Top 5 Cái nhất chỉ có ở tỉnh Quảng Nam

Đỗ Thị Mai Hiếu 5785 0 Báo lỗi

Đất Quảng Nam dù trải qua bao năm tháng, miền đất này ngày càng trở nên mặn mà và đằm thắm. Với biết bao công trình kiến trúc giá trị cả về bề dày thời gian và ... xem thêm...

  1. Khi các bạn về xứ Quảng điều đầu tiên mà các bạn được thưởng thức không phải là bằng thị giác ngắm phong cảnh hữu tình mà là các bạn sẽ được thưởng thức bằng thính giác nghe giọng nói đặc trưng ở đây. Một giọng nói, ngôn ngữ có "chủ quyền" không lẫn vào đâu được, cách phát âm nghe "lạ vị" nếu nghe lần đầu thì nhiều khách xa tới rất khó để hiểu.

    Ví dụ như từ cháo, người Quảng nói là chố; từ xe đạp nói thành xe độp,... nên dù đi đâu xa người Quảng luôn được mọi người nhận ra, do người Quảng luôn mang trong mình âm vị nồng nàn, đậm đà, mặn chát đặc trưng trong mình. Những người con xứ này nhận định rằng: "Tiếng Quảng là nơi lưu trữ tâm hồn đất Quảng".
    Ảnh minh họa
    Ảnh minh họa

  2. Đi từ đầu đến cuối xứ Quảng đi đến đâu các bạn cũng có thể được thưởng thức được những đặc sản riêng trên từng chặng đường. Mình sẽ giúp các bạn điểm qua các món ngon này nha:

    - Đầu tiên là Mì Quảng một thương hiệu của Quảng Nam, khi đến đây các bạn không thể bỏ qua món ăn đậm đà này.

    - Vừa vào ranh giới Quảng Nam tính từ Bắc vào là huyện Điện Bàn, hãy dừng chân và thưởng thức ngay món Bê thui Cầu Mống, chính hiệu trọn vẹn vị ngon. Bê ở đây được chọn vừa đủ lớn để thịt không nhão, thịt bê thui xong phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói. Mắm được làm từ loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất. Bánh tráng để cuốn là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn.

    - Tiếp đến là huyện Đại Lộc với món Bánh tráng cuốn thịt heo trứ danh của mình. Những lát thịt được lấy từ phần mông của con heo, cũng được thái mỏng thành từng lát. Nhưng cái hay là ở chỗ, lát thịt bình thường gồm ba phần rõ rệt da, mỡ, nạc còn lát thịt ở đây lại mỡ, nạc xen kẽ một cách đẹp mắt. Ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo Đại Lộc là chén nước mắm nêm được pha rất đậm đà, thơm phức. Còn độ ngon của bánh tráng ở Đại Lộc thì quá nổi tiếng xứ này rồi. Tất cả hòa lại tạo thành một món ăn ngon dân dã khó quên.

    - Tạt qua huyện Quế Sơn thưởng cho mình một tô cháo phở Sắn ngon đúng điệu. Món phở sắn tuy dân dã, mộc mạc nhưng có sức hút kỳ lạ. Cái vị dai dai, bùi bùi của sợi phở sắn; vị ngọt của tôm thịt hòa vào mùi thơm của rau húng, quế, ngò; vị cay cay của ớt xanh. Tất cả tạo nên hương vị đặc trưng, mặn mà của món phở sắn.

    - Sẵn tiện ghé qua Đèo Le gọi một đĩa gà tre ở đây, để biết thế nào là hương vị gà quê. Các món được chế biến từ gà tre đèo Le rất đa dạng, từ nướng, hấp hành, rô ti đến luộc… nhưng thơm ngon và dậy vị nhất chính là món gà nướng. Dù chờ đợi hơi lâu một tý tầm 30 phút nhưng các đầu bếp ở đây sẽ không làm bạn thất vọng với hương vị đặc trưng gà tre.

    - Thôi thì có dịp chạy qua phố Hội để gọi thêm một tô Cao Lầu, một dĩa Cơm Gà để biết tài nghệ ẩm thực của người phố cổ.

    - Rồi chạy thêm khoảng 30km là tới huyện Núi Thành, để làm một đĩa Cá Chuồn hương vị biển thôi nào. Cá chuồn ở Núi Thành chế biến được nhiều món ngon: cá chuồn nướng, cá chuồn được áp chảo nén chiên giòn, cá chuồn nấu canh với rau ranh, rau muống, kho, luộc… nhưng không món nào có thể thiếu gia vị là củ nén. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cũng không cầu kỳ, cứ cầm hẳn bằng tay, bẻ đôi chấm với nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt chanh thì không gì thú vị bằng. Nhưng sẽ ngon đậm đà hơn nếu cá chuồn nướng quấn trong bánh tráng lề kèm rau sống, chấm nước mắm ớt.

    Các bạn thấy xứ Quảng mình có nhiều món ngon chưa, các bạn hãy đến và cùng thưởng thức nhé. :)
    Mì Quảng một đặc sản của Quảng Nam
    Mì Quảng một đặc sản của Quảng Nam
  3. Phố cổ Hội An là điểm du lịch phải nhắc tới đầu tiên trong danh mục điểm đến hấp dẫn nổi tiếng ở Quảng Nam. Hội An là thành phố cổ của Quảng Nam được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là nơi tập trung nhiều thương cảng sầm uất nhất ở Việt Nam, nhiều thương gia từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản… Nét đẹp của Hội An, được thể hiện qua kiến trúc độc đáo của những căn nhà trong khu phố cổ, cộng với những ngôi nhà cổ kính ven dòng Thu Bồn thơ mộng. Đến với Hội An du khách có thể ngắm phố phường bằng nhiều phương tiện đặc biệt là ngồi trên xe xích lô. Hội An lung linh nhất khi những ánh đèn lồng rực rỡ lung linh sắc màu trải dài con phố cùng với đó là những ánh đèn hoa đăng bập bềnh trên dòng sông Thu Bồn.


    Cù Lao Chàm là hòn đảo nguyên sơ hiện có nhiều cư dân sinh sống, hòn đảo xanh mát này được hình thành cách đây vài nghìn năm, gần với Hội An nên ở ở đây cũng từng là nơi thông thương với nhiều thương gia nước ngoài. Trên đảo Cù Lao Chàm xinh đẹp còn có nhiều địa danh đặc sắc hấp dẫn của Quảng Nam như bãi tắm trong mát bãi Ông, bãi Chồng và các địa danh đẹp như suối Mơ, suối Tiên Ông. Đến Quảng Nam mà không ghé thăm Cù Lao Chàm thì thật bỏ phí một chuyến đi thú vị, bởi các bạn tới đây có thể tham quan, xuống ngâm mình trong làn nước trong mát hoặc thực hiện các thú vui tao nhã như câu mực, câu cá hay lặn xuống đáy biển ngắm rạn san hô đa sắc màu. Cho nên Cù Lao Chàm luôn là một trong những danh thắng hấp dẫn ở Quảng Nam không nên bỏ lỡ.


    Một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn ở Quảng Nam không thể không nhắc tới là bãi biển Cửa Đại hấp dẫn, nổi tiếng. Bãi biển chỉ cách trung tâm thành phố Hội An khoảng 5km. Bãi biển này chính là nét duyên dáng đơn sơ tô điểm cho mảnh đất Quảng Nam quanh năm nắng gió. Nơi đây luôn làm say đắm lòng du khách trước màu xanh, cảm giác yên bình như xua tan hết những muộn phiền âu lo của cuộc sống bon chen, bộn bề. Bãi biển Cửa Đại luôn là địa danh du lịch nổi tiếng của Quảng Nam không chỉ biển đẹp mà đồ ăn biển rất ngon và đa dạng. Nhưng đáng tiếc hiện nay biển Cửa Đại đang xảy ra hiện tượng xâm thực, bãi biển đang càng ngày mất dần vẻ đẹp vốn có của mình, nên các bạn hãy nhanh chóng thu xếp để tới nơi xinh đẹp này nha.


    Thánh địa Mỹ Sơn nổi tiếng là điểm của Quảng Nam bởi ở đây có nhiều kiến trúc độc đáo của nghệ thuật Chăm cổ. Mỹ Sơn là địa điểm duy nhất còn lưu lại những nét đẹp của quá trình phát triển của các quốc gia Champa suốt thế kỉ VII tới XIII. Nên Thánh địa Mỹ Sơn luôn mang trong mình vẻ đẹp độc đáo, cổ kính, nơi quy tụ, hội nhập nền văn hóa lịch sử Champa.


    Bãi biển Tam Thanh chính là điểm du lịch nổi bật ở Quảng Nam cách thành phố Tam Kì khoảng 10km. Bãi biển sạch đẹp của Quảng Nam này chiếm trọn được sự yêu quý của du khách bởi lẽ nơi đây có không khí trong lành, không gian biển thoáng đãng. Điểm đến hấp dẫn của Quảng Nam thì có rất nhiều, chủ yếu là các bãi biển đẹp nên Quảng Nam đang chú trọng khai thác tiềm năng du lịch từ các bãi tắm còn hoang sơ tự nhiên, vì thế mà bãi biển Tam Thanh cũng được quan tâm và phát triển rất nhiều về mặt dịch vụ, nghỉ dưỡng. Du khách hãy tới với bãi tắm Tam Thanh, tới với mảnh đất Quảng Nam chân chất thật thà, mộc mạc để cảm nhận được vẻ đẹp của tự nhiên cũng như tình người mặn mà nơi đây. Và hiện nay ở đây đã có những resort sang trọng và cách bố trí bãi biển ngày càng đẹp mắt, thu hút được cả khách du lịch nước ngoài tới nơi này.


    Làng bích họa Tam Thanh, Quảng Nam, đây là dự án liên kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc, dưới bàn tay của tình nguyện viên Hàn Quốc, hơn 100 ngôi nhà cũ ở làng chài nghèo tỉnh Quảng Nam trở thành những bức tranh sinh động. Đây là ngôi làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam. Những bức tường rêu phong cũ kỹ đã được tô điểm những bức tranh sinh động với nhiều đề tài khác nhau như về đời sống, vui chơi, thiếu nhi,... được thể hiện rất tinh tế dưới nét vẽ sinh động của các họa sĩ. Một làng chài sát biển đơn sơ nay đã trở thành một địa điểm du lịch sốt xình xịch của giới trẻ và đây cũng là một loại hình du lịch mới mẻ thu hút được rất nhiều khách du lịch tò mò về với nơi đây.


    Các bạn còn chần chừ gì nữa, hãy sắp xếp cho mình một kỳ nghỉ và cũng tự thưởng cho mình một chuyến đi.

    Làng Bích Họa Tam Thanh Quảng Nam
    Làng Bích Họa Tam Thanh Quảng Nam
  4. Tỉnh Quảng Nam vinh dự có đến hai di sản được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là Phố Cổ Hội An và Thánh Địa Mỹ Sơn.


    Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, nhưng vẫn còn vẻ hoang sơ của núi rừng. Nơi đây, có hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan. Vào ngày 1/12/1999, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới với hai tiêu chí: “Là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hóa” - “Là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh Châu Á đã biến mất”.


    Phố cổ Hội An là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á chỉ có ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như vẹn nguyên vẻ đẹp với hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... Các kiến trúc ở nơi Phố cổ này vừa mang âm sắc nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu văn hóa hội nhập với các nước phương Đông, phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa,nghi lễ, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với biết bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên êm ả, trong lành với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…. Đến ngày 4/12/1999 Phố Hội vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí: "Hội An là di sản nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ tại một thương cảng quốc tế" và "Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo".


    Có thể nói Quảng Nam là nơi đầu tiên trong cả nước có đến hai di sản vật thể được Unesco công nhận di sản văn hóa thế giới. Đây không chỉ là vinh dự cho người Quảng mà còn giúp làm tăng chỉ số du lịch của tỉnh trong những năm gần đây.

    Hội An linh hồn xứ Quảng
    Hội An linh hồn xứ Quảng
  5. Cả nước nói chung và đất Quảng nói riêng, ở đâu cũng luôn có những vị anh hùng hi sinh vì đất nước Việt Nam. Mình viết top này nhằm mục đích muốn nhắc lại những chiến tích của những vị anh hùng thời chiến trên đất Quảng để mọi người cùng nhau nắm rõ những người con lỗi lạc đất này.


    Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà cách mạng, nhà văn thơ và cả báo chí. Cụ sinh năm 1876 tại huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.Cụ đã hoạt động cách mạng sôi nổi từ năm 1908-1946, và ông đã để lại cho thế sau những tác phẩm văn học mang giá trị tư tưởng sâu sắc. Hiện nay nhà cụ ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam, được ban lãnh đạo xã chăm nom cẩn thận, thường mở cửa vào những dịp đặc biệt để mọi người vào lễ hương.


    Cụ Hồ Thấu là một nhà trí thức cách mạng, nhà thơ tài hoa. Cụ Hồ Thấu, có bút danh Huyền Thông, sinh năm 1918, tại thôn Phú Bông, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước và hiếu học. Ông nội từng tham gia dưới ngọn cờ “Cần Vương cứu quốc”. Nhà thơ Huy Cận từng viết: “Tưởng niệm Hồ Thấu, chúng ta tưởng niệm một nhà thơ tài hoa, xuất sắc bạc mệnh đang đà nảy nở”.


    Các anh hùng cứu nước luôn ở trong tâm thế sẵn sàng không một phút đắn đo khi lấy máu, xương của mình đổi lấy sự tự do cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất, giữ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương mà ông cha đã dày công gây dựng và gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh liên tiếp bùng nổ. Và Nguyễn Văn Trỗi là một trong số những tấm gương tiêu biểu như thế. Ông sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Không chỉ với hành động liều mình hy sinh tính mạng trong vụ cài mìn ở cầu Công Lý năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi còn chịu bao nhiêu cực hình tra tấn, tra khảo của địch, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, quyết không khai một lời nhất định bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm mọi cách vượt ngục để được cùng quân dân tiếp tục chiến đấu. Chính vì vậy anh trở thành người con ưu tú của mảnh đất Quảng Nam là tấm gương yêu nước dũng cảm, bất khuất đáng để thế hệ trẻ bây giờ noi theo.


    Trong cách mạng tháng tám có rất nhiều nhân vật gắn liền với sự kiện này, nhưng mình muốn nhắc tới ba người con tiêu biểu của Quảng Nam đó là:

    • Chủ tịch Võ Chí Công tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Tam Kỳ (nay thuộc huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam; ông mất ngày 8/9/2011. Ông đã tham gia hoạt động cách mạng năm 1930, vào Đảng tháng 5 năm 1935. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và cách mạng tháng tám ông luôn là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt. Ông được đánh giá là "Nhà lãnh đạo tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước".
    • Đồng chí Cao Hồng Lãnh tên thật là Phan Hải Thâm, sinh năm 1906 tại Hội An. Ông mất ngày 26.7.2008 tại Hà Nội, thọ 102 tuổi và có đến 82 năm tuổi Đảng. Ở quê hương Hội An vẫn còn ngôi nhà lưu niệm của ông được chính quyền thành phố thành lập tại số 129 Trần Phú, hiện là điểm di tích tham quan thu hút rất đông du khách. Đây chính là nơi ông tổ chức cuộc họp cộng sản đầu tiên để thành lập hội Thanh niên cách mạng đồng chí ở Hội An vào tháng 10.1927.
    • Cụ Lê Văn Hiến sinh ngày 15/9/1904 trong một gia đình lao động tại Phước Ninh, Đà Nẵng: nguyên quán thôn An Nông, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang tỉnh Quảng Nam nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Ông hoạt động cách mạng sôi nổi từ năm 1927, và tham gia vào nhiều phong trào yêu nước đặc biệt là trong cách mạng tháng tám lừng lẫy. Năm 1977 Lê Văn Hiến về hưu ở tuổi 73, cụ đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người chến sĩ cộng sản, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, về truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, về đức tính giản dị, trung thực, thủy chung và lòng nhân ái.
    • Cuối cùng mình muốn nhắc tới người mẹ Việt Nam anh hùng Mẹ Thứ, một cách đầy trân trọng. Bà là một người mẹ mang trong trong mình nỗi đau 10 cái tang liệt sĩ. Hiếm có bà mẹ nào gánh chịu nhiều khổ đau như mẹ Nguyễn Thị Thứ. 9 người con ruột, một người con rể và một cô cháu ngoại đã lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Với những gì bà đã cống hiến cho Tổ Quốc những người con, người chồng của mình, Đảng và Nhà nước đã đồng ý xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ và những người con bên cạnh. Công trình đã được khởi công vào ngày 27/7/2009, tại Núi Cấm thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, Tp. Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam.

    Với tinh thần kiên quyết, tự cường người Quảng luôn đi đầu trong các phong trào kháng chiến chống lại tội ác của bọn cướp nước. Đến bây giờ thế hệ trẻ vẫn luôn giữ trong mình sức lửa nhiệt huyết, phấn đấu học tập tốt để giữ nước và xây dựng đất nước.

    Mẹ Thứ người mẹ Việt Nam anh hùng
    Mẹ Thứ người mẹ Việt Nam anh hùng




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy