Top 20 Câu chuyện ý nghĩa nhất về cuộc sống bạn nên đọc
Cuộc sống là một cuộc hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ, xung quanh ta có những điều hết sức nhỏ nhoi nhưng lại là những giá trị vô cùng quý báu. Dưới đây là ... xem thêm...top các câu chuyện khiến bạn suy ngẫm và trân trọng cuộc sống của mình hơn.
-
Có một học trò hỏi thầy mình rằng:
- Thưa thầy, giá trị của cuộc sống là gì ạ?
Người thầy lấy một hòn đá trao cho người học trò và dặn:
- Con đem hòn đá này ra chợ nhưng không được bán nó đi, chỉ cần để ý xem người ta trả giá bao nhiêu.
Vâng lời thầy, người học trò mang hòn đá ra chợ bán. Mọi người không hiểu tại sao anh lại bán một hòn đá xấu xí như vậy. Ngồi cả ngày, một người bán rong thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá một đồng. Người học trò mang hòn đá về và than thở:
- Hòn đá xấu xí này chẳng ai thèm mua. Cũng may có ngườihỏi mua với giá một đồng thầy ạ.
Người thầy mỉm cười và nói:
- Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào tiệm vàng và bán cho chủ tiệm, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán.
Người học trò rất bất ngờ khi chủ tiệm vàng trả giá hòn đá là 500 đồng. Anh háo hức hỏi thầy tại sao lại như vậy. Người thầy cười và nói:
- Ngày mai con hãy đem nó đến chỗ bán đồ cổ. Nhưng tuyệt đối đừng bán nó, chỉ hỏi giá mà thôi.
Làm theo lời thầy dặn, sau một hồi xem xét thì anh vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Anh vẫn nhất quyết không bán và vội về kể lại với thầy. Lúc này người thầy mới chậm rãi nói:
- Hòn đá thực chất chính là một khối ngọc cổ quý giá, đáng cả một gia tài, và giá trị cuộc sống cũng giống như hòn đá kia, có người hiểu và có người không hiểu. Với người không hiểu và không thể cảm nhận thì giá trị cuộc sống chẳng đáng một xu, còn với người hiểu thì nó đáng giá cả một gia tài. Hòn đá vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế, điều duy nhất tạo nên sự khác biệt là sự hiểu biết của con và cách con nhìn nhận cuộc sống.Bài học: Mỗi người có một cách “định giá” khác nhau về thành công hay hạnh phúc. Hãy tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người và làm cho đời mình trở nên giá trị theo cách của mình. Chỉ có bạn mới quyết đinh được cuộc sống của bạn
-
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy,...
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm:
“Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ.” Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì - nó chết dần chết mòn. Trong khi đó, hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới...
Bài học: Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ - đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai. Trước cánh đồng cuộc đời bao la này tôi hy vọng chúng ta mỗi người sẽ có những sự lựa chọn cho riêng bản thân mình. -
Con nhái ở bên ruộng nói với con nhái ở bên vệ đường: “Anh ở đây quá nguy hiểm, dọn qua chỗ tớ mà ở.” Con nhái ở bên đường trả lời: “Tớ đã quen rồi, hơn nữa, cũng thấy ngại, làm biếng không muốn dọn nhà.” Mấy ngày sau con nhái ở bên ruộng đi thăm con nhái ở bên đường, phát hiện nó đã bị xe chạy ngang qua cán chết rồi, xác nằm bẹp dí bên đường đi.
Bài học: Vận mệnh bạn nằm trong tay bạn, bạn sẽ chỉ tồn tại nếu không bước đi. Thời gian sẽ chẳng chờ đợi ai con đường của bạn do bạn quyết định, sống làm sao để khỏi sống hoài sống phí.
-
Vào những ngày hè, Kiến vừa đi dạo hết cánh đồng vừa thu nhặt các hạt lúa mì, lúa mạch để dự trữ lương thực cho mùa đông. Bọ Rầy thấy thế liền chế giễu Kiến phải làm chi cho cực trong lúc các loài vật khác được nghỉ ngơi vui chơi, đắm say vào các cuộc hội hè. Kiến vẫn cứ lặng thinh làm việc. Khi mùa đông đến, trời mưa dầm dề, Bọ Rầy không tìm được thức ăn, đói lả, bèn đến hỏi Kiến vay lương thực. Kiến bảo: "Chị Bọ Rầy ạ, giá trước đây chị cứ lo làm, đừng quở trách gì tôi thì bây giờ đâu đến nỗi chị phải chịu ngồi đói meo!".
Bài học: Cuộc đời sẽ không bao giờ thuận lợi mãi, công việc hôm nay có thể tốt nhưng ngày mai chưa biết được. Sức khỏe hôm nay còn đủ tốt nhưng mai có thể mất, vì thế chúng ta cũng luôn cần tiên liệu trước và có sự dự phòng cho rủi ro. Có thế mới thật sự có sự đảm bảo cho cuộc sống này.
-
Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên. Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi.
Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời bình luận đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết.
Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc và ngã lăn ra chết trong sự tuyệt vọng.
Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: "Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao?". Thì ra con ếch này bị nặng tai. Nó tưởng cả bầy ếch đã động viên nó suốt khoảng thời gian vừa qua.
Bài học: Đừng vì bất cứ lời nói nào của người nào khác mà từ bỏ nỗ lực của bản thân. Nhiều khi thành công chỉ cách bạn một chút xíu và chỉ cần thêm chút cố gắng nữa mà thôi.
-
Lừa và La cùng đi đường. Hai con cùng chở hàng bằng nhau. Lừa càu nhàu là La cũng mang bằng nó nhưng nhận phần thức ăn gấp đôi. La lẳng lặng không nói gì. Được một quãng, Lừa thấm mệt.
Người chủ hàng lấy bớt một phần hàng trên lưng Lừa chuyển sang cho La. La không phàn nàn gì, tiếp tục đi. Được một quãng đường nữa, Lừa càng đuối sức. Chủ hàng lại lấy thêm hàng chuyển sang cho La. Trên lưng Lừa hầu như chẳng còn hàng hoá gì nữa, lẽo đẽo đi sau, vừa đi vừa thở hổn hển. Khi ấy, La quay lại bảo Lừa:
– Này bạn thân mến, tôi đáng được hưởng gấp đôi phần ăn đấy chứ?
Bài học: Khi chúng ta phán xét hay nhận định một vấn đề nào đó, nó không nằm ở khi bắt đầu mà là ở khi kết thúc.
-
Trong 1 lần, con cáo và con cò đã có cuộc ghé thăm nhau và chúng dường như rất thân với nhau. Rồi con cáo cũng đã mời cò ăn tối và có một trò đùa nhỏ trước mặt cò là cho súp vào một cái chén cạn.
Con cáo rất dễ dàng để hớp thức ăn, nhưng con cò thì chỉ có thể chấm ướt phần đầu của cái miệng dài và cuối cùng thức ăn vẫn còn còn nguyên như lúc cò mới bắt đầu ăn.
Cáo nói "Tôi xin lỗi, món súp không phải là món bạn yêu thích ư".
"Bạn nên cầu nguyện chứ đừng xin lỗi," Cò nói "Tôi hy vọng lần sau sẽ sớm tới lượt bạn ghé thăm và ăn tối với tôi nha".
Rồi một ngày được định sẵn cáo sẽ tới thăm cò, nhưng khi họ ngồi xuống bàn thì tất cả đồ ăn cho buổi tối của họ như được đựng trong một cái lọ có cổ rất dài với miệng hẹp.
Cáo không thể thưởng thức vì vậy tất cả những điều mà anh ta có thể làm là liếm bên ngoài cái lọ.
"Tôi sẽ không xin lỗi vì bữa tối." Cò nói.
Bài học: Gieo nhân nào gặp quả đấy. Khi bạn gây ra một điều tồi tệ với người khác sẽ có một điều tồi tệ tương tự sẽ đến với bạn
-
Một con Quạ, đen như than, nó ganh ghét với một con Thiên Nga, vì bộ lông của Thiên Nga luôn trắng đẹp như bông.
Quạ ngu ngốc một hôm bỗng nảy ra một ý nghĩ rằng nếu nó cứ sống như Thiên Nga, tức là cứ bơi lội và vùng vẫy suốt ngày trong nước, và ăn cây cỏ rong rêu mọc dưới nước, ắt bộ lông nó sẽ trắng ra như bộ lông của Thiên Nga vậy. Thế là Quạ liền bỏ rừng bay về vùng sông hồ và đầm lầy để sống.
Nhưng dù cho nó ra sức tắm giặt suốt ngày này qua ngày khác bộ lông của nó vẫn cứ đen như ngày nào vậy.
Và khi rong rêu trong nước ăn vào không phù hợp với cái dạ dày của nó, nó càng ngày càng gầy đét, và cuối cùng, ngã lăn ra chết.
Bài học: Đừng vì ảo tưởng những thứ mình không thể có mà có những hành động ngu ngốc đến cuối cùng cùng thiệt thòi sẽ là bản thân mình.
-
Có hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang dã. Hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết định thay đổi thân phận với nhau. Lúc mới bắt đầu, cả hai đều vô cùng vui vẻ, nhưng không lâu sau đó, hai con hổ đều chết cả: Một con vì đói mà chết, một con u sầu mà chết.
Bài học: Có những lúc, mọi người nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh phúc của chính bản thân mình, để rồi luôn để mắt đến hạnh phúc của những người khác. Thật ra, những gì mà bạn đang có chính là những điều mà người khác phải ngưỡng vọng.
Cuộc đời là thế, nhiều chuyện xảy ra theo cách không thể ngờ tới, hy vọng sau khi đọc những câu chuyện này, mọi lúc mọi nơi ai cũng có thể tự nhắc nhở bạn thân mình vậy.
-
Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Tiểu Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đã đứng ra nói mọi người rằng: "Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng: "Hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!". Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.
Bài học: Thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào, mà là cần để cho người ta biết được rằng nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn.
-
Một buổi chiều nọ, có một chú cáo đang dạo bước trong rừng và chú phát hiện ra một chùm nho treo lơ lửng trên cành cây cao. Cáo thèm tới mức nước bọt cứ trào ra hai bên mép.
"Thứ này sẽ làm dịu cơn khát của mình đây", chú nghĩ.
Lùi lại vài bước, chú cáo phóng người lên nhưng không hái được chùm nho nào mà chỉ tới lá nho mà thôi. Một lần nữa, chú cáo lại lùi lại vài bước và cố gắng để hái được chùm nho nhưng vẫn thất bại. Cáo ta tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể với tới được chùm nho.
Cuối cùng, bỏ cuộc, chú cáo hếch mũi lên và nói: "Dù gì thì cũng chỉ là những trái nho chua mà thôi", rồi cứ thế bỏ đi.
Bài học: Thật dễ dàng để coi thường những gì bạn không thể có được. Một số người khi không có được thứ gì đó liền nói thứ đó không ra gì cả. Thực tế thì chỉ là vì khả năng của mình có giới hạn không thể có được nhưng đành lấy cớ, tự dối lòng mình để tự biện minh.
-
Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu. Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do.
- Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn.
Đây, thầy nhìn nhé. Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước.
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
- Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?
- Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.
Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:
- Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?
- Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không cho em nữa... Cậu bé trả lời.
Bài học: Chắc chắn khi đọc đến đây bạn sẽ thấy cậu bé kia tỏ ra ngờ nghệch mà không hẳn là vậy. Người ta thường nói: "Ngu mà tỏ ra nguy hiểm thì không có gì phải sợ, đáng sợ là người nguy hiểm mà tỏ ra ngu". Vì vậy, đừng xem thường người đối diện với bạn. Bởi người đối diện với bạn chưa chắc đã ngu như bạn nghĩ... Truyện cực ngắn về đồng xu khiến bạn xem xét lại cách nhìn đối với người đối diện... -
Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.
Đầu tiên, tiều phu ra câu đố:
"Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?".
Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
"Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm:
"Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.
Bài học: Trong cuộc sống, nhiều người hay tỏ vẻ là mình trí tuệ, thông minh hơn người và tỏ vẻ coi thường những người ít học, học thấp hơn họ. Tuy nhiên đôi lúc, sự tự phụ quá tự tin của họ sẽ khiến họ bị lâm vào những tình huống "dở khóc dở cười". Họ không biết một điều rằng "thông minh sẽ hại thông minh", người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao. Lẽ vậy ở đời, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn đáng được tôn trọng. Truyện cực ngắn về người tiều phu khiến chúng ta phải suy nghĩ về đức tính khiêm tốn.
-
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.
Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: "Em à, anh thích bánh mì cháy mà."
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
"Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy."
Rồi ông nói tiếp: "Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.
Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó."
Bài học: Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách cảm thông đối với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng... sẽ giúp bạn có một cuộc sống dung hòa xung quanh. Sự cảm thông - bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Truyện cực ngắn Miếng bánh mì cháy là bài học về sự cảm thông giữa con người với con người.
-
Chị vợ đang nấu nướng trong nhà bếp, anh chồng cứ đứng bên lải nhải không ngừng:
- Chậm thôi! Cẩn thận! Lửa lớn quá! Mau lên! Lật cá đi! Ôi cho nhiều dầu quá!
Chị vợ nói: Em biết phải nấu nướng thế nào mà!
Anh chồng: Em đương nhiên là biết, bà xã. Anh bình tĩnh nói tiếp:
- Anh chỉ là muốn em biết, khi anh lái xe, em ở bên lải nhải không ngừng và em sẽ hiểu cảm giác của anh thế nào thôi!
Bài học: Học cách thông cảm cho người khác không khó, chỉ cần bạn nghiêm túc đứng ở góc độ và lập trường của đối phương để nhìn nhận vấn đề. Bởi khi bạn là họ, bạn mới hiểu tất cả những hành động của họ ở mọi góc độ. Đừng vội suy xét và kết luận sự việc khi chưa rõ mọi vấn đề. Thấu hiểu người khác thay vì phàn nàn họ là bài học rút ra từ truyện cực ngắn này.
-
Ngày xưa, có ông vua cai trị ở một đất nước phồn vinh nọ. Một ngày kia, vị vua đi ngao du sơn thủy. Khi quay trở lại hoàng cung, vị vua phàn nàn chân mình rất đau, bởi vì đây là lần đầu tiên vua phải trải qua một cuộc hành trình dài như thế và chặng đường ông đi lại rất gồ ghề, đá lởm chởm.
Sau đó, vị vua hạ lệnh:
"Cho bọc tất cả con đường trong đất nước lại bằng da. Điều này sẽ dẫn đến việc phải cần hàng ngàn bộ da bò và một số lượng khổng lồ tiền bạc."
Bỗng có một hôm, người vợ của tên hầu nhà vua đã dũng cảm hỏi nhà vua:
"Tại sao ngài lại tốn một số lượng tiền không cần thiết như thế? Tại sao ngài không dùng một miếng da nhỏ để bọc lại chân của ngài?".
Nhà vua ngạc nhiên, nhưng rồi ông cũng đồng ý làm một đôi giày.
Bài học: Chuyện cực ngắn trên đây sẽ giúp cho bạn hiểu: Để có một cuộc sống, một nơi chốn hạnh phúc để sống, tốt hơn là bạn nên thay đổi chính mình, suy nghĩ của bạn, trái tim bạn – chứ không phải bắt thế giới thay đổi bởi "Nếu bạn thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi". Hãy thay đổi chính bạn, bạn sẽ thấy thế giới này đẹp hơn rất nhiều. -
Mỗi lần một chú hươu con ra đời đều là một bài học. Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên.
Cho đến khi thực sự đúng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt.
Bài học: Chuyện cực ngắn về chú hươu cao cổ mới sinh và phương pháp dạy con từ thuở nhỏ của hươu mẹ. Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi chúng phải tự đứng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không sẽ bị trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.Con người chúng ta cũng vậy, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn.
-
Ngày đầu tiên, chú thỏ con đi câu cá, không thu hoạch được gì cả.
Ngày thứ hai, nó lại đi câu cá, kết quả vẫn không đổi.
Ngày thứ ba, nó vừa đến nơi, một con cá lớn từ trong hồ nhảy lên, lớn tiếng quát: "Nếu như ngươi còn dám dùng cà rốt để làm đồ ăn cho cá, ta sẽ làm thịt ngươi".
Bài học: Những gì bạn cho đi đều là những gì bạn muốn cho, chứ nó không nhất định là những gì mà đối phương muốn; thế nên điều bạn cho đi ấy trong con mắt người ta căn bản vốn không có giá trị gì cả. Hãy biết cân nhắc đến người khác để giá trị cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa.
-
Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc dép mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Gandhi khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: "Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!".
Bài học: Đối với nỗi thống khổ đã định sẵn là không thể vãn hồi, chi bằng hãy buông bỏ từ sớm. -
Năm đó, anh đang ngồi đợi bạn trong quán cà phê. Một người con gái bước đến hỏi: "Anh có phải là người mà dì Vương giới thiệu đến để xem mắt hay không?".
Anh ngẩng đầu lên nhìn cô một cái, bất chợt phát hiện đây chính là mẫu người mình thích, lòng nghĩ thầm sao không "lỡ nhầm rồi đã nhầm cho trót luôn", thế là vội vàng đáp: "Đúng vậy, mời ngồi".
Ngày kết hôn, anh liền đem sự thật này nói với vợ, người vợ cười cười một cái, nói: "Em cũng không phải là đến xem mắt, chỉ là mượn cớ để bắt chuyện với anh thôi..."
Bài học: Khi cơ duyên đã đến rồi, thì đừng nên do dự mà hãy nắm chặt lấy nó.