Top 10 Câu chuyện về chủ đề thực vật cho bé hay nhất
Trẻ em có nhu cầu khám phá cuộc sống xung quanh rất lớn. Bé muốn biết các loại thực vật xung quanh mình. Mẹ hãy dùng những câu chuyện hay, nhẹ nhàng, dễ hiểu, ... xem thêm...mang tính giáo dục cao giúp con làm tìm hiểu thế giới xung quanh. Và dưới đây Toplist xin gửi đến bạn top các câu chuyện về chủ đề thực vật cho bé hay nhất để bố mẹ có thể tham khảo.
-
Gói hạt kỳ diệu
Bé Vinh đang chơi với gọi hạt rau. Trông những cái hạt giống như những viên bi nhỏ xíu, Vinh nghĩ: “Bi như thế này thì bắn thế nào được!”. Vừa lúc đó, bà đi làm về, thấy Vinh nghịch rau liền bảo:
Sao cháu lại lấy cái này ra chơi? Đây là hạt rau để bà trồng lấy rau tươi cho cả nhà ăn đấy!
Vinh ngạc nhiên quá, thầm nghĩ: “Sao những hạt bé nhỏ này lại cho những cây rau tươi được nhỉ?”. Thấy Vinh ngạc nhiên, bà nói:
– Đây là hạt rau. Khi ta cho hạt rau vào nước ngâm rồi gieo xuống đất, hạt sẽ nảy mầm và trở thành rau tươi đấy!
– Vậy bà mang hạt gieo xuống đất đi bà!
– Được rồi, chiều nay bà sẽ gieo hạt ngay!
Vinh rất nóng lòng muốn biết bà gieo hạt như thế nào. Buổi chiều hôm ấy, bà cuốc và làm nhỏ đất trong vườn. Vinh cũng theo bà ra vườn và giúp bà nhặt cỏ rồi xem bà trồng rau.
Từ hôm đó, ngày nào bà cũng tưới nước, còn Vinh ra ngó xem cây rau đã mọc chưa. Một ngày hai ngày, rồi ba ngày…, ngày thứ tư, những cây rau nhỏ xíu đã nhú lên khỏi mặt đất. Vinh vui sướn chạy vào khoe với cả nhà. Đối với Vinh, đó thật là một điều kì diệu.
Sáng chủ nhật, bà ngoại ở dưới quê lên chơi, Vinh dẫn bà ra tận vườn để ngắm những cây rau bé xíu.
Hôm đó, Vinh theo bà ngoại về quê chơi. Nửa tháng sau, Vinh mới từ quê lên.
Vừa về đến nhà, Vinh đã chạy ra ngoài vườn. Ôi, kỳ lạ quá! Những cây rau nhỏ xíu không còn nữa mà thay vào đó là một luống rau xanh mơn mởn. Vinh chạy vào nhà hỏi bà:
– Bà ơi, những cây rau nhỏ xíu đâu rồi ạ?
– Bà cười nhìn Vinh thật âu yếm:
– Những cây bé xíu được sự chăm sóc của mẹ cháu, bây giờ đã thành những cây rau tươi tốt rồi đấy!
Bữa cơm hôm ấy có đĩa rau xanh, mẹ nói đấy chính là rau bà trồng trong vườn nhà. Vinh ăn rất nhiều và cảm thấy rất vui vì Vinh đã hiểu ra: Chính bà và mẹ đã làm ra điều kì diệu biến gói hạt nhỏ xíu thành đĩa rau xanh.
-
Nhổ củ cải
Ngày xửa, ngày xưa có hai ông bà già và một cô cháu gái sống trong ngôi nhà bằng gỗ bên cạnh manh vườn xinh xắn. Trong nhà còn có một con Chó, một con Mèo và một chú Chuột nhắt.
Vào mùa thu, ông già mang về một cây củ cải nhỏ và trồng trong vườn. Ngày ngày, ông ra sức chăm chút cho cây. Sáng nào ông cũng cho cây cải uống một gáo nước. Chiều nào ông cũng bắt sâu, nhổ cỏ cho cây. Cây cải cũng không phụ lòng tốt của ông, nó lớn nhanh như thổi. Chẳng bao lâu nó trở thành một cây cải khổng lồ, to chưa từng thấy.
Một buổi sáng, ông già ra vườn định nhổ củ cải về cho bà già và cháu gái. Ông nhổ mãi, nhổ mãi mà cây cải không hề nhúc nhích. Ông gọi bà già: "Bà già ơi! Mau lại đây! Mau giúp tôi nhổ củ cải!"
Bà già liền chạy lại, bà túm áo ông, ông nắm cây cải nhổ mãi, nhổ mãi vẫn không được. Bà già gọi cháu gái: "Cháu gái ơi! Mau lại đây! Mau giúp bà nhổ củ cải!" Cháu gái liền chạy lại kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm cây cải nhổ mãi, nhổ mãi chẳng ăn thua gì.
Cháu gái gọi Chó con: "Chó con ơi! Mau lại đây! Mau giúp tôi nhổ củ cải!". Chó con chạy lại ngậm lấy bím tóc của cháu gái. Cháu kéo áo bà ba, bà túm áo ông, ông nắm cây cải. Kéo mãi nhổ mãi cây cải vẫn nằm ì ra.
Mèo con gọi Chuột nhắt: "Chuột nhắt ơi! Mau lại đây! Mau giúp tôi nhổ củ cải!" Chuột nhắt chạy lại, bám đuôi Mèo, Mèo cắn đuôi Chó, Chó ngậm biếm tóc cháu gái, cháu gái kéo áo bà, bà túm áo ông, ông nắm cây cải. Một, hai, ba… Cây cải gan lì đã bị kéo lên khỏi mặt đất.
Tất cả sung sướng, nhảy múa quanh vây cải:
"Nhổ cải lên! Nhổ cải lên!
Ái chà chà! Lên được rồi!" -
Sự tích hoa Cát Tường
Sự tích hoa Cát Tường là câu chuyện cổ tích Việt Nam cảm động kể về tình mẫu tử thiêng liêng, cao đẹp của một người mẹ đã hy sinh hết mình về con cái.
Ngày xưa, có hai mẹ con nọ sống đầm ấm trong một ngôi nhà tạm bợ. Ngày ngày, người mẹ đi làm thuê để nuôi đứa con trai ăn học.
Bà chỉ mong sau này con đỗ đạt để được nương tựa tấm thân già. Không phụ lòng mong mỏi của bà, đứa con ngày càng học giỏi, nổi tiếng là thần đồng khắp cả vùng. Không những thế, cậu ta sống vui vẻ với mọi người và rất có hiếu với mẹ. Trong làng, gia đình nào cũng mơ ước có được đứa con như vậy.
Một ngày nọ, bỗng nhiên cậu ta lăn đùng ra tắt thở. Người mẹ vật vã, khóc chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Bà khóc đến nỗi khô cả nước mắt. Dân làng rất tiếc thương cho mạng số ngắn ngủi của cậu bé và xót xa cho nỗi khổ đau của người mẹ. Muôn lời xẻ chia, vạn lời an ủi cũng không xoa dịu được sự trống vắng mênh mông trong trái tim người mẹ.
Người mẹ đến gặp Đức Phật Như Lai cầu mong Ngài hãy rủ lòng từ bi giúp cho con bà sống lại. Sau những thời khắc đắn đo, Ngài bảo chỉ có một loài hoa tên là Cát Tường mới có thể giúp con bà sống lại được. Khi nào bà tìm được loài hoa ấy thì Ngài sẽ giúp cho.
Người mẹ khăn gói lên đường. Bà bôn ba khắp xóm này, làng nọ, từ miền biển mênh mông cát trắng đến những nơi thâm sơn cùng cốc, đâu đâu cũng có dấu chân bà. Và cũng tiếc thay, không nơi nào người ta biết có loài hoa “may nắn, tốt lành” ấy. Hy vọng vơi dần, sức cùng lực kiệt, một ngày kia người mẹ gục ngã bên một con đường vẫn còn mịt mù phía trước. Bà không bao giờ đứng dậy được nữa. Xác bà biến thành một loài hoa mà người ta chưa bao giờ thấy.
Cảm thông cho câu chuyện của bà, người ta đặt tên cho loài hoa ấy tên là hoa Cát Tường.
-
Truyện cây khế
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm. Khi người anh lấy vợ, người anh không muốn ở chung với em nữa, nên quyết định chia gia tài. người anh tham lam chiếm hết cả nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho cây khế và cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.
– Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường, cành nào cũng trĩu quả ngọt, vàng ruộm. người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi mừng thầm tính chuyện bán khế lấy tiền đong gạo.
– Một hôm, có con chim phượng hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế, người em vác gậy đuổi chim và nói.
– Này chim! Ta chỉ có duy nhất một cây khế này, và ta đã khó nhọc chăm sóc đến ngày hái quả. Nay nếu chim ăn hết ta chẳng có gì để bán đi mua gạo. Vậy nếu chim muốn ăn hãy mang trả ta vật gì có giá.
– Chim vừa ăn vừa đáp:
Ăn một qủa, trả cục vàng
May túi ba gang, mang theo mà đựng
Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để chim ăn. Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế. Ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Chim bay mãi, bay mãi qua núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim phượng hoàng bảo lấy thêm, người em cũng không lấy. Xong xuôi, người em trở về nhà.
– Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc giúp đỡ những người nghèo khổ. Người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt, người em cũng đồng ý đổi cho anh. Thế là người anh chuyển sang nhà người em.
– Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, chim phượng hoàng lại tới ăn. người anh giả vờ khóc lóc, chim bèn nói:
Ăn một qủa, trả cục vàng
May túi ba gang, mang theo mà đựng
Người anh mừng quá, giục vợ may túi không phải 3 gang mà là 12 gang để đựng được nhiều vàng. Hôm sau chim phượng hoàng đưa người anh đi lấy vàng. Vừa đến nơi, người anh đã vội vàng vơ lấy vàng bỏ vào túi, lại còn giắt thêm đầy vàng bỏ vào người. Chim cố sức bay nhưng đường thì xa mà vàng thì nhiều nên nặng quá. Mấy lần chim bảo người anh vứt bớt vàng đi cho nhẹ nhưng người anh vẫn khăng khăng ôm lấy túi. Chim phượng hoàng bực tức, nó nghiêng cánh hất người anh tham lam xuống biển.
-
Truyện trái cây trong vườn
Bé Na bừng tỉnh khi tiếng Gà Trống gáy “Ò…ó…o…”. Bé mở tròn đôi mắt ngắm nhìn ông Mặt Trời buổi sớm chiếu những tia nắng đầu tiên xuống khu vườn. Bé Na thầm hỏi: “Bây giờ là mùa nào nhỉ?”.
Chị Bướm bay qua tung đôi cánh mềm như nhung, khẽ nói:
– Bé Na ơi, em ngủ lâu quá nên không biết bây giờ sắp sang thu rồi đấy! Em hãy nhìn kìa, bầu trời trong xanh, những đám mây trắng nhởn nhơ bay lượn, không khí mát dịu, thật là thoải mái.
Bé Na nìn quanh, xung sướng reo lên:
– Ôi, trái cây trong vườn mới đẹp làm sao!
Bé đưa mắt nhìn quanh: Ông Chuối Tiêu đang chăm những quả chuối mập vàng; bà Hồng Xiêm quanh năm cần mẫn với chiếc áo nâu bạc phếch; cô Vú Sữa tròn trịa e ấp giấu mình trong những tán lá tím sẫm với những hạt sương long lanh muôn sắc màu bởi ánh nắng mặt trời buổi sớm; kia nữa, các cô bướm chuẩn bị những chiếc áo vàng tươi như đi xem hội và chị Hồng mới rực rỡ làm sao trong chiếc áo màu đỏ; còn những anh Roi Đường nghịch ngợm đu tít trên cành cao với bao trò chơi con trẻ.
Bé Na thầm nghĩ: “Cả nhà mình, mình cũng lớn hơn nhiều rồi, các mắt của mình đều đã mở to tròn rồi đấy”.
Tất cả…tất cả đều chờ mùa thu tới để đón cô trăng xuống vui đêm Trung thu cùng cây trái trong vườn.
-
Búp măng non
Bé đã bao giờ nhìn thấy tre chưa? Cây tre mọc thẳng, dáng cao cao, lá nhòn nhọn, trông rất đẹp. Bất kể trời gió lớn mưa to, tre vẫn thẳng vút, không bao giờ ngả nghiêng.
Từ dưới gốc, tre mẹ sinh ra rất nhiều tre con. Tre con ngủ say dưới lòng đất, người ta thường gọi chú là măng
Một ngày kia, ông Thiên Lôi trên trời gõ chiếc trống lớn “Thì thùng! Thì thùng! Đì đùng! Đì đùng!” làm cho đám măng nhỏ tỉnh giấc.Những giọt mưa li ti lất phất thấm nhẹ xuống mặt đất. Khi làn nước mưa thấm đến thân mình, đám măng non uống nước mưa thật no. Sau đó, chúng cựa quậy, cựa quậy rồi dùng sức đâm xuyên lên mặt đất.
Có một chú Măng non súc lực khỏe mạnh, thân hình mập mạp, tròn trịa. Chú mặc rất nhiều lớp áo. Măng non lớn rất nhanh, nhưng khi chuẩn bị vươn lên khỏi mặt đất thì chú cảm thấy như có cái gì đó đang cản mình lại.
Một bạn Giun đất trườn qua, nói :
– Măng non ơi! Có một hòn đá to phía trên đầu bạn đấy!
– Thế à? Tớ biết làm thế nào bây giờ?
Giun đất đáp:
– Bạn thử tìm một lối khác để vươn lên mặt đất xem sao.
Măng non bắt đầu tìm đường bên cạnh hòn đá để đâm xuyên lên khỏi mặt đất. Nó lấy hết sức mình nhích lên phía trước, song càng nhích, nó càng mệt…Măng non nản quá.
Tre mẹ biết vậy, liền động viên Măng non:
– Con của mẹ! Hãy dũng cảm lên! Gặp khó khăn thì phải tìm cách vượt qua con ạ!
Măng non cố suy nghĩ, cuối cùng, chú tìm ra được một cách. Chú chuyển mình men theo mạch nước mưa thấm xuống. Lối đó đất mềm và trơn hơn. Thế là chú cố sức nhích lên.
A! Xuyên qua mặt đất rồi. măng non hít thật sâu luồng không khí trong lành, lòng vui phơi phới.
Một bạn Chim Sẻ bay tới nhảy trên mặt đất tìm mồi. Thấy Măng non từ khe đất nhú lên, Chim Sẻ khâm phục nói:
– Măng non ơi, bạn giỏi quá!
Măng non cảm thấy thật vui và tự hào. Măng non cùng với các bạn khác được ông mặt trời chiếu sáng và lớn lên mạnh mẽ. Từ búp Măng non, chú đã trở thành cây tre nhỏ giống như mẹ. Những cây tre nhỏ sẽ hợp thành một rừng tre mới. -
Cây Gạo bên hồ
Bên bờ hồ có một cây Gạo xòe tán lá trên mặt nước. Một hôm, có hai chú chim đến đậu trên cành, một chú có bộ lông đỏ, một chú có bộ lông vàng. Chim vàng nói với chim đỏ:
– Loài Chim chúng mình thích thật, được bay đi khắp nơi, được nhìn thấy bao nhiêu thứ. Cứ như Bác Gạo này chỉ đứng một chỗ thì chẳng biết được gì.
– Không đâu! Tuy loài cây chỉ đứng một chỗ nhưng họ cũng biết nhiều điều lắm! – Chim đỏ đáp.
Bỗng có tiếng cây Gạo cất lên, rì rào trong gió:
– Này, các cháu, trốn mau đi, chim Cắt đến đấy!
Chim đỏ bay vù đi, còn chim vàng thì cười khẩy:
– Hừ, cái bác gàn dở này, biết quái gì!
Chim vàng chưa nói dứt câu thì Chim Cắt đã sà xuống. May thay, vì vướng cành của cây Gạo nên chim Cắt chỉ làm rụng một túm lông của chim vàngHai hôm sau, hai chú chim lại đến đậu trên cây gạo và nói chuyện với nhau:
– Chúng mình sang bên kia sông đi, nghe nói ở đó có nhiều châu chấu lắm!
– Nhưng sông rộng thế, bay qua mỏi cánh rơi xuống nước mất.
Cây Gạo lại lên tiếng:
– Các cháu bay ngược dòng một quãng sẽ thấy một hòn đảo nhỏ nổi ở giữa sông. Các cháu đỗ xuống đó mà nghỉ cánh rồi lại bay tiếp sang sông.
Chim đỏ nói: "Cảm ơn bác!” Rồi bay theo hướng đó. Chim vàng nghĩ: “Việc gì mình phải nghe theo bác ta!”. Thế rồi nó bay thẳng sang sông nhưng mỏi cánh quá, mấy lần suýt rơi xuống nước. Ngày hôm sau nữa, hai chú chim lại đến. Cây Gạo hỏi chim vàng;
– Các cháu bay đi nhiều nơi, biết nhiều, thế có biết ngày kia sẽ xảy ra việc gì không?
Chim vàng trả lời:
– Ngày mai hay ngày kia cũng thế, trời đẹp, chúng cháu bay nhảy và ca hát, thế thôi!
Cây Gạo ôn tồn:
– Ngày kia trời trở rét. Các cháu nên tìm mồi dự trữ mấy hôm.
Chim đỏ vội vả làm theo lời cây Gạo. Nó đi bắt sâu, nhặt hạt, tha về tổ để dự trữ cho mấy ngày rét. Còn chim vàng vẫn nhở nhơ rong chơi.
Quả nhiên, hai hôm sau, gió mùa tràn về, suốt ngày mưa rét. Chim vàng nằm bẹp rong tổ, vừa run, vừa đói, suýt nữa lả đi, may có chim đỏ mang thức ăn đến cho. Lần này, chim vàng mới chịu phục là cây Gạo nói đúng.
Khi trời nắng ấm, hai chú chim lại đến với cây Gạo. Chim đỏ hỏi cây Gạo:
– Cả ngày bác chỉ đứng một chỗ, sao chuyện gì bác cũng biết?
– Bác có rất nhiều bạn bè. Bác học mỗi người một chút. Này nhé, mặt hồ nước giúp bác nhìn thấy chim Cắt trên trời, đàn chim Cốc rất thạo sông hồ đêm về ngủ ở đây kể chuyện sang sông, cón các cô Ngỗng Trời di cư từ phương bắc xa xôi, mỗi lần đến nhà bác trú chân lại báo tin trời rét…
– Ôi, thế mà cháu cứ tưởng…cháu xin lỗi bác! – Chim vàng hối hận nói
Từ đấy, hai chú chim trở thành những người bạn thân của cây Gạo -
Sự tích hoa đào
Ngày xưa, ở phía Ðông núi Sóc Sơn, Bắc Việt, có một cây đào mọc đã lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng rậm che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây đào khổng lồ này, tỏa rộng uy quyền che chở cho dân chúng khắp vùng.
Quỹ dữ hay ma quái nào bén mãng lui đến ắt khó mà tránh khỏi sự trừng phạt của 2 vị thần linh. Ma quỷ rất khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần, đến nỗi sự luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành đào là bỏ chạy xa bay.
Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Luỹ phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, 2 thần vắng mặt ở trần gian, ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái.
Ðể ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã đi bẻ cành đào về cắm trong nhạ Ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, để xua đuổi ma quỷ.
Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành đào về cắm trong nhà trừ ma quỵ Lâu dần, người Việt quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này, không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa. Ngày nay, hoa đào hoa mai tươi thắm khắp nhà nhà vào dịp Tết, và sắc giấy đỏ hồng điều với câu đối hoà hợp được trang trí mấy ngày Xuân trong không khí vui vẻ, trong sáng.
-
Truyện cây táo
Ngày xửa ngày xưa, có một cây táo rất to. Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo mỗi ngày. Nó leo lên ngọn cây hái táo ăn, ngủ trưa trong bóng râm. Nó yêu cây táo và cây cũng rất yêu nó. Thời gian trôi qua, cậu bé đã lớn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày.
Một ngày nọ, cậu bé trở lại chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu, cây táo reo to:
– Hãy đến chơi với ta.
– Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa. Cháu chỉ thích đồ chơi thôi và cháu đang cần tiền để mua chúng.
– Ta rất tiếc là không có tiền, nhưng cậu có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi cậu sẽ có tiền.
Cậu bé rất mừng. Nó vặt tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi. Cây táo lại buồn bã vì cậu bé chẳng quay lại nữa.
Một hôm, cậu bé – giờ đã là một chàng trai – trở lại và cây táo vui lắm:
– Hãy đến chơi với ta.
– Cháu không có thời gian để chơi. Cháu còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một mái nhà để trú ngụ. Bác có giúp gì được cháu không?
– Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng cậu có thể chặt cành của ta để dựng nhà.Và chàng trai chặt hết cành cây. Cây táo mừng lắm nhưng cậu bé vẫn chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.
Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ đã là người có tuổi – quay lại và cây táo vô cùng vui sướng.
– Hãy đến chơi với ta.
– Cháu đang buồn vì cảm thấy mình già đi. Cháu muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Bác có thể cho cháu một cái thuyền không?
– Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền. Rồi cậu chèo ra xa thật xa và sẽ thấy thanh thản.
Chàng trai chặt thân cây làm thuyền. Cậu chèo thuyền đi.
Nhiều năm sau, chàng trai quay lại.
– Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho cậu nữa. Không còn táo.
– Cháu có còn răng nữa đâu mà ăn.
– Ta cũng chẳng còn cành cho cậu leo trèo.
– Cháu đã quá già rồi để mà leo trèo.
– Ta thật sự chẳng giúp gì cho cậu được nữa. Cái duy nhất còn lại là bộ rễ đang chết dần mòn của ta – cây táo nói trong nước mắt.
– Cháu chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ ngồi nghỉ. Cháu đã quá mệt mỏi sau những năm đã qua.
– Ôi, thế thì cái gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho cậu ngồi dựa vào và nghỉ ngơi. Hãy đến đây với ta.
Chàng trai ngồi xuống và cây táo mừng rơi nước mắt.
Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta. Cây táo là cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta còn trẻ, ta thích chơi với cha mẹ. Khi lớn lên, chúng ta bỏ họ mà đi và chỉ quay trở về khi ta cần họ giúp đỡ. Bất kể khi nào cha mẹ vẫn luôn sẵn sàng nâng đỡ chúng ta để ta được hạnh phúc. Ta phải sống sao cho trọn đạo làm con. -
Sự tích cây Thì Là
Sự tích cây Thì Là là truyện dân gian Việt Nam, kể về nguồn gốc tên gọi của các loài cây cũng như bài học về sự hấp tấp, nôn nóng trong cuộc sống.
Ngày xưa, cây cối trên trái đất đều chưa có tên gọi. Trời bèn gọi các cây lên để đặt cho mỗi loại cây một cái tên. Nghe tin đó, đám cây cối mừng lắm và mỗi loại đều cử một cây lên trời để nhận tên.
Lên đến trời, trên một bãi rộng, các cây to, nhỏ, cao, thấp đứng chen chúc nhau. Trời ngồi trên một gò cao, lần lượt đặt tên cho các cây to rồi đến cây nhỏ. Trời trỏ tay vào từng cây và đặt tên:
– Chú thì ta đặt tên cho là cây dừa;
– Chú thì ta đặt tên cho là cây cau;
– Chú thì đặt tên cho là cây mít;
– Chú thì tên là cây nhãn;
– Chú thì tên là cây hồng…
Trời nói mãi, mỏi cả mồm mà vẫn chưa hết.
Vì vậy, lúc đầu trời còn nói câu dài. Về sau, trời chỉ nói vắn tắt:
– Chú thì là cây cải;
– Chú là cây ớt;
– Chú là cây tỏi…
Khi tất cả các loài cây đều đã có tên, trời tưởng hết, bỗng còn một cây tiến đến chỗ trời để xin đặt tên. Trời nhìn thấy một cây nhỏ xíu như que hương, thân mảnh khảnh, lá lăn tăn. Trời hỏi:
– Chú bé tí xíu, có ích gì mà cũng xin đặt tên?
Cây nhỏ liền thưa:
– Thưa Trời, con rất có ích. Khi nấu canh riêu cá hoặc làm các món ăn như chả cá, chả mực mà không có con thì mất cả ngon.
Trời liền bảo:
– Ừ, ta sẽ nghĩ cho một cái tên. Tên chú thì… là…
Trời còn đang suy nghĩ, chưa biết nên đặt tên là gì, khi nhìn xuống thì cây nhỏ đã chạy đi xa rồi. Nó mừng rỡ nói với bạn bè: Trời đặt cho tôi là cây “Thì Là“!