạo lực đối với phụ nữ, nói chung là những vấn đề thực tiễn. Ngày này, thường là phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ từ chối nhận hoa vì xem đó là một dấu hiệu không bình đẳng và chỉ có tính cách hình thức. Ở Việt Nam, ngày này thường là ngày phái nam tặng phụ nữ hoa (thường là hoa hồng) và quà, sự kiện thường được tổ chức ở các cơ quan, đoàn thể... nơi có phụ nữ làm việc và tham gia.
-
Ngày Giải phóng miền Nam (30/4)
Ngày lễ 30 tháng 4, tên chính thức là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Chiến thắng, Ngày Thống nhất là một ngày lễ quốc gia của Việt Nam, đánh dấu sự kiện chấm dứt Chiến tranh Việt Nam khi các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tầm trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngày này là kết quả trực tiếp của Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975 và là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Sự kiện 30 tháng 4 diễn ra sau khi tất cả công dân và binh lính Mỹ cùng với hàng ngàn người Việt phục vụ cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam di tản khỏi Sài Gòn. Năm 1976, Việt Nam chính thức tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất và Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của cố Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh. Hằng năm, tại Việt Nam có rất nhiều hoạt động được tổ chức để kỷ niệm ngày này. Nó còn là ngày nghỉ lễ quốc gia, được ghi trong các văn bản pháp luật với tên gọi "Ngày Chiến thắng".
-
Ngày Quốc tế Lao động (1/5)
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế II được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 01/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động. Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 01/5/1890, lần đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm trên quy mô thế giới. 1/5 - Ngày Quốc tế Lao động là ngày mà mọi người dân lao động của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đều hồ hởi đón chào. Đây là ngày nghỉ mà mọi người lao động vẫn được hưởng lương.
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 01/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ.
-
Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6)
Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên được tổ chức vào ngày 1 tháng 6 năm 1950 và sau đó lan rộng ở nhiều quốc gia theo xã hội chủ nghĩa, lúc đó còn gọi là "ngày đấu tranh cho tương lai hạnh phúc và yên bình cho tất cả các trẻ em". Ngày lễ được cử hành vào ngày 1 tháng 6 hằng năm. Ngày lễ thường được đánh dấu bằng các bài phát biểu về quyền của trẻ em và an sinh, các chương trình truyền hình trẻ em, các buổi tiệc, những hoạt động khác nhau liên quan hoặc dành riêng cho trẻ em, gia đình sinh hoạt ngoài trời.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi, ngày 1 tháng 6 tại Việt Nam còn gọi là Tết Thiếu nhi, là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người. Đồng thời cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn. Trẻ em - mầm non tương lai của đất nước luôn là thế hệ mà chúng ta luôn phải quan tâm và chú trọng. Quốc tế Thiếu nhi 1/6 là dịp để chúng ta bày tỏ sự yêu thương, quan tâm tới các em bằng những món quà ý nghĩa hay khích lệ tinh thần để các em luôn vững bước trong tương lai.
-
Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7)
Để có được hòa bình, cuộc sống ấm no bình yên như ngày nay chúng ta không thể không nhớ tới công lao của biết bao thế hệ các anh hùng - những người Việt Nam dũng cảm đi trước. Họ đã hi sinh cả tuổi xuân và xương máu của mình để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm những người thương binh liệt sĩ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.
Ngày 27/7 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hy sinh vì Tổ Quốc. Qua đó, nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo. Cũng thông qua đó nhằm động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước.
-
Ngày Quốc khánh (2/9)
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, hơn 50 vạn người dân Hà Nội đã tụ họp tại quảng trường Ba Đình chào mừng thành lập chính phủ mới. Thay mặt cho toàn thể chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định: "Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945".
Ngày Quốc khánh Việt Nam là ngày lễ chính thức của Việt Nam, diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hằng năm, kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Kì nghỉ lễ Quốc khánh năm nào cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm, giải trí nghệ thuật thu hút rất nhiều người xem do đây là kì nghỉ lễ lớn và quan trọng đối với Việt Nam.
-
Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10)
Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập, để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
Ngày phụ nữ Việt Nam là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những người phụ nữ, được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 hàng năm ở Việt Nam. Vào dịp này, phụ nữ ở Việt Nam được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến nhất vẫn là tặng hoa hồng, thiệp và kèm theo những lời chúc mừng. Đây là dịp để những người con, người chồng hay đàn ông nói chung bày tỏ tình cảm của mình bằng những tấm thiệp, bó hoa tươi thắm hay món quà xinh xắn.
-
Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)
Ngày Nhà giáo Việt Nam hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành Giáo dục và là Ngày Nhà giáo, ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những người giáo viên. Trong ngày này, các học sinh thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo. Ngành Giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày mà các thế hệ học sinh bày tỏ lòng biết ơn với người thầy của mình - người cống hiến một đời cho công cuộc “trồng người”, truyền cảm hứng, đam mê và lửa cho chủ nhân tương lai đất nước. Thành tích học tập tốt, hay những bó hoa tươi thắm sẽ chính là những điều tuyệt vời nhất mà học sinh chúng ta dành tặng cho thầy cô giáo trong dịp này.
-
Lễ Giáng sinh (24/12)
Lễ Giáng Sinh còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas là lễ hội hàng năm kỷ niệm sự ra đời của Giêsu, được tổ chức chủ yếu vào ngày 25 tháng 12 như một lễ kỷ niệm tôn giáo và văn hóa của hàng tỷ người trên thế giới. Là một ngày lễ trọng tâm của năm phụng vụ Kitô giáo, nó kết thúc mùa Mùa Vọng và bắt đầu mùa Mùa Giáng Sinh, theo lịch sử ở phương Tây kéo dài mười hai ngày và lên đến đỉnh điểm vào Đêm thứ mười hai. Ngày Giáng sinh là một ngày nghỉ lễ ở nhiều quốc gia trên thế giới, được tổ chức tôn giáo theo đa số Kitô hữu và cũng được tổ chức như lễ hội văn hóa của nhiều người ngoài Kitô giáo và tạo thành một phần không thể thiếu của kỳ nghỉ lễ tập trung xung quanh ngày này.
Lễ Giáng sinh ở Việt Nam trong những năm gần đây đã trở nên rất phổ biến. Hầu như ngày lễ Giáng sinh đã dàn trở thành ngày lễ chung chứ không còn là một ngày lễ dành riêng cho những người theo đạo thiên chúa giáo nữa. Ở Việt Nam vào dịp lễ Giáng sinh mọi người thường dành tặng cho nhau những món quà giáng sinh đặc biệt là những cặp đôi trẻ, thường tặng quà nhau nhân dịp giáng sinh và tặng nhau những câu chúc ngọt ngào, bên cạnh đó thì vào ngày này các bạn nhỏ thường được các Ông già noel tặng quà. Đây là dịp để bạn bày tỏ tình cảm với người thân, bạn bè và cả người thương bằng việc tham gia bữa cơm ấm cúng hay những món quà nho nhỏ.
-
Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12)
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam xem đây là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh "vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân". Ngày truyền thống là ngày 22 tháng 12 hàng năm. Quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam là quốc kỳ Việt Nam có thêm dòng chữ "Quyết thắng" màu vàng ở phía trên bên trái. Theo Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam thì Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân - Ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, Ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.