Sự tích cây Thì Là
Sự tích cây Thì Là là truyện dân gian Việt Nam, kể về nguồn gốc tên gọi của các loài cây cũng như bài học về sự hấp tấp, nôn nóng trong cuộc sống.
Ngày xưa, cây cối trên trái đất đều chưa có tên gọi. Trời bèn gọi các cây lên để đặt cho mỗi loại cây một cái tên. Nghe tin đó, đám cây cối mừng lắm và mỗi loại đều cử một cây lên trời để nhận tên.
Lên đến trời, trên một bãi rộng, các cây to, nhỏ, cao, thấp đứng chen chúc nhau. Trời ngồi trên một gò cao, lần lượt đặt tên cho các cây to rồi đến cây nhỏ. Trời trỏ tay vào từng cây và đặt tên:
– Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa;
– Chú thì ta đặt tên cho là cây cau;
– Chú thì đặt tên cho là cây mít;
– Chú thì tên là cây nhãn;
– Chú thì tên là cây hồng…
Trời nói mãi, mỏi cả mồm mà vẫn chưa hết.
Vì vậy, lúc đầu trời còn nói câu dài. Về sau, trời chỉ nói vắn tắt:
– Chú thì là cây cải;
– Chú là cây ớt;
– Chú là cây tỏi…
Khi tất cả các loài cây đều đã có tên, trời tưởng hết, bỗng còn một cây tiến đến chỗ trời để xin đặt tên. Trời nhìn thấy một cây nhỏ xíu như que hương, thân mảnh khảnh, lá lăn tăn. Trời hỏi:
– Chú bé tí xíu, có ích gì mà cũng xin đặt tên?
Cây nhỏ liền thưa:
– Thưa Trời, con rất có ích. Khi nấu canh riêu cá hoặc làm các món ăn như chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon.
Trời liền bảo:
– Ừ, ta sẽ nghĩ cho một cái tên. Tên chú thì… là…
Trời còn đang suy nghĩ, chưa biết nên đặt tên là gì, khi nhìn xuống thì cây nhỏ đã chạy đi xa rồi. Nó mừng rỡ nói với bạn bè: Trời đặt cho tôi là cây “Thì Là“!